11 tháng 6, 2011

VÀI SUY NGHĨ VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa nho giáo, nơi mà quan niệm về buôn bán không phải là một giá trị được khuyến khích thể hiện trong việc đề cao người quân tử, một mẫu hình con người sống thanh đạm, văn hay chữ tốt cốt cách phong lưu và đặc biệt xa rời những nhu cầu vật chất tầm thường. Nhưng trong lịch sử dân tộc vẫn có những doanh nhân xứng tầm với địa vị là một nhân vật văn hóa, không chỉ thành công trong việc buôn bán giao thương mà vượt lên lợi ích kinh tế là quá trình giao lưu văn hóa thể hiện trách nhiệm xã hội cao cả đối với dân tộc.
Trong thời kỳ Phong kiến, cái giai đoạn được nhiều người nhận định là sự thịnh hành nhất của chính sách “bế quan tỏa cảng” thì vai trò của những nhà buôn đất Việt không chỉ đem đến sự giàu có sung túc cho gia đình mà còn là một nhân tố kích thích nền thương mại, mở đầu cho quá trình giao lưu văn hóa sâu rộng hơn với thế giới phương Tây.
Lịch sử thì luôn tuân theo quy luật khách quan của nó. Khi mà các giá trị văn hóa phương Tây đang có một sức hút mạnh mẽ vươn cái vòi Bạch tuộc của mình đến những vùng đất xã xôi Viễn Đông. Thì sự ảnh hưởng của nó không chỉ là kiểm soát quyền lực nhà nước mà âm mưu về một sự đồng hòa văn hóa đã được thực hiện và thành công ngoài sự mong đợi. Quả thực không thể ngờ được rằng Nho giáo, cái hệ giá trị, nền tảng học thuyết chính trị - xã hội dẫn đường cho nhà nước Phong kiến vốn có tính kép kín cao lại dễ dàng nhường bước trước một sức mạnh bên ngoài sớm như vậy. Quá trình nhường ngôi vương chỉ diễn ra trong vẻn vẹn nửa thế kỷ trên mạnh đất vốn đứng ở giữa ba dòng chảy văn hóa như Việt Nam. Để rồi nó khúc xạ và ẩn tàng trong những giá trị chuẩn mực quy chiếu vào suy nghĩ đến hành vi của các nhóm xã hội. Kết thúc một giai đoạn lịch sử, dân tộc ta bước sang một thời đại mới, nền dân chủ cộng hòa được thiết lập, khẳng định sự thắng thế của những giá trị đến từ phương Tây. Đây cũng là điều kiện quạn trọng nhất để cho sự ra đời một nền tảng kinh tế mới như Max Weber đã khẳng định cách đây gần một thế kỷ. Tuy nhiên, chính quyền buổi sơ khai quả thật đối mặt với đầy khó khăn. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đó lại ghi dấu vai trò của tầng lớp những nhà tư sản dân tộc, đại diện cho giới doanh nhân lúc bấy giờ thể hiện trách nhiệm đối với xã hội với dân tộc bằng việc xóa đi tình trạng ngân khố trống rỗng bằng những khoản hiến tặng tài sản khổng lồ hưởng ứng “tuần lễ vàng” do Bác Hồ phát động. Những việc làm đó của họ không chỉ đơn giản là để hưởng ứng một cuộc vận động, một lời kêu gọi mà còn thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc từ nhận thức đến hành động. Như vậy, khi mà chúng ta chưa biết đến những diễn ngôn học thuật về khái niệm “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” thì ở xứ ta những tư tưởng cũng như việc làm đã được người ta thực hiện và xác tín về nó.
Lịch sử bao giờ cũng luôn có những điều đáng tiếc. Đáng tiếc đối với chúng ta đã để lỡ đi một cơ hội phát triển bằng chính nguồn lực sẵn có của mình với giai đoạn ý chí chính trị bao trùm lên mọi mặt đời sống bằng cơ chế bao cấp. Cái cơ chế mà nó không bao giờ đứng cùng phe với yếu tố sáng tạo và sự đột phá, một trong những đặc trưng của doanh nhân. Chính vì vậy, chúng ta đã không phát huy được vai trò to lớn của những người tạo ra và khuyến khích sự trao đổi vật chất trong xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ chịu dừng lại, một lần nữa minh triết dân tộc lại được tỏa sáng bằng công cuộc đổi mới vào cuối thập niên 80. Thực sự đây là một làn gió mới thổi vào xã hội, cởi trói cho những ý chí làm giàu vốn xưa nay còn nung nấu. Song hành cùng thành phần kinh tế nhà nước, các thành phần kinh tế khác đại diện cho nhiều hình thức sở hữu khác nhau có hội tỏa sáng thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp của mình. Khía cạnh kinh tế không bao giờ là một sự xa cách, lại càng không thể là sự đối chọi với giá trị nhân văn mà ngược lại nó bổ trợ cho nhau rất đồng điệu. Kinh tế đảm bảo nền tảng vật chất cho nhân văn, đồng thời nhân văn làm cho kinh tế trở nên thân thiện và bền vững hơn. Điều đó đã nói rõ sự cần thiết song hành tồn tại hai nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp là chức năng lợi ích và trách nhiệm đối với xã hội.
Hậu kỳ đổi mới nền kinh tế nước ta như một thiếu nữ thanh xuân tràn đầy nhựa sống, năng động và sẵn sàng vươn lên. Đây cũng là lúc các triết lý quản trị doanh nghiệp cũng cần đổi mới để phù hợp với điều kiện hiện tại. Bên cạnh các thành công về lợi nhuận các doanh nghiệp cũng chú trọng đến trách nhiệm đối với người lao động, thể hiện trong các chính sách bảo đảm việc làm, các phúc lợi xã hội…. Đặc biệt một phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã được phát động khởi đầu từ các doanh nghiệp quốc doanh có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Đó là phong trào phụng dưỡng, giúp đỡ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Trong một thời gian dài rất nhiều doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế đều nhận đỡ đầu đối tượng chính sách bằng các khoản trợ cấp thường xuyên, thăm hỏi động viên tinh thần, tặng hiện vật, chữa bệnh nghỉ dưỡng… Ngoài ra một số doanh nghiệp còn có nhiều cách làm sáng tạo như: cho người lao động vay vốn với lãi suất thấp, xây dựng nhà ở, hỗ trợ giáo dục cho con em người lao động, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo,v.v… Tuy nhiên, những việc làm đó mặc dù đã có ý nghĩa xã hội sâu sắc nhưng chỉ mới dừng lại ở những phong trào mang tính chất tự nguyện, xuất phát từ nhận thức và tấm lòng của lãnh đạo đơn vị cho nên chưa tạo được chiều sâu và tính hiệu quả.
Trong một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đã tiến hành năm 2002 về việc áp dụng trách nhiệm xã hội trong ngành da giày và dệt may Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số rào cản và khó khăn sau:
·        Có sự khác biệt lớn trong nhận thức và hiểu biết về trách nhiệm xã hội trong và giữa các doanh nghiệp Việt Nam.
·        Việc một công ty áp dụng đồng thời nhiều bộ quy tắc ứng xử không mang lại hiệu quả.
·        Thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực trách nhiệm xã hội (đặc biệt là đối với các DNNVV)
·        Sự khác biệt giữa Bộ luật lao động và bộ quy tắc ứng xử của khách đặt hàng gây nhầm lẫn cho doanh nghiệp, ví dụ trong vấn đề giờ làm thêm hay hoạt động của công đoàn.
·        Sự thiếu minh bạch trong việc áp dụng trách nhiệm xã hội trên thực tế đang cản trở lợi ích thị trường tiềm năng mang lại cho doanh nghiệp.
·        Mâu thuẫn trong các quy định của nhà nước khiến cho việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử không đem lại hiệu quả mong muốn, ví dụ như mức lương, phúc lợi và các điều kiện tuyển dụng.
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy nhiều vấn đề trắc trở trong tiến trình thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Trong đó có những nguyên do từ chính nhận thức chưa cao của chính các doanh nghiệp, đến sự thiếu hộ trợ về thể chế của nhà nước cũng chưa tạo được cơ chế hợp tác của cộng đồng.   
Ngô Văn Huấn-Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.