(ĐCSVN) - Ngày 27/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông và Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nhằm tìm giải pháp thiết thực, góp phần vào việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
|
Tọa đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. (Ảnh: KT) |
Tham dự Tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước; Vũ Ngọc Hoàng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Vũ Luận – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều nhà khoa học.
Tham luận tại Tọa đàm, các đại biểu đều chung nhận định: Nền giáo dục nước ta hiện đang ở trong tình trạng yếu kém, có nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt ra yêu cầu “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Từ đó, đặt ra những yêu cầu mới về nhận thức, quan điểm, cơ chế phát triển giáo dục; về nội dung, chương trình và phương pháp; đòi hỏi phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
|
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại Tọa đàm
(Ảnh: KT) |
Mở đầu Tọa đàm, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: Thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục là một công trình lớn của quốc gia. Yêu cầu đổi mới là cấp thiết, phải khẩn trương nhưng bài bản, không thể riêng ngành Giáo dục làm được mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương.
Cho rằng đổi mới giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ nên dẫn đến cách đổi mới chắp vá như hiện nay, Nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị: Trước mắt, Trung ương và địa phương cần bàn và ra nghị quyết xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền giáo dục thực sự đổi mới căn bản và toàn diện. Đồng thời, cần thiết thành lập một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể, nêu ra được giải pháp và lộ trình để trình Trung ương và Quốc hội theo quy định của pháp luật. Cùng quan điểm với Nguyên Phó Chủ tịch nước, GS. Trần Quốc Toản - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhận định rằng: Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan trực tiếp tới vận mệnh của đất nước, của dân tộc trong giai đoạn mới. Theo ông, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục không phải là một quá trình đơn giản, dễ dàng. Quá trình đổi mới này phải được triển khai thống nhất, đồng bộ, có bước đi phù hợp với những ưu tiên xác định. Trong quá trình đổi mới giáo dục, cần đặt lên hàng đầu đổi mới về tư duy, nhận thức, quan điểm và mục tiêu giáo dục, vì đây là những vấn đề có tính định hướng cho quá trình đổi mới giáo dục. Trong đó, tập trung vào các giải pháp đột phá là đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục cho phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, hiện đại và liên thông; xây dựng, phát triển nhanh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi. Cũng theo ông, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải tổ chức nghiên cứu xây dựng cho được một Đề án tổng thể về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục cho giai đoạn 10 năm 2011-2020. Đề án phải nêu lên được quan điểm chỉ đạo, mục tiêu khung, nội dung và các nhiệm vụ chủ yếu, lộ trình nghiên cứu và triển khai thực hiện, nguồn lực để thực hiện… Sau khi Đề án được phê duyệt mới chỉ đạo triển khai cụ thể các nội dung, nhiệm vụ.
|
GS. Hoàng Tụy phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: KT) |
Bàn luận tại Tọa đàm, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh: Nhằm cải cách giáo dục một cách toàn diện và căn bản thì cần phải thực hiện một số biện pháp như: Thay đổi cách học và thi, cải cách mạnh mẽ giáo dục đại học, thay đổi chính sách đối với đội ngũ giáo viên…
Còn GS.TSKH Vũ Ngọc Hải - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ: Đổi mới căn bản giáo dục toàn diện ở nước ta sau 25 năm đổi mới không những là yêu cầu khách quan mà còn là nhiệm vụ mang tính sống còn của ngành giáo dục. Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục là cánh cửa để dân tộc ta sáng tạo ra trí tuệ và tiếp nhận thành tựu văn minh của nhân loại. Muốn đổi mới căn bản và toàn diện thành công giáo dục đào tạo trong thập niên tới cần tập trung thực hiện các giải pháp về: Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, hiện đại và liên thông. Tuy nhiên, cũng như nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm, ông cho rằng, cần phải làm từng bước, không nôn nóng, sốt ruột, không làm theo kiểu “phong trào”; ngược lại, phải thận trọng, làm có nguyên tắc và có nghiên cứu kỹ càng, luôn bám sát mục tiêu, cần đổi mới đồng bộ. Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác của nội hàm đổi mới căn bản giáo dục như: Về nội dung và phương pháp dạy học, về cơ cấu hệ thống giáo dục, về các chính sách đối với nhà giáo… |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.