Nhiều người khi nghe đến xã hội học, thường có cảm giác e ngại và thậm chí là "sợ sệt" vì nó là cái gì đó rất hàn lâm, trừu tượng. Nhưng đó không phải là tất cả của xã hội học. Bài viết này đã cho thấy xã hội học là một cái gì đó rất gần gũi, đời thường gắn với những hiện tượng quẩn quanh hiện hữu ngay bên canh cuộc sống, mà thường ngày chúng ta chứng kiến (NVH).
Cuộc sống hàng ngày (Everyday Life) không đơn giản là một trào lưu đương đại trong xuất bản sách từ các ngành xã hội và nhân văn, mà còn là tâm điểm cho bước tiến thứ ba của ngành xã hội học (third sociology), như đánh giá của lý thuyết gia xã hội học gốc Ba Lan mà cũng từng là chủ tịch hiệp hội xã hội học quốc tế Piotr Sztompka [1]. Sau bước đi đầu tiên của xã hội học hệ thống (ví dụ như Talcott Parsons) và bước đi thứ hai của xã hội học nhìn từ hệ qui chiếu cá nhân (ví dụ như Max Weber), nhu cầu và xu thế thời đại đang chuyển sang bước đi thứ ba, đặt góc nhìn nằm giữa hai tầng macro và micro đã được hai bước trước xây móng vững vàng [2].
Trước hết, xã hội học đương đại không còn phải bó mình trong giới luật khắt khe của một trong hai thể chế như đã định hình trong hai bước đi trước, mà mỗi nhà xã hội học có thể tự do xây dựng riêng cho mình hệ thống phương pháp luận phù hợp trong không gian của mường tượng xã hội học (sociological imagination) [3]. Theo đó, xã hội luôn tự chuyển đổi (trong một quá trình được gọi là social becoming) trong hoàn cảnh là những kiến trúc giữa sức ép của hệ thống và lựa chọn của cá nhân (mô tả bằng khái niệm social agency) thừa hưởng từ hoạt động của thế hệ trước, mà các hoạt động xã hội (social practice) trong cuộc sống đời thường tạo ra trạng thái có thể tạm gọi là hiện sinh xã hội (social existence - cũng có nghĩa tương đương với tồn tại xã hội nhưng không thoát ý bằng) [4]. Nhờ góc nhìn này mà nhà xã hội học sẽ nhìn được một cảnh "thực" hơn trực tiếp từ xã hội, không bị sa vào các mối quan hệ của hệ thống khái niệm trừu tượng vĩ mô, cũng không bị lạc vào các diễn giải quá phức tạp trong cá nhân vi mô. GS Piotr Sztompka nhận thấy đang có nhiều hướng đi khác nhau cùng theo hệ phái này, như nhóm ảnh hưởng hiện tượng luận ở Hoa Kỳ như Alfred Schutz và Harold Garfinkel [5] phê bình và mở đường vượt qua các giới hạn của trường phái xã hội học Bắc Mỹ nửa đầu thế kỷ 20, hay các bước tiến đơn lẻ đa dạng trong trào lưu xã hội học hậu hiện đại, cũng như đặc biệt là hướng đi của trào lưu nữ quyền tập trung hơn vào cuộc sống gia đình và nơi công sở.
Điểm cơ bản của khái niệm hiện sinh xã hội mà GS Piotr Sztompka trong vai trò chủ tịch hiệp hội xã hội học quốc tế đưa ra ở hội thảo Durham hồi 2006 cũng giống như cách nhìn của Aristoteles, coi con người là động vật xã hội (social animal). Hiện sinh luôn nằm trong môi trường tập thể, từ khi con người sinh ra cho đến chết, tức là tâm điểm của sự tồn tại của con người là sự "cùng nhau" (togertherness). Do đó, cá nhân lẫn xã hội đều không bao giờ tách ly hay hoàn toàn tự chủ cả, mà chỉ đơn thuần là góc nhìn để phân tích của một thực tại cá nhân - xã hội, tức là mạng lưới xã hội (social network), mà nhà thơ Ba Lan Zbigniew Herbert từng gọi là không gian giữa những con người với nhau (interhuman - liên nhân). Trong vế thứ nhất, mỗi cá nhân luôn tồn tại trong một xã hội, là thành viên của một tập thể, cũng như Tôi là một phần của Chúng ta, được định nghĩa qua những người mà Tôi gặp, Tôi nói chuyện, Tôi làm bạn, hay Tôi kết hôn, và ghi lại trong tiểu sử đời Tôi. Trong vế bên kia, xã hội là của các cá nhân, những thứ mà chúng ta gọi là nhà nước, quốc gia, cơ quan, tổ chức luôn không là gì khác hơn một tập hợp của các cá nhân, và xã hội luôn không là gì khác hơn một tập hợp của các nhân vật và hành động. Suy cho cùng những khái niệm mà người ta hay nói như là kết cấu thượng tầng, hệ thống kỹ thuật, hay văn hóa không nằm đâu xa bên ngoài, mà ngay chính bên trong hiện sinh xã hội, trong những hoạt động bình thường mà chúng ta thực hiện mỗi ngày, qua những mối quan hệ mà mỗi cá nhân thiết lập với những người khác. Xã hội không nằm đâu xa bên ngoài mà trong chính chúng ta, và thể hiện qua cuộc sống thường ngày [6] - một điểm nghiên cứu chiến lược có thể dễ dàng tiếp cận bằng quan sát.
Khi đi vào cuộc sống đời thường thì nhân học là ngành phát triển nhất về phương pháp nghiên cứu cho nên hiển nhiên trở thành cơ sở phương pháp lẫn lý luận cơ bản cho bước tiến thứ ba của xã hội học. Bên cạnh các phương pháp định tính (qualitative) và phỏng vấn sâu đang ngày càng lấn bước phương pháp định lượng (quantative) và khảo sát (survey) từng chiếm ưu thế trong ngành xã hội học, GS Piotr Sztomka còn đánh giá cao các phương pháp phân tích đang dần hình thành với tư liệu là hình ảnh, đặc biệt là ảnh chụp và video clip đời thường do chính những người bình thường ghi lại, từ những bức ảnh lưu niêm gia đình cho đến phóng sự báo chí [7]. Có thể thấy đây là hướng đi không chỉ giúp những ai không chuyên dễ hiểu cuộc sống quanh mình, mà còn để các nhà báo Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận khoa học đương đại trên thế giới để giải quyết các vấn đề xã hội đang nóng bỏng đến mức cấp thiết ở Việt Nam, và cũng là con đường giúp các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam sớm rút ngắn khoảng cách hơn nửa thế kỷ với khoa học thế giới.
Về cơ bản, những ai muốn bắt đầu nghiên cứu xã hội qua cuộc sống đời thường diễn ra xung quanh mình, chuyên hay không chuyên, theo phương pháp này, có thể điểm qua lần lượt 5 vấn đề cần quan sát đối với một sự kiện xã hội (social event). Trước hết, sự kiện đó luôn qui tụ một số lương người tham gia nhất định, và thêm hay bớt con số này sẽ làm thay đổi tính chất của sự kiện đó - điều mà ai cũng có thể quan sát qua sự khác biệt của các buổi diễn khác nhau của cùng một ca sĩ ở phòng trà, sân khấu nhỏ, nhà hát, hay sân vận động. Thứ hai, cư xử của những người trong sự kiện sẽ thay đổi tùy thuộc theo tính chất riêng tư hay đại chúng của sự việc, chẳng hạn như đôi vợ chồng cãi nhau trong phòng kín, hay có hàng xóm nghe, hay được tường thuật trực tiếp lên báo chí và phỏng vấn trên truyền hình. Thứ ba, mỗi sự kiện diễn ra trong một bối cảnh khác nhau, mà người tham gia có thể phải thực hiện thủ tục chuyển đổi (rite de passage) để bước vào và bước ra bối cảnh đó, ví dụ như thủ tục chào hỏi nhau khi gặp gỡ, bật máy tính khi bắt đầu ngày làm việc, rút ví hay thẻ tín dụng khi kết thúc bữa ăn hoặc buổi gặp ở quán cà phê v.v. Thứ tư, mỗi loại sự kiện thường chỉ xảy ra trong một không gian nhất định, như nhà thờ, chùa, miếu để hành lễ tôn giáo, nhà hàng để ăn nhậu, bệnh viện để chữa bệnh còn thương xá để mua sắm chẳng hạn. Thứ năm, sự kiện xã hội là tổ hợp phức tạp (complex configurations) của nhiều thành phần (theo vai trò của những người tham gia) và giai đoạn (theo thời gian), cũng như biểu tượng (symbol) và nghi lễ (ritual - không chỉ trong tôn giáo mà cả nghi lễ quốc gia, quân đội, hay trong thể thao nữa). Tất cả các vấn đề cần quan sát có thể diễn ra cùng lúc trong nhịp độ nhanh và không dễ dàng gì có thể phân biệt ra ngay trong bối cảnh hỗn loạn của một nghi lễ truyền thống chẳng hạn, có rất nhiều người tham gia, vô số người theo dõi, nhanh chóng thay đổi địa điểm hay biến địa điểm ở chức năng này sang thực hiện chức năng khác, bất ngờ đưa người từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài, bất ngờ chuyển đổi vị trí của người tham gia và giai đoạn v.v. và tất cả có thể diễn ra trong cùng một không gian ảo như mạng Internet nói chung hay mạng lưới xã hội (social network) của Facebook chẳng hạn. Nhưng điểm quan trọng của một sự kiện xã hội được xét đến trong phương pháp của GS Piotr Sztompka là sẽ lặp lại trong cuộc sống đời thường hàng ngày, nên bạn sẽ có thể quan sát lại một lần nữa và thêm nhiều lần nữa để mô tả thêm chính xác và đưa ra qui luật cục bộ hay phổ quát để tìm giải pháp cho các vấn đề của xã hội mà bạn đang sống, có thể bắt đầu từ ngay với những hiện tượng xã hội trong thế giới blog hay facebook này.
[1] Có thể đọc thêm về tiểu sử và khái quát lý thuyết của GS Piotr Sztomka qua cuộc phỏng vấn http://balticworlds.com/a-conversation-on-sociology-with-piotr-sztompka/, hay trang giới thiệu chủ tịch hiệp hội xã hội học quốc tế ISA
http://www.isa-sociology.org/about/presidents/isa-president-piotr-sztompka.htm
[2] Vấn đề được trình bày với lập luận đầy đủ trong bài essay tiếng
Anh http://www.mah.se/upload/KS/SMS/Everydaylife_Sztompka.pdf
[3] Có thể đọc thêm bằng tiếng Anh và tiếng Nga ở địa chỉ
mạng http://www.sociolog.net/sztompka.html
[4] Hai khái niệm cơ bản trong lý thuyết của GS Piotr Sztompka là social becoming và social existence được trình bày rõ trong quyển sách do Polity Press ở Anh và NXB ĐH Chicago ở Mỹ đồng xuất bản năm 1991 http://www.polity.co.uk/book.asp?ref=9780745606385, Society in Action: The Theory of Social Becoming, và quyển sách được NXB ĐH Cambridge ở Anh phát hành năm 2000, Trust: A Sociologial Theory http://www.cambridge.org/gb/knowledge/isbn/item1156272/?site_locale=en_GB.
[5] Bài giới thiệu Alfred Schutz bằng tiếng Việt trên Văn Chương Việt ở địa
bài giới thiệu Harold Garfinkel cũng trên trang này
[6] Đây cũng chính là cách để định nghĩa khái niệm cuộc sống thường ngày (everyday life) như là đối tượng nghiên cứu của xã hội học như góc nhìn của GS Piotr Sztompka: “cuộc sống thường ngày là biểu hiện có thể quan sát được của hiện sinh xã hội” (everyday life is the observable manifestation of social existence).
[7] GS Sztompka đã viết riêng một quyển sách giáo khoa bằng tiếng Ba Lan cho sinh viên của mình ở Kraków về ngành visual sociology - xã hội học nghiên cứu hình ảnh, đang chờ dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga cho sinh viên các nước khác tham khảo. Hiện ông cũng đang trực tiếp truyền thụ phương pháp này cho các sinh viên ở vùng Bắc Âu, nơi ông được mời thỉnh giảng một học kỳ còn lại trong năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.