Đây là một bài viết cho thấy một cái nhìn mới, mang tính "đóng góp" của vỉa hè, cộng đồng phi chính thức cho nền kinh tế.
Tác giả: Quốc Dũng
(VEF.VN) - Trên thế giới, dù là các nước phát triển, không có nước nào là không có gánh hàng rong. vấn đề là cần giải quyết làm sao để hàng rong trở thành “điểm nhấn” thu hút khách du lịch thay vì trở thành một “mối nguy” mà các cơ quan quản lý phải ngăn chặn.
LTS: Trước mỗi
dịp nghỉ lễ dài, người dân có xu hướng đi du lịch nhiều hơn, cũng là lúc
vấn đề chặt chém khách du lịch lại bị lên án và trở thành đề tài nóng.
Mỗi nền du lịch đều có những mảng sáng tối khác nhau, chặt chém, chèo
kéo khách thực sự có phải là cá biệt ở mỗi Việt Nam? Và mức độ nghiêm
trọng của tình trạng này ở Việt Nam đến đâu so với các nước khác trên
thế giới?
Chèo kéo còn hơn là thờ ơ?
Tình trạng chèo kéo, ép khách, "chặt
chém" ở các điểm du lịch, đặc biệt là tình trạng lừa đảo của người bán
hàng đối với khách du lịch nước ngoài diễn ra ở nhiều địa phương, luôn
là vấn đề "phiền não" đối với ngành du lịch nước nhà.
Tuy nhiên, trái với lời than phiền của
nhiều vị khách du lịch nước ngoài khi tới Việt Nam, Tổng thư ký Tổ chức
Du lịch thế giới UNWTO, ông Taleb Rifai lại cho rằng, đây chưa hẳn đã là
một vấn đề lớn.
Bàn về việc "đeo bám" của những người
bán hàng rong, gây khó chịu cho khách du lịch, hay sự phát triển bừa bãi
của những hàng quán vỉa hè, ông Rifai cho biết, đây thực sự là một vấn
đề nghiêm trọng và là rào cản đối với ngành du lịch tại nhiều quốc gia
trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ông chưa nhận thấy điều này.
Ở châu Âu, du khách lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với người dân bản địa, và điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ khi đi du lịch tại đây |
Ông Rifai chia sẻ,"Mạng xã hội là một
nơi tự do, vì thế tôi không cho rằng việc có người chia sẻ những bài
viết tiêu cực sau khi du lịch đến Việt Nam là một vấn đề lớn. Tôi có
thể kể ra tên 40 hay 50 nước đang gặp rắc rối về vấn đề này nhiều hơn
Viêt Nam. Ngược lại, ở mặt bên kia của vấn đề, một số quốc gia, đặc biệt
ở châu Âu, du khách lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với
người dân bản địa, và điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ khi đi du
lịch tại đây.",
"Tôi đã tới Việt Nam tất cả 3 lần, và
mỗi lần đến đây tôi đều nhìn thấy được sự mới lạ, khác biệt ở đất nước
của các bạn. Những thành tựu mà du lịch Việt Nam có được là rất rõ
ràng", ông Taleb Rifai lạc quan nhận định.
Ngoài ra, ông Rifai cũng không đồng tình với quan điểm bị cho là bán hàng quá đắt, ép giá đối với khách du lịch nước ngoài.
"Đắt đỏ ư? Đắt đỏ chỉ là một khái
niệm mang tính chất tương đối. Thậm chí ở một số nước, chẳng hạn như
London, người ta còn muốn định vị mình với cái tiếng là "đắt đỏ". Đắt đỏ
tạo nên bản sắc và cũng là một cách để thu hút khách du lịch. Và nếu
khách du lịch chấp nhận bỏ tiền ra để mua những sản phẩm đó, thì đắt đỏ
không phải là vấn đề gì nghiêm trọng cả", ông nói.
Biến hàng rong thành điểm nhấn du lịch
Với 980 triệu khách du lịch quốc tế
trong năm 2011 trên toàn cầu và dự kiến là hơn 1 tỉ người trong năm
2012, nghĩa là trung bình cứ 7 người trên trái đất lại có 1 người đi du
lịch, chưa bao giờ con người và các nền văn hóa thế giới lại xích lại
gần nhau như hiện nay.
Sự xích lại gần nhau đó, khiến mỗi quốc
gia, mỗi điểm du lịch đều cố gắng tạo cho mình một điểm nhấn, mang đặc
trưng văn hóa bản địa để thu hút khách du lịch, và một trong số đó là
tận dụng những người bán hàng rong.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Annette Kim,
thuộc khoa Nghiên cứu và Quy hoạch đô thị của Đại học MIT, những gánh
hàng rong vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh không chỉ cung cấp lương thực, tạo
công ăn việc làm cho khoảng 30% dân cư trong thành phố, mà còn là điểm
nhấn thu hút khách du lịch phương Tây, thông qua những hình ảnh "phi
ngôn ngữ".
"Chẳng hạn, một cuộn giấy được đè
dưới một viên gạch có nghĩa là gần đó có người bán xăng, một người gõ
đũa vào một chiếc bát sứ có nghĩa là họ có bán phở hay mỳ, hay hình ảnh
một chiếc lốp xe cho bạn biết nơi đó là cửa hàng vá xăm lốp. Những biểu
tượng này thay đổi theo năm tháng nhưng khách du lịch có thể trò truyện,
tán gẫu với nhau để hiểu rõ hơn những thông điệp đó", nghiên cứu của Annette Kim nhận định.
Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới
thay vì dẹp bỏ sự hiện diện của những người bán hàng rong, đang tiến
hành việc quy mô lại khu vực này. New York, nơi có sự hiện diện của hơn
10.000 gánh hàng rong, hiện có hẳn một dự án cho người bán hàng rong để
họ nâng cấp các xe bán hàng, xe đẩy của mình hay mua thêm hàng hóa mới.
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á,
như Thái Lan hiện cũng đang thực hiện một dự án tương tự. Malaysia cũng
là một trong số ít những nước ở châu Á công nhận sự hiện diện của những
người bán hàng rong.
Tại Campuchia, người bán hàng rong ăn
mặc sạch sẽ, lịch sự bán đúng nơi và không cố tìm cách tiếp cận du khách
hay nhảy lên xe du lịch để bán hàng. Để được như vậy cũng có phần tham
gia quản lý, đặt quy định, quy chế hành xử của chính quyền địa phương.
Đất nước nào cũng có hàng rong. Hình ảnh
người bán hàng rong cũng thể hiện phần nào trình độ, bản sắc văn hóa
của đất nước đó. Vì vậy, vấn đề là cần giải quyết làm sao để hàng rong
trở thành "điểm nhấn" thu hút khách du lịch thay vì trở thành một "mối
nguy" mà các cơ quan quản lý phải tìm mọi cách ngăn chặn.
"Khi mà ngành du lịch phát triển càng cao thì những vấn đề như đeo bám, chặt chém khách du lịch cũng sẽ dần bị loại bỏ", ông Taleb Rifai nói.
một cách nhìn sáng suốt!
Trả lờiXóa