PGS.TS.Nguyễn Bá Ngọc
Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
1. Ba thách thức toàn cầu
Xã
hội loài người đang trải qua những thách thức có tính toàn cầu:
Về kinh tế, khắc phục hậu quả
của khủng hoảng kinh tế thế giới chưa được bao nhiêu thì ảnh hưởng dây truyền
của khủng hoảng nợ công ở châu Âu và sự giảm sút nhu cầu tiêu dùng của các khu
vực kinh tế đầu tàu như Mỹ, Nhật, châu Âu lại tiếp tục tác động tiêu cực đến
xuất khẩu, đầu tư, du lịch và tăng trưởng của toàn thế giới. Thêm vào đó, sự
phát triển không cân bằng của các khu vực và tính mỏng manh trong các mô hình
tăng trưởng ngày càng làm bộc lộ những hạn chế cơ bản của mối liên kết kinh tế
toàn cầu.
Về môi trường, những thảm họa liên
quan đến môi trường (đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu) dẫn đến ô
nhiễm nguồn nước, không khí, đất dẫn đến thiếu nước, thiếu lương thực, di cư do
biến đổi khí hậu, không nơi ở do lũ lụt, mất đa dạng sinh thái. Các sự kiện
động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukusima ở Nhật ngày 11/3/2011 làm
chết và mất tích hơn 20.000 người; lạnh băng giá rét ở châu Âu đầu năm 2012 làm
chết vài trăm người và lốc xoáy vòi rồng gây chết vài chục người ở Mỹ gần đây
(năm 2011 lốc xoáy vòi rồng đã làm chết 550 người tại Mỹ và thiệt hại ước tính
lên tới 28,7 tỷ USD)…. đã cảnh báo và đòi hỏi loài người phải quyết liệt hơn
trong đấu tranh bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu và ứng phó hiệu quả
với biến đổi khí hậu.
Về xã hội, dân số đạt mức 7 tỷ
người, trong đó 1/5 (khoảng 1,4 tỷ người) hiện đang sống với mức 1,25 U SD/ngày
hoặc ít hơn, 1,5 tỷ người không có điện để dùng và gần 1 tỷ người bị đói mỗi
ngày; bước vào năm 2012 cả thế giới có trên 200 triệu người thất nghiệp (tăng
27 triệu so với trước khủng hoảng) và cần hơn 600 triệu việc làm mới tạo ra
trong 10 năm để giải quyết thất nghiệp và thu hút hết số người mới tham gia thị
trường lao động[1].Những vấn đề nghèo đói, thất nghiệp và thiếu việc làm, thanh niên ít cơ
hội tìm được việc làm, an sinh xã hội thấp kém, tiếp cận năng lượng hạn chế,
khó khăn về nhà ở, nước sạch và điều kiện vệ sinh, bất bình đẳng xã hội… ngày
càng gây bất ổn xã hội. Những bất bình đẳng trong hưởng lợi từ tăng trưởng,
hoặc tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ tay nghề thấp, tăng trưởng nhưng
không làm tăng việc làm hay khai thác cạn kiệt tài nguyên đã làm sâu sắc thêm
các thách thức toàn cầu.
Phát
triển bền vững đang là con đường duy nhất cho phép tất cả nhân loại chia sẻ một
cuộc sống đầy đủ trên hành tinh. Yêu cầu một nền kinh tế xanh và sạch, tạo
nhiều việc làm đồng thời với tăng năng suất, tăng thu nhập, giảm nghèo và giảm
bất bình đẳng xã hội đang trở thành những nhiệm vụ chiến lược của mọi quốc gia,
khu vực và toàn cầu.
2. Việc làm xanh và việc
làm bền vững
Theo
Tổ chức Lao động Quốc tế- Chương trình Môi trường Liên hợp quốc- Tổ chức Giới
chủ Quốc tế- Liên minh Công đoàn Quốc tế thì: Việc làm xanh là những việc làm trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ
và quản lý đóng góp vào bảo vệ và gìn giữ chất lượng môi trường…đảm bảo xã hội
phát triển bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai, thực hiện công bằng và
bình đẳng cho mọi người[2]. Với
cách hiểu như vậy, phạm vi của việc làm xanh rất rộng, từ những việc làm góp
phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng nguyên nhiên vật
liệu, tối thiểu hóa rác thải, giảm ô nhiễm không khí đất và nguồn nước trong
sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đến việc làm trong các ngành góp phần bảo vệ sự
đa dạng của sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc
làm xanh có thể quy về gồm bốn loại:
- Xanh
hóa việc làm hiện tại;
- Việc
làm trong các ngành chế tạo thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường;
- Phát
triển những ngành nghề mới xanh hóa (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng
lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều, nông nghiệp sinh thái, bảo vệ rừng…);
- Những
việc làm được tạo ra để giảm thiểu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Yêu
cầu đối với việc làm xanh trong các mô hình phát triển bền vững là phải tiến
tới việc làm bền vững- đó là các cơ hội
đạt được việc làm đàng hoàng và năng suất cho cả nữ và nam trong điều kiện tự
do, bình đẳng, an sinh và tôn trọng nhân phẩm[3].
Đặc trưng của việc làm bền vững là:
- Thu
nhập thỏa đáng và có cơ hội phát triển;
- Đảm
bảo quyền và tiếng nói của người lao động;
- Thực
hiện cơ chế đối thoại xã hội;
- Đảm
bảo an sinh xã hội.
Để
thực hiện được những mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo (MDG 1) và bảo vệ môi
trường (MDG 7) thì sự gắn kết chặt chẽ giữa việc
làm xanh và việc làm bền vững là một đòi hỏi tất yếu. Trên thực tế, có hoàn thành mục tiêu giảm nghèo- mà nồng cốt là
việc làm bền vững, thì mới có điều kiện để bảo vệ tốt môi trường và ngược lại,
có bảo vệ được môi trường thì giảm nghèo mới có chiều sâu và đảm bảo bền vững.
3. Tiềm năng và triển vọng
của việc làm xanh
Việc
làm xanh có thể đến với mọi người và đòi hỏi ngược lại, mọi người đều cần có
trách nhiệm làm cho "xã hội xanh hơn":
Những ngành có nhiều tiềm năng: cung
cấp năng lượng (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều,
năng lượng địa nhiệt, thủy điện nhỏ), vận tải, công nghiệp cơ bản (thép, xi
măng, hóa chất, dệt nhuộm, giấy và bột giấy, khai thác khoáng sản...), xây
dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, bán lẻ, du lịch...
Những người có thể có việc làm xanh: mọi người đều có thể có việc làm xanh, từ nhà quản lý, thiết kế, quy hoạch,
nhà khoa học, giảng viên cho đến doanh nhân, lao động trực tiếp là công nhân
lành nghề hay lao động phổ thông.
Ai được hưởng lợi từ việc làm xanh: các khu vực nông thôn, thành thị, các nước đã và đang phát triển, đặc biệt
là lợi ích cho thanh niên, phụ nữ, nông dân, người nghèo, lao động trong khu
vực không chính thức (tiềm năng về „việc làm xanh“ của lao động tự làm và lao
động gia đình không hưởng lương rất lớn) dễ bị tổn thương, người sống trong các
khu nhà ổ chuột dột nát...
4. Việc làm xanh và thị
trường lao động
Yêu
cầu mới của việc làm xanh đối với thị trường lao động thể hiện chủ yếu trên ba
mặt:
- Xanh hóa doanh nghiệp: đổi
mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc
các ngành và thay đổi nội dung công việc trong quá trình xanh hóa sản xuất và phân
phối dẫn đến yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yêu cầu thích nghi,
thay đổi nghề và trang bị kỹ năng mới thích ứng với những ngành nghề mới.
- Công nghệ xanh:
yêu cầu công nghệ mới thân thiện môi trường (tiêu hao ít năng lượng, nguyên
nhiên vật liệu, giảm phát thải khí nhà kính, xả ít rác thải) với những kỹ năng
và hiểu biết mới của nguồn nhân lực năng động.
- Hiệu quả của thị trường lao động trong quá trình chuyển
đổi sang nền kinh tế xanh: yêu cầu an linh- linh hoạt
trên thị trường lao động, vừa mang lại hiệu quả cao hơn cho xã hội và doanh
nghiệp, vừa tạo nhiều việc làm mới với năng suất lao động, thu nhập cao hơn,
giảm nghèo và an sinh hơn.
5. Những rào cản đối với
việc làm xanh
Việc làm xanh đòi hỏi một nhận thức mới không chỉ với các nước đang phát
triển mà cả với các nước phát triển. Hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau và
còn rất nhiều rào cản để đưa những ý tưởng tốt đẹp của việc làm xanh vào thực
tiễn cuộc sống. Với trình độ phát triển còn thấp như Việt Nam thì những rào cản
lớn nhất có thể kể ra là:
- Hạn chế về nhận thức: đòi
hỏi bắt đầu từ „ý tưởng xanh“ của những người lãnh đạo, những người làm chính
sách, nhà thiết kế- làm quy hoạch, kỹ sư, giảng viên, cán bộ R&D, doanh
nhân...cho đến đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất và mọi người dân trong xã
hội. Từ suy nghĩ đến hoạch định kế hoạch và triển khai hành động là cả một bước
đường dài đòi hỏi sự quan tâm và thống nhất hành động của mọi đối tác xã hội.
- Yêu cầu gắn kết việc làm xanh với việc làm bền vững: giải quyết các vấn đề xã hội như thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, lao
động độc hại nặng nhọc nguy hiểm trong các làng nghề, lao động dễ bị tổn thương
trong khu vực không chính thức, đối tượng yếu thế trên thị trường lao động
(thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số..), người chịu
ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đã là những nhiệm vụ lâu dài rất khó
khăn, nay phải lồng ghép với những vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường và ứng
phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thách thức càng trở nên gay gắt gấp bội
lần.
- Chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã
hội, khung khổ thể chế của Việt Nam còn là những điểm „nghẽn“ trong quá trình
phát triển: những điểm nghẽn này ảnh hưởng mạnh đến việc xây dựng
chiến lược, kế hoạch và triển khai các chương trình hành động mới để lồng ghép
thực hiện đồng thời được các nhiệm vụ kinh tế- xã hội- môi trường.
- Chi phí xã hội và áp lực của doanh nghiệp trong quá
trình cạnh tranh: cạnh tranh trong nước và quốc tế đã ngày càng
khốc liệt, lại thêm những khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng nợ
công của các nước châu Âu và biến động tăng giá nhiên liệu, giá lương thực trên
quy mô toàn cầu sẽ làm nặng thêm gách nặng của doanh nghiệp trong quá trình tồn
tại và phát triển. Những chi phí xã hội tăng thêm để xây dựng các công trình cơ
sở hạ tầng xanh và thực hiện việc làm xanh trong doanh nghiệp sẽ là rào cản lớn
hướng tới nền kinh tế xanh của tương lai.
5. Định hướng phát triển
việc làm xanh đối với Việt Nam
(1) Bối cảnh của Việt Nam
Để
phát triển việc làm xanh, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đang
tồn tại hoặc mới phát sinh[4]:
- Tác
động của khủng hoảng tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng;
- Biến
đổi khí hậu;
- Tài
nguyên (nước, sinh vật, đất và khoáng sản) ngày càng cạn kiệt;
- Ô
nhiễm môi trường do hậu quả của chiến tranh (bom mìn, chất độc hóa học) và do
phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững trong quá trình công nghiệp hóa;
- Các
mô hình sản xuất và tiêu dùng còn nhiều lãng phí và không hiệu quả.
Đối
phó với những thách thức như trên đòi hỏi có những định hướng đúng và khả thi
trong điều kiện của Việt Nam.
(2) Một số đề xuất về nội dung chủ yếu của định hướng
chiến lược
- Về phía phát triển kinh tế - xã hội (hay cầu lao động):
cần đánh giá đầy đủ tiềm năng việc làm xanh (thay đổi mô
hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thô chủ yếu dựa vào vốn sang dựa vào
"nguồn vốn con người" và năng lực khoa học- công nghệ, tái cấu trúc
các ngành chuyển sang có hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng
công nghệ thân thiện môi trường, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và
minh bạch cho phát triển doanh nghiệp...).
- Về phía cung lao động:
đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho việc làm xanh, xây dựng đội ngũ lao
động "xanh hơn" với chuyên môn kỹ thuật trình độ cao, từ cán bộ lãnh
đạo quản lý xây dựng đường lối chính sách, cán bộ nghiên cứu khoa học- công
nghệ, người làm thiết kế- quy hoạch, giảng viên, đội ngũ doanh nhân....đến đội
ngũ công nhân lành nghề. Trước hết chúng ta cần tập trung vào:
+ Nâng
cao nhận thức, đặc biệt là xanh hóa việc làm hiện tại và yêu cầu thay đổi thói
quen "xấu" gây lãng phí tài nguyên.
+ Giáo
dục những kiến thức chung về môi trường- xã hội ngay từ các lớp của cấp tiểu
học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và hướng nghiệp vào việc làm xanh.
+ Đào
tạo kỹ năng và xây dựng năng lực thực hành, chú ý đặc biệt tới những kỹ năng
chung và kỹ năng đa nghề với ngững sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường,
phát triển các chương trình đào tạo các nghề trong các ngành: năng lượng mới,
nông nghiệp sinh thái, trồng và bảo vệ rừng, du lịch và dịch vu sinh thái, các
ngành công nghệ mới ít rác thải, vận tải công cộng....
+ Đảm bảo thu nhập và xanh
hóa nơi làm việc: kết nối cung- cầu
để tăng việc làm và có thu nhập thỏa đáng, giảm thất nghiệp, giảm bất bình đẳng
gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng các công cụ thông tin thị trường lao động,
dịch vụ việc làm, hướng nghiệp, chương trình việc làm công trong xây dựng các
công trình công cộng như cơ sở hạ tầng, thủy lợi, đê điều, thu gom xử lý rác
thải.
- An sinh xã hội trong quá trình chuyển hóa từ nền kinh
tế"nâu" sang nền kinh tế " xanh":
cần chú ý đặc biệt tới những nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình "xanh
hóa" như người làm việc trong khu vực không chính thức, lao động làng nghề
độc hại nặng nhọc nguy hiểm, nông dân, lao động di cư, người tàn tật, người dân
tộc thiểu số, thanh niên, phụ nữ, nông dân.
- Hoàn thiện thể chế, nhất quán chính sách phát triển bền
vững, nâng cao hiệu quả quản trị thị trường lao động và sử dụng các công cụ
kinh tế thích hợp: tăng cường năng lực quản lý nhà nước
(năng lực bộ máy, tổ chức, công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng cơ sở dữ liệu
và bộ chỉ tiêu giám sát đánh giá về việc làm xanh); sử dụng các thiết chế mền
linh hoạt trong quản trị; ban hành và thực thi các chế tài đủ mạnh với các công
cụ kích thích kinh tế hợp lý như tính đầy đủ chi phí xã hội và môi trường vào
giá thánh sản phẩm, đánh thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ nhiều năng lượng và
phát sinh nhiều rác thải...
(3) Cơ chế thực hiện:
- Yêu cầu gắn kết chặt chẽ các chính sách kinh tế- xã
hội- môi trường: rõ các mục tiêu lồng ghép và rõ yêu cầu
chất lượng việc làm và chất lượng nguồn nhân lực cho thực hiện các kế hoạch
phát triển.
- Cơ chế đối thoại xã hội: sử
dụng cơ chế ba bên và huy động mọi đối tác xã hội cũng như mọi nguồn lực cho
phát triển bền vững, trong đó đặc biệt quan trọng là vai trò của chính phủ,
doanh nghiệp (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), công đoàn (đại diện và bảo
vệ quyền lợi của người lao động trong quá trình chuyển hóa), các tổ chức xã
hội, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và của các phương tiện truyền
thông đại chúng.
- Chỉ rõ lộ trình với các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn
thích hợp trong điều kiện của Việt Nam:
trước mắt tập trung cho xanh hóa việc làm hiện tại và dần dần xây dựng các
chương trình việc làm tương ứng với phát triển các ngành mũi nhọn với nhiều
tiềm năng xanh.
- Cơ chế đánh giá, giám sát: từ
trên xuống và từ dưới lên với sự giám sát chặt chẽ của người dân và cộng đồng,
đặc biệt là việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường, về xã hội, về chất lượng
việc làm và nguồn nhân lực.
(4) Điều kiện thực hiện:
- Đầu tư thích đáng cho các vùng nông thôn, các vùng
nghèo: để có hệ thống
cơ sở hạ tầng đồng bộ và người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản (y
tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, trợ giúp xã hội...).
- Gắn kết chặt chẽ giữa tạo việc làm bền vững, chất lượng
nguồn nhân lực, sử dụng tài nguyên hợp lý, lợi thế so sách của vùng và ứng dụng
công nghệ mới: để đạt hiệu quả kinh tế- xã hội- môi trường cao nhất
cho từng vùng, địa phương và cụ thể cho từng doanh nghiệp. Ở đây, năng lực của
chính quyền địa phương các cấp đóng vai trò quyết định trong phát triển bền
vững phù hợp với điều kiện của địa phương mình.
- Doanh nghiệp tham gia vào được chuỗi giá trị gia tăng toàn
cầu: cải thiện mọi điều kiện để doanh nghiệp hội nhập và
phát triển với chiến lược trọng tâm dựa vào nguồn vốn con người, lao động sáng
tạo sử dụng tiết kiệm tài nguyên và năng lực công nghệ tiên tiến thân thiện môi
trường.
Những
định hướng đã nêu chỉ là những suy nghĩ bước đầu, chắc chắn cần nhiều trao đổi
để Việt Nam có những bước đi thích hợp trên con đường phát triển bền vững với "việc làm xanh cho mọi người"./.
[1] ILO,
Global Employment Trends 2012, Geneva 2012.
[2] ILO,
UNEP, IOE, ITUC, 2008, Green Jobs: Towards decent work in a sustainable,
low-carbon world, Nairobi-Kenya, tr.5.
[3] ILO, như
trên, tr.1.
[4] Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Dự thảo Báo cáo quốc gia tại Hội nghị Liên hợp quốc về Phát
triển bền vững Rio+20, Hà Nội 3/2012.
Bản tin Số 30/quý I-2012, Viện Khoa học lao động
cam on rat nhieu bai viec cua ban.
Trả lờiXóarat bo ich.