Hồ Anh Hải
Trả lời câu hỏi Ai sẽ quyết định tương lai thế
giới, chắc có người sẽ nói hoặc là Mỹ hoặc là Trung Quốc, nghĩa là một
hay một số cường quốc nào đó. Nếu câu hỏi này đặt ra trong thế kỷ XX, sẽ
có người nói hoặc là phe tư bản chủ nghĩa, hoặc là phe xã hội chủ nghĩa
sẽ quyết định, vì hồi ấy hai phe này đang quyết đấu sống chết với nhau.
Nhưng thế giới giờ đây lại có câu trả lời khác : Tương lai loài người
sẽ quyết định bởi tầng lớp trung lưu ; nói rõ hơn, lực lượng thúc đẩy
sự biến đổi thế giới sẽ là một tầng lớp trung lưu toàn cầu (global
middle class) mới nổi lên. Tầng lớp này sẽ chiếm đa số tuyệt đối trong
dân số toàn cầu và do đó sẽ có tiếng nói quyết định tương lai nền chính
trị của cả thế giới.
Số dân trung lưu (triệu người) và tỷ lệ so với toàn cầu (%) của từng vùng
Điều này không có gì mới lạ đối với các nước phát triển. Ở các nước
đó người ta không phân chia giai cấp theo kiểu chúng ta đã biết từ khi
còn ngồi ghế nhà trường phổ thông : xã hội chia làm các giai cấp tư sản,
công nhân, nông dân… và giai cấp vô sản (tức công nhân) sẽ là người đào
mồ chôn chủ nghĩa tư bản v.v...
Các nước ấy dựa vào thu nhập để phân chia tầng lớp xã hội thành 3
loại người : giàu, nghèo và trung lưu. Do kinh tế phát triển, đời sống
cao nên tầng lớp trung lưu chiếm số đông nhất ; và cùng với sự tăng
trưởng kinh tế, tầng lớp này sẽ ngày một đông hơn. Xã hội sẽ phát triển
theo kiểu giữa to, hai đầu nhỏ, nghĩa là đa số dân thuộc tầng lớp trung
lưu, người giàu và nghèo chỉ là thiểu số. Không có cái gọi là giai cấp
công nhân và giai cấp nông dân cũng
như tư sản, tiểu tư sản. Hôm nay anh giàu, nhưng rất có thể ngày mai anh
lại trắng tay. 75% dân Mỹ có nhà riêng kiểu biệt thự, nghĩa là họ đều
có tài sản không dưới 50.000 USD, dù công nhân hay nông dân cũng vậy, vì
thế không thể gọi họ là vô sản. Người lao động cũng có thể có cổ phiếu.
Nước Mỹ có khoảng 2,1 triệu nông dân, hầu hết là chủ nông trại, có
người thu nhập còn cao hơn giáo sư đại học, thậm chí hơn cả tổng thống
Mỹ. Chia tầng lớp xã hội theo thu nhập là cách chia hợp lý nhất trong
điều kiện kinh tế thị trường đầy rủi ro.
Vậy đâu là tiêu chuẩn phân chia ai thuộc tầng lớp trung lưu ?
Hiện nay chưa có một tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu. Điều đó không có
gì khó hiểu vì mỗi nước có cách sống khác nhau. Thí dụ ở Việt Nam người
có thu nhập mỗi tháng 500 USD là sống khá sung túc rồi, trong khi ở Mỹ
số tiền ấy chỉ bằng tiền trợ cấp thất nghiệp. Lương tối thiểu ở Mỹ là
7,25 USD một giờ ; ở ta là 830.000 VNĐ/tháng hoặc 0,25 USD/giờ. Thu nhập
bình quân người lao động Việt Nam năm 2011 là 3,84 triệu VNĐ hoặc 190
USD/tháng. Ngưỡng thu nhập thấp (ta gọi là chuẩn nghèo) ở Mỹ là 45.000
USD cho một hộ 4 người. Số tiền này ở Việt Nam là 900 triệu VNĐ, sao gọi
là nghèo được. Nhưng ở Mỹ thu nhập như thế thì nghèo thật ! Có biệt
thự, có ô tô nhưng không đủ tiền mặt để ăn chơi kiểu Mỹ và phải xin trợ
cấp hộ nghèo, thậm chí xin phiếu ăn miễn phí do chính phủ cấp.
Báo cáo ngày 13/12/2006 của Ngân hàng Thế giới định nghĩa tiêu chuẩn
trung lưu là thu nhập đầu người hàng năm đạt 4.000 17.000 USD.
Báo cáo Xu thế Toàn cầu năm 2030 (Global Trends 2030) của Viện Nghiên
cứu An ninh của Liên minh châu Âu (European Union Institute for
Security Studies, EUISS, có trụ sở tại Paris) lại đưa ra tiêu chuẩn :
những người có thu nhập chi phối được mỗi ngày từ 10 tới 100 USD thuộc
vào tầng lớp trung lưu.
Tổng tiêu dùng ở hộ trung lưu (tỷ USD, thời giá 2005) và tỷ lệ so với toàn cầu (%) của từng vùng
Một định nghĩa khác đưa ra tiêu chuẩn cao hơn, coi những người có mức
tiêu dùng thấp nhất mỗi ngày vào khoảng 15 USD là thuộc tầng lớp trung
lưu. Xét theo tiêu chuẩn của phương Tây thì như thế cũng vẫn còn rất
thấp – nhưng trong khi trên thế giới có bao nhiêu người đang tồn tại với
mức sống mỗi ngày 1 USD thì tiêu chuẩn này là quá cao.
Ở Việt Nam, hiện nay nhà nước và các cơ quan nghiên cứu chưa đưa ra
tiêu chuẩn tầng lớp trung lưu. Công ty Nghiên cứu Thị trường TNS Việt
Nam (TNS Market Research Company, một công ty hàng đầu thế giới về lĩnh
vực nghiên cứu thị trường, đã có mặt tại Việt Nam hơn 15 năm) chia mức
độ thu nhập trong xã hội Việt Nam ra làm ba tầng lớp chính. Theo khảo
sát năm 2010 của họ, tầng lớp thu nhập cao nhất gồm những hộ có thu nhập
từ 9 triệu đến trên 15 triệu VNĐ/tháng, chiếm khoảng 5,4% số dân (hơn
4,6 triệu người). Tầng lớp trung lưu là những hộ có thu nhập 6,5 -15
triệu VNĐ/tháng, hiện có khoảng 18 triệu người, chiếm 16,6% trong tổng
số 86 triệu dân nước ta. Tầng lớp có thu nhập thấp nhất là đa số dân còn
lại, có thu nhập bình quân từ 4,5 triệu tới dưới 1,5 triệu VNĐ/tháng,
chiếm hơn 75% dân số.
Nước Mỹ có 668 nghìn hộ giàu (0,6% số dân), là những hộ có thu nhập
hàng năm không dưới 950.000 USD và có tài sản không dưới 4,5 triệu USD.
Giới nhà giàu thông thường chỉ lo kiếm và giữ tiền, ít phát ngôn, ít làm
chính trị ; hầu hết ghét làm chính trị. Như Bill Gates bây giờ chỉ lo
làm từ thiện, chẳng bao giờ lên tiếng ủng hộ hay chê trách đảng Cộng hòa
hoặc đảng Dân chủ. Warren Buffett thì lại còn ủng hộ người nghèo nữa
kia ! Với mức lương tối thiểu ở Mỹ (7,25 USD/giờ), người làm nghề mạt
hạng nhất, nếu mỗi tuần làm 40 giờ thì thu nhập hàng tháng cũng vào
khoảng 1200 USD, hoặc 14.400 USD/năm, cao hơn giới hạn dưới trong tiêu
chuẩn trung lưu của Ngân hàng Thế giới. Thông thường người lao động Mỹ
hưởng lương mỗi giờ khoảng không dưới 20 USD, hoặc 36.400 USD/năm (730
triệu VNĐ). Vì vậy tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 80% dân Mỹ và họ
quyết định vận mệnh nước này ; trước hết là họ dùng lá phiếu của mình để
quyết định ai là Tổng thống và nghị sĩ. Vì thế các ứng viên vào mấy
chức vụ này luôn luôn phải tìm cách lấy lòng tầng lớp trung lưu.
Xét theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới, năm 2008 tầng lớp trung
lưu ở Trung Quốc chiếm khoảng 22-23% tổng số dân hoặc 300 triệu người và
tăng hàng năm 1%.
Tổng tiêu dùng ở hộ trung lưu (tỷ USD, thời giá 2005) và tỷ lệ so với toàn cầu (%) của 10 nước hàng đầu
Tuy chia theo những tiêu chuẩn khác nhau như vậy, nhưng tầng lớp
trung lưu tất cả các nước đều có những đặc điểm khá giống nhau. Họ là
lực lượng tiêu dùng chủ yếu của xã hội, có vai trò quan trọng kích thích
phát triển các dịch vụ thương mại, giáo dục, sức khỏe y tế, du lịch
v.v.., tức kích thích tăng trưởng kinh tế. Họ đại diện cho tiến bộ xã
hội, vừa có tài sản, vừa có kiến thức. Họ xuất thân từ nhân dân lao động
cho nên hiểu biết và quan tâm tới tình hình và nhu cầu của người lao
động. Họ nhanh chóng tiếp nhận các giá trị phổ quát của loài người tiến
bộ như bình đẳng, dân chủ, tự do, nhân quyền, và hăng hái đấu tranh vì
các quyền lợi đó, đấu tranh bảo vệ lợi ích của họ và của người lao động.
Họ có vai trò ngày càng lớn trong xã hội
Tại các nước phát triển, từ lâu tầng lớp trung lưu đã quyết định xu thế
phát triển xã hội. Họ đông người nhất nên có vai trò quyết định trong
các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Các ứng viên nào không đáp ứng
các yêu cầu của họ thì chắc chắn thất cử. Họ có tiếng nói lớn nhất trong
giới truyền thông, có thể nói là tầng lớp « to mồm » nhất.
Báo cáo Xu thế Toàn cầu năm 2030 của EUISS đưa ra một dự đoán rất
phấn khởi : căn cứ theo xu thế hiện nay, tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ
từ 2 tỷ người tăng lên 3,2 tỷ người vào năm 2020 và 4,9 tỷ người vào năm
2030 (dự tính tổng số dân toàn thế giới năm 2030 là hơn 8 tỷ người).
Nói cách khác đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số người
thuộc tầng lớp trung lưu sẽ vượt qua số người nghèo.
Đáng chú ý nhất là sự biến đổi ở châu Á. Xét theo tiêu chuẩn của
EUISS, số lượng người tiêu dùng ở mức trung lưu tại Trung Quốc hiện nay
đã là hơn 160 triệu, chỉ kém nước Mỹ. Nhưng con số ấy chỉ chiếm có
khoảng 12% tổng số dân Trung Quốc. EUISS dự tính đến năm 2030 tỷ lệ này
sẽ lên tới 74%. Tại Ấn Độ, năm 2025 sẽ có một nửa số dân vượt qua ngưỡng
thu nhập mỗi ngày 10 USD và đến năm 2040 thì 90% số dân Ấn Độ sẽ thuộc
tầng lớp trung lưu.
Trào lưu này sẽ lan ra tới các vùng khác bên ngoài châu Á. Đến năm
2030 số người đạt tiêu chuẩn tầng lớp trung lưu tại Brazil sẽ chiếm hơn
hai phần ba số dân, còn số lượng người tiêu dùng tầng lớp trung lưu ở
Trung Mỹ và châu Mỹ La Tinh sẽ đuổi kịp Bắc Mỹ. Châu Phi biến đổi chậm
hơn nhưng đến năm 2030 số người tầng lớp trung lưu vẫn tăng gấp đôi trở
lên so với hiện nay.
Dĩ nhiên thu nhập chi phối được của những người tiêu dùng mới bước
lên tầng lớp trung lưu này vẫn còn rất thấp so với tầng lớp trung lưu ở
Bắc Mỹ và châu Âu. Nhưng tỷ lệ người các nước giàu trong tổng số người
thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu có lẽ sẽ giảm hơn một nửa, từ 64% hiện
nay hạ xuống còn 30%.
Các nhà phân tích trên thế giới cho rằng biến đổi cơ cấu xã hội nói
trên sẽ có ảnh hưởng lớn đối với tình hình trật tự chính trị bên trong
các nước mới nổi lên. Tầng lớp trung lưu sau khi lớn mạnh lên rất có thể
sẽ yêu cầu chính phủ các nước phải cư xử có trách nhiệm hơn, nghĩa là
phải đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa xã hội. Điều đó chưa chắc có nghĩa
là họ sẽ mạnh mẽ yêu cầu thực hành chế độ dân chủ đại nghị kiểu phương
Tây, nhưng tầng lớp cầm quyền hiện có ở nhiều nước phương Đông (thông
thường là chưa dân chủ) sẽ phải chịu sức ép đến từ tầng lớp trung lưu.
Sự phổ cập giáo dục – nhất là phổ cập trong nữ giới – và các tiến bộ
như vũ bão của công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy tầng lớp trung lưu tích
cực hơn trong việc đòi tăng cường quyền phát ngôn của mình trong các tổ
chức xã hội. Công nghệ thông đã thể hiện đầy đủ ảnh hưởng của nó trong
phong trào nổi dậy tại thế giới A Rập kể từ đầu năm ngoái. Người dân
Tunisia, Ai Cập, Libya … dùng mạng Internet và điện thoại di động để
liên kết với nhau trong những tổ chức ảo, gọi nhau đi mít tinh, biểu
tình chống lại các nhà độc tài, dẫn đến kết cục thay đổi chế độ chính
trị. Việc mọi người cùng được hưởng thông tin tức thời và hầu như miễn
phí đã đem lại cho tầng lớp trung lưu toàn cầu một thứ vũ khí mạnh mẽ
trong cuộc đấu tranh giành quyền định đoạt số phận mình. Trung Quốc năm
2011 có 513 triệu dân mạng (135 triệu ở nông thôn), vượt tổng số dân
nước Mỹ, và 850 triệu hộ điện thoại di động, hơn 250 triệu người dùng
microblog (weibo) để phát biểu quan điểm của mình, tố cáo tham nhũng,
bất công và nạn chính quyền giấu thông tin.
Rõ ràng là khi mấy tỷ người trên thế giới thoát khỏi nghèo đói thì sẽ
có rất nhiều người – rất có thể là nhiều nhất trong lịch sử – phấn khởi
tiếp nhận các giá trị quan cơ bản như dân chủ tự do, nhân quyền và pháp
trị. Có rất nhiều chứng cớ cho thấy khi xã hội càng giàu lên và trình
độ giáo dục của xã hội càng cao thì số người tán thành các giá trị quan
phổ quát sẽ càng nhiều. Các nước giàu đều là những nước sớm theo chế độ
chính trị dân chủ (trừ trường hợp cá biệt như nước Đức đầu thế kỷ XX),
trong khi nhiều nước nghèo vẫn theo chế độ độc tài chuyên chế, điển hình
ở vùng châu Phi nghèo đói. Các chính quyền chuyên chế trên toàn cầu sẽ
chịu sức ép từ đa số nhân dân đã tiếp nhận các giá trị quan tiến bộ nói
trên.
Có thể hy vọng là trong tương lai không xa, tầng lớp trung lưu toàn
cầu đông đảo mới nổi lên ấy sẽ có khả năng thúc đẩy tiến trình dân chủ
hóa trên toàn thế giới, sớm loại bỏ các chính quyền chuyên chế, đưa toàn
thể nhân loại tiến lên thời kỳ mọi người sống sung túc và làm chủ số
phận của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.