20 tháng 8, 2012

Bài toán trách nhiệm

Nguyễn Sĩ Dũng


Minh họa: Khều

Chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng của cơ quan công quyền để xảy ra tham nhũng và tiêu cực* tưởng chừng khá đơn giản và sáng tỏ: người đứng đầu cơ quan thì phải chịu trách nhiệm về mọi công việc của cơ quan kể cả việc cấp dưới tham nhũng và tiêu cực. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay, đây thật sự là một bài toán khó.

Trước hết, đó là do sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn. Trách nhiệm phải gắn với quyền hạn. Không thể đòi hỏi một quan chức phải chịu trách nhiệm về những việc mà người đó không có quyền quyết định. Thực tế cho thấy, không phải thủ trưởng nào trong hệ thống của chúng ta cũng có quyền lựa chọn và quyết định về các cấp phó của mình (và có thể một số nhân sự quan trọng khác). Nếu trách nhiệm phải được truy cứu trên cơ sở hành vi (ở đây, trước hết là hành vi đề bạt), thì người phải chịu trách nhiệm sẽ là một quan chức cấp trên. Tuy nhiên, cách áp đặt chế độ trách nhiệm như vậy sẽ hết sức rủi ro. Vì quan chức này thường không có điều kiện để theo dõi hoạt động hằng ngày của người được mình đề bạt (kể cả trước và sau khi đề bạt).

Thủ trưởng cơ quan có thể có quyền đề cử cấp phó của mình (trên thực tế, không phải bao giờ cũng như vậy) và phải chịu trách nhiệm về việc đề cử đó. Ngày xưa, các quan lại cũng có quyền tiến cử những người hiền tài cho nhà vua và phải chịu trách nhiệm nặng nề về sự tiến cử của mình. Tuy nhiên, chúng ta đã đánh đổ chế độ quân chủ từ lâu. Trong hai hành vi: hành vi đề cử và hành vi quyết định đề bạt, hành vi nào đáng phải chịu trách nhiệm cao hơn?!

Hai là, phạm vi liên đới trách nhiệm khó có thể xác định được một cách rõ ràng. Ví dụ, ở cấp phòng, một công chức tham nhũng thì trưởng phòng phải chịu trách nhiệm. Nhưng phòng lại nằm trong sở, thế giám đốc sở có phải chịu trách nhiệm không? Bao nhiêu phòng để xảy ra tham nhũng giám đốc sở mới phải chịu trách nhiệm?

Chưa nói đến cơ chế song trùng trực thuộc: vừa có thủ trưởng theo chiều ngang, vừa có thủ trưởng theo chiều dọc. Ví dụ: sở vừa trực thuộc ủy ban nhân dân, vừa trực thuộc bộ chuyên ngành tương ứng. Một giám đốc sở sẽ có hai thủ trưởng cấp trên trực tiếp. Đó là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và bộ trưởng tương ứng. Nếu giám đốc sở tham nhũng thì vị nào trong hai vị này phải chịu trách nhiệm?

Ba là, cơ chế tập trung quan liêu chậm được khắc phục. Nét đặc trưng của cơ chế này là: quyền hạn tập trung cho cấp trên, đồng thời trách nhiệm cũng đẩy hết cho cấp trên. Các công việc cụ thể đã được đẩy lên cho cấp trên bằng nhiều cách: xin ý kiến chỉ đạo; xin phê duyệt; xin ban hành quyết định v.v. Khi tham nhũng, tiêu cực xảy ra, trách nhiệm có thể dính đến các cấp rất cao. Việc áp đặt trách nhiệm pháp lý cho các quan chức cao cấp là rất khó khăn. Thông thường, điều này không thể thực hiện được vì thiếu công đoạn xử lý trách nhiệm chính trị. Mà cách thức, thủ tục xử lý trách nhiệm chính trị thì lại còn là những vấn đề rất mới và về cơ bản chưa được vận hành trên thực tế.  

Những khó khăn nói trên cho thấy, việc xác lập chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng của cơ quan công quyền để xảy ra tham nhũng và tiêu cực cần được giải quyết trong tổng thể của các nỗ lực nhằm cải cách hệ thống hành chính-nhà nước nói chung. Tuy nhiên, đây là công việc khó khăn, phức tạp và đòi hỏi phải có thời gian. Trước mắt, chế độ trách nhiệm cần phải được xác lập trên cơ sở những quyền hạn thực tế mà các quan chức đang có. Ngoài ra, trách nhiệm chỉ xác lập được trên cơ sở hành vi. Mà rõ ràng nhất là hành vi kiểm tra, giám sát các công chức cấp dưới. Việc áp đặt trách nhiệm tràn lan, không căn cứ vào hành vi có thể chỉ mang đến những kết quả ngược lại. Đơn giản là: điều này chỉ khuyến khích những người đứng đầu các cơ quan che giấu tham nhũng và tiêu cực mà thôi.

---

* Gắn với việc triển khai NQ Trung ương IV)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.