Vũ Thị Phương Anh dịch từ. Nguồn của bài viết gốc ở đây: http://www-tcall.tamu.edu/orp/orp1.htm.
Phương pháp
Chọn mẫu đối tượng tham gia
Hầu hết các
nghiên cứu với phương pháp phỏng vấn nhóm sử dụng việc lấy mẫu chủ đích
(purposive sampling) (Miles & Huberman, 1984), trong đó các nhà
nghiên cứu lựa chọn người tham gia dựa trên mục đích của dự án và tiềm
năng đóng góp của người tham gia. Ngoài ra, người tham gia có thể được
lựa chọn ngẫu nhiên từ một nhóm lớn hơn gồm những người có thể cung cấp
một cái nhìn sâu sắc về chủ đề. Ví dụ, nếu một ai đó muốn biết thêm về
một tôn giáo nào đó thì lấy mẫu chủ đích (tức tìm ra một danh sách các thành viên của cộng đoàn và lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách đó) sẽ
là cách tiếp cận phù hợp nhất. Đôi khi phỏng vấn nhóm cũng sử dụng
phương pháp lấy mẫu thuận tiện (convenience sampling), tức chọn những
người nào dễ tiếp cận nhất và nhanh nhất có thể được, nhưng chiến lược
này không được khuyến khích.
Lấy mẫu chủ đích có thể được phân loại theo các chiến lược cụ thể. Patton (1990) đưa ra năm loại như sau:
1. Lấy mẫu trường hợp cá
biệt (extreme or deviant case sampling) được sử dụng để xác định một
nhóm nhỏ trong một cộng đồng lớn hơn. Ví dụ, người sử dụng ma túy có thể
được chọn để phỏng vấn nhóm về vấn đề trao đổi kim chích.
2. Lấy mẫu trường hợp phổ biến (typical case) cung cấp một mặt cắt ngang (cross section) các thông tin tổng quát về một nhóm lớn hơn.
3. Lấy mẫu các trường hợp khác biệt tối đa (maximum variation case sampling) xác định các cá nhân có thể thích ứng với các bối cảnh và điều kiện khác nhau.
4. Lấy mẫu trường hợp kịch tính (critical case) chú trọng các cá nhân đại diện cho các trường hợp "nghiêm trọng" nhất nhằm mở rộng các kết quả tìm được sang các trường hợp khác có liên quan.
5. Lấy mẫu các
trường hợp nhạy cảm hoặc quan trọng về mặt chính trị quan trọng thường
được sử dụng để điều tra các vấn đề quan trọng thông qua việc lựa chọn
những cá nhân có quan điểm cụ thể.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bất kể phương pháp lấy mẫu, phỏng vấn nhóm không cung cấp các kết quả có thể khái quát được - tức là những kết quả không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp tương tự như những người tham gia phỏng vấn. Đối với phương pháp này, biện pháp hữu ích để đo lường tính giá trị của nó là khả năng mở rộng (transferability), điều này yêu cầu các kết quả được trình bày theo cách nào đó để cho phép các nhà giáo dục khác phán đoán xem các kết quả nghiên cứu có thể áp dụng trong bối cảnh của họ hay không.
Tuyển chọn người tham gia
Tuyển chọn là quá trình tập hợp các thành viên trong nhóm sao cho họ cùng có mặt tại một nơi ở cùng một thời điểm. Có nhiều cách để làm điều này. Tốt nhất là bắt đầu với một danh sách thành viên. Một cách khác là tìm một đầu mối có hiểu biết về nhóm đối tượng mục tiêu. Sử dụng tiếp ví dụ đã nêu ở trên, các vị đứng đầu của của một giáo xứ có thể giúp cung cấp tên các giáo dân sẵn sàng tham gia cuộc phỏng vấn. Việc giới thiệu từ những người khác, hoặc thông qua truyền miệng, là một phương tiện tốt để thu thập một mẫu. Một người có quan tâm đến vấn đề nào đó cũng có thể cung cấp tên tuổi của những người tham gia tiềm năng khác. Cách tuyển chọn này được gọi là kỹ thuật chọn mẫu dây chuyền, hoặc còn gọi là kỹ thuật "trái cầu tuyết" (snowball) (Lindlof, 1995).
Những yếu tố khác cần cân nhắc bao gồm các yếu tố nhân khẩu học. Trong việc thực hiện các cuộc phỏng vấn nhóm, điều quan trọng là phải xem xét xem nhóm mà ta sẽ phỏng vấn có phản ánh đúng dân số mà ta quan tâm về các khía cạnh giới tính, dân tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, tình trạng kinh tế xã hội, tuổi tác, giáo dục, và bất cứ khía cạnh nào khác có thể có liên quan hay chăng. Nếu ta tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu về phụ nữ lớn tuổi người Mỹ gốc Phi và khả năng chịu đựng bệnh viêm khớp của họ, thì mẫu nghiên cứu cần bao gồm chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi người Mỹ gốc Phi.
Một câu hỏi khác là liệu nên chọn một mẫu đồng nhất (tất cả mọi người đều giống nhau) hay mẫu không đồng nhất (tất cả mọi người là khác nhau). Hầu hết các nhà nghiên cứu đều muốn có một nhóm đồng nhất với chủ đề chung là các vấn đề sẽ được thảo luận (Vaughn, Schumm, & Sinagub, 1996). Trong phương pháp này, người ta tin rằng khi có quá nhiều quan điểm khác nhau thì có thể làm giảm mục tiêu tổng thể. Có thể đưa ra một ví dụ là một dự án nghiên cứu có mục đích tìm hiểu quan điểm của các cảnh sát về tòa án, vì vậy nhóm được chọn để phỏng vấn ở đây bao gồm các nhân viên cảnh sát được tập họp lại để thảo luận về hệ thống tòa án. Những người ủng hộ việc sử dụng nhóm không đồng nhất thì cho rằng các nhóm được phỏng vấn nên bao gồm các các ý kiến khác nhau, trong đó những người tham gia phải cảm thấy họ có thể trình bày quan điểm của họ mà không cảm thấy lo ngại vì mình có quan điểm không giống người khác. Theo định nghĩa thì một nhóm không đồng nhất phải bao gồm những người có quan điểm khác nhau. Nếu các nhà nghiên cứu muốn phát hiện những quan điểm khác nhau về hệ thống tòa án, họ sẽ mời một sĩ quan cảnh sát, một vị thẩm phán, một luật sư, đại loại như thế.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.