7 tháng 1, 2013

TRI THỨC XÃ HỘI HỌC VỚI XU THẾ MẠNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM



 Ngô Văn Huấn

Có thể nói sự xuất hiện của internet không chỉ tạo nên một cuộc cách mạng trong truyền thông mà nó làm cho quá trình trao đổi thông tin của con người với nhau có những thay đổi hết sức căn bản.
Với đặc tính nhanh chóng, tiện lợi và sự tích hợp cao về thông tin, internet đã biến mạng lưới xã hội của con người ngày càng trở nên dày đặc và phức tạp hơn. Không chỉ là việc lan tỏa thông tin và tri thức ngày càng nhanh, mạnh vào mọi mặt của đời sống con người, internet còn hình thành nên nhiều tính năng mới. Một trong những tính năng đã làm thay đổi quan niệm, cách tiếp cận thông tin và thông qua đó làm thay đổi xã hội đó là sự ra đời của mạng xã hội. Mạng xã hội là một tính năng mới trên internet ra đời trong những năm gần đây nhưng có sức hút rất mạnh mẽ và qua đó hình thành nên một quá trình liên kết cộng đồng rộng lớn. Với đặc tính liên kết nhanh chóng và hầu như không có kiểm soát, cộng đồng đó mặc dù có “tính ảo”, nhưng lại rất hiện thực và không kém tính tương tác như những cộng đồng hiện hữu trong thực tế, thậm chí nó còn linh hoạt và biến đổi nhanh hơn. Sức mạnh từ cộng đồng này cũng không hề nhỏ, nó có thể là sự khởi đầu, lan tỏa các phong trào xã hội và gây ra những biến động chính trị. Ví dụ về "cách mạng hoa lài”, “mùa xuân Arap” là những biến cố chính trị nổi bật nhất trong vài năm qua có vai trò không nhỏ của internet mà cụ thể hơn là mạng xã hội trong việc lan tỏa, cộng hưởng thông tin qua đó tạo thành một cộng đồng sức mạnh gián tiếp gây nên những xung đột chính trị quân sự. Ngày nay cộng đồng đó vẫn đang âm thầm, làm nên những biến cố mới ở nhiều nơi, nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và cá nhân. Có thể nói mạng xã hội không chỉ dừng lại ở việc trao đổi và truyền bá thông tin mà nó còn hình thành nên một cộng đồng có sức mạnh to lớn.
Thực tiễn quan sát cho thấy cộng đồng này ở Việt Nam là không hề nhỏ về quy mô và yếu thế về vai trò. Theo báo cáo của hiệp hội internet Việt Nam đến tháng 9/2012, số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam đã đạt trên 31 triệu, chiếm 35,49% dân số. Về mục đích sử dụng internet, báo cáo này cũng cho biết: “Trong đó, việc truy cập Internet để đọc tin tức chiếm 94%, tìm kiếm 92%, nghe nhạc 78%, nghiên cứu học tập/công việc chiếm 72% vào các trang mạng xã hội 36%, xem blog 31%, viết blog 20%. Về đối tượng sử dụng, lực lượng học sinh, sinh viên chiếm đông đảo với 33%, tiếp sau là điều hành các cấp/nhân viên cấp dưới chiếm 15%...”1 Điều đó cho thấy đó không gian internet nói riêng và mạng xã hội nói chung là một nhóm công chúng tiềm năng và đầy triển vọng cho việc truyền bá tri thức xã hội học.
Dựa trên những quan sát và trải nghiệm của bản thân. Tác giả nhận thấy các nhà xã hội học, những người nghiên cứu, giảng dạy xã hội học ở Việt Nam lại rất ít sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng để thực hiện sứ mệnh lan tỏa tri thức xã hội học và đời sống xã hội.
Hiện nay cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam rất đa dạng, nhưng chủ yếu hai nhóm là những người trên Blog và facebook. Tuy nhiên lại có sự khác nhau giữa hai nhóm này. Nhóm blog tạo những trang cá nhân riêng mang tính truyền bá tri thức nhiều hơn và thành viên chủ yếu là các trí thức có vẻ khá đông đảo và chiếm ưu thế. Hiện nay có rất nhiều blog thu hút lượng truy cập lớn và cá ảnh hưởng xã hội cao. Tuy nhiên, trong số những chủ trang blog nổi tiếng này thì những “nhà xã hội học” lại rất ít. Còn nhóm facebook lại rất đa dạng về thành phần nhưng nhìn chung nhóm trẻ lại chiếm ưu thế hơn. Nhưng những diễn đàn có chất lượng và thu hút được nhiều người nghiên cứu, quan tâm xã hội học hay những thông tin chuyên sâu về xã hội học cũng rất ít. Mặc dù những nhận định trên thiếu những dữ liệu định lượng, nhưng tác giả tin rằng những nhận định này phản ánh đúng thực tế.
Khi quan sát các trang blog cá nhân thì nhóm có ảnh hưởng lớn nhất vẫn là giới trí thức. Trong đó đông đảo nhất vẫn là giới văn nghệ sỹ, tiếp đến là các nhà báo, các nhà khoa học, nhà giáo… Tuy nhiên, trong rất nhiều bloger đó thì những nhà xã hội học, người nghiên cứu, giảng dạy xã hội học lại rất ít. Điều này làm cho những thông tin được lưu truyền trên cộng đồng này lại thiếu “chất xã hội học”. Thể hiện rõ nhất trong những bài viết của nhiều tác giả mặc dù được trình bày theo phong cách khoa học, nhưng lại thiếu các bằng chứng thực nghiệm mà vẫn chỉ dừng lại ở sự “chủ quan hóa”. Các bài viết nhằm mục đích phản biện chính sách lại chủ yếu đi là những phần tiểu tiết, nhằm vào cá nhân mà thiếu đi các bằng chứng khách quan từ bản thân những người thụ hưởng và thực thi chính sách. Chính vì thế làm cho tính thuyết phục của thông tin bị suy giảm, điều này đã khiến tiếng nói của cộng đồng này không được coi trọng đúng mức.
Khi xem xét những đặc tính của mạng xã hội thì có thể nói có có nhiều điểm tương đồng đối với tư duy của những người làm xã hội học. Mạng xã hội có một đặc tính lớn đó là sự kết nối rất mạnh, điều này rất phù hợp cho những thảo luận bàn tròn, hay theo kiểu thảo luận nhóm tập trung trong xã hội học. Trong tư duy xã hội học vốn rất đề cao tính trao đổi, thảo luận và đặc biệt là phản biện. Nhưng thực tế nước ta những tri thức xã hội học đang thiếu vắng hoặc hầu như không phát huy hết tính hữu dụng của nó trong cuộc sống và trong chính sách bởi lẽ những “vùng cấm” hay “bức tường quyền lực”. Chính vì lẽ đó, mạng xã hội có vẻ như là một hướng đi, một cách làm hết sức cụ thể để đưa tri thức xã hội học vào cuộc sống và thực hiện được vai trò xã hội của nó,  Những điều được nói trên khiến người viết bài này trăn trở ở một sự thiếu vắng tri thức xã hội học trong xu thế cộng đồng mạng đang ngày càng đông đảo và có sức mạnh to lớn như hiện nay. Thực tế đang cho thấy, nhiều nhà kinh doanh nhạy bén trong việc tận dụng không gian mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình và họ đã rất thành công. Thiết nghĩ một cách làm để lan tỏa tri thức xã hội học vào đời sống chính là việc các nhà xã hội học, những người nghiên cứu giảng dạy xã hội học ở Việt Nam chấp nhận “dấn thân” để mảnh đất này không còn thiếu vắng xã hội học. Nếu có nhiều người chấp nhận cho sự dấn thân đó, thì viễn cảnh về một gia đình xã hội học đông đảo và sung túc trên miền đất này không còn quá xa vời.





1 http://www.vietnamplus.vn/Home/Viet-Nam-dung-o-top-dau-ve-so-nguoi-dung-Internet/201212/171500.vnplus
 

1 nhận xét:

  1. Bai viet cua thay rat hay! No pan anh pan nao su lien ket yeu cua mang xa hoi ve xa hoi hoc. Tuy nhien de su lon manh cua mang luoi nay thi truoc het nhung tri thuc xa hoi hoc phai la nhung nguoi tien pong di truoc don dau. Can nhieu hon nhung bai viet dac thu ve xa hoi hoc an chua vai tro quan trong cua xhh doi voi xh.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.