1 tháng 9, 2011

TRỞ LẠI HỌC THUYẾT ĐẠO ĐỨC CỦA DURKHEIM XEM XÉT XÃ HỘI HIỆN NAY


Ngôn Huấn
Durkheim được xem là người có công lớn nhất trong việc xác lập Xã hội học là một khoa học độc lập cả về mặt lý luận lẫn phương pháp luận. Tuy nhiên, người ta còn biết đến ông với tư cách là một nhà khoa học khả kính của giáo dục học, khoa học về tôn giáo. Trên lĩnh vực chính trị, học thuyết đạo đức xã hội của Durkheim cũng để lại những dấu ấn rất đặc sắc.
Lý thuyết đạo đức ra đời trong bối cảnh xã hội Pháp lúc bấy giờ trước khi những hiện tượng bệnh hoạn của đời sống xã hội mà ông chứng kiến đang trở nên phổ biến và sáng rõ. Durkheim giải thích điều đó như là sự thất bại của cá nhân trong hội nhập, một quá trình đứt gãy xẩy ra trong những đoàn kết xã hội1. Theo Durkheim để giải quyết tình trạng đó, ông đưa ra một giải pháp về mặt chính trị đó là học thuyết đạo đức xã hội của ông. Xuất phát từ nguyên nhân dẫn đến những bệnh hoạn đó ông đã đưa ra một con đường, đó là xây dựng nền đạo đức xã hội và chỉ có như vậy mới làm cho xã hội ổn định hơn, hay thiết thực hơn là giảm thiếu những tiệc cực bệnh hoạn.
Có lẽ nếu so sánh hay quy chiếu xã hội chúng ta bây giờ với bối cảnh lúc đó là một sự khiên cưỡng khó chấp nhận. Nhưng những hiện tượng tiêu cực, các vấn đề mà chúng ta đang đối mặt hôm nay phần nào thể hiện trong nhận định của Durkheim. Sự thờ ơ của xã hội trước những điều trái với chuẩn mực, giá trị truyền thống bị phai nhạt trong các mối quan hệ, thay vào đó là những hệ thống giá trị mới xa lạ với chúng ta. Từ đời sống kinh tế đến đời sống tinh thần nhân văn đã có những sự thay đổi, có những “bước tiến” khó chấp nhận được. Tính nhân văn đang bị lung lay, khi những kiến thức nền tảng về lịch sử, văn hóa đang ngày càng mỏng đi. Các ngành học về nhân văn, về tạo dựng và xây đắp nền tảng đó đang đối mặt với báo động thiếu “nguồn cung” nghiêm trọng. Sư phạm luôn là một điều gì đó cao quý, thì bây giờ lại bị đẩy xuống hàng “yếu phẩm” để thay thế vào đó là chủ nghĩa vật chất, hành vi vị lợi. Điều đó thể hiện rõ trong trào lưu sinh viên đang chuyển về các ngành ứng dụng, những ngành có thể có được “tiền tươi” sau khi ra trường. Không thể trách những sinh viên đó được, lại càng không thể trách những ông bố, bà mẹ lam lũ suốt cuộc đời đang gửi gắm những hy vọng đổi đời vào nhũng đứa con của họ. Điều đó phải được trận trọng! Điều đáng trách chính là những hệ lụy từ những “chiến lược” đã dẫn đến điều đó. Điều mà Durkhiem đã nói cách đây hơn một thế kỷ “con người sinh ra từ xã hội chứ không phải xã hội sinh ra con người”. Có nghĩa là tác nhân của quá trình xã hội hóa đó đã tạo dựng nên suy nghĩ hành động con người chính là xã hội. Đây chính là điểm cốt lõi mà Durkheim đưa ra quan điểm vực lại đạo đức xã hội thông qua các hiệp hội và nghiệp đoàn mà ở đó các cá nhân có thể được hội nhập, được trải nghiệm trong một môi trường đạo đức lành mạnh mà họ có được sự đoàn kết cơ hữu, liên kết cần có nhau hơn. Thông qua các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau sẽ tạo nên sự níu kéo trong một sự liên đới bền chặt.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều hiện tượng tiêu cực được lý giải từ sự suy thoái đạo đức có nguồn gốc từ những liên đới yếu kém của cá nhân. Khi chúng ta bước vào quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, nó cũng kéo theo những biến đổi sâu sắc trong nhiều lĩnh vục khác nhau. Trong xã hội đã bắt đầu hình thành những hệ thống giá trị mới thích ứng với bối cảnh mới đó. Chính hệ thống giá trị này nó tác động và hướng dẫn động cơ đến cách thức hành động. Tuy nhiên, hệ thống giá trị đó vốn chỉ thích ứng và được đón nhận ở một nhóm nhất định, còn những nhóm xã hội khác vẫn chịu ảnh hưởng của giá trị cũ đã tạo ra họ. Điều này tất yếu dẫn đến những xung đột giữa hai hệ thống giá trị này, cũng chính là sự xung đột giữa các nhóm đại diện cho nó đang ở rất gần nhau. Quá trình đó dẫn đến hậu quả là có những bất thường xẩy ra trong xã hội dẫn đến những cách phán xét tiêu cực.
Nguyên nhân từ sự rối loạn chức năng của cơ thể xã hội là một giải thích dễ chấp nhận được trước những biểu hiện tiêu cực, bạo lực đầy rẫy trong xã hội ngày nay. Chức năng kiểm soát của các thiết chế xã hội chính thức là pháp luật và các thiết chế phi chính thức luân lý, đạo đức, tôn giáo, phong tục tập quán… đã không còn đủ sức mạnh để núi kéo con người ra khỏi hành vi tiêu cực nữa. Điều đó có căn cơ từ xuống cấp giá trị đạo đức trong mọi ngõ ngách xã hội, nó trở nên phổ biến đến mức người ta gần xem đó như là “lẽ dĩ nhiên”. Hiện nay ai cũng hiểu một lẽ hiển nhiên rằng muốn xin việc ở các cơ quan nhà nước, thì phải chạy chọt bằng tiền, điều người ta thắc mắc có chăng là số tiền đó là bao nhiêu mà thôi. Nếu có ai đó nghe theo những thông báo tuyển dụng của một cơ quan nào rồi nộp hồ sơ, đến ngày đi dự tuyển hay phỏng vấn mà không có “lối đi cửa sau” trước đó thì ngay lập tức anh ta bị người ta cười nhạo là “ngây thơ”. Cái sự “ngây thơ” mà người ta dành cho anh chính là dấu hiệu của những hiện tượng tham nhũng gần như đã trở thành hiển nhiên và xã hội dần chấp nhận nó như một chuẩn mực. Đây chỉ là một trong rất nhiều những vết thương trong cơ thể xã hội hiện nay đang có vẻ như ngày càng trở nên ôm yếu vì sự hủy hoạt của nhiều loại virút mà không có một thứ văcxin nào có thể phòng ngừa hữu hiệu, hay một phương thuốc nào có thể điều trị tận gốc. Trở lại lý thuyết về bất quy tắc của Durkheim để làm khung lý thuyết giải thích những biểu hiện đó thì cũng không hề mất đi sức thuyết phục. Khi người ta chấp nhận những lệch lạc, hay buộc phải làm theo nó, thì cũng có nghĩa là những chuẩn mực không tạo ra được sự kiểm soát cá nhân nữa để rồi tình trạng phi chuẩn mực2 xẩy ra trong cá nhân. Vấn đề không phải là ở cá nhân, mà có lẽ là ở những lực lượng đang đại diện để duy trì các chuẩn mực, không làm hết chức trách, để mất lòng tin nơi mọi người và cũng từ sự mất lòng tin đó mà cái chất “linh thiêng” của pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán…không còn nữa. Khi đó cá nhân trở về những hành động lạnh lùng, dã thú, bệnh hoạn là một khoảng cách không quá xa vời.
Chính vì vậy, học thuyết đạo đức của Durkheim có thể là một lối thoát? Mặc dù có sự khác nhau về bối cảnh cũng như những đặc trưng văn hóa của xã hội Việt Nam hiện nay và xã hội Pháp lúc Durkheim sinh sống. Nhưng chúng ta cũng có chung một nhận thức rằng. Nếu nguyên nhân của những bất ổn hiện nay một phần từ sự suy thoái đạo đức, thì học thuyết của Durkheim vẫn có giá trị trên cả lĩnh vực vĩ mô lẫn trong các mối quan hệ cá nhân. Như thế những giải pháp về xây dựng nền tảng đạo đức thông qua tăng cường tính đoàn kết hữu cơ của các nhân bằng cách thiết lập và vực dậy chức năng tích cực của các hiệp hội, nghiệp đoàn… vẫn có thể thực hiện được trong bối cảnh thiết chế giáo dục cũng đang ở tình trạng suy thoái.


1 Tác giả Trần Hữu Quang lại cho rằng đó là sự liên đới xã hội
2 Tình trạng này cho thấy, không còn chuẩn mực nào có khả năng kiểm soát cá nhân nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.