Ngô Văn Huấn
1. Khái niệm
Khái niệm biến đổi xã hội thường được dùng với nghĩa tương tự như các khái niệm gần nghĩa và cũng dẫn đến những nhầm lẫn như: biến chuyển xã hội, thay đổi xã hội, tiến bộ xã hội, tiến hóa xã hội, hiện đại hóa…
Trong Từ điển xã hội học Nguyễn Khắc Viện dùng khái niệm “thay đổi xã hội”. Theo đó, thay đổi xã hội “chỉ trạng thái vận động xã hội khác nhau: tiến bộ hoặc thoái bộ, tiến hóa hoặc cách mạng, bộ phận hoặc toàn bộ, v.v..” (1994: 284). Với cách tiếp cận này thay đổi xã hội ở tầm xã hội vĩ mô, khi xã hội có sự vận động trong tồn tại xã hội, ý thức xã hội hoặc kết hợp cả hai. Như vậy, “thay đổi xã hội” là một khái niệm mang tính chất là một phạm trù triết học nhằm để chỉ sự vận động từ một giai đoạn xã hội (hình thái kinh tế-xã hội) này sang một giai đoạn khác.
Một quan điểm khác cũng xem biến đổi xã hội ở khía cạnh tương tự như sau: “Biến chuyển xã hội là những sự thay đổi diễn ra trong khuôn mẫu tổ chức xã hội, cấu trúc, thiết chế và đời sống văn hóa xã hội” (theo Nguyễn Minh Hòa, 1999: 192). Trong khái niệm này, biến chuyển xã hội được hiểu theo bình diện rất rộng với nhiều cấp độ. Biến chuyển các khuôn mẫu trong tổ chức, trong các thiết chế và diễn ra trên quy mô xã hội tổng thể.
Còn trong Từ điển xã hội học Oxford lại xem biến đổi xã hội dưới góc nhìn xã hội học bao gồm rất nhiều nhiều phương diện. Từ biến đổi ngắn hạn đến những biến đổi dài hạn, những biến đổi quy mô lớn đến quy mô nhỏ, từ cấp độ toàn cầu tới cấp độ gia đình. Biến đổi xã hội không chỉ thể hiện trên phương diện cấu trúc chính trị và cơ cấu xã hội rộng lớn mà còn thể hiện trong chuẩn mực, giá trị, khuôn mẫu hành vi, các mối quan hệ.
“Biến chuyển xã hội là sự thay đổi có tính cơ cấu trong những tổ chức, trong những lối suy nghĩ qua thời gian” (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2003: 200). Quan điểm này nhìn nhận biến đổi xã hội diễn ra không chỉ trong cấu trúc của xã hội tổng thể mà còn diễn ra trong những nhận thức và suy nghĩ.
“Biến đổi xã hội là một quá trình qua đó những khuôn mẫu của các hành vi, các quan hệ, các thiết xã hội và các hệ thống phân tầng được thay đổi qua thời gian” (Phạm Tất Dong - Lê Ngọc Hùng, 2001: 280). Qua đó các tác giả đưa ra hai loại hình biến đổi xã hội như sau:
- Biến đổi vĩ mô, nó diễn ra trên một phạm vi rộng lớn, diễn ra trong một thời gian dài
- Biến đổi vi mô, liên quan đến những biến đổi nhỏ, diễn ra nhanh hơn.
Trên cơ sở các định nghĩa đó thì biến chuyển xã hội có một số đặc trưng như:
1- Diễn ra trong những môi trường, các không gian xã hội khác nhau;
2- Tốc độ và tính chất khác nhau;
3- Biến đổi xã hội cũng diễn ra trên nhiều phương diện khác nhau;
4- Vừa có tính tự giác, nhưng cũng mang tính phi kế hoạch, có những biến đổi người ta lường trước, nhưng có những thay đổi con người không thể lường được;
5- Biến đổi xã hội vừa mang kết quả tốt, nhưng cũng mang lại nhiều hậu quả xấu;
6- Có những biến đổi diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng cũng có những biến đổi xã hội diễn ra thời gian rất lâu dài.
Biến đổi xã hội và tiến bộ xã hội
Biến đổi xã hội là khái niệm “trung tính” để chỉ sự thay đổi đa dạng của xã hội: như từ bên trong và bên ngoài, vi mô và vĩ mô, bộ phận và tổng thể, tích cực hoặc tiêu cực, đi lên hoặc đi xuống… Trong khi đó “Tiến bộ xã hội” là một khái niệm đánh giá nhằm để chỉ sự thay đổi xã hội theo hướng tích cực, đi lên theo chiều hướng ngày phát triển hơn.
2 Các lý thuyết về biến đổi xã hội
2.1 Lý thuyết tiến hóa
Luận thuyết này bắt nguồn và được đặt nền móng bởi tác phẩm “Nguồn gốc các loài” của Darwin. Thông qua những nghiên cứu ông giải thích cho sự phát triển của thế giới tự nhiên theo quá trình tiến hóa loài, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và theo quy luật “chọn lọc tự nhiên”. Từ quan điểm đó của Darwin, các nhà lý thuyết gia đã đưa ra một mô hình giải thích về sự biến đổi xã hội. Theo đó xã hội cũng như một thực thể dịch chuyển theo hướng từ thấp đến cao. Tiêu biểu như quan điểm của A. Comte với “Quy luật ba giai đoạn” giải thích sự biến đổi theo hướng ngày càng tiến bộ của tư duy và nhận thức con người. E.Durkhiem, giải thích sự biến đổi xã hội từ hệ thống tổ chức tuân theo sự đa dạng của phân công lao động xã hội và tính chất của “đoàn kết xã hội”. Tiếp đó H. Spencer, lại mang xã hội gần hơn với Darwin khi xem xã hội như một cơ thể sinh học vận động và tiến hóa theo quy luật tự nhiên với sự phù hợp của các chức năng khác nhau. Sau này các lý thuyết gia tiến hóa luận lại nhìn sự biến đổi xã hội theo hướng đa chiều hơn, không chỉ là từ thấp đến cao, mà nó diễn ra cả ở tính phạm vi hẹp đến rộng lơn, bên trong và bên ngoài, tốc độ nhanh chậm khác nhau.
2.2 Thuyết chức năng luận
Nhà duy chức năng hàng đầu T. Parsons đã đưa ra một kiến giải rất quan trọng đó là chỉ ra “trạng thái cân bằng”. Khi xã hội ở trong trạng thái này không phải chỉ đến sự tĩnh tại mà nó vẫn diễn ra những sự vận động và thậm chí là xung đột trong nội tại. Parsons cho rằng biến đổi xã hội gồm bốn tiến trình.
· Thứ nhất, sự thay đổi trong các cấu trúc vi mô như: công ty, nhà thờ, gia đình…
· Thứ hai, sự phân công lao động xã hội đã tạo ra quá trình thích nghi lớn hơn trong xã hội.
· Thứ ba, sự hợp nhất cũng diễn ra trong xã hội. Sau quá trình tan rã hay phân ly thì có những bộ phận trong xã hội lại dẫn đến sự hợp nhất.
· Thứ tư, tiếp biến các giá trị với nhau. Quá trình này cho thấy xã hội đã phức hợp hơn với nhiều bộ phận có thể liên kết với nhau. Ví dụ: như trong xã hội là quá trình hòa hợp giữa những người khác nhau về chủng tộc, văn hóa…
Lý thuyết chức năng xác tín một trạng thái cân bằng, nó được tạo thành bởi các bộ phận phụ thuộc lẫn nhau. Khi có một sự thay đổi ở một bộ phận nào đó sẽ dẫn đến sự thay đổi bộ phận khác làm phá vỡ trạng thái cân bằng đó là lúc xã hội sẽ biến đổi. Tuy nhiên, sự biến đổi chỉ làm cho những thứ tự sắp xếp và quá trình tương tác giữa các bộ phận thay đổi. Khi có biến đổi khác diễn ra tiếp sau sẽ gúp cho xã hội trở về trạng thái cân bằng.
2.3 Lý thuyết xung đột
Khác với quan điểm chức năng, quan điểm duy xung đột cho rằng xã hội tồn tại luôn tiềm ẩn những xung đột giữa các định chế, các nhóm, các giai cấp với nhau và đó chính là động lực cho sự biến đổi xã hội. Lý thuyết xung đột khẳng định sự biến đổi xã hội là một quá trình mang tính quy luật. Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong lý thuyết về “Hình thái kinh tế xã hội” và lý thuyết “Đấu tranh giai cấp” của K. Marx. Trong đó ông khẳng định, mâu thuẫn và xung đột chính là động lực của sự phát triển xã hội, quá trình đấu tranh giữa các lực lượng xã hội với nhau để phá bỏ sự bất công nhằm xác lập sự công bằng.
2.4 Lý thuyết thế giới phẳng
Quan điểm này cho rằng quá trình hiện đại hóa, mà một biểu hiện là toàn cầu hóa đã tác động rất sâu sắc đến mọi góc cạnh của đời sống, trong mọi mối quan hệ, khắp nơi trên thế giới. Chính quá trình đó làm cho thế giới ngày càng “phẳng” hơn, tức là những rào cản về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa… sẽ không còn nữa và khi đó con người sẽ tiến gần nhau hơn trong phát triển. Tuy nhiên, họ cũng giải thích rằng biến đổi-hiện đại hóa xã hội cũng dẫn đến những hệ lụy mà con người đang phải đối mặt. Đó là sự phai nhạt của các giá trị truyền thống do quá trình tiếp biến văn hóa, sự xung đột chính trị ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu, sự suy giảm môi trường tự nhiên, các rủi ro trong công nghệ…
3 Các khía cạnh trong biến đổi xã hội
3.1 Biến đổi dân số
Dân số là một trọng những lĩnh vực diễn ra sự thay đổi nhanh nhất trong xã hội. Sự gia tăng về quy mô dân số ở nhiều quốc gia đặt ra những yêu cầu chính sách. Sự thay đổi trong cơ cấu dân số như: quá trình già hóa dân số tạo gánh nặng về an sinh xã hội và báo động về tình trạng thiếu lao động; hiện tượng mất cân bằng giới ở nhiều quốc gia đã dẫn đến nạn buôn người…
Dân số trung bình của Việt Nam năm 2008 đã tăng 70.576 nghìn người so với năm 1921 hay cao gấp trên 5,5 lần, bình quân 1 năm tăng 811,2 nghìn người, tương đương mức tăng 1,98%/năm.
Với quy mô gần 86,2 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 12 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Nhật Bản, Mexico, Philippines. Việt Nam có tỷ lệ tăng tự nhiên hiện ở mức 1,2%, cao thứ 8 ở Đông Nam Á, cao thứ 32 ở châu Á và đứng thứ 114 trên thế giới. Đó là kết quả tích cực của công tác kế hoạch hóa dân số từ khá sớm Tuổi thọ bình quân đạt 72 tuổi (nam 70 tuổi, nữ 73 tuổi), đứng thứ 4 ở Đông Nam Á, đứng thứ 20 ở châu Á và đứng thứ 83 trên thế giới.
Mất cân bằng giới tính sau khi sinh. Cứ 100 trẻ em nữ thì 110.6 trẻ em nam ra đời, so với tỉ lệ thông thường là 105. Đại diện Quy Dân số Liên Hiệp quốc khẳng định: “Trên thế giới, ở các nước hiện tượng mất cân đối tỉ lệ giới tính khi sinh gia tăng chọn lựa giới tính trẻ sơ sinh thường có ba nguyên nhân chính. Một là thích có con trai. Đây là một khía cạnh rất cơ bản của văn hóa và xã hội ở nhiều nước. Thứ nhì là sức ép về sinh sản, làm sao để có gia đình ít con hơn, nhất là tại châu Á, và thứ ba là việc có luật và khoa học kỹ thuật để có thể lựa chọn con trai".
3.2 Môi trường tự nhiên
Trong quan niệm của con người tự nhiên vừa là đối tác cộng sinh, vừa là kẻ thù mà con người cần phải chinh phục. Cả hai suy nghĩ đó của con người dẫn đến việc khai thác và chinh phục tự nhiên. Chính điều này đã mang lại cho xã hội loài người những lợi ích nhiều mặt để phục vụ cho nhu cầu của mình.
Tuy nhiên, không phải tất cả những gì của thiên nhiên đều vô tận. Sự khai thác quá mức đã gây ra không ít tai họa mà con người và các thế hệ sau nữa phải gánh chịu. Tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều nơi đã làm độ che phủ rừng ngày càng ít đi. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm nguồn nước, thiên tai… đã cho thấy những biến đổi theo chiều hướng xấu đi của môi trường.
Như vậy, môi trường tự nhiên đã ngày càng suy giảm chức năng tích cực của nó đối với con người, điều này cũng đồng nghĩa với một đặc trưng của xã hội hiện đại là con người đang vật lộn và sống chung với nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây người hứng chịu đầu tiên là những quốc gia nghèo, đến vùng nghèo rồi cuối cùng là người nghèo trong xã hội.
3.3 Biến đổi chính trị
Xã hội loài người đã chứng kiến nhiều cuộc chuyển giao quyền lực quy mô toàn cầu cũng như trong phạm vi từng xã hội khác nhau. Chính quá trình soán ngôi lẫn nhau của các trung tâm quyền lực trong xã hội đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực khác nhau dẫn đến sự biến đổi trên quy mô toàn xã hội. Kể từ sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở nước Mỹ, không chỉ đơn thuần là một sự kiện chính trị mà nó đã là nhân tố trực tiếp làm cho thế giới biến đổi rất sâu sắc. Bước sang thế kỷ XIX với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã báo trước một tín hiệu cho sự sụp đổ của chế độ độc tài. Đó cũng chính là đặc trưng cơ bản nhất của biến đổi xã hội hiện đại. Như vậy, quyền lực và cấu trúc chính trị là một nhân tố kích thích và tạo ra quá trình biến đổi xã hội.
3.4 Biến đổi kinh tế
Học thuyết Mác cho rằng sự biến đổi kinh tế, sẽ quyết định sự biến đổi xã hội và khi kinh tế thay đổi thì các bộ phận khác cũng thay đổi tương ứng với hệ thống kinh tế đó. Biến đổi kinh tế diễn ra ở hai phương diện là tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế là sự thay đổi theo chiều hướng đi lên của quy mô nền kinh tế thường được đo bằng chỉ số GDP. Còn phát triển kinh tế không chỉ là sự tăng trưởng mà bao hàm cả tính bền vững. Biến đổi trong kinh tế không chỉ thể hiện sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, mà còn cả trong chính sách và thể chế kinh tế.
Cơ cấu kinh tế nước ta đang có sự chuyển dịch theo các lĩnh vực sau:
Chuyển dịch về cơ cấu ngành kinh tế.
Tỉ trọng (%) các ngành trong GDP
Các ngành | 1990 | 1995 | 2000 | 2005 |
Nông nghiệp | 38,1 | 27,2 | 24,5 | 20,9 |
Công nghiệp | 22,7 | 28,8 | 36,7 | 41 |
Dịch vụ | 38,6 | 44,0 | 38,7 | 38,1 |
Trong cơ cấu các thành phần kinh tế
Về cơ cấu vùng kinh tế.
3.5 Tư tưởng
Theo quan điểm Mác-xít, tư tưởng là một bộ phận của ý thức xã hội và nó được quyết định bởi tồn tại xã hội, nhưng trong mối quan hệ này mang tính tương đối thể hiện ở chỗ hệ tư tưởng có thể tác động trở lại đối với tồn tại xã hội đó. Hệ tư tưởng tạo ra sự biến đổi xã hội thông qua những đường lối chính trị, chính sách kinh tế, chính sách xã hội. Hệ thống tư tưởng xã hội của một nhóm người cũng phản ánh những chiều cạnh của sự biến đổi xã hội. Nó thể hiện cả hai trường hợp Biến đổi xã hội làm cho tư tưởng thay đổi và ngược lại hệ tư tưởng mới sẽ là ngọn đuốc soi đường cho sự biến đổi xã hội.
3.6 Biến đổi văn hóa
Văn hóa luôn có tính bản sắc và khó thay đổi, nhưng sự biến đổi của xã hội con người gắn liến với quá trình biến đổi văn hóa. Những biến đổi văn hóa lớn của nhân loại như phong trào văn hóa phục hưng, cải cách tôn giáo.v.v.. đã cho thấy sự ảnh hưởng của nó đến toàn bộ hệ thống xã hội. Hiện nay, quá trình tiếp biến và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm cho những nhân tố tích cực, tiến bộ của nhân loại đến với nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những hậu quả tiêu cực khi nhiều nền văn hóa đã bị đồng hóa, nhiều giá trị truyền thống bị xói mòn làm cho con người cảm thấy xa lạ ngay trong nền văn hóa của mình.
3.7 Biến đổi công nghệ và kỹ thuật
Công nghệ và kỹ thuật là một trong những yếu tố biến đổi nhanh nhất trong xã hội. Con người ngày càng được trang bị nhiều những thiết bị kỹ thuật hiện đại cho công việc và sinh hoạt của mình.
Công nghệ vũ trụ có những thành công kỳ diệu từ vệ tinh nhân tạo, đến việc thám hiểm mặt Trăng, Sao Hỏa, đáy Đại dương, dịch vụ du lịch vũ trụ….
Công nghệ thông tin, là sự phát triển cực nhanh cả về phạm vi lẫn chất lượng của công nghệ số như: máy tính, intenert, điện thoại di động, truyền thông…
Công nghệ sinh học, đánh dấu các thành tựu trong biến đổi gen, nhân bản vô tính…
Công nghệ y học, với việc khoa học thế giới đã thành công trong điều trị nhiều căn bệnh nan y mang lại hạnh phúc cho nhiều người, thụ tinh trong ông nghiệm….
Công nghệ vật lý với những thành tựu trong công nghệ tự động hóa, nguyên tử mang lại một nguồn năng lượng to lớn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Sự thay đổi của khoa học công nghệ trong xã hội hiện đại có hai đặc điểm lớn. Thứ nhất là sự phát triển nhanh của khoa học ứng dụng. Thứ hai là tính phức hợp hóa về tri thức và công nghệ ngày càng tăng với những lĩnh vực giao thoa giữa các khoa học với nhau
Tuy nhiên, những thành tựu to lớn đó của khoa học công nghệ vẫn không xóa nhòa đi những hậu quả mà nó để lại. Đó là các thảm họa hạt nhân, vũ khí sinh học, lựa chọn giới tính thai nhi, nhân bản vô tính người, thảm họa hàng không…
Như vậy, biến đổi xã hội là một khái niệm trung tính, nó cho trạng thái động của xã hội những chưa cho thấy đặc tính và xu hướng của biến đổi xã hội đó. Với tư cách là một khoa học, xã hội học ra đời trong bối cảnh biến đổi xã hội sâu sắc thế kỷ XIX và nó vẫn luôn là một chủ đề lôi cuốn những nghiên cứu lý thuyết cũng như thực nghiệm của khoa học này.
Tài liệu tham khảo
Phạm Tất Dong, Lê Ngọc Hùng (đồng chủ biên). Xã hội học. Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội. 2001
Nguyễn Minh Hòa. Xã hội học: những vấn đề cơ bản. Nxb. Giáo dục. Hà Nội 1999.
Nguyên Xuân Nghĩa. Xã hội học. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 2003
Nguyễn Khắc Viện. Từ điển xã hội học. Nxb. Thế giới. 1994
Từ điển xã hội học Oxford. Nxb ĐHQG Hà Nội. 2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.