20 tháng 9, 2011

THIẾT CHẾ XÃ HỘI VÀ CÁC THIẾT CHẾ TRONG HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI


                                                                                Ths. Nguyễn Thị Vĩnh Hà
   Phòng NC chính sách An sinh xã hội
                                                                                 Viện Khoa học Lao động và Xã hội

1. Thiết chế xã hội và thiết chế xã hội trong hệ thống ASXH
1.1. Thiết chế xã hội
Thiết chế được hiểu là toàn bộ các quy định chi phối một tổ chức, một đoàn thể.
Từ điển Bách khoa Việt Nam - NXB Từ điển Bách khoa - Hà Nội 2005 có đưa ra định nghĩa về thiết chế xã hội như sau: “Thiết chế xã hội là khái niệm chỉ toàn bộ hệ thống tổ chức và hệ thống giám sát mọi hoạt động xã hội. Nhờ các thiết chế xã hội mà các quan hệ xã hội kết hợp lại với nhau, đảm bảo cho các cộng đồng hoạt động nhịp nhàng”.

Về mặt tổ chức, thiết chế XH là hệ thống các cơ quan quyền lực, các đại diện cho cộng đồng, đảm bảo những hoạt động đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cộng đồng và cá nhân. Ngoài việc giám sát của các hệ thống tổ chức, còn có hệ thống giám sát không theo hình thức có tổ chức. Đó là phong tục, tập quán, dư luận, luôn luôn đánh giá và điều chỉnh hành vi của các thành viên trong cộng đồng.
Các thiết chế xã hội có nhiệm vụ đáp ứng các loại nhu cầu khác nhau của cộng đồng và của các thành viên; điều chỉnh hành động của các bộ phận trong cộng đồng và của các thành viên; kết hợp hài hoà các bộ phận, đảm bảo sự ổn định của cộng đồng.
Trên cơ sở vai trò, nhiệm vụ của các thiết chế xã hội, có thể phân chia thành 04 loại hình thiết chế cơ bản:
a.         Thiết chế kinh tế: Bao gồm những thiết chế liên quan đến sản xuất và phân phối của cải, điều chỉnh sự lưu thông tiền tệ, tổ chức và phân công lao động xã hội.
b.         Thiết chế chính trị: Là những thiết chế như chính phủ, quốc hội, các đảng phái và các tổ chức chính trị...
c.         Thiết chế tinh thần: Là những thiết chế liên quan đến các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, khoa học, tôn giáo.
d.         Thiết chế giao tiếp công cộng: Bao gồm tất cả những khuôn mẫu và phương thức hành vi trong sự giao tiếp công cộng. Các mối quan hệ xã hội giữa người với người đều thông qua các thiết chế.
Các thiết chế nói trên có tính độc lập tương đối so với các quan hệ xã hội. Thiết chế thường có tính lạc hậu hơn so với các biến đổi của các quan hệ xã hội. Việc cải biến và thay đổi các thiết chế xã hội liên quan trực tiếp đến quản lý xã hội và các chính sách xã hội. Về thực tiễn, một thiết chế xã hội luôn được hợp thành từ nhiều bộ phận khác nhau mà ta có thể quy thành ba loại bộ phận cơ bản, trong đó:
a.         Bộ phận thứ nhất thuộc về yếu tố cơ sở vật chất: Bộ phận này thực hiện chức năng hữu hình, là cơ sở, thiết bị vật chất nhằm phục vụ mục đích, là điểm tập trung đại diện cho thiết chế;
b.         Bộ phận thứ hai thuộc về yếu tố tài chính. Đây là nguồn lực tài chính cho phép duy trì hoạt động của thiết chế;
c.         Bộ phận thứ ba cấu thành thiết chế và thực hiện chức năng vô hình yếu tố nhân lực. Đó là những con người sử dụng các thiết bị vật chất và nguồn lực tài chính của thiết chế để thực hiện các hoạt động của thiết chế.
Tuỳ vào mục đích hoạt động của thiết chế mà mỗi bộ phận cấu thành này sẽ mang những giá trị khác nhau. Các bộ phận này có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và không thể bị triệt tiêu.
1.2. Thiết chế xã hội trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH)
Phát triển hệ thống ASXH là tạo ra một lưới an toàn gồm nhiều tầng cho mọi thành viên trong cộng đồng trong trường hợp bị giảm hoặc bị mất thu nhập hoặc phải tăng chi phí đột xuất do nhiều nguyên nhân khác nhau - gọi là những “rủi ro xã hội”. Đây là hệ thống chính sách xã hội lớn nhằm phòng ngừa và giúp những đối tượng trong xã hội phòng ngừa tránh khỏi những rủi ro, giảm và vượt qua, khắc phục rủi ro góp phần, ổn định phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội.
1.2.1. Khái niệm về an sinh xã hội
ASXH có nội dung rất rộng và ngày càng được hoàn thiện trong quá trình phát triển của nhận thức và thực tiễn xã hội trên toàn thế giới. Hiện nay do cách tiếp cận khác nhau nên vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về ASXH:
- Theo Hiệp hội an sinh quốc tế [ISSA] quan niệm ASXH giống như là sự phối kết hợp các hợp phần của chính sách công, có thể điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của những người công nhân, các công dân trong bối cảnh toàn cầu với sự thay đổi về kinh tế, xã hội, nhân khẩu học. Những vấn đề mà ISSA quan tâm nhiều là chăm sóc sức khoẻ thông qua bảo hiểm y tế; hệ thống BHXH, chăm sóc tuổi già; phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ giúp xã hội.
-  Khái niệm ASXH được ILO đưa ra trong công ước số 102 như sau: ASXH  là sự bảo vệ mà mỗi xã hội dành cho các thành viên của mình thông qua một số biện pháp của  nhà nước cung cấp chăm sóc y tế, trợ giúp gia đình có con nhằm chống lại sự túng quẫn khi thu nhập của những công dân đó bị ngừng hoặc bị giảm đáng kể do ốm đau, sinh đẻ, tai nạn lao động, thất nghiệp, tuổi già hoặc chết.
- Theo tác giả B.R.Compton - Nhập môn ASXH và Công tác xã hội, 1980: “ASXH là một thiết chế bao gồm các chính sách và luật pháp đ­ược các tổ chức tự nguyện hay tổ chức Nhà nư­ớc thực thi nhằm cung ứng các dịch vụ xã hội, tiền và quyền lợi khác (về y tế, giáo dục, nhà ở,…) cho các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội do họ không nhận được từ gia đình hay thị trư­ờng, nhằm mục đích phòng ngừa, giảm nhẹ hay đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện trực tiếp cuộc sống cho cá nhân, nhóm, cộng đồng”.
- Theo J.M.Romanyshyn, ASXH: Từ bác ái đến công bằng, 1971:  ASXH là các hình thức can thiệp vào xã hội với mối quan tâm trực tiếp và cơ bản là phát huy ASXH cho cá nhân và cho toàn xã hội. ASXH gồm các biện pháp và quá trình liên quan đến việc giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội, sự phát triển tài nguyên nhân lực và cải tiến chất l­ượng sống. Điều này bao gồm các dịch vụ xã hội cho cá nhân, gia đình và những nỗ lực củng cố và cải tiến các thiết chế xã hội.
- Theo  H. Beveridge nhà kinh tế học và xã hội học ng­ười Anh: ASXH là sự đảm bảo về việc làm khi ng­ười ta còn sức làm việc và bảo đảm một lợi tức khi người ta không còn làm việc nữa.
Ở Việt Nam do thuật ngữ ASXH đ­ược dịch ra từ nhiều ngôn ngữ khác nhau nên có nhiều tên gọi khác nhau như: ASXH, Bảo trợ xã hội, An toàn xã hội, Bảo đảm xã hội…. Do đó nội dung của các cụm từ này cũng khác nhau. Một số nhà nghiên cứu đưa ra những nội dung của ASXH:
- ASXH là sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện sinh sống thiết yếu khác cho người lao động và gia đình khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập vì bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm, cho những người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người nghèo đói và những ngư­ời bị thiên tai, địch hoạ…
- Hoặc bảo đảm xã hội (Bảo trợ xã hội, ASXH, an toàn xã hội) là sự bảo vệ của xã hội đối với công dân thông qua các biện pháp công cộng nhằm giúp họ khắc phục những khó khăn về kinh tế và xã hội (do bị ngừng hoặc giảm thu nhập từ nguyên nhân ốm đau, thai sản tai nạn lao động, thất nghiệp, tàn tật, ngư­ời già cô đơn, trẻ em mồ côi…), đồng thời đảm bảo và chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con (Từ điển bách khoa VN toàn tập, Hà nội, 1995). Khái niệm này đồng nhất với khái niệm ASXH của ILO đã đ­ược công bố.
1.2.2. Các thiết chế trong hệ thống ASXH
Có thể thấy rằng hệ thống ASXH được hiểu là một trong số các loại thiết chế xã hội (có thể coi đó là thiết chế an sinh xã hội) nhằm đảm bảo cho một xã hội vận hành an toàn, lành mạnh và phát triển, đồng thời bảo đảm an sinh cho cá nhân, gia đình và toàn thể cộng đồng.
Hiện nay, hệ thống ASXH ở nước ta bao gồm các lĩnh vực (bộ phận) BHXH, BHYT, ưu đãi xã hội (trợ giúp xã hội đặc biệt), bảo trợ xã hội, dịch vụ xã hội, XĐGN và phát triển thị trường lao động. Tương ứng với mỗi bộ phận cấu thành hệ thống ASXH nêu trên là một loại hình thiết chế phù hợp. Mỗi thiết chế này có chức năng riêng, nguyên tắc hoạt động riêng, chế độ, chính sách riêng... Tuy nhiên, những thiết chế nói trên không hoạt động tách rời nhau, mà giữa chúng có sự bổ xung và đan xen lẫn nhau để tạo lên mạng lưới an toàn bảo vệ các thành viên của xã hội trước những rủi ro của cuộc sống.
Theo quan điểm về thiết chế xã hội nêu trên, thiết chế trong hệ thống ASXH cũng phải bao gồm yếu tố cơ sở vật chất, yếu tố tài chính và yếu tố con người. Cả ba yếu tố cơ bản này cùng thực hiện nhiệm vụ ASXH. Ba yếu tố này có sự bổ trợ và đan xen lẫn nhau trong quá trình vận hành của hệ thống ASXH.
- Yếu tố thứ nhất là cơ sở vật chất. Đó là những trụ sở, uỷ ban, công sở ... nhằm phục vụ mục đích là điểm tập trung đại diện cho một hoặc nhiều thiết chế của hệ thống ASXH. Nhờ chức năng hữu hình này ta biết đây là thiết chế của hệ thống ASXH mà không phải là thiết chế một hệ thống bất kỳ nào khác và nhận biết được đối tượng thụ hưởng lợi ích của thiết chế này.
- Yếu tố thứ hai là nguồn lực tài chính. Thông qua chức năng của yếu tố thứ nhất, ta nhận ra nguồn lực tài chính này sẽ được sử dụng vào mục đích gì? được đóng góp từ những nguồn nào?...
- Yếu tố thứ ba là con người. Con người trong thiết chế của hệ thống ASXH sẽ thực hiện việc xây dựng và thực thi chính sách ASXH; sử dụng các nguồn lực về cơ sở vật chất, tài chính nói trên nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của hệ thống ASXH. Trong đó:
(i) Về chính sách: gồm hệ thống các chế độ chính sách thuộc ASXH, xác định đối tượng tham gia, đối tượng điều chỉnh với những tiêu chí cụ thể và cơ chế xác định đối tượng; xác định các chế độ thụ  hưởng và những điều kiện ràng buộc; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách.
  (ii) Về tài chính: xác định cơ chế tạo nguồn tài chính (đóng góp của những người tham gia, của người sử dụng lao động, của Nhà nước), cơ chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính, cơ chế chi trả. Tuy nhiên, cũng có hợp phần của hệ thống ASXH có nguồn tài chính hoàn toàn do Ngân sách Nhà nước cung cấp như bảo trợ xã hội, trợ cấp đặc biệt (Ưu đãi xã hội).
  (iii) Về tổ chức bộ máy và cán bộ: Thiết lập hệ thống tổ chức quản lý với đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp để thực hiện các chính sách của hệ thống ASXH; có thể thiết lập hệ thống tổ chức độc lập cho từng hợp phần nhưng cũng có thể sử dụng bộ máy chính quyền hiện có để thực hiện, tuỳ điều kiện cụ thể của các quốc gia.
2. Vai trò của các thiết chế trong hệ thống ASXH
Các thiết chế trong hệ thống ASXH có thể vận hành tốt khi 3 yếu tố cơ bản (cơ sở vật chất, tài chính, nguồn lực con người) của các thiết chế được đảm bảo. Mỗi thiết chế cấu thành sẽ đảm nhận một hoặc nhiều vai trò khác nhau với những đối tượng khác nhau. Sự khác biệt này tạo nên sự đa dạng và linh hoạt của hệ thống ASXH nhằm đảm bảo độ bao phủ đến mọi thành viên xã hội.
2.1. Vai trò của thiết chế BHXH
Thiết chế BHXH thực hiện chế độ BHXH theo 03 loại hình: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp, từ đó nó quy định đối tượng tham gia, đối tượng điều chỉnh, đó là: Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động. Theo đó, thiết chế BHXH quy định vai trò của từng đối tượng:
- Nhà nước tham gia với tư cách là người bảo trợ cho các hoạt động BHXH như: ban hành các đạo luật về BHXH; xây dựng chế độ, chính sách, văn bản pháp quy để thực hiện pháp luật BHXH; thực hiện sự bảo trợ tư pháp, tạo ra sự công bằng, bình đẳng trong quá trình thực hiện BHXH, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH; giám sát các hoạt động BHXH và giải quyết các tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật BHXH của các bên liên quan... Tóm lại, Nhà nước tham gia vào thiết chế BHXH với tư cách trọng tài để quản lý và điều hành hoạt động của thiết chế BHXH.
- Người sử dụng lao động tham gia thiết chế BHXH bằng cách đóng góp tài chính hàng tháng bằng 15% tổng quỹ lương nhằm duy trì hoạt động của thiết chế BHXH.
- Người lao động trong quá trình tham gia vào hoạt động của thiết chế BHXH  đóng góp hàng tháng 5% tiền lương của mình nhằm đảm bảo một cuộc sống an toàn khi về hưu hoặc khi gặp phải những biến cố bất ngờ khiến bản thân bị suy giảm hoặc mất khả năng lao động.
Như vậy, thiết chế BHXH có vai trò đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người lao động trước những rủi ro của cuộc sống; bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng lao động khi có tranh chấp lao động; và bảo đảm sự phát triển ổn định cho xã hội nhằm thực hiện một xã hội an sinh.
2.2. Vai trò của thiết chế BH y tế
Thiết chế BH y tế có vai trò tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ. Đối tượng thuộc diện điều chỉnh của thiết chế BH y tế là Nhà nước, người sử dụng lao động và người dân. Do vậy, cùng với thiết chế BHXH, thiết chế BH y tế tạo thêm một mạng lưới an toàn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện ASXH. Hiện tại, thiết chế BH y tế duy trì 02 loại hình BH y tế: BH y tế bắt buộc và BH y tế tự nguyện. Đối tượng của BH y tế bắt buộc là toàn bộ người lao động có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, lực lượng vũ trang. Đối tượng của BH y tế tự nguyện là tất cả công dân không thuộc diện quy định nằm trong đối tượng của BH y tế bắt buộc, có nhu cầu sử dụng BH y tế.
2.3. Vai trò của thiết chế ưu đãi xã hội - Trợ giúp xã hội đặc biệt
Trong số các thiết chế thuộc hệ thống ASXH ở Việt Nam, thiết chế Ưu đãi xã hội đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội thực hiện chức năng đền ơn đáp nghĩa đối với những có công với cách mạng, nhằm đảm bảo cho các đối tượng này có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại nơi cư trú. Việc thực hiện chức năng của thiết chế này chính là thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, thể hiện tính nhân văn của chế độ XHCN trước những đối tượng đã hy sinh xương máu của mình cho đất nước.
2.4. Vai trò của thiết chế bảo trợ xã hội
Thiết chế bảo trợ xã hội nhằm bảo trợ cho những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương... để giúp họ có thể tồn tại và vươn lên tái hòa nhập cộng đồng. Đối tượng của thiết chế bảo trợ xã hội là người cao tuổi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật nặng, những đối tượng gặp rủi ro khác..., nên thiết chế này thực hiện các chức năng riêng biệt với các thiết chế khác trong hệ thống ASXH. Cụ thể, những đối tượng không có khả năng tái hòa nhập cộng đồng (người tàn tật nặng, người tâm thần mãn tính ...) sẽ được hỗ trợ nuôi dưỡng tại cộng đồng hoặc tại các trung tâm bảo trợ xã hội; những đối tượng có khả năng tái hòa nhập xã hội (những đối tượng gặp rủi ro bất ngờ làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất) sẽ được hỗ trợ một phần để vượt qua khó khăn tạm thời và vươn lên.
2.5. Vai trò của thiết chế dịch vụ xã hội
Thiết chế dịch vụ xã hội nhằm đảm bảo các nội dung cơ bản như: dạy nghề - việc làm; xuất khẩu lao động; các dịch vụ trong lĩnh vực ưu đãi người có công, BHYT, BHXH, BTXH, XĐGN,... Trong số các dịch vụ xã hội cơ bản mà thiết chế dịch vụ xã hội đảm nhận có những dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của thiết chế thị trường lao động như: dạy nghề, hỗ trợ người lao động tìm việc làm…; có những dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của thiết chế BHXH, của BTXH, của trợ giúp XH. Điều đó cho thấy thiết chế dịch vụ xã hội đóng vai trò là yếu tố bao trùm nên các thiết chế khác của hệ thống ASXH khi nó bao hàm cả chính sách chủ động phòng ngừa rủi ro (chính sách thị trường lao động tích cực), chính sách khắc phục và giảm thiểu rủi ro (chính sách BHXH, BH y tế và BH thất nghiệp) và chính sách trợ giúp những đối tượng yếu thế.
2.6. Vai trò của thiết chế xoá đói giảm nghèo
XĐGN có ý nghĩa quan trọng đảm bảo công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững. Vì vậy, XĐGN là một trong những thiết chế cơ bản trong hệ thống ASXH, góp phần tăng cường tính chủ động phòng ngừa rủi ro và tạo cơ hội cho nhóm yếu thế.
2.7. Vai trò của thiết chế thị trường lao động tích cực
Thiết chế thị trường lao động tích cực được thể hiện thông qua các chính sách, chương trình như đào tạo nghề và đào tạo lại; hỗ trợ tìm việc làm và tự tạo việc làm. Các chính sách thị trường lao động chủ động trong hệ thống chính sách thị trường lao động với những mục đích chủ yếu gồm: bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc linh hoạt thị trường lao động, qua đó đảm bảo việc làm, giảm thất nghiệp; phòng ngừa từ xa, giảm thiểu rủi ro cho người lao động; giảm thiểu các xung đột trong quan hệ lao động.... Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, cần phát triển mạnh các biện pháp: tăng cường xúc tiến tạo việc làm, duy trì và ổn định việc làm, hỗ trợ tìm việc và đào tạo người lao động và thông tin giới thiệu việc làm.
3. Cơ cấu tổ chức, nguyên tắc vận hành và mối quan hệ giữa các thiết chế trong hệ thống ASXH
3.1. Cơ cấu tổ chức của các thiết chế trong hệ thống ASXH
Để phát huy được vai trò, chức năng mà thiết chế đảm nhiệm, mỗi thiết chế trong hệ thống ASXH cần được thiết lập theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, từ nhà nước đến doanh nghiệp và cộng đồng trên nền tảng huy động nguồn lực của các bên tham gia: Nhà nước, cộng đồng và đối tượng. Trong đó mỗi chủ thể tham gia đều giữ một vai trò nhất định.
Mỗi thiết chế trong hệ thống ASXH đều được nhiều cơ quan chức năng của Nhà nước tham gia quản lý như thiết chế XĐGN, thiết chế dịch vụ xã hội cơ bản hay thiết chế BHXH... Tuy nhiên, hoạt động quản lý của các cơ quan chủ quản được phân định rạch ròi đảm bảo cho các thiết chế của hệ thống ASXH được vận hành nhịp nhàng và đồng bộ.
3.2. Nguyên tắc vận hành của các thiết chế trong hệ thống ASXH
Mỗi thiết chế trong hệ thống sẽ vận hành có hiệu quả khi thiết chế đó được thực hiện theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang bản sắc dân tộc và tính nhân văn, thể hiện qua các nguyên tắc:
- Nguyên tắc rõ ràng trong quản lý: mỗi cơ quan chức năng tham gia vào hoạt động quản lý các thiết chế trong hệ thống ASXH đảm nhận một khâu hoạt động của thiết chế và phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhằm duy trì sự hoạt động ổn định của thiết chế.
- Nguyên tắc thị trường: Thể hiện rõ nhất trong thiết chế thị trường lao động tích cực nhằm điều tiết quan hệ lao động, cung – cầu lao động... tạo sự phát triển lành mạnh cho xã hội và chủ động giảm thiểu rủi ro cho người lao động.
- Nguyên tắc có đóng – có hưởng: Thể hiện trong các thiết chế BHXH, BH y tế, theo đó mỗi thành viên tham gia đóng - hưởng các chế độ quy định trong thiết chế.
- Nguyên tắc nhân văn: Thể hiện trong thiết chế trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội và XĐGN nhằm trợ giúp cho những đối tượng yếu thế của xã hội vượt qua khó khăn và có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
- Nguyên tắc đền ơn đáp nghĩa: Thể hiện trong thiết chế ưu đãi xã hội nhằm đền ơn, đáp nghĩa người có công với cách mạng thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Các nguyên tắc trên được vận hành linh hoạt trong các thiết chế của hệ thống ASXH.
3.3. Mối quan hệ giữa các thiết chế trong hệ thống ASXH
Các thiết chế trong hệ thống ASXH trong quá trình thực hiện chức năng nhằm duy trì và phát triển một xã hội an sinh đã tạo lên một mạng lưới an sinh gồm nhiều tầng đan xen nhau, trong đó tầng đầu tiên được gọi là chủ động phòng ngừa (thiết chế thị trường lao động tích cực), tầng thứ hai là khắc phục và giảm thiểu rủi ro (thiết chế BHXH, BH y tế) và tầng thứ ba là trợ giúp nhằm tránh cho những đối tượng yếu thế lọt qua hai tầng trên không bị bần cùng hóa (thiết chế trợ giúp xã hội). Mối quan hệ giữa các thiết chế trong hệ thống ASXH được thiết lập trên nền tảng vai trò mà thiết chế đảm nhận tương ứng với đối tượng mà thiết chế tác động tới. Các thiết chế này không hoạt động tách rời nhau, mà có sự bổ xung và đan xen lẫn nhau để tạo lên mạng lưới an toàn bảo vệ các thành viên của xã hội trước những rủi ro có thể xảy đến trong cuộc sống, để không một ai bị gạt ra bên lề xã hội./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
-            Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005;
-            Từ điển bách khoa VN toàn tập, Hà Nội, 1995;
-            Nhập môn ASXH và Công tác xã hội, B.R.Compton, 1980;
-            Từ bác ái đến công bằng, J.M.Romanyshyn, ASXH, 1971.
 Viện Khoa học lai động và xã hội, bản tin số 19/quý II/2009.

20 nhận xét:

  1. Khu vườn nhà thầy H phong phủ về chủng loại thật. Cũng nhiều bài viết đáng quan tâm cho sv xhh nữa. Nhưng nếu thầy trang trí thêm 1 ít cho khu vườn nữa thì mọi người sẽ thíc dạo quanh khu vườn thầy nhiều hơn

    Trả lờiXóa
  2. Cám on bạn ! Vì khu vươn mới được khai hoang nên lão nông này vẫn đang "chăm sóc" nó. Hy vjng sau này sẽ có nhiều cầy cối, hoa cở hơn nữa !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. mình muốn bít thêm một vài thông tin nưa: các thiết chế xã hội căn bản trong giai đoạn hiện nay ở nước ta?

      Xóa
    2. Cám ơn sự quan tâm của Bạn ! "Lão Nông" với những hiểu biết hiện tại của mình xin đưa ra nhận định về vấn đề này như sau.

      Thiết chế xã hội là một khái niệm được "kiến tạo" bởi nhiều cách nhìn khác nhau. Hiểu theo nghĩa xã hội học thì thiết chế bao gồm hai yếu tố. Một là hệ thống tổ chức, hai là hệ thống giá trị chuẩn mức. Một thiết chế xã hội sẽ hướng tời một nhu cầu nào đó của con người và thông thường thì mỗi loại nhu cầu, con người tổ chức ra một thiết chế xã hội tương ứng. Chính vì thế nhu cầu về lợi ích = thiết chế kinh tế; quyền lực=chính trị; niềm tin, tâm linh=tôn giáo; tinh thần, bản sắc=văn hóa; tri thức, xã hội hóa= giá dục; tình cảm,duy trì nòi giống, tình dục=gia đình; bảo vệ, ứng phó với các tổn thương= an sinh xã hội... Vậy thì các thiết chế đó cũng là "cơ bản" cho mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ. Ở Việt Nam đầy cũng có thể xem là những thiết chế xã hội cơ bản hiểu theo nghĩa rộng mà xã hội học thường sử dụng.

      Xóa
  3. cho em hỏi, cụ thể về thiết chế y tế ở nông thôn nên nói những vấn đề gì? em thấy hơi trừu tượng về loại thiết chế y tế này. em cảm ơn

    Trả lờiXóa
  4. Theo mình thiết chế xã hội bao gồm 2 bộ phận chính:
    1. phần cứng: hệ thống tỏ chức, cơ sở vật chế,...
    2. phần mềm: giá trị chuẩn mực: tài chính, quy định, quy chê...
    Như vậy thiết chế y tế ở nông thông nên đề cập đến các vấn đề sau:

    - hệ thống tổ chức chính thức: bao gồm các cơ sở nào, phân cấp nhiệm vụ chức năng, thực tiễn hoạt động...
    - thiết chế y tế phi chính thức: nhà thuốc tư nhân, phòng khám tư, trị bệnh bốc thuốc tại nhà
    - hệ thống y tế trong nhà trường tại nông thôn ?
    - các chương trình y tế cộng đồng...

    Trả lờiXóa
  5. cho em hỏi thiết chế xã hội đảm bảo tính kế thừa và ổn định của những mối quan hệ và những mối quan hệ trong khuôn khổ của các giá trị và chuẩn mực xã hội của mọi thành viên như thế nào? có thể cho em 1 ví dụ được không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin trả lời bạn như sau:
      - muốn hiểu một nhận định thì nên đặt nó trong bối cảnh mà nó được phát biểu. Mình có thể hiểu nhận định này như sau:
      + bất kỳ một thiết chế xh nào cũng có tính kế thừa từ những thế hệ trước đó và "di truyền"cho các thế hệ sau. Có nghĩa là những giá trị chuẩn mực được lưu truyền qua thời gian trong thiết chế đó. Ví dụ thiết chế gia đình. Truyền thống, văn hóa, những chuẩn mực, các mô hình ứng xử... được các thế hệ nối tiếp nhau trong gia đình lưu giữ và hấp thụ cho nhau.
      + thiết chế xã hội mang tính ổn định và chính sự ổn định của đó mang lại sự ổn định cho cấu trúc xã hội. Chính những giá trị, chuẩn mực mang tính "bản sắc" của mỗi thiết chế đó làm cho các thành viên trong đó khác với những người khác. Có nghĩa là khi cá nhân là thành viên của thiết chế xh cụ thể nào đó thì bản thân anh ta sẽ chịu sự chi phối của hệ thống chuẩn mực và đôi khi nó như là "xiềng xích" để trói buộc, xã hội hóa các thành viên của nó. Ví dụ: Thiết chế tôn giáo. so với các thiết chế xh khác thì tôn giáo tương đối ổn định-ít thay đổi và thay đổi chậm hơn. Chính hàng loạt các quy tắc, chuẩn mực có tính chi phối cao đã "uốn nắn" các thành viên từ trong suy nghĩ đến hành vi, hay hiểu đơn giản chính các chuẩn mực của tôn giáo đã biến cá nhân đó thành một người khác với những người không theo tôn giáo ở văn hóa.

      Xóa
  6. cho em hỏi thiết chế là một cấu trúc và một chức năng là như thế nào? cho em 1 ví du?
    cảm ơn thầy

    Trả lờiXóa
  7. Xin trả lời bạn như sau:
    - các thiết chế xã hội đã hình thành nên cấu trúc xh, có nghĩa là mỗi một thiết chế chính là một bộ phẩn của hệ thống xã hội. Nhưng chính mỗi thiết chế cũng có cấu trúc. Ví dụ thiết chế chính trị, được hình thành bởi nhiều trung tâm quyền lực đó chính là các bộ phận của nó như đảng phái, nhà nước, các trung tâm quyền lực địa phương, xã hội dân sự....

    - Mỗi thiết chế xã hội đều có một chức năng chính yêu và đó cũng chính là một dạng nhu cầu của con người. xã hội tổng thể được tạo thành bởi các thiết chế chính là quá trình các chức năng của thết chế được thực thi và phối hợp với nhau. Ví dụ thiết chế chính trị có chức năng quan trọng nhất là phân phối quyền lực và quản lý xã hội.

    Chúc bạn thành công ! Mong nhận được sự trao đổi của bạn !

    Trả lờiXóa
  8. Thầy có thể giúp em mô tả thiết chế xã hội trong 1 làng cụ thể để hiểu rõ hơn về thiết chế xã hội được không ạ? Em cảm ơn thầy!!

    Trả lờiXóa
  9. thầy cho em biết về thiết chế gia đình được không ạ? về vai trò, ưu nhược điểm của thiết chế gia đình. em cảm ơn thầy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Minh nghĩ Xã hội học nghiên cứu về gia đình khi xem nó như là một thiết chế, thì không ai di xem ưu và nhược diểm của nó mà chie xem xét vai trò của nó. Gia đình có một sô vai trò như:

      vai trò đầu tiên là xã hội hóa cá nhân
      vai trò kiểm soát và điều phói tính dục, sinh sản
      vai trò tái sản xuất sức lao động
      vai trò cung cấp địa vị, vị thế xã hội
      vai trò an sinh xa hội
      vai trò chăm sóc trẻ em và người giá

      Xóa
  10. Dạ thầy cho em hỏi? Thiết chế của một tổ chức như Liên minh châu Âu EU là như thế nào ạ? Em xin cám ơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo mình....
      Liên minh châu Âu có thể xem là một tổ chức, một cộng đồng. Nhưng trong một số trường hợp người ta xem nó như là một thiết chế, nhưng trong trường hợp này thiết chế được hiểu theo nghĩa hẹp. Nhưng theo mình đây là một mô hình tổ chức của thiết chế chính trị để hướng đến các mục đích chính trị và kinh tế.
      Tuy nhiên khi phân tích định chế này cũng xem xét ở hai khía cạnh:

      1. phần cứng: hệ thống tổ chức....
      2. phàn mềm: luật phát, quy định, chuẩn mực, văn hóa....

      Xóa
  11. a cho em hỏi thiết chế đạo dức va thiết chê pháp luật với

    Trả lờiXóa
  12. thầy ơi có thể giúp em về vấn đề thiết chế gia đình k ạ ? e rất cần ạ

    Trả lờiXóa
  13. thầy cho e hỏi "vì sao việc duy trì các thiết chế xã hội lại cần thiết đối với sự tồn tại của nhóm xã hội của cộng đồng xã hội và tính chất xã hội" vói ạ

    Trả lờiXóa
  14. thầy cho em hỏi ; các chức năng và mối liên hệ của thiết chế xã hội và cơ cấu xã hội trong xã hội học và phân tích cũng như tìm mối liên hệ ở việt nam như thế nào ak

    Trả lờiXóa
  15. Thầy cho e hỏi. Trong ột nhà nước pháp quyền, thiết chế xã hội nào quan trọng nhất. vì sao?

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.