8 tháng 9, 2011

MỘT XÃ HỘI BÊN BỜ VỰC TAN CHẢY

Một xã hội bên bờ vực tan chảy
Hiếu Tân

Jakob Augstein, Spiegel, 18/8/2011

Những cuộc nổi loạn ở London là một 'Fukushima xã hội' đối với thế giới Phương Tây. Chúng ta có nên thật sự ngạc nhiên rằng sự gia tăng của cải cho một nhúm người đi đôi với việc đồng thời bần cùng hóa đa số, không thể tiếp tục không giảm sút?

"Chúng ta không biết gì về hình thức của tấn bi kịch tương lai," nhà soạn kịch Đức Botho Strauss đã có lần viết như thế. Nhưng điều ấy đã không còn đúng nữa. Bây giờ chúng ta có thể hình dung ra hình thức của bi kịch của chúng ta – chúng ta chỉ cần nhìn trên YouTube. Những hình ảnh của các cuộc nổi loạn ở London là một cảnh xem trước tương lai của chúng ta. Sinh viên Malaysia Asyraf Haziq ngồi chảy máu trên mặt đất khi một người đàn ông đến gần anh để giúp anh đứng dậy, nhưng rồi chỉ giúp cho ba kẻ khác xông vào cướp hết đồ đạc trong chiếc ba lô của người không có khả năng tự vệ, để lại anh ta trơ trọi trên đường phố.
Đây là cái đáy tận cùng của lòng nhân đạo.

Thủ tướng Anh David Cameron cần đến mấy ngày để tìm lời thích hợp. "Các vấn đề xã hội nhức nhối từ nhiều thập niên đã bùng vỡ vào mặt chúng ta," ông mới nói trong tuần này, nhắc đến một "xã hội đổ vỡ." Đối với người Bảo thủ đây là một bước tiến lên phía trước. "Xã hội" là một từ không dễ thốt qua cửa miệng một người bảo thủ.

"Không có cái gì gọi là xã hội," cựu thủ tướng bảo thủ Margaret Thatcher đã nói một câu nổi tiếng. "Có những cá nhân đàn ông và đàn bà, và có những gia đình. Và không một chính phủ nào có thể làm điều gì nếu không thông qua nhân dân, và nhân dân phải nhìn vào bản thân mình trước hết."

Nhưng khi xã hội đổ vỡ, nhân dân cũng đổ vỡ theo. Thatcher và tất cả các nhà lý luận tân tự do sau bà đã không muốn tin điều này. Nhưng thị trường không có những phẩm chất đạo đức, và không có đạo đức thì tất cả chúng ta trở thành những con vật.

Đạo đức tan chảy
Bỗng nhiên điều này xảy ra với tất cả mọi người. Chỉ vài tuần trước các cuộc bạo loạn, nhà bình luận bảo thủ Charles Moore viết trên tờ Daily Telegraph: "Tôi phải mất hơn ba mươi năm làm nhà báo để tự hỏi bản thân câu hỏi này, nhưng tuần này tôi tìm thấy điều tôi phải thấy: phải chăng cuối cùng thì phái Tả đã đúng? Bạn thấy không, một trong những lý lẽ lớn nhất của phái Tả là: cái mà phái Hữu gọi là 'thị trường tự do' thật sự là một cuộc đấu biết trước ai thắng."

Trên tờ nhật báo bảo thủ Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, nhà bình luận Frank Schirrmacher chĩa những tình cảm tương tự vào Thủ tướng Angela Merkel và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà, phàn nàn về cái "lạnh lẽo như ma" mà bà dùng để tiếp cận với khoảng chân không đạo đức của nền chính trị bảo thủ.

Những cuộc bạo loạn ở London đã làm cho xã hội Phương Tây tự nhận thức về những gì mà Fukushima đã làm đối với khái niệm về năng lượng hạt nhân. Nó là một sự cố đáng tin đến mức tối đa – cái thảm họa có thể hình dung ra được nhưng chưa bao giờ người ta chờ đợi nó. Một sự tan chảy của đạo đức.

Với tất cả lòng tôn trong thích đáng, điều duy nhất gây ngạc nhiên ở đây là sự ngạc nhiên thật sự. Ai đã thật sự nghĩ rằng nó có thể đơn giản tiếp tục một cách vô hạn độ như thế? Ai tin rằng việc tăng sự giàu có ghê tởm cho một số ít người trong khi đồng thời gây ra tình trạng bần cùng hóa  đông đảo quần chúng lại không có một hậu quả nào? Sự chênh lệch về của cải không hề là ngẫu nhiên tình cờ của hệ thống tư bản chủ nghĩa – nó có tính hệ thống. Đúng như Bức tường Berlin và những trại tập trung Nga (Gulag) không phải là những ngẫu nhiên tình cờ của chủ nghĩa xã hội, sự chênh lệch này là hiện thực. Chủ nghĩa tư bản có nghĩa là một người sở hữu một chiếc du thuyền và bể bơi và một nhà chứa chiếc trực thăng của y, trong khi hàng triệu người khác không được tăng lương trong nhiều năm. Chủ nghĩa xã hội có nghĩa là của cải chia đều cho tất cả, chỉ trừ những người không chịu hợp tác và cuối cùng vào tù.

Đống gạch vụn  của Hệ tư tưởng Tân Tự do

Những người Tân tự do bây giờ có thể chiếm chỗ bên cạnh Phái Tả trên đống đổ nát của hệ tư tưởng của họ. Nhưng đấy không phải lý do để vui mừng. Những người xã hội chủ nghĩa Đức đã luôn luôn bị bẻ gãy bởi vì họ không thể hòa giải những tư tưởng 'công bằng' và 'tự do'. Đảng xã hội chủ nghĩa cánh Tả đã trưng dụng từ "Tả" và nắm chặt lấy nó, đúng như những người Dân chủ Tự do ủng hộ kinh doanh đã làm về phần họ để chiếm lấy từ ''tự do." Điều này không thích hợp với các từ đó, những từ đã bị thoái hóa thông qua sự xuống cấp của chính trị.

Các chính khách như Gesine Lötzsch và Klaus Ernst, những người đứng đầu Đảng cánh Tả, bao gồm những chính khách từ đảng kế tục Đảng Cộng sản Đông Đức trước đây, lao vào những cuộc cãi vã lèm nhèm về lịch sử buồn của Đông Đức cộng sản, trong khi bà phó chủ tịch của đảng Sahra Wagenknecht và phe nhóm những người bị thải hồi Đông Đức của bà không mời chào thứ gì khác hơn là văn hóa dân gian (folklore) chính trị. Nếu đó là phái Tả, thì ai còn muốn tham gia vào đó?

Tờ Junge Welt gần đây đã đăng một bài báo cay độc cám ơn Bức tường Berlin vì những nhà tù do cảnh sát mật vụ Đông Đức (Stasi) quản lý, và sự đàn áp trong các trường học dưới chế độ Đông Đức. Đó không phải là phái tả. Đó là sự không đứng đắn.

Một chính thể nhếch nhác sẽ sụp đổ

Theo ý nghĩa chính trị "tả" có nghĩa là ủng hộ chế độ nghị trường chống lại các kẻ thù của nó và đấu tranh vì bình đẳng nhiều hơn trong xã hội chúng ta. Lập trường này trong chính trị là cởi mở vì những người Dân chủ Xã hội rời khỏi chính phủ năm 2005, không được ưa chuộng và phải vật vã để tìm ra thông điệp của họ. Nhưng nếu đảng cánh Tả muốn nắm chính quyền, thì cuối cùng nó phải vứt bỏ cái khái niệm cho rằng sự hoàn thiện của xã hội nằm bên ngoài chế độ nghị trường. Trong lĩnh vực này, chỉ có Stasi là đang chờ đợi – và không có gì khác nữa.

Chế độ nghị trường nằm dưới áp lực và những nhu cầu của những liên minh mạnh. Những kẻ độc tài đánh hơi thấy cơ hội của chúng: Chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang mọc lên ở khắp nơi. Ở Anh, cánh cực hữu đã thành lập những lực lượng dân phòng, trong khi Cameron đang xem xét để kiểm soát Facebook và Twitter, giống như những kẻ đang cầm quyền ở những nước A Rập. Trong khi đó ở Đức, bộ trưởng nội vụ ủng hộ việc cấm dùng nặc danh trên mạng.

Tương lai của một nền dân chủ không có những người dân chủ là chắc chắn. Chúng ta đã học được quá ít từ lịch sử. Nhưng nếu chúng ta lấy một sự kiện từ thời đại Weimar thì nó sẽ như thế này: res publica amissa, hay là cái chính thế không đàng hoàng tử tế, cuối cùng sẽ thất bại. Khi động đến những điều quan thiết hơn với chúng ta – nền dân chủ hay chủ nghĩa tư bản – chúng ta sẽ quyết định điều gì?

Và liệu chúng ta có được phép lựa chọn hay không?./.
Theo: http://www.vanchuongviet.org

1 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.