Ngô Văn Huấn
Bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua, cái địa vị “ngôi vương” đó đã nói lên vai trò và tầm ảnh hưởng của nó trong xã hội. Không chỉ có vậy, bóng đá đứng ở vị trí cao nhất trong các môn thể thao như một vị giáo hoàng với mạng lưới tín đồ dày đặc và rộng khắp. Dưới cách tiếp cận xã hội học sự biến đổi và vai trò của bóng đá đã chứng minh cho tính xã hội của môn thể thao đặc biệt này.
1. Bóng đá như một định chế xã hội
Theo định nghĩa của Wkipedia bóng đá “là môn thể thao đồng đội được chơi giữa hai đội với nhau, mỗi đội có 11 cầu thủ trên sân”[1]. Định nghĩa này cho thấy “tính xã hội” của bóng đá. Bởi đây là môn thể thao mang tính đồng đội rất cao, để trở thành một đội bóng phải có một tập thể, để một trận đấu diễn ra phải có ít nhất hai đội, mỗi đội bóng là đại diện cho một nhóm xã hội. Các trận đấu bóng đá cũng chính là quá trình tương tác, mà theo lý thuyết xã hội hóa thì nhờ quá trình tham gia xã hội đó mà cá nhân được lĩnh hội hệ thống giá trị chuẩn mực.
Tính định chế của bóng đá thể hiện ở cả phương diện giá trị và phương diện tổ chức.
Về phương diện giá trị. Bóng đá như là một hệ thống các chuẩn mực kiểm soát hành vi cá nhân. Khi chơi bóng đá tất cả mọi người đều phải tuân thủ luật chơi đó chính là luật bóng đá (Laws of the Game) được áp dụng cho tất cả các đẳng cấp bóng đá khác nhau, từ chuyên nghiệp hóa đến nghiệp dư và kể cả khi chơi bóng chỉ là một hoạt động mang tính tự phát. Luật bóng đá thế giới được ban hành bởi tổ chức FIFA bao gồm 17 điều có địa vị là hệ thống chuẩn mực cao nhất trong bóng đá. Trong đó quy định rất rõ ràng cụ thể môi trường và thành phần cũng như những hành vi nào được phép và bị ngăn cấm. Như vậy, cái luật chơi ấy đã có vai trò rất lớn trong việc tạo ra một thước đo để kiểm soát các hành vi và thông qua đó cá nhân cũng được xã hội hóa để trở thành một thực thể xã hội. Như việc khi tham gia vào một trận đấu mỗi cầu thủ sẽ được rèn luyện tinh thần đồng đội, sự trải nghiệm bản thân và ý thức kỷ luật. Chính những điều đó đã giúp ta xác tín rằng bóng đá không chỉ là một môn thể thao đơn thuần mà đó thực sự là một quá trình kiến tạo nên con người xã hội.
Về phương diện tổ chức. Hiện nay bóng đá đã trở thành một cộng đồng với hệ thống tổ chức toàn cầu cũng như khu vực. Cơ quan cao nhất về mặt tổ chức là FIFA có vai trò điều hành và quản lý hoạt động bóng đá trên thế giới được thành lập năm 1904 hiện nay bao gồm 208 thành viên là các liên đoàn bóng đá các quốc gia và vùng lãnh thổ. FIFA cũng được tổ chức theo hệ thống ngành dọc rất chặt chẽ về quyền hạn và nghĩa vụ, cao nhất là FIFA tiếp đến là liên đoàn bóng đá châu lục, khu vực và từng quốc gia. Theo đó các giải đấu được tổ chức và tầm quan trọng của nó cũng tương ứng với mức độ cao thấp trong hệ thống đó. Chính vì vậy, bóng đá ngày nay vừa có tính đa dạng, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm được sự thống nhất và chặt chẽ, nó luôn được kiểm soát bởi những chuẩn mực cụ thể.
Thiết chế xã hội được hình thành trên một nhu cầu của con người và nó luôn phản ánh cho những biến đổi của nhu cầu đó. Chính trị được hình thành và thiết lập bởi nhu cầu quyền lực và sự thống trị của con người, tôn giáo là nhu cầu về tâm linh, giáo dục là nhu cầu về tri thức và hoàn thiện nhân cách…. Đến lượt mình khi xem bóng đá là một định chế thì đó cũng là sự phản ánh giải trí, rèn luyện và khẳng định mình của con người.
2. Những kiến giải xã hội học trong bóng đá
2.1 Kiến giải chức năng: Bóng đá là một hệ thống niềm tin có vai trò như sự đoàn kết xã hội
Theo cách tiếp cận chức năng ở một góc độ khác bóng đá được xem là một tôn giáo hay cụ thể hơn là có “tính tôn giáo”. Điều này thể hiện rõ trong việc bóng đá được tôn thờ bởi một hệ thống tín đồ rộng khắp và đa dạng, nó có sức cuốn hút mạnh mẽ đến mức con người có thể bỏ qua các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc… để cùng đến với một niềm đam mê chung và trở thành tín đồ trung thành của vị giáo hoàng mang tên bóng đá. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những khán đài sân vận động đầy ắp khán giả với nhiều thành phần khác nhau, nhưng họ có cùng một điểm chung là niềm đam mê bóng đá. Thật khó để lý giải nguyên do của điều đó, nhưng rõ ràng sức hút của bóng đá đến từ sự sôi động và tính đối kháng rất cao của nó. Bất cứ ai khi là cầu thủ phải là một người có sức khỏe, phải luôn tràn đầy tinh thần chiến đấu cũng như lòng quyết tâm cao độ. Bởi khi chơi bóng không chỉ cần có sức khỏe và kỹ năng mà quan trọng hơn là tinh thần đồng đội và lòng quyết tâm. Chính cái ranh giới xã hội mờ nhạt mà bóng đá tạo ra đã làm nên một cộng đồng mà theo kiến giải của lý thuyết chức năng trong xã hội học thì nó góp phần tạo nên sự gắn kết xã hội trọng một sự tương tác và tinh thần hiệp đồng. Nhà chức năng luận hàng đầu của xã hội học Durkhiem khi nghiên cứu về những hiện tượng có tính tôn giáo đã khẳng định rất rõ rằng: “tôn giáo góp phần tạo dựng và duy trì một ý thức tập thể” (Ngô Văn Huấn. 2011).
Sự phát triển của bóng đá cũng phản ánh những biến đổi xã xã hội rất sâu sắc. Trong trường hợp này tác giả phân tích sự thay đổi chiến thuật, lối chơi trong bóng đá châu Âu để cho thấy sự tương thích với biến đổi xã hội trong những thời kỳ khác nhau. Nước Anh được xem là quê hương của môn bóng đá hiện đại. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, bóng đá rất phổ biến ở các trường học trên khắp nước Anh, sau đó nó được trở nên phổ biến hơn; giải đấu đầu tiên được tổ chức giữa các câu lạc bộ là vào năm 1872. Trong những thời kỳ đầu việc bố trí đội hình của các đội bóng chủ yếu là 1-2-3-5 (1 thủ môn-2hậu vệ-3tiền vệ-5tiền đạo) chính vì thế số bàn thắng trong các trận đấu rất cao. Sau đó một huấn luyện viên người Anh đã thay đổi sang chiến thuật 1-3-2-2-3 ( 1thủ môn -3hậu vệ- 2tiền vệ phòng ngự -2tiền vệ công-3tiền đạo) và nó nhanh chóng trở nên rất phổ biến vì đảm bảo sự cân bằng giữa tấn công và phòng thủ. Nhìn vào bước tiến đó trong chiến thuật bóng đá ta thấy được sự phức hợp cao hơn của tổ chức xã hội được phản chiếu trong triết lý bóng đá ngày càng toàn diện hơn. Đến những năm khoảng giữa thế kỷ XX thì đội hình 1-4-4-2 ( 1thủ môn- 4hậu vệ- 4tiền vệ-2tiền đạo) được sử dụng chủ yếu trong nhiều đội bóng. Với chiến thuật này thì người ta thấy rõ được nhiệm vụ rõ ràng hơn ở các tuyến, cũng như có tính cân bằng rất cao giữa tấn công và phòng thủ và phụ thuộc rất nhiều vào mỗi trận đấu để thay đổi. Căn cứ vào tình hình và tính chất của từng trận đấu, với cách bố trí đó có thể chuyển sang đội hình thiên về tấn công (1-4-3-3) hoặc thiên về phòng ngự (1-5-3-2). Ngày nay bóng đá lại hết sức đa dạng về chiến thuật thi đấu và có nhiều trường phái bóng đá, nhiều loại lối chơi tổng hợp và mang tính biến đổi cao. Tính duy lý hóa được phản ánh rất rõ nét trong bóng đá châu Âu, các trận đấu của họ là một sự tổ chức rất hợp lý và khoa học cả về mặt chiến thuật lẫn con người. Các đội bóng nổi tiếng về lối chơi khoa học, chặt chẽ và hiệu quả là Đức, Italia. Từ cuối những năm thế kỷ XX đến đầu những năm thế kỷ XXI, bóng đá hiện đại có tính chất là đa dạng và rất biến hóa. Bên cạnh các lối chơi thiên về phòng ngự thì có lối chơi tấn tổng lực mà Hà Lan là một ví dụ rất điển hình từ những năm 90. Hiện nay một đội bóng cũng có thể sủ dụng nhiều chiến thuật từ (1-4-4-2) hay (1-5-3-1), (1-4-5-1), (1-4-1-3-2) tùy thuộc vào đối thủ điều kiện thi đấu. Mấy năm gần đây các đội bóng thường xuyên biến hóa lối chơi của mình và nó trở nên khó lường hơn, khi họ bố trí một tiền đạo lùi hay một tiền đạo ảo ở đá sau một trung phong. Lối chơi này đòi hỏi tính linh hoạt cao của các cầu thủ và có thể tập trung phòng thủ khi cần thiết hoặc có thể tất cả đều tham gia tấn công. Bên cạnh đó thì lối chơi chặt chẽ, khoa học vẫn mang lại những thành công, một ví dụ điển hình là huấn luyện viên José Mourinho đã rất thành công với chiến thuật 1-0. José Mourinho đã xây dựng một lối chơi rất chặt chẽ, hợp lý, phòng ngự có chiều sâu tỏ ra rất hiệu quả để chống lại lối chơi tấn công tổng lực, nhưng nó cũng bị chỉ trích là quá thực dụng và phá vỡ cái giá trị thẩm mỹ của bóng đá. Điều đó cũng là tư duy rất đặc trưng của người phương Tây đòi hỏi cao sự hợp lý. Nhưng kết quả mùa bóng 2010-2011 vừa qua cho thấy chiến thuật này đã bị phá vỡ bởi lối chơi Tiki-kaka, tấn công tổng lực những rất hiệu quả và được tổ chức hợp lý của câu lạc bộ Barcelona.
Như vậy, nhìn vào sự phát triển của nền bóng đá trong các thời kỳ khác nhau, chúng ta có thể phần nào thấy được những cung bậc biến đổi của xã hội và tư duy con người. Một trong những đặc trưng của bóng đá hiện đại đó là tính bất định cao trong lối chơi thì đó cũng là nét nổi bật của xã hội hiện nay.
Xét về mặt cơ cấu giai tầng. Khi bóng đá được chuyên nghiệp hóa cũng là lúc xuất hiện một cộng đồng bóng đá như một cơ cấu xã hội nghề nghiệp, cơ cấu xã hội giai tầng. Xét về cơ cấu giai tầng, cộng đồng xã hội đó bao gồm: nhóm các cầu thủ chuyên nghiệp họ hoạt động như một nghề nghiệp, nhóm các những người làm công tác luyện (Huấn luyện viên, trợ lý Huấn luyện viên, Giám đốc kỹ thuật…), nhóm các nhà quản lý, nhóm những ông chủ sở hữu, cộng đồng những cổ động viện một đội bóng.v.v…. Về mặt kinh tế thì họ là những người thuộc nhóm thu nhập cao từ nhiều nguồn như: tiền lương, tiền từ các hợp đồng quảng cáo. Chính vì vậy, họ được xem là tầng lớp thượng lưu với một gia tài khổng lồ và lối sống cũng hết sức đặc thù khá xa cách với đại chúng.
2.2. Kiến giải xung đột: Bóng đá tấm gương phản sự bất bình đẳng và xung đột xã hội
Bất bình đẳng xã hội tồn tại và tiểm ẩn trong mọi lĩnh vực có sự hiện diện của mối quan hệ con người. Bức tranh bóng đá cũng thật nhiều mảng màu, nó phản chiếu một xã hội phức hợp với nhiều đẳng cấp khác nhau. Xã hội nào thì nền bóng đá đó, mối quan hệ nào thì nền bóng đá đó. Sự hưng thịnh của kinh tế cũng phần nào tác động đến một nền bóng đá đỉnh cao. Bóng đá thế giới với những giải đấu lớn, danh hiệu lớn, trận đấu lớn, cầu thủ giỏi chỉ là cuộc đua “song mã” giữa hai nền bóng đá lớn và cũng là hai khu vực phát triển là châu Âu lục địa và châu Mỹ La Tinh. Chính vì vậy, chúng ta thấy hình như trong bóng đá hiện đại nó không được quyết định nhiều đến niềm đam mê hay khả năng mà đó dường như là cuộc chơi của những tầng lớp thưởng đẳng có địa vị cao và giàu có.
Trong định chế bóng đá luôn tiềm ẩn những xung đột. Chính tính đối kháng cao, vốn là đặc trưng của bóng đá đã cho thấy sự xung đột luôn là một giá trị làm cho nó trở nên hấp dẫn, nhưng cũng gây ra không ít những phiền toái. Ở mỗi nền bóng đá lớn, luôn có những đội bóng được xem là “đại kình địch” của nhau; từ ngữ đó đã cho thấy sự khắc nghiệt trong việc cạnh tranh ngôi vương giữa những đội bóng lớn. Chính điều đó làm cho tính hấp dẫn, sự sôi nổi và sức cuốn hút của bóng đá tăng lên, nhưng ngược lại những đối đầu đó chưa bào giờ là êm ả cả trong và ngoài sân cở. Tại giải ngoại hạng Anh, những trận đấu giữa nhóm “Tứ đại gia” (Manchester united, Liverpool, Chelsea, Arsenal hoặc Manchester City sẽ thay thế Arsenal trong những mùa gần đây) luôn tạo ra những sự chú ý. Trong sân cỏ thì lúc nào cũng căng thẳng và hấp dẫn, trên băng ghế huấn luyên viên thì cũng không hề bình yên. Đã có rất nhiều vị “thuyền trưởng” của các đội bóng phải chịu những án phạt của Liên đoàn bóng đá hay bị dư luận chỉ trích vì những “phản ứng quá mức” mà họ gây ra. Điều đó cho thấy khi bóng đá được người ta quan tâm nhiều hơn, thì cũng đồng nghĩa với những xung đột luôn tiềm ẩn trong cộng đồng của nó. Không chỉ các cầu thủ, các huấn luyện viên chỉ trích, công kích nhau trên báo chí nó đã trở thành hiệu ứng lây lan đến các cổ động viên trung thành, người ta có thể đụng độ bạo lực với nhau trên khán đài, ngoài đường phố trong quán bar hay những diễn đàn trên internet trở nền rất phù hợp cho những “lời qua tiếng lại”.
Trong mùa giải 2011-2012 tại giải vô địch bóng đá Tây Ban Nha và Italia đã phải hoãn lại vì những vụ đình công của Hiệp hội các cầu thủ. Khi bóng đá đã trở nên chuyên nghiệp, thì quan hệ giữa cầu thủ và đội bóng là quan hệ kinh tế với một khế ước rất chặt chẽ và người ta cũng có những cách phản ứng rất đặc trưng trong môi trương đó. Hiệp hội cầu thủ, đại diện cho các cầu thủ chuyên nghiệp đã đấu tranh với Liên đoàn bóng đá là Ban tổ chức và các Câu lạc bộ là người sử dụng lao động về các điều khoản chưa đạt được sự đồng thuận. Điều đó cho thấy mối quan hệ cộng sinh giữa cầu thù và câu lạc bộ luôn có những bất đồng, và người ta có những cách phản ứng quyết liệt. Trong trường hợp này chính lợi ích là yếu tố chi phối đến những mâu thuẫn, xung đột giữa hai bộ phận này trong cộng đồng bóng đá.
Dưới cách tiếp xã hội học bóng đá còn được xem là một nhu cầu, từ nhu cầu đó hình thành nên dịch vụ xã hội. Chính vì vậy, tu duy xã hội học sẽ nghiên cứu về khả năng tiếp cận dịch vụ này của các nhóm xã hội khác nhau. Khả năng tiếp cận chính là những nhân tố tác động đến nhu cầu và việc sử dụng các dịch vụ xã hội. Trong đó có nhũng yếu tố thuộc về bản thân dịch vụ xã hội và yếu tố khách quan, nhưng yếu tố có tính chất quyết định thuộc về chủ thể như: văn hóa, kinh tế, năng lực. Bóng đá với cách định vị là một loại hình dịch vụ xã hội thì khả năng tiếp cận nó cũng rất khác nhau trong các nhóm, hay nói cách khác cho thấy sự bất bình đẳng trong việc hưởng thụ nó của con người ở nhiều địa vị xã hội. Trong thực tế chúng ta dễ nhận thấy không phải ai muốn đến với bóng đá cũng dễ dàng bởi họ phải vượt qua những rào cản của chính mình và xã hội. Ví dụ như tình trạng độc quyền phát sóng giải bóng đá vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu của các kênh truyền hình trả tiền hay việc tăng giá vé ở các sân vận động đã kéo người nghèo ra ngày càng xa hơn với bóng đá đỉnh cao.
2.3 Kiến giải tương tác: môi trường xã hội hóa
Định chế bóng đá đã hình thành hệ thống giá trị rất đặc thù, như là môi trường xã hội hóa cá nhân. Những cầu thủ bóng đá hiện đại, họ không chỉ là những ngôi sao thể thao, mà còn là một nhân vật được chú ý trên làng giải trí thế giới không kém gì các minh tinh màn bạc. Thông qua truyền thông, hình ảnh của họ đến với công chúng và ảnh hưởng rất sâu sắc đến hành vi của nhiều nhóm và cá nhân. Từ bộ quần áo, kiểu tóc, ánh mắt đến những lời nói của các cầu thủ đã được nhiều bạn trẻ “chụp lại” trong hành vì của mình. Thậm chí những cái tên câu thủ nổi tiếng thế giới đã được đặt tên cho những đứa trẻ hay gán cho những ai có đặc điểm tương đồng. Rõ ràng những giá trị trong cộng đồng bóng đá đã góp phần xây xựng nên những hành vi trong cá nhân ngày nay. Khi con người ta tham gia vào bóng đá, thì nó trở thành một phần cuộc sống của anh ta, bóng đá mang đến nụ cười, sự chia sẻ, hợp tác, tinh thần đồng đội, sự giận dữ nỗi buồn… Những cung bậc cảm xúc đó của con người thực sự là một sự trải nghiệm tâm lý cá nhân như là một quá trình rèn luyện nhân cách.
Khi đề cấp đến cộng đồng bóng đá, không thể thiếu những cổ động viện. Họ không chỉ là những người đóng góp tài chính nhiều nhất cho các câu lạc bộ bằng nhiều cách khác nhau, mà còn một lực lượng tương tác trực tiếp với các cầu thủ ban lãnh đạo đội bóng. Cổ động viên như một “cầu thủ thứ 12” ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả trận đấu và tâm lý thi đấu của các cầu thủ. Những tiếng cổ vũ trên khán đài thực sự là một sức ép cho đội khách nhưng lại là động lực cho các cầu thủ chủ nhà. Sự tương tác rất mạnh mẽ giữa nhóm cổ động viên và đội bóng được biểu hiện trong một cơ chế rất chặt chẽ và logic. Khi trên sân cỏ các cầu thủ thi đấu thăng hoa, nhiệt tình thì đó là một sự kích thích cho những hưng phấn tâm lý của cổ động viên trên khán đài. Nhưng ngược lại, khi các cầu thủ “đánh mất mình”, phản bội người hâm mộ thì đó sẽ là một sự túc giận rất đáng sợ. Như vậy, hình ảnh của các cầu thủ và huấn luyện viên bóng đá được hình thành và tạo dựng bởi cổ động viên, người hâm mộ họ. Đó là sự tương tác hay là quá trình xã hội hóa lẫn nhau giũa người cổ động viện và cầu thủ.
3. Mối quan hệ của bóng đá với các hệ thống xã hội khác
3.1 Bóng đá với chính trị
Bóng đá là một sự quá trình xã hội, một lĩnh vực của đời sống gắn với chính trị. Mục đích sơ khai của bóng đá chỉ là môn thể thao, người ta chơi nhằm để giải trí và rèn luyện sức khỏe. Nhưng sự biến đổi xã hội đã khoác lên khuôn hình thân thể của chàng lực sỹ bóng đá vốn dĩ đơn thuần và giản dị những tấm áo với nhiều màu sắc, làm cho chàng trai đó trở nên rực rỡ, diêm dúa và cũng nữ tính hơn. Trong bóng đá hiện đại người ta thấy bóng dáng của yếu tố chính trị, khi quyền lực của các đội bóng cũng không kém gì những chính đảng. Hiện nay trong nhiều đội bóng tên tuổi ở các giải đấu lớn được nâng đỡ và bảo trở bởi một thế lực chính trị đằng sau nó. Ỏ Italia người ta thấy chủ sở hữu của những đội bóng lớn là những chính trị gia, những vụ tiêu cực như giàn xếp tỉ số, mua bán cầu thủ, cá cược… luôn có vai trò không nhỏ của quyền lực chính trị. Mới đây nhất người ta đã phát hiện ra những tiêu cực của cái nơi được coi là “thánh đường” của bóng đá thế giới tổ chưc FIFA khi các quan chức ở đây nhận hối lộ để tạo nên màn kịch bầu chọn các quốc gia đăng cai các giải đấu lớn.
Bóng đá mang màu sắc chính trị thể hiện ở việc tất cả các đội bóng đá quốc gia trên thế giới được xem là biểu tượng cho tinh thần dân tộc, màu cờ sắc áo chính là giá trị của đất nước. Chính vì vậy, khi các cầu thủ thi đấu, họ không chỉ làm việc vì trọng trách nghề nghiệp mà còn xuất phát từ tình yêu, nghĩa vụ đối với tổ quốc. Vì vậy, trong vụ việc giàn xếp tỉ số của một số cầu thủ đội bóng đá U23 Việt Nam tại Seagame 23 nhiều người đã rất gay gắt khi cho rằng cần phải bị xử lý họ như là những tội phản quốc, phản bội dân tộc. Điều đó đã cho thấy các cầu thủ khi khoác trên mình tấm áo đội tuyển quốc gia là họ đang thực thi trọng trách như những chiến binh thực thụ được cả dân tộc và nhân dân giao phó. Với cái dòng tư duy đó thì những ứng xử, thái độ của cá nhân, nhóm và dân tộc trong bóng đá cũng là một yếu tố của văn hóa chính trị. Cuộc “chiến tranh bóng đá” đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1969 khi xung đột quân sự giữa hai quốc gia bắt nguồn từ một xung đột trong sân cỏ. “Những xung đột trong và sau trận đấu đã dẫn đến việc El Salvador đem quân tấn công Honduras, cuộc chiến đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và càng làm trầm trọng sự mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng này”[2]. Tuy nhiên, bóng đá lại còn là một nhân tố mang lại sự hòa hợp, đoàn kết khi người ta tìm được tiếng nói chung giữa nhiều quốc gia thông qua những trận đấu trên sân cỏ diễn ra trên tinh thần hữu nghị và hòa hợp.
3.2 Bóng đá với kinh tế
Không chỉ là một môn thể thao, bóng đá trở nên sôi động và từ đây con người biến nó thành hoạt động kinh tế. Ngày nay ở bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp nào các đội bóng cũng chính là những doanh nghiệp đang mang đến lợi nhuận lớn cho những ông chủ. Cái doanh nghiệp đặc thù đó biến các trận đấu bóng đá và những dịch vụ ăn theo trở thành hàng hóa, những cầu thủ thi đấu trên sân là những công nhân lao động đặc biệt cho các ông chủ là các nhà tài phiệt. Hiện nay thị trường bóng đá thực rất sôi động, khi những vụ chuyển những cầu thủ tầm mức triệu đô là câu chuyện thường tình. Đi cùng với nó là tính cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt, giá trị của từng cầu thủ không đơn giản chỉ là ở tài năng trên sân cỏ mà đó còn là sự phức hợp của các chiêu thức kinh doanh được tạo ra nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Các hành vi kinh tế trong Bóng đá cũng thật đa dạng. Các câu lạc bộ lớn ngày nay luôn gắn với những tập đoàn kinh tế không chỉ là về mặt thương hiệu mà đó là một hình thức kinh doanh trong phương thức đa ngành, đa lĩnh vực của tập đoàn đó. Họ kiếm lời từ việc đào tạo các cầu thủ thành các mặt hàng rồi được công nghệ maketing thành những mặt hàng có giá trị. Trước đây các câu lạc bộ được nuôi sống chủ yếu từ nguồn bán vé trong những trận đấu, nhưng hiện nay nguồn thu này không còn chiếm phần lớn trong tổng thu nhập của các đội bóng mà thay vào đó là các nguồn từ quảng cáo, bản quyền truyền hình,…. Các dịch vụ ăn theo bóng đá thí rất sôi động. Bên cạnh các trận đấu trên sân cỏ là những hoạt động cá cược dưới rất nhiều hình thức khác nhau như: dự đoán kết quả tỉ số các trận đấu, dựa đoán đội bóng vô địch…. Chính những hoạt động này đã là nguồn thu không nhỏ cho các cơ quan truyền thông, các ông chủ sòng bạc.
3.3 Bóng đá như là bức khảm văn hóa
Nhìn và suy ngẫm về bóng đá chúng ta thấy một bức tranh văn hóa đặc sắc, sinh động và đa dạng với nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi một nền bóng đá cũng đều phản chiếu đặc trưng văn hóa vùng miền rất rõ nét. Bóng đá châu Âu được xây dựng trên cơ sở tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, sự hợp lý về chiến thuật và nó đã trở thành một khoa học về sự chính xác với những miếng đánh được tính toán rất chặt chẽ. Đó chính là đặc trưng của văn hóa phương Tây vốn đề cao lý tính và một tư duy khoa học trong các quan hệ xã hội. Trong khi đó bóng đá La Tinh lại dựa trên nên tảng kỹ thuật điêu luyện, sự ngẫu hứng của các cầu thủ như những nghệ sỹ sân cở và nó lại được xem là một môn nghệ thuật thực thụ với những màn biểu diễn giàu cảm xúc làm nên vẻ đẹp cho nó. Đối với châu Phi, nền bóng đá ở đây cũng là một nét rất riêng. Các cầu thủ khi thi đấu họ luôn thể hiện sức mạnh, tốc độ cộng với lòng quyết tâm cao độ như những chiến binh thực thụ trên sa mạc. Bóng đá nơi đây luôn có “chất châu Phi” nét hoang dã và sự cuồng nhiệt trên những khán đài và sân cỏ. Châu Á so với các lục địa khác thì đây được là “vùng trũng” về bóng đá, khi xét về sự phổ biến và trình độ thì còn là một khoảng cách khá xa so với châu Âu và Nam Mỹ. Tuy nhiên, ngay trong châu Á thì cũng có phân cấp về trình độ giữa các đội bóng vì vậy cũng không hình thành được một trường phái riêng mà nó cũng đa dạng và nhiều mảng màu như văn hóa nơi đây, có chăng thì cũng là sự dư nhập của các phong cách chơi bóng khác nhau.
Tính xã hội cao của bóng đá cho phép chúng ta xác tín một điều rằng đã có một “Nền văn hóa bóng đá”. Đề tài về bóng đá luôn được khai thác và tạo cảm hứng trong những sáng nghệ thuật văn học, âm nhạc hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh. Đã có những tác phẩm văn học viết về bóng được đón nhận. Mới đây cầu thủ đội trưởng đội tuyển quốc gia Đức Philipp Lahm đã xuất bản cuốn tự truyện của mình gây không ít những xôn xao trong dư luận. Về mặt giá trị trong cộng đồng cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp cũng có một mô hình lối sống riêng với đặc trưng là văn hóa tiêu xài, tham gia vào những hoạt động giải trí cấp cao, nhiều cầu thủ đánh bóng tên tuổi bằng những vụ “scandal” về tình ái.
3.4 Bóng đá với truyền thông
Bóng đá với truyền thông là đặc trưng rất rõ nét cho mối quan hệ cộng sinh trong xã hội. Các loại hình truyền thông như báo in, truyền hình, đài phát thanh, internet… có được một đông đảo công chúng như ngày nay cũng là nhờ đã biết khai thác chủ đề bóng đá trong những nội dung truyền thông của mình. Hiện nay hầu hết các tờ báo, hay kênh truyền hình, cũng như hầu hết các trang web các thông tin về bóng đá cũng chiếm một vai trò rất quan trọng. Nhiều người ngồi hàng giờ đồng hồ trước màn hình ti vi không phải để xem những tin túc thời sự mà chỉ để chờ xem kết quả trận đấu mà mình quan tâm. Ngược lại, truyền thông đã mang bóng đá đến với thế giới một cách nhanh nhất thống qua các kỹ thuật sản xuất hiện đại của mình. Đi đầu là truyền hình, hầu hết các giải đấu lớn của bóng đá thế giới đã được truyền hình trực tiếp làm cho việc tiếp cận với “món ăn” này của công chúng trên thế giới trở nên cách dễ dàng hơn. Truyền thông và bóng đá là hai người bạn đồng hành gắn chặt vào nhau tạo nên một mối lương duyên đầy thú vị. Thông qua truyền thông hình ảnh cũng giá trị của các cầu thủ và câu lạc bộ không ngừng được nâng cao. Và rồi bóng đá cũng mang lại cho truyền thông những khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ bán được bản quyền, thu hút được công chúng. Những không phải lúc nào mối quan hệ đó cũng “êm ấm”. Không ít lần chính các chương trình truyền hình hình, các bài báo và nhất là cộng đồng mạng đã cho cả thế giới thấy những “căn bệnh” trên cơ thể người bạn đời của mình. Những vụ việc được giới truyền thông phới bày trong làng bóng đá khiến nhiều người nghĩ đến mối lương duyền này sẽ chấm dứt. Những đã là cộng sinh, nhất lại là sự liên hệ qua lại rất sòng phẳng về mặt lợi ích thì quả thực không thể dễ dàng rời bỏ nhau như vậy được. Đó là những điều làm cho kiến giải tương tác luận trong xã hội học trở nên có sức mạnh hơn bao giời hết. Các chủ thể trong các mối quan hệ tương tác với nhau trên cơ chế trao đổi và quá trình chuyển dời các giá trị cho nhau đã bồi đắp cho mối quan hệ đó. Bóng đá và truyền thông cũng vậy. Quá trình ngày càng phẳng đi của thế giới hiện đại đã làm cho mối lương duyên này đó ngày càng bền chặt hơn cho dù có những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Tính quan trọng của mỗi giải đấu, mỗi trận đấu bóng đá phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan tâm của truyền thông. Sức nóng và sự quyết liệt của trận đấu bắt đầu ngay từ những bài báo của truyền thông. Trước khi các trận đấu diễn ra đã có nhiều kênh truyền hình, các tờ báo, mạng internet… đưa tin về những bình luận, nhận định, phát biểu của những nhân vật tên tuổi hay những kiểu “kích tướng” của đội bóng chính là nguyên nhân gián tiếp tạo nên mức độ “máu lửa” của trận đấu. Một ví dụ rõ ràng nhất là trong mùa bóng 2010-2011, gây được sự chú ý của thế giới khi hại đội bóng của Tây Ban Nha được coi là “đại kình địch” Real Madrid và Barcelona đã gặp nhau đến năm lần trong đó có hai lần ở giải vô địch quốc gia, một lần ở cúp nhà vua và hai lần ở cúp C1. Những trận đấu có mặt hai “đại kinh địch” vốn dĩ đã rất “nóng” những nó lại càng trở nên “nóng hơn” và thậm chí là mang mùa sắc bạo lực khi nó nhận được quá nhiều sự quan tâm của truyền thông. Trước mỗi trận đấu nhiều kênh truyền hình lớn đã đưa tin về thực lực hai đội, những phát biểu của các huấn luyện viên, những cầu thủ và nhiều tên tuổi nổi tiếng khác đã nhanh chóng truyền đi trên thế giới đã tạo thành một dư luận xã hội đôi khi có tác dụng tiêu cực khiến cho sức nóng trên sân cỏ và các khán đài được cộng hưởng. Và thực tế thì các trận đấu của hai đội bóng không chỉ cống hiến cho người xem màn trình diễn đẳng cấp của các cầu thủ hàng đầu thế giới mà còn những pha bóng bạo lực vượt qua tính chất một trận đấu bóng đá.
4. Các vấn đề xã hội trong bóng đá
4.1 Bạo lực trong vào ngoài sân cỏ
Bạo lực, luôn là một vấn đề của bóng đá mọi thời đại, nó lại càng trở thành một điều được nhiều người dùng với từ “vấn nạn” kể từ khi bóng đá phải khoác trên mình một tấm áo choàng với nhiều màu sắc chính trị, kinh tế,… Với tính chất đối kháng cao, sự lôi cuốn kỳ diệu, mức độ sôi nổi luôn luôn đạt đỉnh đã biến nhiều trận đấu bóng đá thành những màn “múa võ” của các cầu thủ trong sân, huấn luyện viên, rồi lan đến những cổ động viên vốn dĩ rất vô tư, xuất phát từ một lòng đam mê thực thụ. Ở Việt Nam từ khi bóng đá bước lên chuyên nghiệp, thì người ta lại càng phàn nàn nhiều, các nhà quản lý đau đầu vì nạn bạo lực cả trong và ngoài sân cỏ. Phần lớn các vòng đấu của giải vô định quốc gia (V-league) và giải hạng nhất quốc gia đều có hành vi bạo lực với nhiều hình thức khác nhau như: các cầu thủ chơi xấu với những pha vào bóng ác ý triệt hạ đối thủ, những lời nói và hành vi xúc phạm đối thủ cũng như trọng tài, những màn ẩu đả trên những khán đài…. Mặc dù ban tổ chức, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các câu lạc bộ đã có nhiều hình thức xử lý rất kiên quyết, nhưng tình trạng vẫn không hề thuyên giảm. Điều đó cho thấy sự “nghiệp dư” trong một môi trường đã mang nhãn hiệu “chuyên nghiệp” như trong bóng đá Việt Nam hiện nay.
Khái niệm là “bạo lực tượng trưng” trong xã hội học có thể là một cách giải thích hữu ích trong bóng đá này. Theo Pierre Bourdieu “Bạo lực tượng trưng tự thiết lập qua trung gian của sự tán đồng mà kẻ bị trị không thể không chấp nhận cho kẻ thống trị (vậy là cho sự thống trị) khi mà kẻ bị trị để tư duy về khả năng thống trị và để tư duy về mình” (Pierre Bourdieu, 2011, tr.48). Trong trường hợp này nhà xã hội học khả kính của chúng ta xem “kẻ bị trị” là người phụ nữ và “kẻ thống trị” là nam giới trong mối quan hệ giới. “Bạo lực biểu trưng” được dùng với nghĩa để chỉ những áp đặt, sức ép, sự đòi hỏi và thang giá trị mà chủ yếu là về mặt tinh thần và nhận thức mang tính chất vô hình. Xác tín vào luận điểm đó của Pierre Bourdieu chúng ta có thể nhận thấy “bạo lực biểu trưng” đang rất phổ biến trong bóng đá hiện đại. Ngày nay với sự chuyên nghiệp và tính hiện đại rất cao thì các cầu thủ đang chịu quá nhiều sức ép, quá nhiều sự kỳ vọng từ nhiều phía. Các câu lạc bộ lớn đang tạo ra một sức ép về thành tích đối với các cầu thủ, người hâm mộ kỳ vọng vào phong độ của các cầu thủ, xã hội cũng luôn phán xét các cầu thủ và huấn luyện viên về lối sống, ứng xử…. Những điều đó thực sự là “bạo lực biểu trưng” mà các xã hội đang tạo ra cho những nhân vật trung tâm của bóng đá chuyên nghiệp.
4.2 Tham nhũng
Tham nhũng tìm đến bóng đá là một hệ lụy tất yếu làm cho hình ảnh và sức hút của nó phần nào giảm sút. Nhưng điều đó lại làm sâu sắc thêm khẳng định về “tính xã hội của bóng đá”. Lĩnh vực bóng đá thực sự là một mảnh đất màu mỡ của tham nhũng, với nguồn lợi khổng lồ mà nó tạo ra trong một môi trường thiếu minh bạch và quyền lực luôn là một yếu tố ngự trị. Không ít những quan chức trong làng bóng đá thế giới đã phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật khi phạm phải tội danh tham nhũng.
Tình trạng tham những trong bóng đá sẽ có điều kiện nẩy nở và phát triển trong môi trường xã hội thiếu tính minh bạch. Nhìn vào bóng đá Việt Nam trong thời gian qua là một bằng minh chứng cho điều đó. Mùa bóng năm 2010-2011 của giải Vô địch quốc gia kết thức với một kết cục tuyệt vời cho Câu lạc bộ Sông lam Nghệ An, nhưng vương miện ngôi vương của bóng đá Việt Nam có phần kém phần trang trọng khi nhiều trận đấu “có mùi”. Người hâm mộ giường như đang quay lưng lại với các trận đấu của giải vô định quốc gia, khi nó đang ngày càng thẫm màu bạo lực và những màn kịch tiêu cực. Một huấn luyện viên tài năng là lão luyện như ông Nguyễn Thành Vinh mới đây đã phải thốt lên “trọng tài đang thao túng bóng đá Việt Nam”. Khi bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp người ta đã mong cho sự “nghiệp dư” sẽ bị loại bỏ, nhưng qua nhiều năm qua chúng ta lại thấy bức tranh đó ngày càng xuất hiện nhiều mảng tối, trong khi sự “nghiệp dư” không bị mất đi mà thay vào đó là sự “thao túng” đang rõ rệt hơn. Tuy nhiên, nhìn một cách phổ quát thì tiếng còi của trọng tài trong một cuộc chơi có yếu tố kinh tế, chính trị… như bóng đá ngày nay không chỉ phụ thuộc vào chính bản thân ông ta mà nó sẽ trở nên méo mó trước những “áp lực” từ nhiều phía. Như vậy, câu chuyện bóng đá không chỉ là một câu chuyện riêng mà đó chính là câu chuyện của hệ thống xã hội ngày nay.
Qua đó có thể xác tín một điều rằng, bóng đá hiện đại sẽ luôn là một phần phản chiếu bối cảnh, những bệnh lý của cơ thể xã hội. Điều đó giúp cho những lý giải tư duy xã hội học càng trở nên có giá trị, khi xem bóng đá là một định chế xã hội, một hiện tượng trở thành chủ đề nghiên cứu của xã hội học. Chính vì lẽ đó thuật ngữ xã hội học bóng đá được đặt ra không phải là sự ảo tưởng.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Pierre Bourdieu. Sự thống trị của nam giới. Nxb. Tri thức. Hà Nội. 2011 (Lê Hồng Sâm dịch).
2. Ngô Văn Huấn. Bài giảng xã hội học tôn giáo. 2011.
[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B3ng_%C4%91%C3%A1 truy cập ngày 27/2/2011.
[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B3ng_%C4%91%C3%A1/ truy cập ngày 27/2/2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.