Ngô Văn Huấn
Người Việt có truyền thống cứ đến tết nguyên đán hàng năm sẽ về nhà ăn tết sum vầy bên gia đình và người thân. Quá trình hiện đại hóa đã tạo ra không ít những đổi thay trong suy nghĩ, lối sống nhưng truyền thống đó trong mỗi người Việt vẫn không hề mất đi. Chính vì vậy, cứ đến trước tết là có một dòng di cư rất lớn từ thành thị về nông thôn, nhất là từ các thành thành phố lớn như Hà Nội và Thành phồ Hồ Chí Minh về các tỉnh lẻ. Và ngược lại, sau tết lại có một dòng chuyển cư của một lượng người lớn từ các vùng quê ở tỉnh trở lại thành phố lớn để bắt đầu một năm mới với sinh kế thường ngày của họ.
Năm nào cũng như vậy, chẳng cần phải khảo sát hay nghiên cứu gì mất công sức người ta cũng biết rõ điều đó và dễ dàng lý giải về hiện tượng này. Bởi từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đã diễn ra một quá trình di cư từ nông thôn ra đô thị trước sự tăng trưởng nhu cầu lao động từ đô thị và giảm sức ép dừ thừa ở nông thôn. Mặc dù mang đến rất nhiều những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, nhưng quá trình di cư đó cũng đặt ra không ít vấn đề an sinh xã hội ở đô thị như nhà ở, việc làm và nhất là giao thông. Câu chuyện về kẹt xe, tắc đường đã trở thành một nhận thức bình thường và người thành phố đang dần có tâm lý ứng phó “sống chung với lũ” hơn là than vãn kêu ca. Có một câu chuyện cũng liên quan đến giao thông mỗi năm chỉ có một lần, nhưng kịch bản năm nào cũng diễn ra tương tự trong khi đó sự bất lực của các cơ quan quản lý vẫn không thay đổi. Tình trạng quá tải trong giao thông khi nhu cầu về quê trước tết và trở lại thành phố của người dân tăng vọt đẫn đến tình trạng nhồi nhét trên tàu xe gây chết người, người tai nạn giao thông, giá vé cao ngất ngưởng. Như vậy cầu đã vượt quá nguồn cung trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước thì biết rõ những vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu. Có chăng thì vẫn chỉ là những giải pháp nhở lẻ, cơ học mang tính chất tình thế như tăng số lượng tàu, xe trong những ngày cao điểm; hay một số cơ quan doanh nghiệp lo việc chuyên chở nhân viên người lao động của mình về nhà đón tết. Nhưng xem ra những việc làm đó cũng không giải quyết được vấn đề mang tính căn bản. Còn người dân cũng đã tìm ra một số giải pháp cũng rất tình thế đó là tự đi về nhà bằng xe của mình. Nhưng sắp tới giải pháp này xem chừng cũng không ổn, bởi có tin ngành giao thông sẽ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Nếu vậy thì người dân vẫn phải “hưởng” dịch vụ đứng ngồi, chen chúc trên những chuyến tàu, xe mặc dù đã phải trả một cái giá trên trời mà thậm chí còn bị đối xử không hề có dấu hiệu mình là “thượng đế”. Ngoài những giải pháp trên thì chưa có một phương án nào hữu hiệu từ phía ngành giao thông vận tải có một vị tư lệnh mới toanh vốn thích “phát ngôn” và cũng rất ưa “hành động”. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể đây không phải là câu chuyện riêng của ngành giao thông vận tải mà đó là vấn nạn của đất nước cần sự hợp tác liên ngành từ công an, chính quyền cấp địa phương và trọng tâm là ngành giao thông vận tải.
Thiết nghĩ, muốn một truyền thống tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn thì cần có những điều kiện đảm bảo. Để niềm vui đoàn tụ trong mỗi gia đình ngày tết được trọn vẹn thì điều kiện đó là không còn những nỗi kinh hoàng trên những chuyền về quê, không còn nỗi đau mất mát của một gia đình nào. Có lẽ không có một lời giải thích nào khác cho sự bất lực khi kịch bản đã được chúng ta biết trước ngoài sự chật chội trong tư duy của những nhà quản lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.