3 tháng 2, 2012

Bất bình đẳng và bất ổn

 Tác giả: GS. Trần Lê Anh, Đại học Lasell, bang Massachusetts


Bất bình đẳng thu nhập và gia tăng phân hóa giàu nghèo là hiện tượng đang gây nhiều chú ý toàn cầu. Mối liên hệ giữa bất bình đẳng và bất ổn ngày càng được khẳng định một cách mạnh mẽ hơn. Trong định hướng phát triển bền vững của Việt Nam, đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm bên cạnh những vấn đề then chốt khác như cải cách thể chế và đấu tranh với tham nhũng.

Bất bình đẳng thu nhập không những góp phần gây ra những hệ lụy xã hội mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế.  Đã có một số nghiên cứu cho thấy điều này.  Ví dụ,  trong một nghiên cứu được đón nhận khá rộng rãi, hai nhà nghiên cứu người Anh  (Wilkinson và Pickett) đã đưa ra những chứng cứ về mối tương quan tỉ lệ thuận giữa bất bình đẳng thu nhập và nhiều vấn nạn xã hội.[1]
Phân tích số liệu thống kê liên quan đến 23 nước phát triển (từ các nguồn khả tín như Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc), Wilkinson và Pickett đã cho thấy rằng một nước có tỉ lệ bất bình đẳng cao hơn thì thường phải đối mặt với những vấn nạn xã hội với tỉ lệ cao hơn cho dù đó là một nước có GDP bình quân đầu người rất cao (chẳng hạn như Mỹ và Anh).  Ngược lại, ở những nước bình đẳng hơn, như Nhật và Na Uy, thì xã hội tương đối tốt hơn được thể hiện qua các tiêu chí như tỉ lệ tự tử và phạm tội thấp trong khi tính di động xã hội và niềm tin giữa người dân trong xã hội cao hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia (Berg, Ostry, và Zettelmeyer) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng chỉ ra hệ quả tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đối với quá trình tăng trưởng của một nền kinh tế.[2] Phân tích các đợt tăng trưởng (được định nghĩa bằng khoảng thời gian từ khi nền kinh tế bắt đầu tăng tốc tăng trưởng cho đến khi nó bắt đầu hạ tốc)  của 140 quốc gia, các tác giả đã kết luận rằng sự phân phối thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chiều dài của các đợt tăng trưởng.  Các nước ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, những nơi mà có tỉ lệ bất bình đẳng tương đối cao, thường có những đợt tăng trưởng ngắn hơn so với những nơi khác.  Theo đây thì cải thiện tỉ lệ bất bình đẳng là một yếu tố cần thiết nếu một nước muốn có một khoảng thời gian tăng truởng dài hơn.
Trong xu hướng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững và công bằng hiện nay, vấn đề bất bình đẳng thu nhập càng đòi hỏi phải được giải quyết.   Lý do là vì một xã hội với tỉ lệ bất bình đẳng cao không những tạo mầm mống cho sự phẫn uất rộng rãi mà còn cản trở sự tích lũy vốn con người cũng như quá trình xây dựng một tầng lớp trung lưu to lớn và vững mạnh có khả năng dịch chuyển xã hội một cách tích cực.

Ảnh minh họa: dantri
Hơn nữa, bất bình đẳng thu nhập là một nguyên nhân quan trọng đưa đến bất bình đẳng về cơ hội.  Tình trạng này xảy ra khi một bộ phận người dân trong xã hội không có khả năng để tiếp cận các dịch vụ và hàng hóa cốt yếu nhằm nâng cao kiến thức và sức khỏe của mình để có thể có cơ hội thăng tiến trong xã hội.  Tình trạng bất bình đẳng cơ hội cao cũng sẽ góp phần duy trì bất bình đẳng thu nhập, kéo theo những hệ lụy như đã đề cập.
Hiện trạng của Việt Nam
Ở phương diện thống kê, số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy rằng nếu như mức chênh lệch giữa nhóm 20% thu nhập cao nhất và nhóm 20%  thu nhập thấp nhất trong năm 1995 là khoảng 7 lần thì nó đã tăng lên đến 9,2 lần trong năm 2010 (năm mới nhất có số liệu thống kê).
Qua một thước đo khác, hệ số Gini cũng cho thấy xu hướng gia tăng bất bình đẳng ở Việt Nam trong nhiều năm qua.  Trong năm 1995 hệ số này của Việt Nam là 0,357 nhưng nó đã tăng lên đến 0,43 trong năm 2010.
Nhưng cần phần nói thêm rằng các số liệu thống kê chỉ cho thấy những con số có thể thu thập được.  Chúng không phản ánh những nguồn thu nhập bất chính không được  khai báo.  Do đó, thực tế bất bình đẳng ở Việt Nam có thể cao hơn những con số được công bố.  Ngoài ra, vấn đề càng trầm trọng hơn một khi người dân cảm thấy rằng một phần nào đó của bất bình đẳng không phải là do khả năng thực thụ đem lại.
Có nhiều lý do gây ra sự gia tăng bất bình đẳng, từ hệ quả của sự thay đổi công nghệ và quá trình toàn cầu hóa cho đến những hậu quả không lường trước được của chính sách nhà nước và sự lũng đoạn chính sách của các nhóm lợi ích có thế lực.  Trong trường hợp của Việt Nam, bên cạnh những lý do đó, còn có thể thấy một số lý do đặc biệt đáng quan ngại hiện nay.
Ảnh minh họa: saga
Thứ nhất, tình trạng lạm phát cao trong những năm gầy đây đã gây đặc biệt khó khăn cho tầng lớp người dân nghèo.  Phần lớn thu nhập của người nghèo được dùng cho nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu trong khi giá cá những loại này leo thang chóng mặt và thu nhập không đuổi kịp đã làm mức sống thật của nhiều người dân bị sa sút.
Thứ nhì, mức đầu tư công vào nông nghiệp và phát triển nông thôn khá èo ụt, nếu không muốn nói là một nghịch lý lớn khi so với mới đầu ồ ạt vào một số ngành công nghiệp bị thua lỗ.  Vì nguồn lực là hữu hạn cho nên khi nó bị lãng phí ở một thành phần kinh tế thì những thành phần kinh tế khác bị chèn ép.
Thứ ba, vẫn liên quan đến vấn đề nông nghiệp và nông thôn, là tình trạng mất đất canh tác của người nông dân đã đẩy không ít người vào cuộc sống lây lất, không có lối ra.  Góp phần không nhỏ để gây ra hiện tượng này là việc thu hồi đất bừa bãi không những làm mất tính hiệu năng kinh tế mà còn gây ra những bức xúc nghiêm trọng trong xã hội.
Một vài giải pháp
Từ những điều ở trên, rõ ràng là cần phải có những giải pháp thích hợp để giảm bớt tỉ lệ bất bình đẳng.  Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ rằng cải thiện bất bình đẳng không phải là tìm cách để "cào bằng" phân phối thu nhập theo một tiêu chí nào đó.   Nếu không khéo thì các chính sách phân phối lại thu nhập có thể sẽ làm giảm động cơ làm hết khả năng để kiếm thêm tiền, ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư tư nhân, và làm giảm tính hiệu năng kinh tế.  Do đó, cần phải có những chính sách thận trọng, tập trung vào một vài yếu tố đang góp phần làm gia tăng bất bình đẳng và gây ra nhiều bức xúc.
Trước hết, cần điều chỉnh lại chiến lược đầu tư công để đẩy mạnh đầu tư vào khu vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.  Nếu chuyển bớt nguồn lực đầu tư vào những ngành công nghiệp làm ăn không hiệu quả sang phát triển nông nghiệp và nông thôn thì không những giúp tăng hiệu quả kinh tế mà còn cải thiện đời sống của rất nhiều người nghèo và giảm bớt tình trạng di cư vào các thành phố lớn (vốn đã quá tải) để kiếm sống.  Chi tiết hơn, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện các dịch vụ cốt yếu cho người nông dân, cần tạo điều kiện giúp những hộ nông dân có thể dễ dàng vay vốn ưu đãi nhằm giúp họ phát huy sản xuất.
Ảnh minh họa: laodong
Những tiêu cực liên quan đến vấn đề thu hồi đất phải được giải quyết và ngăn chặn.  Bên cạnh việc rà soát và điều chỉnh lại các luật lệ đất đai, qui trình thu hồi đất cũng đòi hỏi một sự minh bạch rạch ròi để tránh những sự lợi dụng danh nghĩa "phát triển kinh tế" để lấy đất của người nông dân trao cho những đối tượng có "tay trong tay ngoài".  Cần tránh các trường hợp thu hồi đất canh tác tốt để phục vụ cho các chương trình đô thị hóa và xây dựng khu công nghiệp một cách ồ ạt, thiếu thận trọng.  Người dân cần có một cơ chế tốt để họ có thể phản ánh (và được giải quyết thỏa đáng) những oan ức lên cấp cao hơn trong trường hợp các cấp địa phương có những động thái bừa bãi.
Các chính sách tài khóa và tiền tệ  nên được thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng "trống đánh xui, kèn thổi ngược," để kiềm chế lạm phát trong khi vẫn cải thiện các chương trình an sinh phúc lợi cho người nghèo và tín dụng cho người dân.  Trong nỗ lực này, có thể thấy một vài điểm cần làm như (1) cắt giảm đầu tư công ở những công trình lãng phí và không tạo ra được nhiều lợi ích to lớn trong việc trực tiếp cải thiện mức sống của người nghèo, (2) cải tổ chính sách thuế để tăng nguồn thu ngân sách và ngăn chặn bớt một số họat động đầu cơ ồ ạt dễ gây bất ổn, và (3) khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh việc cấp tín dụng ở khu vực nông thôn để người nông dân có thể vay vốn dễ dàng hơn.
Bên cạnh việc sử dụng các công cụ chính sách để trực tiếp giải quyết vấn đề bất bình đẳng, có thể chú tâm khơi dậy và phát huy những nét văn hóa và đức tính tốt đẹp tiềm ẩn trong con người Việt để hỗ trợ cho quá trình này.  Suy cho cùng thì sự thành công của chính sách cũng do yếu tố con người mà ra (từ người làm chính sách cho đến người mà chính sách nhắm đến).  Tinh thần tương thân tương ái, lòng trắc ẩn, tinh thần vì tổ quốc ... là những nét đẹp không những làm xã hội đẹp hơn mà còn giúp kiến tạo những chính sách có hiệu quả trong công cuộc thúc đẩy phát triển đất nước một cách công bằng hơn.


[1] Wilkinson, R., & Pickett, K. (2010). The spirit level: Why greater equality makes societies stronger. New York: Bloomsbury Press.
[2] Berg, A., Ostry, J., & Zettelmeyer, J. (2008). What makes growth sustained? IMF Working Paper. Washington, DC: International Monetary Fund.

Theo: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-01-31-bat-binh-dang-va-bat-on-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.