13 tháng 3, 2012

Xã hội tiếp theo (Kỳ 2)

PETER F. DRUCKER (Nguyễn Quang A dịch)

Nhân khẩu học Mới

Sống thế nào với một dân cư già đi
VÀO năm 2030, số người trên 65 tuổi ở Đức, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ chiếm hầu như một nửa dân cư trưởng thành, so với một phần năm bây giờ. Và trừ khi tỷ lệ sinh của nước này phục hồi từ con số thấp hiện nay là 1,3 trên phụ nữ, thì trong cùng thời kỳ, dân số dưới 35 tuổi của nó sẽ co lại khoảng hai lần nhanh như dân số già sẽ tăng lên. Kết quả thuần sẽ là, tổng dân số, hiện nay là 82 triệu, sẽ sụt xuống 70 -73 triệu. Số dân ở tuổi lao động sẽ sụt một phần tư, từ 40 triệu hiện nay xuống 30 triệu.

Nhân khẩu học Đức còn xa mới là ngoại lệ. Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dân số sẽ lên đỉnh điểm vào năm 2005, khoảng 125 triệu. Vào năm 2050, theo các dự đoán bi quan hơn của chính phủ, dân số sẽ co lại khoảng 95 triệu. Trước đó xa, vào khoảng năm 2030, phần của dân cư trưởng thành trên 65 tuổi sẽ tăng lên khoảng một nửa. Và tỷ lệ sinh ở Nhật bản, như ở Đức, giảm xuống 1,3 con trên phụ nữ.
Các con số là gần như cũng thế đối với hầu hết các nước phát triển khác – Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Thụy Điển – và đối với nhiều nước mới nổi khác, đặc biệt Trung Quốc. Trong một số vùng, như miền trung Ý, miền nam Pháp hay miền nam Tây Ban Nha, tỷ lệ sinh còn thậm chí thấp hơn Đức hay Nhật Bản.
Tuổi thọ trung bình – và với nó là số người già – đã tăng lên đều đặn trong 300 năm. Nhưng sự sụt giảm số người trẻ là cái gì đó mới. Nước phát triển duy nhất đã tránh được số phận này là Mỹ. Nhưng ngay cả ở đó tỷ lệ sinh là thấp hơn nhiều mức thay thế, và tỷ lệ người già trong dân cư trưởng thành sẽ tăng vọt trong 30 năm tới.
Tất cả điều này có nghĩa rằng có được sự ủng hộ của những người già sẽ trở thành một mệnh lệnh chính trị ở mọi nước phát triển. Lương hưu đã trở thành một vấn đề bầu cử thường xuyên. Cũng có một tranh luận ngày càng tăng về sự đáng mong mỏi của di cư nhằm duy trì dân cư và lực lượng lao động. Cùng nhau các vấn đề này đang làm thay đổi phong cảnh chính trị ở mọi nước phát triển.
Chậm nhất vào năm 2030, độ tuổi để hưởng phúc lợi hưu trí đầy đủ bắt đầu sẽ phải tăng lên khoảng 75 tuổi ở tất cả các nước phát triển, và phúc lợi cho những người nghỉ hưu khỏe mạnh sẽ thấp hơn đáng kể so với hiện nay. Quả thực, độ tuổi hưu cố định đối với những người trong điều kiện thể lực và tinh thần vừa phải có thể phải được hủy bỏ để ngăn gánh nặng lương hưu trên dân cư làm việc khỏi trở thành không thể chịu được. Những người trẻ và ở tuổi trung niên đang làm việc đã hoài nghi rồi, rằng sẽ không có đủ tiền hưu cho mỗi người có đủ phần khi bản thân họ đến tuổi hưu truyền thống. Nhưng các chính trị gia ở mọi nơi vẫn tiếp tục làm ra vẻ họ có thể cứu hệ thống hưu bổng hiện hành.
Cần nhưng không muốn
Di cư chắc chắn còn là một vấn đề nóng hơn. Viện nghiên cứu DIW khả kính ở Berlin ước lượng rằng vào năm 2020 Đức sẽ phải nhập khẩu 1 triệu dân di cư ở tuổi làm việc mỗi năm để đơn giản duy trì lực lượng lao động của nó. Các nước giàu Âu châu cũng trong cùng thuyền. Và ở Nhật Bản có thảo luận về thâu nhận 500.000 người Hàn Quốc mỗi năm – và trả họ về nước sau 5 năm. Đối với tất cả các nước lớn, trừ Mỹ, di cư ở quy mô như vậy là không có tiền lệ.
Những hệ lụy chính trị đã cảm thấy được rồi. Trong năm 1999 các công dân châu Âu đã bị sốc bởi thành công bầu cử ở Áo của một đảng cánh hữu bài ngoại mà cương lĩnh chủ yếu của nó là “không nhập cư”. Các phong trào tương tự đang tăng lên ở vùng Bỉ nói tiếng Flemish, ở Đan Mạch theo truyền thống tự do và ở bắc Ý. Ngay cả ở Mỹ, nhập cư làm đảo lộn những liên kết chính trị đã được thiết lập. Sự phản đối của công đoàn Mỹ đối với nhập cư quy mô lớn đã đưa họ vào phe chống toàn cầu hóa, phe đã tổ chức những cuộc phản đối dữ dội trong hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 1999 tại Seattle. Một ứng cử viên tương lai của Đảng Dân chủ cho chức tổng thống Mỹ có thể phải lựa chọn giữa nhận được phiếu bầu của công đoàn bằng cách phản đối nhập cư, hay lấy được phiếu của cử tri gốc Latino và của các công dân mới có xuất xứ nhập cư bằng cách ủng hộ nó. Cũng thế, một ứng cử viên tương lai thuộc đảng Cộng hòa có thể phải lựa chọn giữa sự ủng hộ của giới kinh doanh, giới kêu gào đòi công nhân, và phiếu bầu của tầng lớp trung lưu gia trắng ngày càng phản đối nhập cư.
 Dù có đúng thế, kinh nghiệm về nhập cư của Mỹ sẽ cho nó một vị trí dẫn đầu trong thế giới phát triển trong vài thập niên tới. Từ các năm 1970 nó đã nhận vào một số lượng lớn người nhập cư, hoặc hợp pháp hay bất hợp pháp. Hầu hết những người nhập cư còn trẻ, và tỷ lệ sinh của các phụ nữ nhập cư thế hệ thứ nhất thường cao hơn tỷ lệ của nước thâu nhận họ. Điều này có nghĩa rằng trong 30 hay 40 năm tới dân số Mỹ sẽ tiếp tục tăng, dẫu là tăng chậm, trong khi ở một số nước phát triển dân số sẽ giảm.
Một đất nước của những người nhập cư
Nhưng không chỉ riêng số lượng là cái sẽ cho Mỹ một lợi thế. Thậm chí còn quan trọng hơn, về mặt văn hóa nước Mỹ hòa hợp với sự nhập cư, và từ lâu đã học được cách hòa nhập những người nhập cư vào xã hội và nền kinh tế của nó. Thực ra, những người nhập cư mới đây, bất luận gốc Hispanic hay Á châu có thể hòa nhập nhanh hơn từ trước đến nay. Một phần ba người nhập cư gốc Hispanic mới đây, chẳng hạn, được báo cáo là lấy vợ lấy chồng với người không có gốc Hispanic và không phải người nhập cư. Cản trở lớn duy nhất đối với sự hòa nhập hoàn toàn của những người nhập cư ở Mỹ là thành tích kém của các trường công của Mỹ.
Trong các nước phát triển, chỉ có Úc và Canada có một truyền thống nhập cư tương tự như của Mỹ. Nhật Bản đã kiên quyết không cho người nước ngoài vào, trừ một khối lượng lớn người Hàn Quốc nhập cư trong các năm 1920 và 1930, mà con cháu của họ vẫn bị phân biệt đối xử. Sự di cư hàng loạt của thế kỷ 19 hoặc đã vào những nơi trống, chưa được chiếm (như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Brazil), hay từ trang trại đến thành thị bên trong cùng một nước. Ngược lại, những người nước ngoài – khác về quốc tịch, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo - nhập cư trong thế kỷ 21 vào các nước đã có người định cư. Các nước châu Âu cho đến nay đã ít thành công trong hội nhập những người nước ngoài như vậy.
Ảnh hưởng lớn nhất của những thay đổi nhân khẩu học có thể là sự phân hóa các xã hội và thị trường thuần nhất cho đến nay. Cho đến các năm 1920 hay 1930, mỗi nước đã có nột sự đa dạng về văn hóa và thị trường. Chúng đã được phân biệt rõ ràng bởi giai cấp, nghề nghiệp và nơi cư trú, thí dụ, đã có “thị trường nông thôn” hay “thương mại của tầng lớp trên”, cả hai thứ đã biến mất trong thời gian nào đó giữa 1920 và 1940. Còn từ Chiến tranh Thế giới II, tất cả các nước phát triển đã chỉ có một văn hóa đại chúng duy nhất và một thị trường đại chúng duy nhất. Bây giờ các lực nhân khẩu học ở tất cả các nước phát triển đang lôi kéo theo các chiều ngược nhau, tính đồng nhất đó sẽ có sống sót?
Các thị trường của thế giới phát triển đã được xác định bởi các giá trị, thói quen và sở thích của dân cư trẻ. Một số doanh nghiệp thành công nhất và sinh lời nhất của nửa sau của thế kỷ (20), như Coca-Cola và Procter & Gamble ở Mỹ, Unilever ở Anh và Henkel ở Đức, có được sự thịnh vượng của mình chủ yếu là nhờ sự tăng lên của dân cư trẻ và tốc độ hình thành gia đình cao giữa năm 1950 và 2000. Cũng đúng thế với ngành xe hơi trong thời kỳ đó.
Sự kết thúc của thị trường duy nhất
Bây giờ có những dấu hiệu rằng thị trường đang tách ra. Trong ngành dịch vụ tài chính, có lẽ là ngành tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ trong 25 năm qua, nó đã bị tách rồi. Thị trường bong bóng của các năm 1990, với giao dịch hàng ngày điên rồ của nó về các cổ phiếu công nghệ cao, chủ yếu thuộc về những người dưới 45 tuổi. Nhưng những khách hàng trong các thị trường đầu tư, như các quỹ tương hỗ hay các khoản đầu tư niên kim trả sau, thường là trên 50 tuổi, và thị trường đó cũng tăng trưởng mau lẹ. Ngành tăng trưởng nhanh nhất ở bất cứ nước phát triển nào có thể hóa ra là ngành giáo dục liên tục của những người trưởng thành đã được giáo dục tốt rồi, ngành dựa vào các giá trị hầu như không tương hợp với các giá trị của văn hóa giới trẻ.
Nhưng cũng có thể hình dung được rằng một số thị trường của giới trẻ sẽ trở nên cực kỳ sinh lợi. Trong các đô thị duyên hải của Trung Quốc, nơi chính phủ đã có khả năng thực thi chính sách một con của mình, các gia đình trung lưu bây giờ được báo cáo là chi tiêu cho một con duy nhất của họ nhiều hơn các gia đình trung lưu trước đây đã chi tiêu cho cả bốn hay năm đứa con cùng nhau. Điều này có vẻ đúng cả ở Nhật Bản nữa. Nhiều gia đình trung lưu Mỹ đang chi tiêu rất nhiều cho giáo dục đứa con duy nhất của họ, chủ yếu bằng chuyển vào các vùng ngoại ô đắt tiền với các trường học tốt. Nhưng thị trường thanh niên xa hoa mới này là khá khác thị trường đại chúng đồng đều của 50 năm qua. Thị trường đó đang yếu đi nhanh chóng vì sự sụt giảm số những người trẻ đạt tuổi trưởng thành.
Trong tương lai hầu như chắc chắn sẽ có hai lực lượng lao động tách biệt nhau, một cách tương ứng đại thể bao gồm những người dưới 50 tuổi và những người trên 50 tuổi. Hai lực lượng lao động này chắc khác nhau rõ rệt về những nhu cầu và ứng xử của họ, và về những công việc họ làm. Nhóm trẻ hơn sẽ cần một thu nhập đều đặn từ một việc làm cố định, hay chí ít từ một sự kế tiếp của những việc làm toàn thời. Nhóm già hơn tăng lên nhanh chóng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, và sẽ có khả năng kết hợp các việc làm truyền thống, các việc làm phi quy ước và sự thư nhàn theo bất cứ tỷ lệ nào hợp với họ nhất.
Sự tách thành hai lực lượng lao động chắc có thể bắt đầu với các kỹ thuật viên tri thức nữ. Một nữ y tá, nữ kỹ thuật viên máy tính hay nữ trợ lý luật sư có thể bỏ ra 15 năm để lo cho con cái và sau đó quay lại làm việc toàn thời. Những người phụ nữ, có số đông hơn đàn ông trong nền giáo dục bậc cao ở Mỹ, ngày càng kiếm công việc trong những công nghệ tri thức mới. Những việc làm như vậy lần đầu tiên trong lịch sử được làm cho thích hợp với những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ như những người sinh đẻ, và với tuổi thọ ngày càng dài của họ. Sự trường thọ này là một trong những lý do cho sự phân hóa trong thị trường việc làm. Một đời làm việc 50 năm – chưa có tiền lệ trong lịch sử con người – đơn giản là quá dài cho một loại công việc.
Lý do thứ hai cho sự phân hóa là sự co lại của tuổi thọ trung bình đối với các doanh nghiệp và tổ chức thuộc mọi loại. Trong quá khứ, các tổ chức thuê người làm đã sống dai hơn các nhân viên. Trong tương lai, các nhân viên, và đặc biệt những người lao động tri thức, sẽ ngày càng sống dai hơn ngay cả các tổ chức thành công. Ít doanh nghiệp, hay ngay cả các cơ quan hay chương trình nhà nước, kéo dài hơn 30 năm. Về mặt lịch sử, độ dài đời làm việc của hầu hết nhân viên đã ngắn hơn 30 năm bởi vì những người lao động chân tay đơn giản bị kiệt sức. Nhưng những người lao động tri thức bắt đầu tham gia lực lượng lao động ở độ tuổi 20 chắc sẽ vẫn ở trong tình trạng thân thể và tinh thần khỏe mạnh 50 năm muộn hơn.
“Sự [nghề] nghiệp thứ hai” và “nửa thứ hai của đời người” đã là những từ thông dụng rồi ở Mỹ. Ngày càng nhiều nhân viên ở đó về hưu sớm ngay khi các quyền hưu bổng và An sinh Xã hội (quyền lợi hưu trí nhà nước) được đảm bảo đối với thời gian khi họ đạt tuổi về hưu truyền thống; nhưng họ không ngừng làm việc. Thay vào đó, “sự nghiệp thứ hai” của họ thường có một dạng phi quy ước. Họ có thể làm nghề tự do (và thường quên báo cho sở thuế về công việc của mình, như thế nâng thu nhập thuần của họ), hay làm một phần thời gian, hay như “người làm tạm thời”, hay làm cho một nhà thầu ngoài làm [outsourcing], hay bản thân họ với tư cách các nhà thầu khoán. “Sự về hưu sớm vẫn tiếp tục làm việc” như vậy đặc biệt phổ biến giữa những người lao động tri thức, những người vẫn còn là một thiểu số giữa những người bây giờ đạt tuổi 50 hay 55, nhưng sẽ trở thành nhóm lớn nhất duy nhất của những người già hơn ở Mỹ từ khoảng 2030.
Coi chừng những thay đổi nhân khẩu học
Những dự báo dân số cho 20 năm tiếp theo có thể được đưa ra với độ chắc chắn nào đó bởi vì hầu như mọi người sẽ ở trong lực lượng lao động vào năm 2020 đang sống rồi. Nhưng, như kinh nghiệm Mỹ trong vài thập kỷ qua đã cho thấy, các xu hướng nhân khẩu học có thể thay đổi khá đột ngột và không thể tiên đoán được, với những ảnh hưởng trước mắt rõ rệt. Đợt bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boom) ở Mỹ cuối các năm 1940, chẳng hạn, đã kích sự bùng nổ nhà ở của các năm 1950.
Vào giữa các năm 1920 Mỹ đã có đợt “sụt giảm trẻ sơ sinh” (baby bust) đầu tiên. Giữa 1925 và 1935 tỷ lệ sinh đã giảm gần một nửa, xuống thấp dưới tỷ lệ thay thế (tái tạo) 2,2 lần đẻ sống trên một phụ nữ. Vào cuối các năm 1930, Ủy ban Dân số Mỹ của Tổng thống Roosevelt (bao gồm các nhà nhân khẩu học và các nhà thống kê xuất sắc nhất nước) đã tự tin tiên đoán rằng dân số Mỹ sẽ lên đỉnh vào năm 1945 và sau đó sẽ bắt đầu giảm. Nhưng một tỷ lệ sinh bùng nổ ở cuối các năm 1940 đã chứng tỏ nó sai. Trong vòng mười năm, số lần sinh đẻ sống trên phụ nữ đã tăng gấp đôi từ 1,8 lên 3,6. Giữa 1947 và 1957, Mỹ đã trải nghiệm một đợt “bùng nổ trẻ sơ sinh” lạ lùng. Số trẻ sơ sinh đã tăng từ 2,5 triệu lên 4,1 triệu.
Rồi, trong giai đoạn 1960-61, điều ngược lại đã xảy ra. Thay cho làn sóng bùng nổ trẻ sơ sinh thứ hai được kỳ vọng khi những trẻ sinh đợt đầu tiên đạt tuổi trưởng thành, đã có nột sự sụt giảm lớn. Giữa 1961 và 1975, tỷ lệ sinh đã giảm từ 3,7 xuống 1,8. Số trẻ sơ sinh đã giảm từ 4,3 triệu năm 1960 xuống 3,1 triệu năm 1975. Sự ngạc nhiên tiếp theo đã là “tiếng vang bùng nổ trẻ sơ sinh” trong cuối các năm 1980 và đầu các năm 1990. Số ca đẻ sống đã tăng khá đột ngột, vượt quá ngay cả số của các năm đỉnh điểm của đợt bùng nổ trẻ sơ sinh thứ nhất. Với lợi ích nhận thức muộn, bây giờ rõ là, tiếng vang này đã được kích bởi sự nhập cư quy mô lớn vào Mỹ, bắt đầu từ đầu các năm 1970. Khi các cô con gái được sinh của những người nhập cư sớm này bắt đầu có con của chính họ vào cuối các năm 1980, tỷ lệ sinh của họ vẫn gần tỷ lệ của nước xuất xứ của bố mẹ họ hơn là tỷ lệ của nước chấp nhận. Toàn bộ một phần năm của tất cả trẻ em ở tuổi đi học tại California trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này có ít nhất một bố mẹ sinh ở nước ngoài.
Nhưng không ai biết cái gì đã gây ra hai đợt sụt giảm trẻ sơ sinh, hay đợt bùng nổ trẻ sơ sinh của cuối các năm 1940. Cả hai đợt sụt giảm đã xảy ra khi nền kinh tế hoạt động tốt, mà theo lý thuyết đã phải khuyến khích người ta có nhiều con. Và bùng phát trẻ sơ sinh chẳng bao giờ xảy ra, bởi vì về mặt lịch sử tỷ lệ sinh đã luôn luôn giảm sau một cuộc chiến tranh lớn. Sự thực là chúng ta đơn giản không hiểu cái gì xác định tỷ lệ sinh trong các xã hội hiện đại. Như thế nhân khẩu học sẽ không chỉ là yếu tố quan trọng nhất trong xã hội tiếp theo, nó cũng sẽ là yếu tố có thể tiên đoán được ít nhất và kiểm soát được ít nhất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.