TS Philippe M.F.Peycam vừa có tập sách được NXB ĐH Columbia xuất bản, về "Sự ra đời của tư
tưởng báo chí chính trị Việt Nam ở Sài Gòn giai đoạn
1916-1930" [1].
Phát triển từ luận văn tiến sĩ nghiên cứu lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20,
luận điểm của TS Peycam trong quyển sách này bác bỏ những bài giảng cho
rằng tư tưởng cộng sản và dân tộc giữ vai trò quyết định trong việc làm
thay đổi suy nghĩ của người Việt Nam trong giai đoạn này, mà chính những ấn
bản được phát hành rộng rãi tại Việt Nam từ trước khi đảng cộng sản
ra đời cả chục năm mới là tác nhân tạo ra không gian công (public sphere) để tư
tưởng chính trị cạnh tranh và thay đổi về cơ bản thái độ của người
Việt cũng như dung mạo Đông Nam Á lúc đó.
Lần theo vết lịch sử, làng báo Sài Gòn ra đời trong bối cảnh của tư tưởng
cộng hòa Pháp và không khí đô thị thuộc địa, có thể coi là dần phát
triển theo 3 giai đoạn: tìm chỗ đứng chính trị (1916-1923), vận động
quần chúng (1923-1926) và tìm đường tranh đấu (1926-1930), như lần
lượt được trình bày theo các chương sách. "Tác phẩm ghi
nhận đầy đủ quá trình phát triển của tư tưởng báo chí Việt Nam ở
xứ Sài Gòn thuộc địa từ ngày ra đời trước 1916 đến
giai đoạn chuyển đổi bắt đầu từ 1930, trong bối cảnh cơn khủng hoảng
thế giới và các phong trào biểu tình," như lời giới thiệu của NXB. Có
thể thấy khi đặt làng báo Việt Nam
thời kỳ đầu vào hệ tọa độ không gian công (public sphere),
Peycam đã sử dụng hệ thống lý luận của Jurgen Habermas như xu thế của
nhiều nghiên cứu thời hậu hiện đại. Khi đó người ta có
thể tái dựng một giai đoạn lịch sử theo cách nhìn xác thực hơn,
gần giống như trải nghiệm của chính những nhân vật từng sống
trong giai đoạn đó, thoát khỏi những tranh cãi không cần thiết về ý
thức hệ. "Bằng cách nhìn vào các mối quan hệ giữa tư bản thuộc địa và
các phương tiện mới cho phép con người tự thể hiện lẫn chủ nghĩa dân tộc,
Peycam làm nổi bật vai trò của nhà nước thuộc địa trong việc thiết lập các
điều kiện cho hoạt động báo chí, trợ cấp cho các tờ báo có thể dùng
làm phương tiện tuyên truyền và xử lý các tờ báo có thiên hướng ngược
lại," NXB ĐH Columbia giải thích. GS Hồ-tài Huệ Tâm từ ĐH
Harvard, cũng là con gái của triết gia nổi tiếng giai đoạn này Hồ Hữu
Tường, nhận định tác phẩm của TS Philippe Peycam hiện không có ấn
bản nào ngang tầm cả trong tiếng Anh, tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.
TS Peycam hiện là giám đốc Viện quốc tế nghiên cứu Á châu ở Leiden, Hà Lan [2].
Trước đó ông làm việc ở Campuchia 10 năm trong vai trò
giám đốc Trung tâm Khmer học [3]. Luận văn tiến sĩ của ông nghiên cứu
giới trí thức ở Sài Gòn giai đoạn 1916-1928 [4] được bảo vệ tại
trường SOAS ở London,
còn trước đó là luận văn DEA tại ĐH Sorbonne ở Paris. Cùng đề tài
báo chí Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20 có tác phẩm tiếng Việt của TS Đặng
Vân Chi nhìn từ góc độ của vấn đề phụ nữ [5], hay công trình tiếng Anh
của GS Shawn McHale [6] do ĐH Hawaii xuất bản, phân tích mối quan
hệ giữa in ấn và quyền lực trong quá trình hình thành nên xã hội Việt Nam
hiện đại, nhìn từ cặp ba Khổng giáo, Phật giáo và tư tưởng Cộng sản.
[1] Nguyên gốc tiếng Anh The Birth of Vietnamese Political
Journalism: Saigon, 1916-1930, xem
giới thiệu tiếng Anh và mua tại http://cup.columbia.edu/book/978-0-231-15850-3/the-birth-of-vietnamese-political-journalism.
[2] Trang nhà tại địa
chỉ http://www.iias.asia/news/dr-philippe-peycam-new-director-iias
[3] Trang nhà tại địa chỉ http://khmerstudies.org/
[4] Intellectuals and Political Commitment in Vietnam:
the Emergence of a Public Sphere in Colonial Saigon
(1916-1928)
[5] Tóm tắt tại trang nhà của tác giả ở địa chỉ http://chuyencuachi.blogspot.co.uk/2010/04/1-phu-nu-la-mot-nua-xa-hoi-lich-su-phu.html
[6] Trang nhà tại địa
chỉ http://elliott.gwu.edu/faculty/mchale.cfm. Có thể đọc chương giới
thiệu tại địa chỉ http://www.uhpress.hawaii.edu/books/mchale-intro.pdf
hoặc thêm các phần khác trên books.google.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.