Ngô Văn Huấn
Bắt đầu từ những nghiên
cứu…
Một vài quan điểm lý thuyết trên thế giới…
Vấn đề xã hội, chính là nguồn gốc và
động lực cho sự ra đời của xã hội học ở phương Tây và những nghiên cứu thực
nghiệm mang tính xã hội học đầu tiên cũng là về một số vấn đề xã hội. Vào
khoảng thế kỷ XVIII-XIX Chủ nghĩa tư bản sau một thời gian phát triển đã bộc
lộc nhiều rạn nứt trong hệ thống tổ chức, gây nên những bất cập trong đời sống
dân sinh. Đứng trước những thách thức đó của thực tại xã hội, tri thức hiện
thời của các khoa học không tìm ra căn nguyên và những lý giải sắc đáng. Kế
thừa một tài sản tư tưởng to lớn từ khoa học tự nhiên và triết học, xã hội học
mới bắt đầu được định hình và xây dựng mà công việc đầu tiên đó là tìm những
luận giải về các vấn đề trong xã hội đương thời. Và từ đó đến nay chủ đề này
chưa bao giờ bị bỏ lại trong tiến trình phát triển của khoa học này. Những
thành tựu của xã hội học đạt được, có một số lượng lớn các công trình nghiên
cứu về nhiều vấn đề xã hội ở nhiều cộng đồng trên thế giới.
Emile Durkhiem là một trong những nhà
xã hội học đầu tiên, có công lao to lớn trong việc minh định đối tượng nghiên
cứu của khoa học này theo nghĩa trọn vẹn như ngày nay. Có thể khẳng định rằng
một trong những công trình xã hội học đầu tiên là nghiên cứu về hiện tượng tự tử
(tự vẫn). Bằng việc thống kê khảo sát về các vụ tự tử ở châu Âu trong một thời
gian dài, Durkhiem đã tìm ra mối liên hệ giữa hiện tượng này với các yếu tố xã
hội khác như giới tính, tuổi, nghề nghiệp, tôn giáo, thu nhập… qua đó ông đã
đưa ra một cách lý giải vô cùng mới mẻ lúc bấy giờ. Lý giải đó là sự khẳng định
tự tử là hiện tượng mang tính xã hội, liên quan đến tính cố kết và sự liên đới
của cá nhân với nhóm và cộng đồng. Điều đó cũng chính là một sự tuyên bố tự tử
là một “vấn đề xã hội”, một hiện tương bình thường của xã hội. Như vậy, những
vấn đề xã hội châu Âu thế kỷ XVIII-XIX chính là động lực thực tiễn đầu tiên cho
sự ra đời xã hội học.
Với nỗ lực tổng hợp, hệ thống hóa các
quan đểm, lý thuyết nghiên cứu về các vấn đề xã hội trong cộng đồng xã hội học
Mỹ, hai tác giả Earl
Rubington, Martin
S.Weinberg
viết cuốn sách “The Study of Social
Problems: Seven Perspectives”, Oxford
University Press, 1995. Các tác giả của cuốn sách đã giới thiệu về những đóng
góp, những phê phán xung quanh bảy lý thuyết: bệnh học xã hội, phá vỡ tổ chức
xã hội, xung đột giá trị, hành vi lệch
lạc, dán nhãn, phê phán và kiến tạo xã hội; được giới khoa học sử dụng
để nghiên cứu về các vấn đề xã hội. Với
mỗi lý thuyết “các
tác giả sẽ cung cấp một bản tóm tắt về quan điểm – những nét đặc trưng liên
quan đến định nghĩa, nguyên nhân, điều kiện, hậu quả và giải pháp cho các vấn
đề xã hội” [1]. Ngoài ra cuốn sách
cũng dành một phân tích khả năng áp dụng của các lý thuyết đối với một số loại
vấn đề xã hội cụ thể, đồng thời hướng tới sự hài hòa của quan điểm quyết định
luận xã hội (Bệnh học xã hội, Phá tổ chức xã hội, Phê phán) và quan điểm
đề cao nhân tố con người (Xung đột giá trị, Hành vi lệch chuẩn, Dán nhãn) đó
cũng là song
đề mà xã hội học Mỹ đương đại hướng đến.
Trong cuốn “Understanding social prolems”(2011)
các tác giả Linda A. Mooney, David, Knox và Caroline Schacht thuộc trương đại
học East Carolina University
đã có những nghiên cứu về các vấn đề xã hội ở Mỹ và toàn cầu. Trong đó chia các
vấn đề xã hội thành ba nhóm như sau. Nhóm 1-các vấn đề thuộc về sức khỏe (bệnh
tật và chăm sóc sức khỏe, rượu và các chất gây nghiện, tội phạm và kiểm soát xã
hội, gia đình); nhóm 2- vấn đề của sự bất bình đẳng (Đói nghèo và sự bất bình đẳng kinh tế, việc làm và thất
nghiệp, bất bình đẳng giáo dục, bất bình đẳng chủng tộc, sắc tộc và di trú, bất bình
đẳng giới, khuynh hướng tình dục và đấu tranh cho bình
đẳng); nhóm 3- các vấn đề của toàn cầu hóa (tăng dân số và đô thị hóa, ô
nhiễm môi trường, khoa học và công nghệ, xung đột- chiến tranh và chủ nghĩa
khủng bố). Với cách phân loại này cho ta thấy được hệ thống các nhóm vấn đề
theo tính chất và cấp độ quốc gia, toàn cầu. Trong đó tác giả đã vận dụng ba
cách tiếp cận cơ bản cấu trúc-chức năng, xung đột và tương tác biểu trưng trong
xã hội học để lý giải từng vấn đề xã hội cụ thể.
Trong cuốn sách “Social Problems: Continuity and Change” của Steven E. Barkan, cựu chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu các vấn đề xã hội và giáo sư xã hội học tại Đại học Maine. Trong đó ông đã nêu ra các vấn đề của thế giới và nước Mỹ như: tội phạm, chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố, nghèo đói, dân số, gia đình, đô thị hóa nông thôn,… Không chỉ trình bày lý luận cơ bản về các vấn đề xã hội, tác giả đã dựa trên các dữ liệu thực nghiệm đề mô tả, lý giải căn nguyên của các vấn đề đó trong khuôn khổ tư duy một nhà khoa học.
Vấn đề xã hội trong
những nghiên cứu xã hội học ở “Ta” ra
sao?
Khái niệm vấn đề xã hội thường được
hiểu trùng lặp hoặc lẫn lộn với khái niệm tệ
nạn xã hội, hay xếp chung các vấn đề mà chúng ta quan niệm như hiện nay là
vấn đề xã hội. Nhìn chung có hai cách quan niệm cơ bản như sau. Một là, xem tệ
nạn xã hội và vấn đề xã hội là như nhau, điều này có nghĩa vấn đề xã hội được
nhìn hạn hẹp trong các tệ nạn. Hai là, quan niệm tệ nạn xã hội là một dạng hay
một số biểu hiện của vấn đề xã hội, vì thế nó hẹp hơn vấn đề xã hội.
Trong một chuyên đề do tập thể tác
giả Nguyễn Y Na, Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Như Diện, Hà Ngân Dung, Trần Hoàng Hoa,
Ngô Thế Phúc, Nguyễn Chí Tình thuộc Viên Thông tin Khoa học xã hội có tên “Tệ
nạn xã hội căn nguyên-biểu hiện-phương thức khắc phục”, năm 1996. Trước
khi giới thiệu một số các nghiên cứu về các tệ nạn xã hội trên thế giới, các
tác giả đã có một phần tổng quan để thể hiện quan điểm, phân loại và cái nhìn
về các tệ nạn xã hội. Theo đó nhóm tác giả đã đưa ra một số phân loại những vấn
đề xã hội đang còn tính thời sự hiện nay ở trên thế giới và Việt Nam mà trong đó
họ gọi là các tệ nạn xã hội như: 1- xâm hại tài sản nhân dân; 2-làm ăn bất
lương (làm hàng giả, buôn lậu); 3- bạo lực và tội ác (bạo lực đối với phụ nữ,
thanh thiếu niên…); 4- các hoạt động mafia; 5- cờ bạc; 6-Tệ nạn mại dâm;
7-nghiện hút và tiêm chích ma túy; 8- vấn đề bệnh IHV/AIDS.
Trong cuốn sách “Những vấn đề kinh tế -xã hội và
môi trường vùng ven các đô thị lớn trong quá trình phát triển bền vững”
do tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn thuộc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc
gia, Nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2003, trong đó các tác giả đã đề cập đến
các vấn đề xã hội tại các khu vực vùng ven ở các đô thị lớn ở nước ta. Cuốc
sách là kết quả đề tài thực hiện nghiên cứu đánh giá vùng tại 5 thành phố bao
gồm: Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Biên Hòa. Phương pháp
của đề tài sử dụng là nghiên cứu đánh giá tác động môi trường (EIA), đánh giá nhanh nông thôn có sự tham
gia, điều tra xã hội học bằng bảng hỏi, phỏng vấn chuyên gia và phân tích dữ
liệu. Bên cạnh việc phân tích tác động của các đô thị vùng ven đến các đô thị
lớn ở Việt Nam,
tác giả cũng nêu lên những vấn đề xã hội và môi trường đang tồn tại trong đô
thị. Theo đó các tác giả phân tích các vấn đề như: nhà ở, thất nghiệp, phân
cách giàu nghèo, nghèo đói, di cư, tệ nạn xã hội (tội phạm kinh tế, hình sự,
dân sự, nghiện ma túy, mại dâm, trẻ em lang thang đường phố). Như vậy trong
trường hợp này tác giả xem mại dâm, trẻ em lang thang đường phố, tội phạm, ma
túy là những vấn đề xã hội trong khi đó vấn đề môi trường lại được phân tích như
một vấn đề riêng. Sở dĩ như vậy là vì phụ thuộc vào dụng ý tác giả và mục tiêu
của đề tài, nhưng qua đó chúng ta cũng có thể nhận ra được bức tranh về xã hội
đô thị trong quá tiến trình nền kinh tế thị trường.
Năm 1997 cuốn sách “An
sinh xã hội và các vấn đề xã hội” do cố tác giả Nguyễn Thị Oanh chủ
biên được xem là giáo trình giảng dạy trong Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí
Minh. Trong đó bao gồm hai phần là an sinh xã hội và các vấn đề xã hội được
trình bày một cách ngắn gọn súc tích nhưng có tính khái quát cao. Bên cạnh việc
giới thiệu lý thuyết, tác giả cũng dẫn chứng những dữ liệu thực nghiệm để chứng
minh cho nhận định. Khi trình bày về các vấn đề xã hội, tác giả đã đưa ra những
vấn đề mà hiện nay vẫn đang còn nguyên tính thời sự như ma túy, mại dâm, tội
phạm, HIV… Tuy nhiên, đây là dạng tài liệu căn bản mang tính giới thiệu về mặt
lý thuyết và phục vụ cho công tác giảng dạy nên tính bàn luận vẫn còn bỏ ngỏ.
Bằng việc tuyển chọn những báo cáo
khoa học được trình bày, trong hơn mười năm làm xã hội học, năm 1997 GS Tương
Lai xuất bản cuốn sách “Xã hội học và những vấn đề của sự biến đổi
xã hội”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Không chỉ là những khái niệm, lý
thuyết mang tính lý luận, tác giả đã lồng ghép và vận dụng kết quả các điều tra
thực nghiệm vào lý giải những vấn đề của thực tiễn xã hội đất nước trong thời
gian qua dưới lăng kính xã hội học. Trong đó tác giả cũng đề cập đến những vấn
đề xã hội như là một phần của sự biến đổi xã hội như: phân tầng và bất bình
đẳng xã hội, nhà ở và môi trường sống đô thị, người nghèo, dân số, gia đình,
người cao tuổi, biến đổi văn hóa và khoa học. Đó là những vấn đề xã hội gắn với
quá trình đổi mới ở nước ta hơn 10 năm qua đã khởi tạo và biểu hiện nên quá
trình biến đổi xã hội được tác giả tổng hợp và trình bày trên cơ sở nhiều cuộc
điều tra xã hội học thực nghiệm có giá trị cao.
Diễn đàn phát triển Việt Nam đã tổ chức các cuộc hội thảo công bố các
công trình nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của các vấn đề xã hội Việt Nam.
Một phần của nó đã được xuất bản tập 1 năm 2005 do hai tác giả Giang Thanh Long
và Dương Kim Hồng chủ biên với tiêu đề “Các vấn đề xã hội trong quá trình chuyển
đổi và hội nhập kinh tế ở Việt Nam”. Các bài viết trong cuốn sách đã sử
dụng các bộ dữ liệu của nhiều cuộc điều tra quốc gia và các cuộc nghiên cứu ở
các phạm vi khác nhau. Qua đó phân tích về các vấn đề đang đặt ra trong xã hội
hiện nay ở nước ta như: trẻ em đường phố, HIV/AIDS, lao động và việc làm của
thanh niên, giáo dục, bất bình đẳng thu nhập, người cao tuổi. Với nguồn dữ liệu
phong phú cộng với cách tiếp cận khác nhau đã cung cấp cho độc giả nhiều bức
tranh và cách lý giải về những vấn đề xã hội cụ thể rất hữu ích cho đề tài đang
thực hiện. Tuy nhiên, khía cạnh về sự cảm nhận của những người đang trải nghiệm
thực tế đối với các vấn đề xã hội vẫn chưa được phản ánh và quan tâm trong
những phân tích các tác giả đưa ra.
Trên trang điện tử của Viện Xã hội
học có tiến hành một khảo sát trực tuyến nhằm thu thập ý kiến người đọc về các
vấn đề xã hội ở nước ta. Theo đó những
vấn đề xã hội được đưa ra để khảo sát đánh giá người trả lời bao gồm:
Lạm phát, Thất nghiệp; Bất bình đẳng xã hội; Chất lượng giáo dục; Thiên tai,
biến đổi khí hậu; Tham nhũng, buôn lậu;
Ách tắc giao thông; Vệ sinh thực phẩm, môi trường; Chất lượng khám chữa
bệnh; Dịch bệnh và Vấn đề khác. Kết quả của khảo sát này cũng thay đổi theo các
năm, phần nào phản ánh tính cấp thiết cũng như cảm nhận về tính nghiêm trọng
của vấn đề.
Trong những năm qua, các chương
nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn về về thành phố và tại thành phố Hồ Chí Minh
đã được thực hiện với sự đa dạng của loại hình và cách tiếp cận. Bên cạnh những
chủ đề về lịch sử, pháp luật, tâm lý, kinh tế, lý luận chính trị thì những
nghiên cứu xã hội học, hay sử dụng cách tiếp cận xã hội học về các vấn đề xã
hội đã để lại nhiều kết quả có ý nghĩa cho các nhà hoạch định chính sách thành
phố.
Từ năm 1999-2000, Viện Khoa học xã
hội tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề tài cấp bộ “Một số vấn đề cơ bản của thành
phố Hồ Chí Minh trong quá trình công nghiệp hóa”. Một phần kết quả của
đề tài đã được tác giả Nguyễn Công Bình trình bày với tên gọi “Một số vấn đề xã hội của thành phố Hồ Chí
Minh trong công nghiệp hóa hiện đại hóa” và in trong cuốn sách “Đời
sống xã hội vùng Nam bộ” của
ông, nhà xuất bản đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008. Trên cơ sở
nhận định và chứng minh, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước, là
trung tâm về nhiều mặt của vùng, vì vậy nó có đặc trưng là tính năng động xã
rất cao. Từ đó tác giả phân tích các vấn đề xã hội của thành phố trong quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: phân tầng xã hội, cơ cấu xã hội và vị
thế các giai tầng, vấn đề nghèo đói và công bằng xã hội. Số liệu được tác giả
sử dụng trong báo cáo này là số liệu của Cục Thống kê địa phương, đồng thời
sánh với dữ liệu đề tài về phân tầng xã hội năm 1995 của Viện xã hội học. Như
vậy, đứng trên một cách tiếp cận tương đối phổ quát tác giả cũng phân tích vấn
đề xã hội mang tính chất tổng quát như cơ cấu xã hội và phân tầng, qua đó cho
chúng ta thấy một bức tranh xã hội khá rộng lớn.
Trong chương trình “Điều
tra bổ sung, tổng kết thực hiện tình hình kinh tế-xã hội và đề xuất giải pháp
phát triển hơn nữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam” do Viện Khoa học
xã hội Việt Nam
thực hiện. Trong chuyên đề “Các vấn đề xã
hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”
do GS Tô Duy Hợp thực hiện đã phân tích những vấn đề rất cơ bản cả trong phương
pháp luận, lý thuyết và kết quả thực nghiệm về nghiên cứu các vấn đề xã hội
trong xã hội học. Theo đó báo cáo này tập trung vào bốn nội dung rất phổ quát
bao gồm: 1 - Khái niệm và quan điểm lý thuyết về các vấn đề xã hội. 2 -
Tổng quan tình hình nghiên cứu các vấn đề xã hội của vùng KT trọng điểm phía Nam. 3 - Một số
kết quả điều tra bổ sung về các vấn đề xã hội của vùng KT trọng điểm phía Nam. 4 - Về các giải pháp cơ bản nhằm giải quyết các
vấn đề xã hội bức xúc góp phần phát triển hơn nữa vùng KT trọng điểm phía Nam. Trong
phần phân tích các kết quả điều tra về các vấn đề xã hội của vùng kinh tế trọng
điểm phía nam, tác giả đã sử dụng dữ liệu “điều tra đợt I và nhận xét đánh
giá sơ bộ" do hai nhà khoa học TS Nguyễn Tuấn Triết và TS Phú Văn Hẳn
thực hiện tại 9 tỉnh (mỗi tỉnh một cáo cáo riêng) về 7 vấn đề xã hội bao gồm:
(1) vấn đề lao động và việc làm; (2) vấn đề đời sống dân cư; (3) vấn đề dân tộc
và tôn giáo; (4) vấn đề tệ nạn xã hội; (5) vấn đề trẻ em; (6) vấn đề dân nhập
cư và (7) vấn đề nhà ở và đô thị. Trong báo có về Thành phố Hồ Chí Minh tác giả
tác giả Phí Văn Hẳn đã đề phân tích một số nhóm vấn đề xã hội đồng thời chứng
minh bằng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
1- Về chủ đề lao động và việc làm, có
các vấn đề sau: tỉ trọng lao động trong các ngành thay đổi chậm, thất nghiệp,
chênh lệch thu nhập, đội ngũ lao động hạn chế về tay nghề và trình độ;
2- Về chủ đề đời sống dân cư - các
vấn đề nảy sinh : nghèo đói, chênh lệch giàu nghèo, người trong độ tuổi lao
động không có tay nghề;
3- Về chủ
đề dân tộc và tôn giáo: tử vi, đồ mã, xem bói, xin xăm, cúng, lên đồng...
4- Về vấn đề tệ nạn xã
hội: mại dâm, ma tuý, bệnh AIDS, tham
nhũng, buôn lậu, hoang phí, truỵ lạc, trộm cướp, cờ bạc...
5-
Về chủ đề trẻ em: một bộ phận trẻ chưa đến tuổi phải lao động, trẻ em lang
thang, phạm pháp
6-
Về chủ đề di dân, những vấn đề nổi cộm: khó khăn trong quản lý, tội phạm,ô
nhiễm môi trường sống, phức tạp trong văn hóa và lối sống, quá tải các dịch vụ công..
7- Chủ đề nhà ở và đô
thị có một số vấn đề sau: thiếu nhà ở, nhà trọ tạm bợ xây dựng bất hợp pháp,
điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, tác động xấu đến quy hoạch- quản lý đô thị và
trật tự xã hội.
Đây là một báo cáo công
phu trong việc tập hợp và phân tích dữ liệu, nhưng cách phân nhóm các vấn đề xã
hội chồng chéo lên nhau (chủ đề đời sống dân cư, chủ đề di dân, chủ đề nhà ở đô
thị…) trong khi đó thiếu các số liệu điều tra khảo sát độc lập bằng bảng hỏi để
đo lường những đánh giá, cảm nhận của người dân nên chưa phản ánh hết các chiều
cạnh của vấn đề trong thực tế trải nghiệm của người trong cuộc.
Trong khuôn khổ chương trình “Đối
thoại chính sách” giữa các tổ chức quốc tế và chính phủ Việt Nam,
Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Kinh doanh
và nhà nước, thuộc đại học Harvard đã công bố tài liệu nghiên cứu “Thành phố Hồ
Chí Minh những thách thức tăng trường” do các tác giả David Dapice, Jose A.Gomez-Ibanez
và Nguyễn Xuân Thành thực hiên năm 2010. Tài liệu này tập trung vào hai thách
thức chính mà TPHCM hiện đối mặt khi quản lý sự chuyển đổi nhanh chóng bối cảnh
và cơ cấu dân cư đô thị: đó là tình trạng tắc nghẽn giao thông và sự phát triển
những vùng đô thị mới, đông thời xem xét và tham vấn những biện pháp can thiệp
để giải quyết vấn đề trên. Bằng việc phân tích các số liệu thống kê chính thức,
các tác giả đã cho thấy vấn đề tắc nghẽn giao thông do tốc độ gia tăng số lượng
xe máy là một thách thức to lớn và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề
quy hoạch các khu đô thị mới của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
của nhà ở và văn phòng đã dân đến những hệ lụy trong xung đột lợi ích, gay ảnh
hưởng xấu đến anh ninh và trật tự xã hội, gây cản trở quy hoạch tổng thể và ô
nhiễm môi trường. Trên cơ sở phân tích những yếu kém trong các giải pháp mà
chính quyền đang thực thi, nhóm tác giả cũng đưa ra những gợi ý về mặt giải
pháp và chính sách. Báo cáo phân tích này là một góc nhìn mang tính thực tiễn
cao về các vấn đề xã hội (ách tắc giao thông, phát triển đô thị nóng), qua đó
đề cập đến những giải pháp, một khía cạnh rất hữu ích trong cách tiếp cận của
đề tài này.
Từ năm 2010 đến năm 2012, đề tài
nghiên cứu khoa học về thành phố Hồ Chí Minh “Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc
lợi xã hội của cư dân thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” do tác giả Bùi
Thế Cường chủ nhiệm dưới sự hợp tác của Sở Khoa học Công nghệ và Viện Phát
triển bền vững vùng Nam bộ. Đề tài đã cung cấp một luận cứ khoa học có tính lý
luận về đo lường phân tầng xã hội, trên cơ sỏ đó phân tích các dữ liệu thực
nghiệm các nội dung như: những cơ cấu xã
hội, kinh tế và điều kiện sống, hoàn cảnh phúc lợi, lối sống, hiểu biết về biến
đổi khí hậu, đánh giá về biến đổi ã hội,
sự thay đổi cuộc sống trong 10 nămqua, dự tính kế hoạch tương lai. Qua đó có
những gợi ý về mặt chính sách cho các cơ quan chức năng trong quản lý xã hội.
Đề tài khai thác sức mạnh của phương định lượng với công cụ bảng hỏi điều tra
trên toàn thành phố với dung lượng mẫu là 1080 hộ phân bố trên khắp các khu vực
với đặc trưng khác nhau của địa bàn nghiên cứu qua đó cho thấy tính đại diện ở
mức cao. Nghiên cứu này không dừng lại ở
việc phác họa bức tranh về cơ cấu và phân tầng xã hội mang tính đặc trưng của
thành phố, cũng như đánh giá của người dân về thực trạng phúc lợi xã hội và
phản ánh những mô hình lối sống của cư dân mà còn khảo sát về nhận thức, đánh
giá của người dân về biến đổi khí hậu, các vấn đề xã hội và nhận định về thay
đổi cuộc sống tương lai. Trong phần khảo
sát về đánh giá về các vấn đề của thành phố, nhóm nghiên cứu đo lường các vấn
đề như: khoảng cách giàu nghèo, suy thoái đạo đức xã hội, tệ nạn gia tăng, ô
nhiễm môi trường, thất nghiệp. Kết quả của nghiên cứu này là một cơ sở quan
trọng và là khung quy chiếu cho đề tài này, trong việc xác định chỉ báo thu
thập dữ liệu.
Một nghiên cứu mới nhất về vấn đề xã
hội tại Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá cao, là luận án tiến sỹ của
Kimberly Kay Hoang có tên “Tính kinh
tế của tình dục và chăn gối tại Việt Nam” đã được Hiệp hội Xã hội học Mỹ trao giải
luận án hay nhất năm 2013. Nghiên cứu này được thực hiện trong vòng 15 tháng trong
khoảng từ năm 2009 đến 2010 bằng phương pháp phỏng vấn sâu (54 phụ nữ mại dâm
và 26 khách hàng), quan sát tham dự (tác giả đã trực tiếp làm việc tại các quán
bar trong khoảng hơn một năm). Từ đó tác giả đã nêu lên những phát hiện chính
sau: “1- hoạt động mại dâm tại đây được phân thành ba cấp (bậc thấp, bậc trung
và bậc cao); 2- Người nước ngoài da trắng không phải là khách trả tiền nhiều
nhất; 3- Không phải phụ nữ bán dâm nào cũng là người trong giới nghèo hèn; Phụ
nữ bán dâm, tùy hoàn cảnh, đã biết khai thác tối đa tất cả tiềm năng có sẵn, từ
trình độ văn hóa, tiền bạc, đến thể xác, để hành nghề; 4- Quan hệ giữa kẻ
bán-người mua (dâm) là một sự hỗn hòa chuyện mây mưa với tiền và cả “tình”.[2]. Nghĩa là ngoài phần lao động thể xác
(đổi sex lấy tiền) phụ nữ bán dâm ở Tp HCM còn có phần lao động tình cảm. Đây
là một nghiên cứu không chỉ hữu ích về mặt nội dung với những phát hiện tính
kinh tế trong hoạt động mại dâm ở Việt Nam một vấn đề lâu nay chúng ta xem
nó như là một tệ nạn. Nhưng đóng góp quan trọng nhất chính là phương pháp và
thái độ nghiên cứu rất nghiêm cẩn đã được thể hiện trong suốt quá trình nghiên
cứu.
….chạm tới Khái niệm “Vấn
đề xã hội”….
Vấn đề xã hội (Social Prolems) là một
trong những khái niệm rất lỏng lẻo và được hiểu theo các chủ thuyết và hoàn
cảnh khác nhau. Cách xác định như thế nào là một vấn đề xã hội phụ thuộc vào
nhận thức chủ quan, không gian và thời điểm, điều này sẽ quy định việc cái gì được
gọi là vấn đề xã hội (phân loại). Chính vì vậy, việc thống nhất các tiêu chí và
minh định một ranh giới cho vấn đề xã hội là một công việc khó khăn.
Về mặt định nghĩa các tài liệu và tác
giả khi nghiên cứu vẫn chưa có một thống nhất vấn đề xã hội, cũng như việc phân
loại nó.
Trong cuốn “Từ điển tóm tắt thuật ngữ
xã hội học” của Viện Thông tin khoa học xã hội thì khái niệm “vấn đề xã hội”
được giải thích ở bốn nhóm vấn đề: 1- vấn đề xã hội của nông thôn; 2- vấn đề xã
hội của nghệ thuật; 3- vấn đề xã hội của nhận thức; 4- vấn đề xã hội của thành
thị. Trong đó vấn đề xã hội của thành thị được định nghĩa ở dạng phân tích như
sau: “việc nghiên cứu một cách phù hợp rộng lớn những vấn đề xã hội liên quan
tới đời sống của người dân thành thị: các khía cạnh của việc quy hoạch và mở
mang các thành phố và khu vực nhà ở (tương quan giữa các khu vực nhà ở và sản
xuất, cơ cấu và cách phân loại các địa điểm giao tiếp, các cơ quan phục vụ rộng
rãi, việc tổ chức nghỉ ngơi hợp lý cho nhân dân thành phố,...) của việc tổ chức
các cơ quan sinh hoạt văn hóa, các vấn đề tổ chức sinh hoạt và thời gian tự do của
nhân dân thành phố, v.v…” [Viện thông tin khoa học xã hội. 1976: 61].
Từ điển Xã hội học (G.Endrweit và
G. Trommsdorff chủ biên)
trên cơ những phân tích những định nghĩa, theo đó vấn đề xã hội được quan niệm
“những điều kiện và kết quả xã hội ảnh hưởng xấu đến các nhóm và các loại thành
viên xã hội (thậm chí có thể là toàn bộ dân chúng) trong hoàn cảnh sống của họ,
được công luận hay một bộ phận của công luận định nghĩa như là tất yếu phải thay
đổi và được biến thành biện pháp chính trị” [G.Endrweit và G.
Trommsdorff. 2002: 552]. Hay một cách khái quát hơn, nhà xã hội học Merton định nghĩa
“: Bộ phận căn bản cấu thành đầu tiên và làm nền tảng của một vấn đề xã hội nằm
trong sự khác biệt căn bản giữa chuẩn
mực được chấp nhận về xã hội và những điều kiện xã hội đang tồn tại thực
tế (1971)” [Dẫn lại G.Endrweit và G. Trommsdorff .
2002: 552-553].
Trong cuốn Understanding social prolems các
tác
tác giả sau khi biện luận đã cho rằng, vấn đề xã hội được xác định dựa
trên các nhân tố chủ quan, khách quan và bối cảnh xã hội khác nhau, thì họ cũng
đi đến một định nghĩa mang tính phổ quát. Theo đó "vấn đề xã hội là một
tình trạng trong một giai đoạn xã hội cụ thể nó có hại cho đa số các thành viên
và cần phải khắc phục” [Linda A. Mooney, David, Knox và Caroline Schacht. 2009:
3].
Theo tác giả Earl Rubington & Martin S. Weinberg
rong cuốn “The Study of Social
Problems - Seven perspectives” định nghĩa về các vấn đề
xã hội như sau:“tình
trạng mà những người quan trọng cho là nó không phù hợp với các giá trị mà họ
cùng chia sẻ khiến họ nhất trí phải hành động để thay đổi tình trạng đó” [Tô
Duy Hợp. 2004: 9]. Tác giả cũng cho rằng cần phải tiếp cận thuật
ngữ vấn đề xã hội ở hai mức ý nghĩa: "Theo nghĩa tổng quát, chung nhất thì
đó là các vấn đề chung của cả hệ thống xã hội tổng thể, toàn thể, thí dụ như
vấn đề bất bình đẳng xã hội, vấn đề xung đột xã hội,..v..v... Còn theo nghĩa
riêng biệt thì đó là các vấn đề của lĩnh vực xã hội, chẳng hạn như vấn đề mại
dâm, ma tuý, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em,..v..v...”
Tác giả
hướng đến việc tiếp cận thuật ngữ vấn đề xã hội theo cách hiểu thứ hai ở dạng
đo lường thực nghiệm. Để làm cơ sở cho đề tài, tác giả xây dựng
các tiêu chí để xác định một vấn đề, có tính xã hội (vấn đề xã hội) qua đó lựa
chọn những vấn đề cụ thể cho việc khảo sát như sau:
1)
Có liên quan và tác động tới nhiều nhóm trong xã hội
2)
Có liên quan và ảnh hưởng đến nhiều
thiết chế, lĩnh vực khác nhau
3)
Mang tính chất quốc tế, quốc gia.
4)
Trở thành một chủ đề được bàn bạc nhiều
trong các chương trình nghị sự
5)
Nhận được sự quan tâm của dư luận xã
hội, nhiều người biết và bày tỏ quan điểm về nó
6)
Khó giải quyết tận gốc và triệt để.
...qua Lý thuyết xã hội học nghiên cứu về các vấn đề xã hội...
Trong
cuốn The Study of Social Problems - 7
perspectives do Earl Rubington và Martin S. Weinberg chủ biên, đã giới
thiệu 7 quan điểm lý thuyết xã hội học về các vấn đề xã hội. Mỗi lý thuyết đều
trình bày: những nét đặc trưng liên quan đến định nghĩa, nguyên nhân, điều
kiện, hậu quả và giải pháp cho các vấn đề xã hội. Sau đó, các tài liệu đọc thêm
sẽ giải thích và minh họa cho quan điểm, tiếp đó là giới thiệu chọn lọc những ý
kiến phê phán.
Stt
|
Tên lý thuyết
|
Họ giải thích
|
1
|
Bệnh học xã hội (Social
Pathology)
|
Vấn đề xã hội
được coi là sự vi phạm những mong đợi về mặt đạo đức
|
2
|
Phá vỡ tổ chức xã hội (Social
Disorganization)
|
Việc phá vỡ tổ
chức xã hội dẫn đến sự suy giảm ảnh hưởng của các quy tắc đối với cá nhân.
Khi thiếu vắng các quy tắc hay quy tắc không rõ ràng, hoặc xung đột với nhau
thì các vấn đề xã hội nảy sinh. Từ đó vấn đề xã hội được xem là phát sinh từ
sự xung đột về giá trị.
|
3
|
Xung đột giá trị (Value
Conflict)
|
Sự cạnh tranh là
cách thức liên hệ đặc biệt trong các
nhóm là điều kiện phát triển xung đột. Vấn đề xã hội được xem là phát sinh từ
sự xung đột về giá trị.
|
4
|
Hành vi lệch lạc (Deviant
Behavior)
|
Hành vi lệch
lạc luôn được học hỏi trong phạm vi nhóm sơ cấp. Nó tạo ra sự xã hội hóa
không phù hợp, hay các mô hình giá trị và mô hình vai trò lệch lạc. Từ đó
hình thành nên các nhóm lệch lạc, các vấn đề xã hội và sự lây lan của nó.
|
5
|
Dán nhãn (Labelling)
|
Quyền lực
chính trị, quyền lục truyền thông, quyền lực của khoa học (tri thức) đã là
một nhân tố làm trầm trọng thêm nhóm lệch lạc, vấn đề xã hội, cộng đồng có
vấn đề...
|
6
|
Phê phán (Critical
Perspective),
|
Sự tồn tại cơ
cấu địa vị bất bình đẳng, phân chia gia cấp đã dẫn đến xung đột, phân hóa
giàu nghèo... đó là những nguồn gốc sâu xa nhất dẫn đến các vấn đề xã hội.
|
7
|
Kiến tạo xã hội (Social
Constructionism)
|
Vấn đề xã hội
là gì ? Là cách nhìn nhận của từng người (câu chuyện thầy bói xem voi là hàm
ý nói về sự kiến tạo xã hội). Nhiều khi ''các chuyên gia'' quyết định những
tình trạng nào bị coi là các vấn đề xã hội.
|
... đến một sự Phân loại...
Cách phân chia, xác định các loại vấn đề xã hội
Tác giả
|
Nguồn
|
Phạm vi
|
Các vấn đề
|
Linda A. Mooney, David, Knox và Caroline Schacht
|
Understanding social prolems (2011)
|
Nước Mỹ và toàn cầu
|
Nhóm 1-các vấn đề thuộc về sức khỏe
(bệnh tật và chăm sóc sức khỏe, rượu và các chất gây nghiện, tội phạm và kiểm
soát xã hội, gia đình); nhóm 2- vấn đề của sự bất bình đẳng (Đói nghèo và sự bất bình đẳng kinh tế, việc làm và
thất nghiệp, bất bình đẳng giáo dục,
bất bình đẳng chủng tộc, sắc tộc và di trú, bất bình đẳng giới, khuynh hướng tình dục và đấu tranh cho bình đẳng); nhóm 3- các vấn đề của toàn cầu
hóa (tăng dân số và đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, khoa học và công nghệ,
xung đột- chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố)
|
Phân loại của Giáo sư Steven E. Barkan |
Social Problems: Continuity and Change, v. 1.0
|
Toàn cầu
|
Nghèo, Bất bình đẳng chủng tộc và dân tộc, Bất bình đẳng
giới, Định
hướng tình dục và bất bình đẳng, Lão hóa và sự bất công, Rượu và các loại thuốc gây
nghiện khác, Tội phạm và Tư pháp hình sự, Hành vi tình
dục, Biến đổi trong Gia
đình , Trường
học và Giáo dục, Làm việc và kinh tế, Y tế và Chăm sóc sức
khỏe, Vấn đề
đô thị và nông
thôn, Dân số và Môi trường, Chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố
|
Trên trạng http://en.wikiversity.org
|
Toàn cầu
|
Tội phạm, Bệnh lây qua đường
tình dục, Hành vi chống đối xã hội, Nghèo, Lạm dụng ma túy, Nghiện rượu, Suy giảm kinh tế , Thất nghiệp
|
|
Tập thể tác giả
|
Chuyên đề của Viên Thông tin Khoa học xã hội (1976)
|
Thế giới và việt Nam
|
1- xâm hại tài sản nhân dân; 2-làm
ăn bất lương (làm hàng giả, buôn lậu); 3- bạo lực và tội ác (bạo lực đối với
phụ nữ, thanh thiếu niên…); 4- các hoạt động mafia; 5- cờ bạc; 6-Tệ nạn mại
dâm; 7-nghiện hút và tiêm chích ma túy; 8- vấn đề bệnh IHV/AIDS
|
Nguyễn Thị Oanh và cộng sự
|
An sinh xã hội và các vấn đề xã hội
|
Việt Nam
trong những năm đầu đổi mới
|
1-Trẻ em có hoàn cảnh đặc khó khăn
(trẻ em đường phố, trẻ em lao động sớm, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong tệ
nạn mua bán dâm, trẻ em bị bạo hành ngược đãi; 2-sự nghèo đới; 3-vấn đề sức
khỏe; 4-người cao tuổi; 5- người khuyết tật, 6- Tội phạm; 7-nạn mại dâm;
8-nghiện ngập ma túy; 9-HIV/AIDS
|
Nguyên Công Bình
|
Một số vấn đề xã hội của thành phố Hồ Chí Minh trong công
nghiệp hóa hiện đại hóa (1998-2000)
|
Khu vực phía nam
|
Phân tầng xã hội, cơ cấu xã hội và
vị thế các giai tầng, vấn đề nghèo đói và công bằng xã hội.
|
Nguyễn Ngọc Tuấn
|
Những vấn đề kinh tế -xã hội và môi trường vùng ven các đô
thị lớn trong quá trình phát triển bền vững (2003)
|
Khu vực ven đô
|
1- Nhà ở, thất nghiệp; 2- phân cách
giàu nghèo; 3- nghèo đói; 2- di cư; 3- tệ nạn xã hội (tội phạm kinh tế, hình
sự, dân sự, nghiện ma túy, mại dâm, trẻ em lang thang đường phố); 4- môi
trường
|
Web: Viện Xã hội học Việt Nam
|
Việt Nam
năm 1013
|
Lạm phát, Thất nghiệp; Bất bình
đẳng xã hội; Chất lượng giáo dục; Thiên tai, biến đổi khí hậu; Tham nhũng,
buôn lậu; Ách tắc giao thông; Vệ sinh
thực phẩm, môi trường; Chất lượng khám chữa bệnh; Dịch bệnh và Vấn đề khác
|
|
Phú Văn Hẳn, Nguyễn Tuấn Triết
|
Các vấn đề xã hội ở TPHCM
|
Phía nam-TPHCM
|
(1) vấn đề lao động và việc làm;
(2) vấn đề đời sống dân cư; (3) vấn đề dân tộc và tôn giáo; (4) vấn đề tệ nạn
xã hội; (5) vấn đề trẻ em; (6) vấn
đề dân nhập cư và (7) vấn đề nhà ở
và đô thị
|
GS Tương Lai
|
Xã hội học và những vấn đề của sự biến đổi xã hội
|
Việt Nam
thời kỳ bắt đầu kinh tế thị trường
|
1-Phân tầng và bất bình đẳng xã
hội; 2-nhà ở và môi trường sống đô thị; 3-người nghèo; 4-dân số; 5-gia đình;
5- người cao tuổi; 6-biến đổi văn hóa và khoa học.
|
Giang Thanh Long và Dương Kim Hồng
|
Các vấn đề xã hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập
kinh tế ở Việt Nam
(2005)
|
Việt Nam
|
1- trẻ em đường phố, HIV/AIDS;
2-lao động và việc làm của thanh niên; 3-giáo dục; 4-bất bình đẳng thu nhập;
5-người cao tuổi.
|
Bùi Thế Cường và cộng sự
|
Báo cáo:Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi xã hội của cư
dân thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
|
Thành phố Hồ Chí Minh
|
Khoảng cách giàu nghèo, suy thoái
đạo đức xã hội, tệ nạn gia tăng, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp
|
Thanh tra Chính phủ-WB
|
Tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh nghiệp, cán
bộ, công chức, viên chức kết quả khảo
sát xã hội học (2011)
|
Việt Nam
|
Thu nhập, giá sinh hoạt, tai nạn
giao thông, chất lượng giáo dục, tham nhũng, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi
trường, chất lượng y tế, an toàn thực phẩm.
|
…. rồi tạm
Kết luận lại ở đây.
Có thể xác
tín một điều rằng còn nhiều hiện thực xã hội được coi là “có vấn đề” đang xẩy
ra trong thực tế cuộc sống mà những nhà nghiên cứu trên trình bày, chưa đề cập
đến, điều đó không phải do sự giới hạn tri thức mà do những mục tiêu và giới
hạn nghiên cứu riêng.
Khái niệm
vấn đề xã hội hết sức lỏng lẻo, vì thế những gì gọi là vấn đề xã hội, hay như
thế nào mới là vấn đề xã hội (tiêu chí) luôn là một thử thách cho sự thống nhất.
Vì vậy, tùy vào những hoàn cảnh khác nhau mà mỗi người có thể có những tiếp cận
riêng, nhưng những nguyên tắc cơ bản nhất của khoa học vẫn phải được tuân thủ.
Có lẽ đã
đến lúc chúng ta phải xây dựng những nguyên tắc khoa học đó, hay cụ thể hơn
phải có một tiêu chí chung để xác định cái gì là “vấn đề xã hội” khi chúng ta
xem xét nó từ góc độ khoa học. Có nghĩa là phải thống nhất một bộ tiêu chí, hay
một số bộ tiêu chí để xác định vấn đề nào là vấn đề xã hội theo nghĩa khoa học.
Việc này không phải là nỗ lực đi thống nhất một định nghĩa chung nhất về vấn đề
xã hội mà là nhằm tách biệt hai dạng tri thức thông thường và tri thức khoa học
khi định nghĩa vấn đề xã hội. Tác giả của bài viết này với nỗ lực cá nhân của
mình và sự trao đổi nghiêm túc với các bạn đồng nghiệp đã đưa ra 6 tiêu chí xác
định một vấn đề xã hội ở góc độ khoa học (ở trang 9 bài này). Có thể vẫn còn
quá đơn giản, phổ quát hay chưa phản ánh được hết các đặc tính vốn có của cái
gọi là vấn đề xã hội thì đó cũng là lẽ đương nhiên. Vì vậy, tác giả luôn mong
muốn có những trao đổi nghiêm túc về vấn để này để giá trị khoa học không bị “dân
gian hóa” một cách phổ biến như hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Công Bình. Đời sống xã hội vùng Nam bộ. Nhà xuất bản đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2008.
Bùi Thế Cường. Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã
hội. 2010.
Bùi Thế
Cường, Lê Thanh Sang Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở
Tây Nam
Bộ: kết quả từ một cuộc khảo sát định lượng năm 2008”. Tạp chí Khoa học xã
hội số 3(193)-2010: 47
Bùi Thế Cường. Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi xã hội của cư dân thành phố Hồ Chí
Minh hiện nay. Báo cáo đề tài nghiên cứu năm 2012.
Lê Bạch Dương và cộng sự. Báo cáo phát triển Việt Nam 2008: Bảo trợ xã
hội. Nxb Thế giới. 2008.
Martin Evans,….Đào Thanh Huyền và Đỗ
Lê Thu Ngọc. An sinh xã hội Việt Nam
lũy tuyến đến mức nào ?. 2006.
G.Endrweit và G.
Trommsdorff. Từ điển xã hội học. Nxb. Thế giới. Hà
Nội. 2002 (Ngụy Hữu Tâm, Nguyễn Hoài Bão dịch).
Giang Thành Long, Dương Kim Hồng
(Cb). Các vấn đề xã
hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập kinh tế ở Việt Nam, tập 1. Diễn đàn
phát triển Việt Nam. 2007.
Tô Duy
Hợp. Các vấn đề xã hội của vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam. Viện
Khoa học xã hội Việt Nam.
2004.
Nguyễn Y Na, Nguyễn Đức Anh, Nguyễn
Như Diện, Hà Ngân Dung, Trần Hoàng Hoa, Ngô Thế Phúc, Nguyễn Chí Tình. Tệ nạn xã hôi căn nguyên-biểu hiện-phương
thức khắc phục. Chuyên đề, Viện Khoa học thông tin, năm 1996.
Tương Lai. Xã hội học và những vấn đề của sự biến đổi xã hội. Nhà xuất bản
Khoa học xã hội. 1997.
Lê Văn Lân, Nguyễn Đình Cử. Nguyên
nhân kinh tế-xã hội của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam. Tạp chí Xã hội học, số
1(93), 2006.
Trịnh Duy Luân. Phát triển xã hội ở Việt Nam một tổng quan xã hội học năm
2000. Nhà xuất bản Khoa học xã hội
Trần Hữu Quang. Hệ thống phúc lợi ở thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tiến bộ và công
bằng. Báo có đề tài năm 2009.
Nguyễn Thị Oanh(chủ biên). An sinh xã hội và các vấn đề xã hội. ĐH
Mở bán công Tp. HCM.1997.
Nguyễn Ngọc Tuấn. Những vấn đề kinh tế -xã hội và môi trường
vùng ven các đô thị lớn trong quá trình phát triển bền vững. Nhà xuất bản Khoa học xã hội năm
2003.
Ban Nội chính Trung ương-UNDP. Tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh
nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Nhà
xuất bản Chính trị quốc gia, 2012.
Chương trình phát triển Liên hiệp
quốc (UNDP)-Trung tâm Kinh doanh và nhà nước, thuộc đại học Harvard. Thành phố Hồ Chí Minh những thách thức tăng
trường. 2010 (các tác giả David Dapice, Jose A. Gomez-Ibanez và Nguyễn Xuân
Thành)
UBND TPHCM, Viện nghiên cứu phát
triển TPHCM. Để tài: Hệ thống phúc lợi ở
thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tiến bộ và công bằng”Trần Hữu Quang chủ
nhiệm. 2009.
Viện thông tin khoa học xã hội. Từ điển tóm tắt thuật ngữ xã hội học. Hà
Nội. 1976.
Tiếng nước ngoài
Linda A. Mooney, David, Knox và
Caroline Schacht. Understanding social
prolems. East
Carolina University,
2009.
Earl
Rubington, Martin
S.Weinberg
viết cuốn sách. The Study of Social
Problems: Seven Perspectives.
Oxford University Press, 1995.
Tài liệu web
http://www.ihs.org.vn/index.asp?url=detail&id=221&sub=
[1] Nguyễn Vũ
Quỳnh Anh/ http://www.ihs.org.vn/index.asp?url=detail&id=221&sub=
[2] [Phạm
Nguyên Trường, http://www.talawas.org/?p=20525
https://ihs.org.vn/
Trả lờiXóa