7 tháng 10, 2011

XUNG ĐỘT VÀ THỂ CHẾ HÓA XUNG ĐỘT

                                                     Phạm Xuân Cần

Trong hệ thống XHCN trước đây nói chung, ở nước ta nói riêng, khái niệm xung đột xã hội hầu như không xuất hiện một cách chính thức. Mọi vấn đề có liên quan thường được xem xét dưới các khái niệm “mâu thuẫn”, “đấu tranh giai cấp”. Cách tiếp cận giản đơn này đã làm cho việc nhìn nhận và giải quyết tranh chấp, xung đột không mấy hiệu quả, thậm chí phức tạp hơn. Thực tiễn đòi hỏi phải có một hướng tiếp cận khách quan, khoa học để nhận diện, lý giải đúng bản chất và tìm ra giải pháp xử lý các tranh chấp, xung đột một cách thích hợp.
Bài viết nhận diện và lý giải nguyên nhân, cũng như đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này.


Tuy luôn song hành và góp phần làm nên lịch sử loài người, nhưng chỉ đến thời hiện đại tính hiện hữu của xung đột mới được thừa nhận. Trước thời kỳ phục hưng, triết học thường coi tranh cãi, giao tranh và xung đột là mối đe doạ đối với hoà bình và đạo đức, gây ra chiến tranh hoặc sự tan vỡ của cộng đồng. Do vậy, người ta không cho phép coi tranh chấp và xung đột là những dạng hiển nhiên, bình thường và chính đáng của hành động. Cùng với quá trình thế tục hoá thời kỳ Phục hưng, dần dần sự trói buộc của tôn giáo đối với tư duy, triết học và chính trị được cởi bỏ, theo đó người ta đã từng bước thừa nhận sự tồn tại của xung đột.

Hà Nội tháng 8/2011
           Những tiền đề của thuyết xung đột được xác lập bởi N. Macchiavelli (nhà tư tưởng Ý, 1469-1527), Hobber (nhà triết học Anh, 1588-1679) và Charles Darwin (nhà sinh học Anh, 1809-1882). Thế nhưng, những người được coi là đã tạo nên nền tảng kinh điển cho thuyết xung đột chính là Các Mác (nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, 1818-1883), Marx Weber (nhà xã hội học Đức, 1864-1920) và Georg Simmel (nhà xã hội học Đức, 1858-1918). Trên nền tảng kinh điển đó, với sự đóng góp lớn của 3 nhà xã hội học đương đại: Dahrendorf (Đức), Lewis Corse (Mỹ) và Rapoport (Nga), thuyết xung đột được hoàn thiện, trở thành một trong những hình mẫu xã hội học hiện đại. Sự phát triển của thuyết xung đột được coi là một sự đáp trả đích đáng đối với thuyết chức năng - cấu trúc (còn gọi là thuyết cân bằng) thống trị xã hội học vào đầu thế kỷ XX. Do đó, có người cho rằng, lịch sử xã hội học hiện đại chính là lịch sử của cuộc tranh luận, đối đầu giữa thuyết xung đột và thuyết chức năng - cấu trúc. Điểm khác biệt chủ yếu của thuyết xung đột so với thuyết chức năng - cấu trúc chính là trong lúc thuyết chức năng - cấu trúc không thừa nhận xung đột, coi xung đột là “sai lệch bệnh hoạn”, thì thuyết xung đột nhấn mạnh vai trò của xung đột, thừa nhận xung đột tồn tại khách quan, dưới mọi cấp độ, nhất là xung đột giữa các cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và giữa các quốc gia.
          Thuyết xung đột cho rằng: Đời sống xã hội dựa trên cơ sở các quyền lợi, do đó thường nảy sinh sự mâu thuẫn, đối lập vì lợi ích, từ đó dẫn tới xung đột giữa các nhóm. Mâu thuẫn và xung đột cũng làm cho các hệ thống xã hội bị phân hoá và luôn có xu hướng hướng tới sự thay đổi. Ngược lại, thuyết chức năng - cấu trúc lại cho rằng, đời sống xã hội dựa trên cơ sở là các chuẩn mực và giá trị, do đó phụ thuộc nhiều vào sự gắn kết. Các hệ thống xã hội tồn tại trên cơ sở sự đồng tình và luôn có xu hướng hướng tới sự ổn định. Khi đánh giá về sự khác biệt giữa thuyết xung đột và thuyết chức năng - cấu trúc, Từ điển Bách khoa Việt Nam cho rằng: “Cả 2 thuyết đều phiến diện nhưng lại bổ sung cho nhau. Cần nhận thức xung đột xã hội về cả 2 mặt đồng thời và lịch thời (mặt đồng thời thì xem xét cấu trúc xã hội, mặt lịch thời thì xem xét quá trình xã hội). Hai trạng thái cân bằng và xung đột nằm trong cùng một quá trình, quan hệ với nhau như quan hệ giữa trị và loạn, thường và biến”.
Nhận diện xung đột
Xung đột là một trong những trạng thái thường xuyên của cuộc sống con người, nó tồn tại ở mọi cấp độ: Trong gia đình, trong nhóm và giữa các nhóm, trong xã hội và giữa các xã hội… Tuy nhiên, không phải xung đột nào cũng được coi là xung đột xã hội, mà chỉ những xung đột có tính chất xã hội thì mới được coi là xung đột xã hội. Theo chúng tôi, xung đột xã hội được xác định là giai đoạn phát triển cao nhất của các mâu thuẫn trong hệ thống các quan hệ giữa con người với con người, các tập đoàn xã hội, các thiết chế xã hội và xã hội nói chung, được đặc trưng bằng sự đối lập các lợi ích và quan điểm, được biểu hiện bằng các hành vi đụng độ, xô xát hữu hình trên thực tế.
          Như vậy, xung đột xã hội là một trong những hình thức cơ bản của sự biến đổi xã hội. Xung đột xã hội có thể xẩy ra giữa cá nhân với cá nhân (khi cá nhân đó là đại diện cho một lực lượng xã hội nhất định), giữa nhóm này với nhóm khác, giữa giai cấp này với giai cấp khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác… Theo đó, suy  cho cùng chủ thể của xung đột xã hội chính là các nhóm xã hội. Mâu thuẫn là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của xung đột, xung đột là sự thể hiện mâu thuẫn ở trạng thái cực trị. Trạng thái đó được biểu hiện dưới các hành vi đụng độ hữu hình trên thực tế. Xung đột phát sinh và được đẩy lên đỉnh điểm không chỉ do ý thức của các chủ thể, mà còn có vai trò to lớn của các xung vô thức hoặc có ý thức từ bên ngoài. Không có mâu thuẫn thì không có xung đột, tuy nhiên không phải mâu thuẫn nào cũng có thể chuyển hoá thành xung đột, mâu thuẫn chỉ chuyển hoá thành xung đột khi đã tích tụ đủ những năng lượng tới hạn.
          Cũng chính từ quan điểm về mối quan hệ giữa mâu thuẫn và xung đột, người ta thường phân chia xung đột thành xung đột lợi ích xung đột giá trị. Ở đâu tích tụ mâu thuẫn về lợi ích (bao gồm cả lợi ích vật chất và phi vật chất) thì ở đó tiềm tàng nguy cơ xung đột. Đây là dạng xung đột phổ biến. Bên cạnh đó, xung đột còn phát sinh từ các mâu thuẫn về giá trị hay quan điểm (như xung đột tôn giáo, sắc tộc). Tuy cả hai dạng xung đột này đều có thể phát triển đến đỉnh cao, hết sức khốc liệt, nhưng thực tế cho thấy, xung đột giá trị thường kéo dài, khó xử lý dứt điểm hơn. Ngoài ra, trên lý thuyết cũng như trong thực tiễn, hai dạng xung đột này có liên quan mật thiết và có thể chuyển hoá, nhất là từ xung đột lợi ích trở thành xung đột giá trị. Tuy nhiên, hiện nay cũng đang có những mưu toan đánh tráo khái niệm. Học thuyết “Sự đụng độ giữa các nền văn minh” của nhà báo - học giả Mỹ S. Huntington là một ví dụ. Theo đó, những xung đột lợi ích, đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân mới, chống bóc lột hiện nay được lý giải là xung đột về văn hoá và do văn hoá. Trong lúc đó, xuất phát từ quan điểm cho rằng, mâu thuẫn là nguyên nhân của xung đột, người ta kết luận căn nguyên sâu xa của xung đột xã hội chính là bất bình đẳng xã hội.

Nhìn nhận vai trò của xung đột đối với tiến bộ xã hội chính là nơi mà các nhà lý luận theo các trường phái khác nhau dễ “xung đột” với nhau nhất. Những người theo chủ nghĩa chức năng - cấu trúc luôn nhấn mạnh đến trạng thái cân bằng của cơ cấu hơn là sự biến đổi của cơ cấu đó. Vì vậy, họ không thừa nhận xung đột, coi xung đột là sự rối loạn chức năng, là những “sai lệch bệnh hoạn”, phá vỡ sự ổn định và liên kết cộng đồng, nghĩa là tiêu cực. Ngược lại, thuyết xung đột đánh giá cao vai trò của xung đột, coi xung đột là người bạn đồng hành tất yếu của đời sống xã hội. Xung đột đóng vai trò tích cực, là đòn bẩy thúc đẩy, hoặc giúp sửa chữa những thiếu sót và khẳng định những thay đổi có tính tiến bộ. Đặc biệt, trong bối cảnh một xã hội ổn định, xung đột cũng có những vai trò tích cực đối với sự phát triển của xã hội. Cụ thể là xung đột có vai trò cảnh báo xã hội, buộc các nhà cầm quyền phải chú ý và khắc phục những bất ổn xã hội được xung đột cảnh báo. Trong một xã hội ổn định, xung đột không những không phá vỡ cộng đồng, mà ngược lại làm tăng sự cố kết để ứng phó có hiệu quả hơn với những bất ổn. Về mặt tâm lý, xung đột góp phần giải toả, không để tích tụ sự căng thẳng thái quá. Tuy nhiên, dù theo thuyết nào thì người ta cũng phải thừa nhận: Về khía cạnh xã hội học, xung đột thường là tập hợp những hành vi lệch chuẩn, vượt quá khuôn khổ của pháp luật, luôn chứa đựng nguy cơ đe doạ sự ổn định xã hội và an ninh trật tự. Do đó, xung đột nói chung nằm ngoài mong đợi của các nhà nước - chủ thể luôn tìm cách làm cho xã hội ổn định.
          Theo quan điểm Mác xít, tuy không phải xung đột nào cũng được xem là động lực của sự tiến bộ, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, bản thân xung đột ở một khía cạnh nào đó tạo ra một số tác động tích cực, đặc biệt là sự cảnh báo xã hội một cách nghiêm khắc, tạo áp lực để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng (bất bình đẳng, thiếu dân chủ, tham nhũng…) Tuy nhiên, nhìn nhận những tác động tích cực của xung đột không có nghĩa là khuyến khích xung đột, mà ngược lại, cần phải tìm cách xử lý mâu thuẫn một cách hợp lý bằng con đường phi xung đột. Làm được như vậy, một mặt phát huy được vai trò của xung đột, mặt khác hạn chế được những hậu quả xấu mà nó có thể mang lại.
Giải pháp xử lý xung đột
          Dựa trên những quan điểm khác nhau về bản chất, nguyên nhân, vai trò của xung đột xã hội, mà người ta có quan điểm khác nhau về biện pháp, cách thức xử lý nó.
          Chủ nghĩa Mác - Lênin coi đấu tranh giai cấp dẫn tới cách mạng xã hội là biện pháp giải quyết xung đột một cách triệt để  nhất. Nhưng, xung đột không chỉ có trong đấu tranh giai cấp, mà còn tồn tại dưới nhiều hình thức và cấp độ khác. Những người theo thuyết xung đột cho rằng, tiền đề của việc xử lý xung đột là phải thừa nhận sự tồn tại của nó. Trên cơ sở thừa nhận sự tồn tại của xung đột, việc xử lý nó có thể dẫn đến một trong hai kết cục. Kiểu kết cục thứ nhất, được gọi là “tổng số không giành cho hai người” (zero sym). Theo kiểu này, bao giờ cũng có kẻ thắng - người thua, hoặc cả hai đều thua (như người ta vẫn thường nói “một mất, một còn” hoặc “trạng chết, chúa cũng băng hà”). Kiểu kết cục này được áp dụng cho các xung đột dựa trên mâu thuẫn đối kháng không thể dung hoà. Trong hầu hết các điều kiện khác, kiểu kết cục này không được ưa chuộng. Kiểu kết cục thứ hai là “cả hai đều thắng” (win-win). Theo đó, cuộc xung đột được dàn xếp sao cho ít tổn thương nhất và ai cũng được chia phần thắng lợi, tuỳ theo tương quan lực lượng. Đây là mô hình được ưa chuộng hiện nay.
          Để hướng tới kết cục này, các giải pháp giải quyết xung đột phải được thiết kế theo hướng nghiêng về phía điều hoà xung đột là chủ yếu. Trước hết là thể chế hoá xung đột, nghĩa là đưa các hình thức xung đột xã hội vào khuôn khổ có thể quản lý được bằng pháp luật. Bằng cách này, có thể giảm được tính vô chính phủ và hạn chế tác hại của các xung vô thức trong xung đột. Luật biểu tình, luật đình công, luật về tình trạng khẩn cấp… chính là những cố gắng thể chế hoá xung đột của các nhà nước. Trong một số trường hợp người ta cũng có thể cách ly các bên xung đột, nhưng chỉ là rất hạn hữu. Giải pháp được áp dụng rộng rãi là thương lượng và hoà giải thông qua trung gian (hai bên ngồi lại với nhau cùng với bên hoà giải - trung gian - để dàn xếp xung đột theo hướng đi đến một sự thoả hiệp nào đó, sao cho cả hai đều giảm được sự tổn thương). Sự can dự của bên trung gian có thể ở nhiều mức độ khác nhau, từ đơn thuần chỉ là người trung gian, đến vai trò là trọng tài và cao nhất là trọng tài bắt buộc. Khi đó, phán quyết của bên trung gian là có tính bắt buộc, thậm chí cưỡng chế đối với hai bên xung đột. Tuy nhiên, trên thực tế, điều hoà xung đột là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải phối hợp nhiều giải pháp một cách kiên trì và mềm dẻo.
Một vài kiến nghị
Thừa nhận sự tồn tại, đánh giá đúng vai trò của mâu thuẫn và xung đột, đồng thời đảm bảo ổn định chính trị xã hội chính là định hướng xuyên suốt của việc ngăn ngừa và xử lý xung đột xã hội. Cần quán triệt phương châm coi trọng ngăn ngừa không để phát sinh xung đột, khi xung đột xảy ra thì phải tìm cách thu nhỏ, không để kéo dài, lây lan. Tuy nhiên, đây không phải là một sự thoả hiệp xã hội vô nguyên tắc, mà là cố gắng giải quyết sớm và hợp lý các mâu thuẫn bằng con đường phi xung đột. Trong đó, kiên trì vận động, thương lượng và quản lý là phương thức chủ yếu để xử lý mâu thuẫn và xung đột.
Giải pháp ngăn ngừa xung đột xã hội quan trọng nhất cố nhiên cũng chính là tìm cách quản lý sự phân tầng xã hội, mà trước hết là sự phân hoá giàu nghèo. Mặc dù phân hoá giàu nghèo là một tất yếu của nền kinh tế thị trường, nhưng để giữ ổn định xã hội cần phải quản lý sự phân hoá này về mức độ phân hoá (không để phân cực thái quá), tốc độ phân hoá (không để diễn ra nhanh quá), nguyên nhân phân hoá, nhất là chống tham nhũng, hạn chế tối đa sự giàu lên bất chính bằng tham nhũng, buôn lậu.
Bên cạnh đó, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, đánh giá, phản hồi và xử lý ý kiến của nhân dân và dư luận xã hội, không để tích tụ sự căng thẳng xã hội một cách không cần thiết. Xây dựng các thiết chế dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở cũng là một bí quyết để ngăn ngừa xung đột.
Theo hướng thể chế hoá xung đột, chúng ta cũng cần phải xây dựng, hoàn thiện và đưa vào cuộc sống pháp luật về xung đột xã hội. Thực tiễn đang đòi hỏi phải có các quy định pháp luật về lập hội, biểu tình, bãi công, tình trạng khẩn cấp… để từng bước quản lý các hoạt động này theo pháp luật. Đó là giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất sự vô chính phủ và những hành động vô thức, cũng như sự lợi dụng để kích động. Theo đó, chính quyền và các cơ quan chức năng cũng phải xây dựng các phương án, rèn tập các kỹ năng để chủ động ứng xử với xung đột một cách đúng đắn và văn minh.
Mâu thuẫn và xung đột là bạn đồng hành và là động lực của xã hội. Một xã hội không có mâu thuẫn và xung đột là một xã hội ngưng đọng và trì trệ, không có sức sống. Nhưng cuộc sống cũng cần sự ổn định, do đó, ai cũng muốn có những người bạn đồng hành hoà bình và thân thiện. Nhận thức đúng sự tồn tại và vai trò của mâu thuẫn, xung đột, có cách ứng xử thích hợp, thì chắc chắn đó cũng là những tác nhân làm cho xã hội lành mạnh, ổn định, gắn kết và phát triển.

http://faxuca.blogspot.com/2011/10/normal-0-false-false-false-en-us-x-none_6565.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.