Xã hội phát triển không ngừng và liên tục đặt ra thử thách cho các
thành viên trong xã hội và cho các nhà quản lý. Ở châu Âu, quản lý xã
hội (social governance) đồng nghĩa với trách nhiệm xã hội, ở tất cả các
cấp, từ cấp EU đến tận từng người dân.
Theo đó, tất cả mọi người đều được bảo đảm các quyền xã hội và được
tham gia thực hiện quyền đó theo mục tiêu phát triển chung. Hiện nay
quản lý xã hội ở châu Âu không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà được
vận hành trong một thiết chế mang tính siêu quốc gia (supranational), ở
cấp độ toàn EU. Đây có thể nói là một mô hình quản lý xã hội độc nhất vô
nhị hiện nay trên thế giới và đã thu được những thành công nhất định.
EU không chỉ đưa ra một mục tiêu chung “phát triển bền vững, thông minh
và không phân biệt” thông qua “chia sẻ tri thức và trách nhiệm- hướng
đến một xã hội không có ai bị gạt ra ngoài lề”, mà còn đề ra những thiết
chế hành chính và tài chính cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu đó.