10 tháng 11, 2011

Tiểu luận: Lý thuyết hành động xã hội với tư cách là một phương pháp luận của khoa học xã hội và nhân văn.

Ngô văn huấn
Dẫn nhập
Khi đánh giá một công trình nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khoa học xã hội có rất nhiều các tiêu chí khác nhau. Nhưng một trong những tiêu chí quan trong và đó cũng là một phần trong hoạt động nghiên cứu khoa học đó là phương pháp. Phương pháp chính là cách thức, con đường để tác giả đi đến kết quả và đôi khi kết quả không quan trọng bằng cách thức đạt được kết quả đó như thế nào. Chính vì vậy, việc vận dụng phương pháp là yếu tố quyết định đến kết quả của nghiên cứu, đồng thời cũng cho thấy trình độ của tác giả. Trong phương pháp cũng có nhiều cấp độ và kiểu dạng. Cái cơ bản nhất là phương pháp luận, phương pháp luận sẽ là hướng tiếp cận là bước đi đầu tiên trong một công trình nghiên cứu. Nhưng trong thực tế nhiều công trình nghiên cứu đã coi nhẹ vai trò của phương pháp luận, vì thế sự hời hợt, rời rạc trong kết quả nghiên cứu là điều dễ xẩy ra.

Để nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học tiểu luận này sẽ bàn luận đến một phương pháp luận trong khoa học xã hội và nhân văn đó là lý thuyết hành động xã hội. Trước khi tìm hiểu những phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn chúng ta cần nhận thức rõ một số khái niệm sau.
Khái niệm phương pháp khoa học
Theo Từ điển tiếng Việt Phương pháp thường được hiểu theo một số cách như sau:
·        Là cách thức để đạt đến mực tiêu
·        Là hoạt động được sắp xếp theo một phương thức nhất định
·        Hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hoạt động nào đó.
Như vậy, phương pháp nghiên cứu là cách thức thu thập và xử lý dữ liệu nhằm xây dựng các luận cứ giúp nhà nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu để đạt được các mục tiêu và mục đích nghiên cứu.
Khái niệm phương pháp luận nghiên cứu khoa
Theo tác giả Ngô Đình Xây thì phương pháp luận nghiên cứu khoa học được hiểu theo các nghĩa sau:
1. Thông thường nhất người ta hiểu phương pháp luận như là cơ sở lý luận, cương lĩnh lý luận của hoạt động nhận thức khoa học có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người nhằm đảm bảo cho tính định hướng cho hoạt động đó.
            2. Phương pháp luận là sự tổng hợp là hệ thống là tổ hợp của các phương pháp nghiên cứu. Ví dụ phương pháp nghiên cứu xã hội học là phương pháp được sử dụng trong xã hội học, bao gồm: phương pháp điều tra bảng hỏi, phương pháp phỏng vấn…
            3. Trong một số tài liệu triết học người ta còn đưa ra khái niệm gọi là phương pháp luận là những quan điểm những nguyên tắc chung, chỉ đạo việc xác định phương pháp bộ môn hay của một nhóm các bộ môn khoa học có những điểm chung nào đó. Ví dụ phương pháp luận của các ngành KHTN,  phương pháp luận chung của các KHXH.
            4. Với tư cách là một bộ môn triết học đó chính là lý luận về phương pháp là học thuyết về phương pháp mà ở đó nó hướng tới việc nghiên cứu và đưa ra những phương pháp, phương thức của quá trình nghiên cứu khoa học. Đó cũng chính là bộ môn khoa học, nghiên cứu những khả năng thu nhận, căn nguyên cấu trúc chức năng, động lực các kiểu và các mối liên hệ giữa các hình thức nhận thức.
            5. Trong những công trình nghiên cứu khoa học, nhất là ở những công trình nghiên cứu phức tạp còn mới và còn nhiều ý kiến khác nhau thì phương pháp luận được xem là cách tiếp nghiên cứu mới, là tìm điểm xuất phát điểm tựa lý luận và điểm tựa hiện thực cho sự nghiên cứu. Đây còn là cơ sở cho việc đưa sự luận giải tìm kiếm cái mới cho nghiên cứu đó cũng còn là cái nhìn nhận mới về những vấn đề đã được nghiên cứu.
            6. Trong việc nghiên cứu lý luận khoa học nói chung nhất là trong bộ môn khoa học luận thì phương pháp luận lại được hiểu và trình bày như là quy trình nghiên cứu khoa học. Ở đó thì phương pháp luận được trình bày từ cách đặt vấn đề cứu khoa học rồi xác định đối tượng, lựa chọn phương pháp nghiên cứu cũng như là quá trình triển khai đề tài tổ chức hội thảo, viết, nghiệm thu…
7. Ở nhiều nhà nghiên cứu và trong nhiều trường hợp thì phương pháp luận lại được hiểu và sử dụng như là sự tổng hợp của những cách hiểu trên.
Theo đó phương pháp luận chính là phương thức phối hợp và sử dụng những quan niệm và thao tác tư duy chung nhất để định hình và hướng đến hoạt động nhận thức cho con người.
Phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn
Phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn là một dạng phương pháp nghiên cứu khoa học đặc thù mà đối tượng nghiên cứu của nó là con người, xã hội và mối quan hệ giữa chúng. Xét riêng về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nó có một số đặc điểm như sau:
Đối tượng của khoa học xã hội và nhân văn vốn dĩ có tính “động” và trừu tượng hơn rất nhiều so với khoa học tự nhiên, chính vì vậy những nghiên cứu thông thường là nhận diện, đánh giá, nhận xét;
Trong khoa học xã hội và nhân văn, việc sử dụng các phương pháp thường theo một hệ thống- sự phối hợp giữa nhiều phương pháp khác nhau;
Khi vận dụng các phương pháp, khoa học xã hội và nhân văn thường thông qua các lý thuyết xã hội có tính chất như một nền tảng.
Về mặt phân loại. Khoa học xã hội và nhân văn rất rộng lớn và việc phân định thành các loại phương pháp cũng chỉ mang tính chất tương đối. Bởi thực tế trong khoa học xã hội và nhân văn bao gồm rất nhiều các bộ môn khác nhau, mỗi bộ môn đó lại có một hệ thống phương pháp luận riêng. Chính vì vậy, dù đưa ra một hệ thống phân loại nào đi chăng nữa thì nó cũng không phản ánh và bao hàm hết các phương pháp. Trên cơ sở đó căn cứ và mức độ vận dụng thì phương pháp khoa học xã hội và nhân văn bao gồm ba cấp độ.
Phương pháp ở cấp độ vĩ mô. Đối tượng và phạm vi mà hệ thống phương pháp này hướng tới thường là là cấu trúc và quy luật xã hội
Phương pháp ở cấp độ vi mô. Đối tượng của phương pháp này là hành vi con người và các nhóm nhỏ.
Phương pháp ở cấp độ trung mô (trung gian). Hệ thống phương pháp này vận dụng trong việc lý giải mối quan hệ, sự tương tác giữa con người và xã hội.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu xã hội, đặc biệt là xã hội học thì năm lý thuyết thường được vận dụng phổ biến nhất có ý nghĩa như một phương pháp luận trong nghiên cứu bao gồm: lý thuyết cấu trức; lý thuyết hệ thống, lý thuyết chức năng, lý thuyết hành động xã hội  và lý thuyết hành vi.
1. Lý do lụa chọn phương pháp luận: lý thuyết hành động xã hội
Trong hệ thống năm học thuyết xã hội được nêu ở phần trên, khó có thể đưa ra một sự xếp loại về mức độ ưu trội, bởi lẽ mỗi học thuyết được vận dụng theo từng khía cạnh và mục đích khác nhau. Chính vì vậy sức mạnh và sự hữu dụng của nó khó có thể so sánh với nhau. Trên quan điểm đó trong khuân khổ tiểu luận này tác giả cũng không hướng đến một mục đích so sánh, đánh giá sức mạnh hay tính hữu dụng mà chỉ đưa là một lựa chọn đối với một học thuyết với tư cách là phương pháp luận của khoa học xã hội và nhân văn.
Xét ở mức độ lý giải đối tượng trong năm học thuyết trên thì lý thuyết hành động xã hội thuộc dạng “trung mô”, tức là nó vừa nhằm lý giải sự tương tác giữa con người và xã hội. Hành động là của con người, do cá nhân hay nhóm thực hiện, nhưng động cơ và mực đích của các hành động đó luôn chịu sự chi phối của bối cảnh và môi trường xã hội. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về hành động xã hội của con người, nó vừa hướng đến lý giải những yếu tố mang tính chất riêng rẽ của một cá nhân, nhóm cụ thể nhưng đồng thời cũng cho thấy được sự tác động của yếu tố xã hội như: giá trị, chuẩn mực, tôn giáo tín ngưỡng,… đến các hành vi đó.
Về mặt lịch sử từ khi ra đời đến nay lý thuyết hành động xã hội đã có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều các ngành khoa học xã hội khác nhau. Đầu tiên là xã hội học với những nghiên cứu động cơ, mục đích và biểu hiện của những hành động của cá nhân và nhóm. Tâm lý học, dựa trên lý thuyết này để tìm thấy mối liên hệ giữa môi trường và bối cảnh xã hội đối với nhân cách và hành vi. Trong nhân học nghiên cứu các hành động có tính chất như là một biểu tượng văn hóa, qua đó so sánh giữa các xã hội với nhau.
2. Lịch sử ra đời lý thuyết hành động xã hội
Lý thuyết hành động xã hội gắn liền với tên tuổi của các nhà xã hội Pareto, nhất là Max Weber, sau này T.Parson phát triển thêm và du nhập vào Mỹ.
V. Pareto nhà xã hội học người Ý, là người đầu tiên đưa ra khái niệm hành động xã hôi. Khi ông phân biệt hai loại hành động xã hội của con người là hành động mang tính logic và hành động phi logic.
Tuy nhiên, người có công lớn nhất trong lý thuyết hành động xã hội là Max Weber, nhà xã hội học, kinh tế học, triết học, sử học-một trong những nhà lý luận có ảnh hướng lớn nhất khi những tranh luận xung quanh luận điểm của ông chưa bao giờ chấm dứt. Luận điểm lớn nhất của ông đã có ảnh hưởng to lớn đến tư duy khoa học từ khi ra đời đến nay đó là mối liên hệ giữa yếu tố tôn giáo với kinh tế thông qua luận giải trong tác phẩm lớn nhất “Nền đạo đức tin lành và tinh thần Chủ nghĩa tư bản”. Một trong những lý thuyết quan trọng nữa mà Weber để lại đó là ông xác định đối tượng nghiên cứu của xã hội học là hành động xã hội, một sự mở rộng đầy ý nghĩa cho xã hội học khi mối quan tâm của nó sâu sắc hơn về con người chứ không chỉ ở khía cạnh xã hội như trước đây. Bên cạnh đó Weber còn nghiên cứu về bộ máy hành chính Chủ ngĩa tư bản, chủ nghĩa duy lý, tôn giáo, kinh tế và nhất là phương pháp luận loại hình lý tưởng rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu.
Một trong những người nghiên cứu và đưa học thuyết của Weber đến Bắc Mỹ là T. Passon. Ông chịu ảnh hưởng của Weber xem cốt lõi của mọi hành động xã hội là ý nghĩa, do đó để hiểu được hành động phải hiểu được ý nghĩa gắn với hành động đó. Theo Pasons thì hành động xã hội bao gồm các yếu tố cơ bản sau đây:
·        Chủ thể hành động là những cá nhân
·        Các chủ thể theo đuổi các mục đích
·        Chủ thể phát triển các phương tiện khác nhau để đạt mục đích
·        Chủ thể đối mặt với những hoàn cảnh khác nhau, những hoàn cảnh gây tác động đến việc lựa chọn mục đích và phương tiện
·        Chủ thể bị điều khiển bởi các giá trị và chuẩn mực tác động đến việc lựa chọn mục đích và phương tiện (theo Bùi Thế Cường, 2008).
Ngoài các tác giả trên thì một đại diện của học thuyết tương tác luận, H.Blumer nhấn mạnh rằng con người là những chủ thể tích cực, hành động trên cơ sở những ý nghĩa mà họ gán vào tương tác xã hội của họ. Đây là quá trình xã hội trong đời sống nhóm, nó tạo ra và xác nhận các quy tắc, chứ không phải các quy tắc tạo ra và xác nhận đời sống nhóm. Nhà tương tác luận đồng ý rằng ở mức độ nhất định, hành động được cấu trúc hóa, được thường ước lệ hóa thừa nhận sự có thật của các thiết cả xã hội. Ông cho rằng mặc dù ở đây có những chỉ dẫn chặt chẽ cho hành động, song các hành động được tiêu chuẩn hóa vẫn được kiến tạo nên bởi các chủ thể chứ không phải bởi các hệ thống xã hội.
3. Nội dung chính của lý thuyết hành động xã hội
Weber được xem là nhà xã hội học có đóng góp lớn nhất lý thuyết hành động xã hội. Theo ông, đối tượng đích thực của xã hội học là hành động xã hội. Ông nói: “Xã hội học... là một khoa học cố gắng hiểu theo kiểu diễn giải hành động xã hội để bằng cách đó đạt tới việc giải thích nhân quả về chuỗi hành động và tác động của nó. Hành động là hành vi con người khi và chỉ trong chừng mực khi cá nhân đang hành động gắn một ý nghĩa chủ quan vào đó” (theo Bùi Thế Cường, 2008). Tuy nhiên điểm căn bản trong lý thuyết này là sự phân biệt giữa hành vi và hành động xã hội. Khi nào, trường hợp nào thì người ta dùng từ hành vi, thời điểm nào thì dừng khái niệm hành động xã hội.
Trước hết bất cứ hành động xã hội nào của con người cũng đều là hành vi, nhưng không phải tất cả các hành vi đều được gọi là hành động xã hội. Hay nói cách khác, khi hành vi mang tính xã hội thì lức đó sẽ trở thành hành động xã hội.
Hành vi là những phản ứng máy móc của con người để đáp trả khi có một tác động. Ví dụ khi dùng kim đâm vào tay thì chúng ta có phản ứng rụt tay lại. Việc rụt tay một cách nhanh chóng đó của con người chính là phản ứng đáp trả tác động của kim vào cơ thể gây ra cảm giác đau.
Hành động xã hội trước hết nó là một hành vi cụ thể của cá nhân hoặc nhóm, nhưng hành vi đó mang một ý nghĩa, một giá trị và hướng đến một đối tượng khác, đó chính là lúc hành vi đó đã mang tính xã hội. Hành động xã hội mang tính duy lý, tức là cá nhân căn cứ vào các giá trị chuẩn mực xã hội để điều chỉnh hay tiếp nhận khi hành động
Như vậy, tiêu chí để chúng ta phân biệt giữa hành vi và hành động xã hội là hành vi đó chuyển tải một ý nghĩa và nó hướng đến cả những cá nhân khác bên ngoài chủ thể hành động. Tuy nhiên, sự phân biệt đó chỉ mang tính tương đối, thực tế những hành động của con người rất phức tạp và nhà nghiên cứu khó cớ thể phân định một cách rạch ròi.
Định nghĩa hành động xã hội
“Một hành động xã hội là một hành động của một cá nhân mà có gắn một ý nghĩa vào hành động ấy, và cá nhân đó tính đến hành vi của người khác, bằng cách như vậy mà định hướng vào chuỗi hành động đó” (theo Bùi Thế Cường, 2008). Mọi hành động không tính đến sự tồn tại và những phản ứng có thể có từ những người khác thì không phải là hành động xã hội.
Phân loại hành động xã hội
Theo V.Pareto phân chia thành hai dạng hành động :
1.      Hành động logic. Đó là những hành động hợp lý một hợp lý có mục đích được ý thức một cách rõ ràng và các cá nhân hành động hướng đến các mục đích đó
2.      Hành phi lôgic. Đó là những hành động bản năng, hành động không được ý thức. Nó xuất phát từ những bản năng sẵn có trong con người như, ham muốn lợi ích, tham lam… Mỗi cá nhân đều có cả hai loại hành động này trong quá trình tương tác
Phân loại của Max Weber
1- Hành động hợp lý về mục đích. Loại hành động này căn cứ vào những mong đợi của đối tượng bên ngoài và coi đó là phương tiện để đạt được mục đích. Hay đó chính là việc người hành động phải suy nghĩ và quyết định xem chọn mục đích nào, phương tiện nào để đạt được mục đích.
2. Hành động hợp lý về giá trị. Là nhũng hành động mà chủ thể luôn hướng đến những giá trị xã hội.
3. Hành động hợp lý theo truyền thống. Đó là những hành động tuân thủ theo những theo thói quen, nghi lễ, phong tục,….của truyền thống. Ví dụ như tổ chức đám giổ linh đình, mê tín dị đoan
4. Hành động hợp lý theo cảm xúc. Là hành động tự phát, không có sự cân nhắc, không theo quy luật, không có sự phân tích mà hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc chủ quan…Ví dụ như do tức ai đó mà đánh làm người ta phải đi viện…
Weber cho rằng tất cả các loại hành động của con người đều thuộc một trong bốn loại hành động này. Tuy nhiên, sự tồn tại của bốn loại hành động này không phải độc lập với nhau mà chúng đan xen, bổ trợ và đặc biệt trong thực tiễn ranh giới giữa các hành động không phải lúc nào cũng có thể minh định được. 
4. Khả năng áp dụng lý thuyết hành động xã hội trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn
Trên cơ sở những phân tích trên, khi xem lý thuyết hành động xã hội là một phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn chúng ta có thể nhậ thấy thực tế việc ứng dụng trong luận giải một số nội dung sau.
Thứ nhất, lý thuyết hành động xã hội vận dụng trong việc lý giải động cơ của các hành động con người. Nói cụ thể hơn, trong những nghiên cứu về hành động con người, khi muốn hiểu được tại sao cá nhân, nhóm đó lại hành động như vậy, có lẽ không có lý thuyết nào có sức mạnh như lý thuyết hành động xã hội. Lý thuyết hành động xã hội không chỉ cung cấp những động cơ cá nhân bên trong cá nhân mà còn luận giải sự ảnh hưởng của các yếu tố xã hội như: hệ thống giá trị, chuẩn mực, tín ngưỡng, giới tính, giai tầng, chủng tộc và thậm chí là bối cảnh bên ngoài tác động đến hành động đó. Trong các chủ đề của khoa học xã hội và nhân văn luôn xem con người và hành vi con người là đối tượng trung tâm trong nghiên cứu của mình. Những hành động như: bầu cử, hành vi kinh tế, hành vi lựa chọn bạn đời, hành vi tự tử… không chỉ xem xét ở góc độ cá nhân mà cần tính đến sự tác động của những nhân tố bên ngoài.
Thứ hai, bên cạnh lý giải động cơ, lý thuyết hành động xã hội còn rất hữu dụng và cần thiết nhằm tìm hiểu, đánh giá những mục đích hay tác động của những hành động đó đến chính cá nhân và xã hội. Khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội những hành động mà cá nhân đó thực hiện không chỉ ảnh hưởng đến bản thân anh ta mà còn có tác động đến một nhóm tổ chức hay xã hội tổng thể. Điều này trong tâm lý xã hội có thể thấy rõ nhất khi tâm lý đám đông rất phổ biến khi nó được cộng hưởng thông qua cơ chế lây lan.
Thứ ba, các lý thuyết xã hội vốn dĩ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau bởi chúng có chung một đối tượng rộng lớn là con người, mối quan hệ và xã hội. Chính vì thế dù nhà nghiên cứu đứng trên đôi chân của lý thuyết nào thì cũng cần đến những cách tiếp cận của các lý thuyết khác. Lý thuyết hành động xã hội cũng như vậy, cách nhìn về hành động của con người muốn đạt đến sự xác thực và có sức mạnh cần phải đặt trong sự phối hợp với quan điểm chức năng, tương tác, cấu trúc. Bên cạnh sự phối hợp đó thì lý thuyết hành động xã hội cũng trợ giúp và bổ sung cho cả những lý giải hành vi có bằng chứng sâu rộng, đồng thời giúp lý giải vĩ mô không quá trừu tượng và chung chung.
Những đóng góp đó của lý thuyết hành động xã hội một lần nữa cho thấy đây là một trong những phương pháp luận có và trò quan trọng hàng đầu không chỉ trong xã hội học mà còn trong các khoa học xã hội nhân văn khác nhất là trong bối cảnh phúc hợp hóa tri thức đang được đề cao như hiên nay.
Kết luận
Hành động xã hội vừa là một lý thuyết xã hội học, vừa là một phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhăn văn. Có nguồn gốc từ phương Tây, lý thuyết này không chỉ hướng tới lý giải hành vi cá nhân mà mở rộng mối quan tâm đến sự tương tác của các yếu tố xã hội đến động cơ và mực đích hành động cá nhân và nhóm. Khi vận dụng lý thuyết này, các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn khác nhau có cái nhìn biện chứng, sự tương tác qua lại như thế nào trong đối tượng nghiên cứu chính yếu nhất là con người và xã hội. Từ khi ra đời đến này lý thuyết hành động xã hội không ngừng được bổ sung làm rõ trong các công trình nghiên cứu thực nghiệm, chính điều này đã làm cho sức mạnh của phương pháp luận này ngày càng được củng cố.
Tuy nhiên, trong thực tế nghiên cứu thì lý thuyết hành động xã hội cũng gặp phải những phê phán. Những nhà cấu trúc luận cho rằng lý thuyết hành động xã hội cũng rơi vào “cái bẫy vi mô” khi chỉ lý giải được những vấn đề nhỏ lẻ rời rạc của con người mà không cho thấy được cấu trúc và quy luật của xã hội. Trong khi đó những nhà hành vi luận lại phê phán lý thuyết hành động xã hội là một học thuyết “nủa vời” khi không hẳn thuộc về hành vi cũng không hẳn thuộc về xã hội. Những phê phán đó cũng là bình thường, bởi lẽ mỗi người cũng đều có cái nhìn riêng trên cơ sở chỗ đứng của mình.
Thay cho lời kết tác giả xin dẫn lại một nhận định của tác giả Bùi Thế Cường “Xã hội Việt Nam đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Nếu so sánh với khu vực và thế giới, khó có thể dự đoán rằng, với nhiều cách thức mà ta làm trong 15 năm qua, thì có thể khắc phục được sự tụt hậu của mình hay không. Do đó, việc nhấn mạnh vào chủ thể hành động như trong xã hội học hành động là rất quan trọng đối với người Việt Nam. Bởi vì ta đang cần thoát khỏi sự câu thúc của các "định luật" cấu trúc - tiến hóa gồm cả sự câu thúc của những tri thức phụ thuộc vào chúng, thay vào đó là chủ động tổ chức nên những cấu trúc - chức năng hiện tại của thời đại, thông qua chủ thuyết nhấn mạnh vào hành động xã hội”.


Tài liệu tham khảo

1.      Bùi Thế Cường (chủ biên). 2010. Phương pháp nghiên cứu xã hội và lịch sử. Nxb. Từ điển bách khoa.
2.      Bùi Thế Cường. 2008. Các lý thuyết về hành động xã hội. Tạp chí khoa học xã hội.
3.      Vũ Cao Đàm.2005. Phương pháp luận nghiên cứu khoa học.. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà nội (In lần thứ 12).
4.      Ngọc Hùng. 2009. Lịch sử và lý thuyết xã hội học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
5.      Ngô Đình Xây. 2011. Bài giảng phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội. Học viện Khoa học xã hội.

9 nhận xét:

  1. Chuc thay 20/11vui ve va hanh phuc với cô !
    Em đi làm rồi, nhưng vẫn hay đọc bài thầy đăng lắm. Em cũng muốn làm một thầy giáo như thầy nhưng có lẻ em không có cái "duyên" đó. Em Tặng

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn tác giả. Chúc tác gia luôn có những bài viết giá trị. Trân trọng

    Trả lờiXóa
  3. bác nông ơi cho con hỏi, con có đọc qua 1 tài liệu về "lý thuyết hành động" nguyên văn là "théorie de l'activité" của Vygotski, 1985. tình hình là vì tiếng Pháp con ko rành mấy nên phải tìm tài liệu tiếng Việt để đọc lại. Ko biết giữa lý thuyết trên và lí thuyết bác vừa trình bày có liên quan gì đến nhau ko vậy?

    Trả lờiXóa
  4. Cám on sự quan tâm của bạn. Theo Lão nông được biết thì Vygotski là nhà tâm lý học. Lão nông tim hiểu truyền thống hành động xã hội trong xã hội học. Nhưng chính lý thuyết hành động xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến các nhà xã hội học hiện đại nên cũng phân nào liên quan đến nhau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chú ơi.. cho chú có thể cho cháu một ví dụ về thuyết hành động và phân tích tóm tắt qua cháu hiểu sâu sắc hơn tí được không ạ ? cháu cảm ơn

      Xóa
  5. Ví dụ: khi chúng ta bị té ngã đau dẫn đến khóc thì đó là hành vi. Nhưng nếu khóc trong trường hợp thương nhớ người thân mất đi thì là hành động xã hội. Có nghĩa là tiếng khóc hàm chứa ý nghĩa xã hội chứ không đơn thuần là hành vi mang tính vật lý nữa. trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều hành động trong đó hàm chứa ý nghĩa và giá trị mang tính xã hội sâu sắc và nói như Weber xã hội học có nhiệm vụ lý giải chúng

    Trả lờiXóa
  6. chú ơi chú cho con hỏi herbert blumer có quan điểm gì về hành động xã hội không? Và với vấn đề ruộng đất thì lý giải hành động xã hội trong vấn đề này như thế nào a?

    Trả lờiXóa
  7. Chào Thầy. Tôi đang nghiên cứu khoa học xã hội hành vi những tôi còn chưa hiểu một số vấn đề về lí luận tôi có thể trao đổi với thầy được không ah? Cảm ơn thầy

    Trả lờiXóa
  8. thầy ơi, cho em hỏi, giữa thuyết HĐXH của Weber và thuyết HĐXH của E.Durkheim, có gì khác nhau không thầy? và giữa 2 nhà xã hội học đó, ai là người tiến bộ hơn khi nghieen cứu về thuyết này.
    Em cám ơn Thầy!

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.