7 tháng 7, 2011

XÃ HỘI HỌC CHIẾN TRANH

Ghi chép từ một công trình
nghiên cứu xã hội học Nga
 
-Vương Trí Nhàn-
                                 Nếu đọc bài viết Bối cảnh lịch sử Việt nam giai đoạn 1558-1802 tập san Nghiên cứu Huế tập VII, NXB Thuận Hóa 2010, ở tr 93-95, người ta sẽ  thấy nhà sử học Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết :
             “Họ Nguyễn trong lãnh thổ Đàng Trong từng dùng chính sách táo bạo” biến hết dân làm binh”.
“Một tu viện trưởng là Choisy, đến Đàng Trong vào năm 1656 nhận xét “Người Đàng Trong chỉ sống với chiến tranh.”


“Thích Đại Sán, một nhà sư Trung quốc cũng có mặt thời ấy thì ghi nhận là trong nước[ Đàng Trong] , hay bàn việc võ bị, chẳng chuộng văn đức’.
 “Ông này còn kể “ hỏi chuyện biết rằng trong nước trăm thứ thợ  đều do quân nhơn làm. Mỗi năm vào khoảng tháng ba tháng tư quân nhơn đi các làng, bắt dân từ 16 trở lên,  những người thân thể cường tráng, đóng gông lại bằng một cái gông tre, hình như cái thang, nhưng hẹp hơn, để giải về phủ sung quân; vào quân đội rồi mỗi người bắt chuyên học một nghề ...có chiến tranh đem ra đánh giặc,  lúc vô sự ở theo vương phủ làm xâu ... Những dân còn lại ở nhà toàn gầy yếu tàn tật chẳng có mấy người mạnh mẽ “.
Cả Đàng Ngoài thời ấy cũng được tổ chức để sẵn sàng chinh chiến. Nhiều tài liệu của các giáo sĩ phương Tây gọi các chúa Trịnh là các tướng quân, các đại nguyên súy...
 Nhưng đó không phải là đặc điểm riêng của thế kỷ XVII - XVIII . Mà trên nét lớn,  phải nhận là tình hình chung của dân mình xứ sở mình quốc gia mình kéo dài suốt cả  trường kỳ lịch sử . Có cảm tưởng như trong quá khứ, trong phần lớn thời gian tồn tại,  cộng đồng chúng ta sống như một đạo quân hơn là một xã hội bình thường. Hoặc đó là một xã hội quân sự hóa hơn là xã hội dân sự.
 Muốn hiểu một quá khứ như thế,  người nghiên cứu phải đi vào tìm hiểu tác động của chiến tranh tới cách tổ chức xã hội cũng như sự hình thành cá nhân nói chung.
 Nhưng ở ta hướng nghiên cứu này gần như chưa được triển khai. Trên đường tìm tới  một cái nhìn khái quát,  chúng ta không thể không bảo nhau cầu viện sự trợ giúp của sách vở nước ngoài, nhất là thành tựu của các ngành khoa học xã hội hiện đại.
Sau đây là một tài liệu tiếng Nga tôi đã tìm được và tạm ghi chép lại ( chứ  không phải là bản lược thuật chính xác cuốn sách đã đọc ).

Xã hội học chiến tranh
      Bản tiếng Nga của  V.V. Serebryannikov
Tác giả sách là giáo sư tiến sĩ khoa học triết học .
Sách nằm trong chương trình nghiên cứu của  Viện nghiên cứu xã hội chính trị  Viện hàn lâm khoa học Nga  và Trung tâm xã hội học các vấn đề an ninh quốc gia
Nhà xuất bản Thế giới khoa học , Moskva, 1977
            
Chương III
Chiến tranh và xã hội.
Tác động chiến tranh tới xã hội
Chiến tranh khá hào hiệp trong việc “chặt phá” “đốn ngã”  những người mạnh khoẻ, tài năng đương sức. Số phần trăm người xuất sắc có tài có đạo lý mà chết lớn hơn nhiều so với số phần trăm những kẻ bình thường.
Điều này khiến cho sau chiến tranh, tiềm năng sáng tạo của xã hội bị hạ thấp. (Theo P.Sorokin Tình trạng hiện thời của nước Nga Novyi Mir 1992 số 4-5 )
Đầu chiến tranh vệ quốc, tất cả nam giới ở các trường cao đẳng đi lính. Số này chết với tỷ lệ cao, gấp 6-7 lần người thường.
P. Sorokin kết luận, tất cả các cuộc chiến tranh và cách mạng đều là công cụ chọn lọc có tính chất tiêu cực trước hết với những yếu tố tốt đẹp trong cư dân.
[tr 90] Chiến tranh đưa đám đông trở lại tình trạng dã man, làm tan rã đời sống tinh thần, làm họ hung bạo như thú dữ, làm họ hoang dã như các giống vật chưa thuần hoá. Cùng với chiến tranh là sự phổ biến của bạo lực, sự phi nhân hoá, sự thụt lùi, tan vỡ các giá trị cuộc sống. Các cuộc chiến tranh lớn là nhân tố làm thoái hoá con người.
Trong chiến tranh các dân tộc trở nên phân hoá, người theo ta, người theo địch, người đi du kích, người trốn tránh. Làm cho con người trở nên giống nhau, làm cho dân tộc tự tách biệt khỏi thế giới.  Chỉ với các xã hội theo mô hình chủng tộc -- những dạng xã hội không có cá nhân và, nói cho chính xác ra là  chưa hình thành  V.T.N.--  chiến tranh mới là nhân tố khiến nó trở nên gắn kết.
[tr 94] Chiến tranh phục vụ lớp người có quyền. Còn những nhà văn hoá, nhà khoa học thì đóng vai “chiến đấu” – “ca ngợi” - theo đơn đặt hàng của lớp người có quyền đó.
Chiến tranh làm cho những người thuộc loại dân đen song liều lĩnh táo gan – nói một cách sang trọng là có tinh thần dũng cảm, thông minh --  sớm được đứng vào hàng ngũ quý tộc quân sự và chuẩn bị bước vào giai tầng lãnh đạo.
          Chớ nên dừng lại ở những cuộc chiến tranh lớn. Chính những cuộc chiến tranh nhỏ cũng làm mòn sức lực con người.
          Các dân tộc quen chiến tranh cũng sinh thói quen dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội.

[Tr 95] Chiến tranh là một hiện tượng chém giết tự phát  ….
Từ thời cổ, chiến tranh tạo ra sự vận động xã hội. Tính chất tiến bộ của chiến tranh là thuộc về quá khứ. Trong xã hội hiện đại, người ta không tìm thấy ở đây một cái gì tương tự;  ngược lại, người ta chỉ thấy kinh tởm và xa lạ.
Với chiến tranh, người ta đánh mất mình. Họ không còn khả năng chịu đựng sức ép nặng nề của nó, không còn khả năng bình phục trước mọi đòn đánh của nó.
 Trong lúc các nhà quân sự hay nghĩ tới đại chiến thế giới (!), thì thật ra cả những cuộc chiến tranh nhỏ cũng không phải là không tránh khỏi.
 Giờ đây, người ta thường coi nó chẳng qua chỉ là kết quả của những lựa chọn sai lầm tuỳ tiện của các nhà chính trị, khi những người này suy nghĩ bằng những phạm trù của các thế kỷ cũ.
Mang lên mà cân tính thì thấy:
1. Chiến tranh hại nhiều hơn lợi.
2. Số cuộc chiến tranh “thúc đẩy tiến bộ” chỉ là một số nhỏ trong lịch sử.
3. Phạm trù “tính tiến bộ” không áp dụng được với những cuộc chiến tranh hiện đại (thời khoa học kỹ thuật)
Vũ khí hiện đại biến chiến tranh thành một hiện tượng bùng phát của huỷ diệt.
Riêng về các cuộc nội chiến:
- Vật hy sinh ở đây là dân thường
- Sau chiến tranh, họ rất khó chuyển sang đời sống lao động bình thường
 Nẩy sinh nội chiến khi có thay đổi ghê gớm trong hệ thống giá trị của xã hội. Với nhóm xã hội này, hệ thống ấy là bắt buộc; với nhóm khác lại không thể chịu được.
Chương VII Con người và chiến tranh
[tr 224] Chiến tranh bộc lộ tài thao lược, sáng kiến. Chiến tranh cho thấy một chiều sâu và cả quy mô của sự suy nghĩ. Tạo nên sự dũng cảm, hy sinh, sự cứu giúp lẫn nhau.
Đồng thời trong con người có sẵn yếu tố muốn chiếm đoạt, gây gổ, chém giết. Chiến tranh đẩy nhanh những cái đó.
[tr 227]  Dẫn lại P. Sorokin “Trong chiến tranh, tầng lớp tinh hoa và cả những người theo quan niệm dân gian là “người tốt”,  thường dễ chết, do đó chết nhiều hơn; bọn tội phạm, cầu an, lưu manh làm bậy... dễ sống sót hơn.
Trong từng con người, những yếu tố tiêu cực ấy cũng chiến thắng luôn phần tốt đẹp. Chiến tranh làm nghèo đi các quỹ “gien” của nhân loại”
Sorokin cho chiến tranh giống với người làm vườn phá bỏ thứ rau lành nhưng để lại cỏ dại, và hơn thế làm cỏ dại nhân lên nhiều lần.
 Với việc cổ động cho việc giết người hàng loạt, chiến tranh làm mất giá bản thân đời sống.

Từ đây người ta hiểu tại sao những kẻ chủ trương chiến tranh thường cổ động cho sự sùng bái khuynh hướng tội ác. Khắc nghiệt tàn bạo; khát máu; sẵn sàng tàn phá các giá trị vật chất và tinh thần. Kể cả thói quen cướp bóc cũng được dung túng.
Sau chiến tranh, nhân loại trở nên kém cỏi tồi tàn đi về mọi phương diện, đặc biệt về đạo đức.
Chiến tranh ảnh hưởng tới sinh lý con người. Ảnh hưởng tới việc xã hội hoá con người.
Đám đông tha hóa
[Tr 229] Với K. Clausevítz, chiến tranh là một loại hoạt động chung sống của con người. Người ta thấy nó  ở mọi thời đại mọi cộng đồng.
Chiến tranh có tác dụng tới việc lựa chọn xã hội chọn lọc .
Nhưng chiến tranh càng phát triển, vai trò này càng giảm thiểu và nó trở thành một cái gì có thể tiêu diệt cả nhân loại.
 Tác dụng tiêu cực bộc lộ theo nhiều hướng. Nó làm tha hoá đám đông, làm họ xa rời lao động xây dựng và sáng tạo, làm cho phần lớn cư dân rơi vào chết chóc, thương tật.
Tăng tổng số người chết, hạn chế số sinh đẻ. Hạn chế tự do. Làm xấu đi điều kiện xã hội hoá con người cũng tức là những điều kiện để phát triển và bộc lộ tài năng sáng tạo.
[tr 233] Chiến tranh càng phi nghĩa - phi lý, thì sự suy thoái càng rõ.
Tình trạng thoái hoá xảy ra ở những kẻ điên cuồng, “anh hùng hoá“ trong chiến tranh. Đạo lý chỉ còn ở những người có ý thức từ bỏ nó, chống lại nó, lên án kẻ chủ trương nó.
[ tr 234] Trong chiến tranh người ta không thể thắng nếu không hình thành nối trong đội quân mình, giữa các đồng đội của mình, lòng căm thù với quân địch.[Rồi lòng căm thù ấy không rời bỏ họ nữa.]
[tr 235] Các chế độ quyền uy không quan tâm tới việc biến nhân dân thành chủ thể mà chỉ là muốn kiểm soát và chỉ huy họ.
Nỗi sợ

 [tr 236] Theo N. Golovin,  có hai hướng nghiên cứu quá trình chiến tranh. Nghiên cứu bề ngoài -- các chiến dịch, trận đánh. Và nghiên cứu phía bên trong. Sự thể nghiệm của con người --  bằng máu thịt của mình --  những cảm giác tình trạng đạo đức. Đó là nội dung chủ yếu của việc nghiên cứu về con người trong chiến tranh.
[tr 239]  Cần nghiên cứu sự tiến hoá trong tính tích cực chiến đấu của chiến sĩ, những yếu tố phát triển sáng kiến sự sáng tạo để đạt tới thắng lợi. Tuỳ theo con người mà các hành động trong chiến tranh có thể thế này có thể thế khác.
Lại cần nghiên cứu về nỗi sợ. Người nào cũng có ám ảnh.
[tr 243.]75% những người tham gia chiến tranh tự nhận dù đã được học hỏi, quen với các vấn đề kỹ thuật có tinh thần kỷ luật… song vẫn tỏ ra tiêu cực “lúng túng, hèn, ngại khi vào cuộc, trước tiên là vì mặc cảm yếu kém, cảm thấy mình không là gì cả, lo âu, sợ hãi”
Quân đội Liên xô có thời gian chạy dài từ  28-6 tới 24-7 1942. Một cuộc rút chạy kinh khủng. Trong gần một tháng, rút 400km. Một ngày một đêm đi 15 km.
28-7-1942 có một lệnh đặc biệt của Stalin. Cấm không được quay ngược. Chỉ huy có quyền bắn. Lệnh này hết sức tàn nhẫn, nhưng không có quy định như vậy, không có chiến thắng Stalingrad. Qua đây ta hiểu cái gì đã giúp con người vượt qua nỗi sợ.
Nhiều thống kê cho thấy độ co dãn của người chiến binh Nga rất cao và các nhà chỉ huy đã khai thác nó triệt để.
Chủ nghĩa anh hùng và thời hiện đại
[tr 254] Hiện nay, nhiều người nói về sự phi anh hùng hoá tức sự sụp đổ của chủ nghĩa anh hùng. Nguyên do = cách mạng khoa học kỹ thuật biến người lính thành cái máy.
Hết  chủ nghĩa anh hùng = hết những người lãng mạn.
Chủ nghĩa anh hùng liên quan đến vị trí mang tính không gian của người lính trong chiến đấu. Nó cần khi đánh nhau giáp lá cà, gươm dáo, đánh nhau bằng súng nhỏ và không thật cần, chẳng hạn, khi đánh nhau bằng pháo binh (lúc ấy không nhìn thấy nhau). Khoảng cách vũ khí càng xa càng ít yêu cầu dũng cảm mà chỉ cần thực hiện đúng mệnh lệnh.
Đúng hơn, lúc này cần một thứ chủ nghĩa anh hùng trí thức tức sự dũng cảm trong việc thực hiện những quyết định.
Thời chiến tranh các đơn vị thông tin kỹ thuật  không có anh hùng.
Theo: http://vuongtrinhan.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.