7 tháng 4, 2012

Văn Hóa Mạng


Thời đại hiện nay là thời đại của thông tin, khó mà hình dung được thế giới ra sao khi không còn internet. Chính mạng lưới internet toàn cầu đã tạo ra một Thế giới phẳng. Nhưng bất cứ cái gì cũng đều tồn tại với hai mặt song hành. Văn hóa mạng ở Việt Nam còn có nhiều điều cần phải suy ngẫm.


Tuy nhiên để hiểu văn hóa mạng với những mặt tích cực và tiêu cực của nó chúng ta cần hiểu là văn hóa không chỉ là việc giao lưu giữa các nền văn hóa cũng như sự tương tác qua lại của văn hóa các nước các khu vực mà văn hóa còn thể hiện qua hoạt động tương tác giữa các thành viên trong xã hội.

Nếu nói một cách chung nhất thì internet đã làm một nhiệm vụ kỳ diệu, đó là hội nhập các nền văn minh. Còn nhớ, trong lịch sử nhân loại các nền văn minh cô biệt nhau đến hàng thế kỷ; và, chỉ sau những cuộc chinh phạt đẫm máu thì các nền văn minh mới “ va chạm” nhau. Còn bây giờ, chỉ trong tích tắc con người có thể phiêu lưu, khám phá bất cứ nơi nào... Vì vậy, điều đầu tiên mà internet mang lại cho chúng ta chính là tri thức về mọi mặt, mạng lưới toàn cầu hóa đã biến những thành tựu về kinh tế, văn hóa, khoa học...của một cá nhân, một quốc gia trở thành tài sản chung của nhân loại. Nhờ thế mà chúng ta có thể ứng dụng nhanh nhất những kỹ thuật tiên tiến nhất. Bất cứ trong lĩnh vực nào con người cũng có thể tiếp thu học hỏi những điều mới hoặc dựa trên những thành công ( có khi cả thất bại) của người khác để tạo dựng cho mình một hướng đi phù hợp. Ứng với mỗi lĩnh vực, với mỗi giai tầng và với mỗi lứa tuổi thì internet mang đến những lợi ích khác nhau.

Riêng lĩnh vực văn hóa, internet trở thành một lễ hội đa sắc diện, đa dân tộc...Việc tìm hiểu một đất nước quả là dễ dàng. Qua những trang giới thiệu trên mạng, chúng ta có thể hiểu được phần nào tâm tính, bản sắc, phẩm chất...của một dân tộc bởi những di sản vật thể và phi vật thể được đăng tải, giới thiệu...Nhờ internet thế giới đã biết đến Việt Nam qua những trang giới thiệu về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán hay có khi chỉ giản dị là những món ăn dân dã, độc đáo...Hiện nay xuất hiện những trang web của từng địa phương, thành phố giới thiệu khá cụ thể về quê hương mình. Có lẽ chính người Việt chúng ta cũng được thêm nhiều hiểu biết khi khám phá những trang web đó. Bên cạnh việc quảng bá về xứ sở địa danh, chúng ta còn thấy xuất hiện một số sân chơi lý thú khác như các câu lạc bộ về âm nhạc, hội họa, điện ảnh...Đây chính là cơ hội để mọi người giao lưu, học hỏi hoặc chia sẻ vốn kiến thức của mình, nhờ đó tri thức văn hóa được nâng cao.

Cũng nhờ có cuộc tiếp xúc thường xuyên như hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa các nền văn hóa và có thể tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc. Nhưng khi nhận ra sự khác biệt lại dễ tạo ra nguy cơ đánh mất chính mình.

Internet còn tạo ra một hoạt động giữa các thành viên trong xã hội khá hiệu quả. Thứ nhất, chiều cạnh giao tiếp, đối thoại...thì chưa bao giờ cuộc chuyện trò giữa con người với con người lại cởi mở như hiện nay. Khoảng cách về địa vị, tuổi tác, học vấn, ngành nghề, dân tộc...không còn nữa. Cá nhân có thể bày tỏ chính kiến, tình cảm, suy nghĩ của bản thân tự do. Thứ hai, chiều cạnh dư luận thì internet ít nhiều đã góp phần tạo nên một ảnh hưởng nhất định đến đời sống chính trị, văn hóa các nước. Cụ thể là một quyết định của chính quyền, nhà nước có thể bị thay đổi khi nắm bắt được sự phản hồi của dư luận.

Tuy nhiên, với nhiều bài viết và các phóng sự trong thời gian qua cũng như thực tế của nhiều chuyến lang thang trên mạng thì vấn đề mà chúng tôi muốn đề cập đến là : đối với nước ta hiện nay thì văn hóa mạng có tác động tiêu cực rất lớn.

Thực trạng đó được thể hiện qua những vấn đề sau : bản sắc dân tộc, quyền cá nhân, quan niệm sống và các giá trị văn hóa. Thứ nhất, bản sắc dân tộc là vấn đề quan trọng mang tính sống còn cho vẻ đẹp của một quốc gia. Thế nhưng, cái màu dân tộc ấy cứ từng ngày từng giờ phai đi bởi các luồng mưa Âu, gió Mỹ. Các yếu tố tạo nên giá trị văn hóa của dân tộc ta như phong tục, tập quán, quan niệm thẩm mỹ... cứ Âu hóa dần. Điều tưởng chừng đơn giản nhất, phổ biến nhất và cũng dễ thấy nhất là ngôn ngữ. Nếu nhìn quảng cáo thì phải đến 50 phần trăm là tiếng nước ngoài, chưa kể hiện nay xuất hiện sự viết tắt các kiểu gây tò mò cho người đọc, người xem. Giao tiếp hàng ngày thì việc thêm vào một thứ ngôn ngữ khác là một cái mốt thời thượng; xin nói rộng thêm một chút là ngay cả trong âm nhạc mà tiếng nước ngoài vẫn được chen ngang kia mà! Chúng ta thử vào blog đọc vài trang sẽ thấy ngay hiện tượng trên. Từ việc ảnh hưởng các thần tượng trên internet nên ra đường đập vào mắt chúng ta là biết bao nhiêu các kiểu ăn mặc, đầu tóc chạy theo các sao của tầng lớp thanh thiếu niên lạ lùng đến quái dị. Quan niệm thẩm mỹ của mỗi dân tộc thể hiện nét đẹp riêng của dân tộc đó, thế nhưng hiện nay một số bạn trẻ thay đổi cách nhìn cách cảm, theo chuẩn mực Tây. Vậy mới có chuyện những cô gái có bộ ngực “quá khổ” cứ thi nhau chụp ảnh tung lên mạng để trở thành hotgirl. Và, tất cả những gì với người phương Đông là kín đáo nhất cũng hở tuốt tuồn tuột. Điều này xuất phát từ một quan niệm cho rằng nếu không Tây hóa thì không gọi là sành điệu được. Những hiện tượng như Thủy Top không phải nhiều và cũng không phải từ một vài hiện tượng cá biệt chúng ta khái quát thành một vấn đề xã hội được. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là số đông thanh niên lại quan tâm và nghiêng về đồng tình. Điều này tương tự như trong văn học xuất hiện loại văn thơ khai thác triệt để quan hệ giới tính. Hiện nay có  nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được dịch ra tiếng Việt của những tác giả nổi tiếng thế giới cũng chỉ nói về chuyện đó....song cái bi đát là nhiều tác phẩm quá tầm bạn đọc bởi họ chỉ hiểu đủ một tầng nghĩa cụ thể nhất mà văn bản biểu đạt. Từ đó, nhiều nhà văn cũng học tập và người không viết văn thì học tập theo kiểu khác.Ở đây nhiều khi ranh giới giữa bản sắc và bảo thủ, lạ hóa hay tha hóa thật khó phân định. Bởi nhìn ở mỗi góc cạnh thì ta sẽ có một quan niệm khác. Có thể khái quát rằng : sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa đã đặt nền văn hóa của một dân tộc trong thử thách, bản lĩnh dân tộc sẽ quyết định sự sống còn của nền văn hóa đó.

Thứ hai, về quyền cá nhân. Không thể phủ nhận quyền tự do cá nhân trong thời đại ngày nay được tôn trọng và đề cao. Nhưng, cũng chính vì tự do quá nên giới hạn bỗng trở thành một khái niệm xa vời. Ta bắt gặp trên mạng những phát ngôn vô tội vạ, những nhóm thơ tình dục thô . Song điều đáng buồn hơn cả là ngay tầng lớp được gọi là trí thức trong học thuật cũng tha hồ thóa mạ nhau, bêu dếu nhau bằng nhiều lời lẽ cay độc và cả những chứng cứ quy kết không rõ ràng.Trong việc chỉ trích nhau  nếu không hạ bệ nhau được về học thuật thì lại lôi chuyện đời tư bàn bạc cho bõ ghét. Vô hình trung, mạng từ một sân chơi trở thành sàn đấu quyền anh. Một vấn đề bức xúc hơn khi nói về quyền cá nhân là những gì riêng tư nhất lại bị phơi bày giữa cộng đồng. Đặc biệt những người nổi tiếng. Dường như những người của công chúng luôn luôn phải cảnh giác, đối phó chỉ sợ chút hớ hênh, nhầm lẫn nào đó. Một câu nói chưa kịp phát ngôn trọn vẹn và chưa kịp cải chính cho rõ thì cả thiên hạ biết rồi; một Paris Hiton, Brad Pit hay Chương Tử Di...chưa kịp kéo váy thì chỉ trong tích tắc cả thế giới đã được chiêm ngưỡng từ trong ra ngoài...Từ những vấn đề trên ta nhận ra cỗ máy khổng lồ internet đã tạo ra một nghich lý, đó là : Thế giới của văn hóa nhưng lại thể hiện sự vô văn hóa, nơi bộc lộ rõ nhất tự do cá nhân lại chính là nơi cá nhân mất tự do.

Vấn đề thứ ba là quan niệm sống và lối sống. Một thực tế là đối tượng sử dụng internet nhiều nhất là tầng lớp thanh thiếu niên; vì vậy, việc hình thành nhân cách cũng như quan niệm sống có ý nghĩa rất quan trọng. Thông tin trên mạng rất đa dạng, có nhiều vấn đề bổ ích, song như một lẽ thường tình của con người thì cái xấu bao giờ cũng tiếp thu nhanh hơn cái tốt cộng thêm trí tò mò vốn có của loài người nên các đối tượng trên thường bị ảnh hưởng quan niệm, lối sống ngoại nhập. Bước đầu chỉ biểu hiện bằng thái độ ích kỷ, ham hưởng thụ, mê vật chất...Cũng chỉ vì chạy theo mốt áo quần, điện thoại mà không ít em từ những đứa con ngoan biến thành kẻ chỉ biết vòi tiền cha mẹ rồi tiếp đến là ăn cắp, lừa đảo. Mức độ thứ hai là sự tha hóa về nhân cách; cụ thể là khi các em muốn khẳng định bản thân hay thể hiện bản thân  thì các em nữ lại chọn cách tai tiếng để trở nên nổi tiếng, các em nam chọn cách sống bạo lực để trở thành anh hùng. Đó là nói về lực lượng chủ yếu sử dụng internet, còn lực lượng khá đông đảo nữa sử dụng mạng là tầng lớp trung niên. Đối với thành phần này có thể chia làm hai kiểu. Kiểu thứ nhất là tìm niềm vui qua các trang kết nối bạn bè hay chat...với loại này rất dễ rơi vào tình trạng ảo. Ảo nhiều thứ như tình yêu ảo, nhìn thế giới ảo và có khi nhìn chính bản thân cũng ảo luôn. Loại thứ hai thì chỉ chăm chăm tìm thú vui, với các quý cô thì những vụ bê bối, tin giật gân; còn các quý ông thì xem phim sex. Theo thời sự tối ngày 1 tháng 7 năm 2009 có đưa tin ở Trung Quốc thống kê có 298 triệu người sử dụng internet và trong đó 70 phần trăm xem phim sex. Vậy có thể thấy rằng từ quan niệm sống ích kỷ, vọng ngoại đã tạo ra lối sống buông thả, ham hưởng thụ. Chúng ta làm sao lên án các em về tư tưởng đó khi tất cả những gì các em thấy, các em nghe, các em hiểu là bao giờ Tây cũng tốt hơn Ta từ vật dụng hàng ngày đến thức ăn rồi phim ảnh, sách báo ...và sau đó bắt chước còn hơn cả họ. Chính vì thế internet đã làm thay đổi lối sống của nhiều người, hoặc là chìm vào thế giới ảo hai là sống tự do, vị kỷ, biến chất.

Vấn đề thứ tư là cách nhìn nhận các giá trị. Ông cha ta từ xưa đã đúc kết tâm lý của con người trong nhiều câu tục ngữ như : Bụt nhà mất thiêng hay Gần chùa gọi bụt bằng anh. Điều đó có nghĩa là con người luôn nhìn những gì quen thuộc sẽ không còn giá trị và thích thú nữa. Bên cạnh đó có khi  chính những gì chúng ta có chúng ta không hiểu hết giá trị của nó.Việc thay đổi cách sống, cách nghĩ và cả phong tục, tập quán là minh chứng rõ ràng nhất việc hoán đổi các giá trị. Cụ thể là trong lĩnh vực âm nhạc chúng ta thấy rất rõ các đối tượng có mối quan tâm khác nhau. Nếu là hát cải lương, chầu văn, chèo thì người thưởng thức chỉ toàn ông già, bà lão; tuổi trung niên thì thích nhạc tiền chiến; còn lớp trẻ thì mê say nhạc rook, hip – hop...Tất nhiên mỗi lứa tuổi sẽ có một cách thưởng thức và sở thích khác nhau. Nhưng điều này cũng có nghĩa là những giá trị tinh thần mang đậm bản sắc dân tộc sẽ bị mai một và chẳng bao lâu sẽ được xếp trong viện bảo tàng, có được thế giới công nhận thì cũng như là một chiếc huân chương treo trong tủ kính. Còn trong tín ngưỡng thì vấn đề này khá phức tạp. Cụ thể là cuộc chiến giữa tôn giáo và nhà nước hết sức gay cấn, một số thành phần tôn giáo biến tín ngưỡng thành chính trị nên lấy tôn giáo làm lá chắn và điểm tựa cho mưu đồ của mình. Còn đại đa số vô thần thì lại không hiểu rõ và biến thể tín ngưỡng. Chưa bao giờ lễ hội ở nước ta lại nhiều và đông như hiện nay; song, một là lễ hội chỉ là nơi vui chơi, giải trí, hai là lễ hội chỉ là cách trục lợi. Ví như, đến với lễ chùa, nếu hiểu chút ít về Phật giáo thì khi đến cửa Phật là khi con người muốn tìm được sự thanh thản trong tâm, rũ bớt phiền lụy của cõi trần; thế nhưng, như là một nghịch lý là đáng lẽ đến chùa để tiêu trừ tham, sân si... hay gọi là diệt dục( từ bỏ mọi ham muốn) thì đại đa số những người lễ chùa chỉ nhằm bộc lộ ham muốn, những ước muốn có khi rất nhỏ bé, bình thường như buôn may bán đắt hay no đủ, giàu có...Vậy nên, nhìn mọi người nô nức đi lễ hội chúng ta đừng lầm tưởng văn hóa dân tộc lên ngôi hay cứ tổ chức nhiều lễ hội là cách duy trì bản sắc dân tộc.

Cần nêu cụ thể và khái quát nguyên nhân của thực trạng trên đó là : dân trí của nước ta còn thấp. Điều này do quá trình giáo dục của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết. Thứ nhất, trong gia đình: cơ chế thị trường đã khiến cho cha mẹ phải cật lực kiếm tiền lo cho cuộc sống nên giáo dục con cái chỉ giao cho nhà trường là chính. Thứ hai, trong nhà trường  thời gian trước đây khi nói về đất nước ta các bộ môn xã hội chỉ xoay quanh tinh thần dân tộc và lịch sử chống ngoại xâm vẻ vang; đến khi chiến tranh đã lùi xa chúng ta rơi vào khoảng trống, chưa kịp khôi phục lại các giá trị truyền thống thì đã được hội nhập. Và không thể nói một thực tế là do ảnh hưởng lâu dài một số nước lớn nên có lúc chúng ta đã đồng nhất văn minh và văn hóa. Chúng ta chưa có được tự tin, tình yêu đối với những nét riêng biệt, độc đáo của dân tộc. Mà tình yêu và niềm tự hào bao giờ cũng phải vun trồng trong một thời gian dài. Điều này có nghĩa là chúng ta chưa tạo một nền tảng văn hóa vững chắc trong cộng đồng đã phải đụng độ với các nền văn hóa khác.

Việc tha hóa đạo đức do nhiều nguyên nhân, chứ không chỉ vì internet. Tuy nhiên, khi mở máy ra thì những trang bắt mắt cứ lồ lộ, những tít giật gân cứ trêu ngươi... Nhưng trước đây có nhiều ý kiến cho rằng cái gì cấm thì con người ta hay tò mò, cứ để cho họ xem chán thì thôi. Ấy thế mà người ta lại không nghĩ rằng có những thứ con người không bao giờ chán! Chính khi sợi dây cương tỏa bị chùng xuống cộng với môi trường thuận lợi nên bản năng vốn rất mãnh liệt ở con người có điều kiện trỗi dậy. Điều này giống như một loại thuốc thử, thuốc thử sẽ có ích với cơ thể cường tráng nhưng nó tạo thành bệnh ở một cơ thể ốm yếu. Nước ta giống như một cơ thể ốm yếu vi tầng lớp già nua được tôi luyện thì đại đa số không sử dụng máy tính, tầng lớp trung niên bị đè nén bao năm trời vì quan niệm phong kiến nay có dịp giải tỏa và cố vớt vát thời gian để hưởng thụ cuộc sống, còn tuổi mới lớn không được định hướng và ham hiểu biết nên lấy thông tin trên mạng làm chuẩn mực; mà thông tin ấy đại đa số đập vào mắt là những chuyện động trời, những thân hình nóng bỏng...

Nếu nói về nguy cơ biến chất xảy ra ở đối tượng thanh thiếu niên nhưng nguyên nhân sâu xa chính là ở người lớn chúng ta. Trong gia đình cha mẹ chưa mẫu mực và quan tâm giáo dục con cái và rất nhiều em nghiện internet chỉ vì đó là niềm vui duy nhất. Trong nhà trường thầy cô giáo cũng không còn là tấm gương sáng cho các em noi theo, nếu chưa nói đến tình trạng báo động đỏ của nước ta hiện nay chính là năng lực, phẩm chất của đội ngũ giáo viên. Đây có thể coi là sự trượt dốc liên hoàn : Vì chạy theo đồng tiền nên việc đánh giá chất lượng học sinh không chính xác, tình trạng học thêm đại đa số không thực chất vì giáo viên mục đích thu tiền, học sinh thì kiếm điểm, việc thi cử còn nhiều tiêu cực nên sau các kỳ thi tạo ra một lớp học sinh dổm và cứ thế cả giáo viên và học sinh thui chột dần.

Việc đề cao truyền thống nhiều khi chỉ là hô hào chứ không đi vào thực tế, mà mọi lý thuyết đều là màu xám! Khi ý thức dân tộc không được đề cao và sự rạn vỡ từ trong các gia đình thì làm sao tránh khỏi nguy cơ bị hòa tan. Khẩu hiệu hòa nhập chứ không hòa tan được nói đến rất nhiều nhưng làm thế nào gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn thì chưa có giải pháp cụ thể. Để khắc phục mặt tiêu cực của văn hóa mạng thì việc cần thiết là sự quản lý của các cấp ( từ gia đình đến các tổ chức xã hội). Trước những vấn đề tha hóa đạo đức, đánh mất thuần phong mỹ tục cần phải có sự lên tiếng của cộng đồng. Bên cạnh đó các nhà văn hóa còn có nhiệm vụ mang đến cho chính người Việt Nam vốn hiểu biết về các giá trị truyền thống; lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam hay các nước trong khu vực cần được quảng bá nhiều hơn và không chỉ dừng ở cách thức trình diễn mà nên đi vào đời sống quần chúng nhân dân.

Có thể nói rằng internet là biểu hiện rõ nhất của thời hiện đại, với các chiều thông tin trái ngược và hiện tượng nhiễu thông tin phổ biến nên thái độ hoài nghi hiện thực là không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể không tham gia cuộc chơi toàn cầu ; nhưng cuộc chơi nào cũng vậy, phải biết chơi và tham gia chủ động thì chúng ta mới không bị phá sản.

( Bài đọc tại Hội thảo khoa học toàn quốc với đề tài : Những nhân tố tác động đến sự biến đổi của con người và văn hóa Việt nam hiện nay)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.