Aaron
Task, - Trần Ngọc Cư dịch
Bất bình đẳng lợi tức đã trở thành đề tài cho nhiều
cuộc tranh luận tại Mỹ, phần lớn do phong trào Chiếm Phố Tường (the Occupy Wall Street movement)
thúc đẩy.
Trong cuốn sách mới nhất của ông, Cái giá phải
trả cho tình trạng bất bình đẳng (The Price of Inequality), Giáo sư
Đại học Columbia và cũng là Kinh tế gia đoạt giải Nobel, Ông Joseph Stiglitz
xem xét các nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình đẳng lợi tức và đưa ra một
vài phương cách chữa trị. Trong đó, ông đã đi đến một số kết luận khiến nhiều
người phải giật mình, gồm có ý kiến cho rằng nước Mỹ “không còn là vùng đất cơ
hội” và “‘giấc mơ Mỹ’ đã trở thành huyền thoại”.
Mặc dù tất cả chúng ta đều biết đến câu chuyện thành
đạt của những người vươn lên đến thượng tầng xã hội, nhưng Stiglitz cho rằng dữ
liệu thống kê đã mô tả tình hình một cách khác xa. Ông tường trình rằng, trong
30 năm qua, lợi tức quốc gia của 1% dân số ở chóp bu đã tăng gấp đôi và lợi tức
của 0,1% dân số ở chóp bu đã tăng gấp ba. Trong khi đó lợi tức trung bình của
công nhân Mỹ không nhích lên chút nào.
Ông Stiglitz cho rằng, ngoài tình trạng bất bình đẳng
lợi tức ra, “Kinh tế Mỹ tạo sự bình đẳng về cơ hội kém cỏi nhất so
với tất cả các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến”. Tóm lại, “con vua rồi lại
làm vua, con sãi giữ chùa phải quét lá đa” rất có thể là địa vị xã hội của bạn
khi lớn lên tại Mỹ so với bất cứ một nền kinh tế tiên tiến nào khác, kể cả ‘châu
Âu cũ’.
Chẳng hạn, Stiglitz cho rằng chỉ có 8% sinh viên của các
đại học ưu tú tại Mỹ xuất thân từ các hộ gia đình có lợi tức từ trung bình trở
xuống, thậm chí kể cả khi các đại học này không đặt cơ sở cho việc thu nhận sinh
viên trên khả năng đóng học phí.
Ông cho rằng: “Dân Mỹ sẽ không có nhiều cơ hội để thay
đổi địa vị xã hội của mình. Những cơ may của con nhà giàu ở mức lợi tức chop bu
cho dù học kém vẫn là tốt đẹp hơn con nhà nghèo ở tận đáy xã hội cho dù học giỏi”.
Vì con cái của giới thượng lưu ở trong xã hội thường
tiến thân dễ dàng hơn con cái của giới hạ lưu -- một phần nhờ giáo dục, y tế và
dinh dưỡng tốt hơn – tình trạng bất bình đẳng lợi tức vốn đã dần dần xuất hiện trong
30 năm qua sẽ chỉ nới rộng thêm lên mà thôi trong vòng 10, 20 năm tới.
Stiglitz cảnh báo: nếu những nguyên nhân cốt lõi của
tình trạng bất bình đẳng lợi tức không được giải quyết, Mỹ sẽ thực sự trở thành
một xã hội bị phân hóa thành hai giai cấp (a two-class society) và ngày càng trông
giống như một nền kinh tế trong thế giới thứ ba. “Một số người sẽ sống trong
những cộng đồng kín cổng cao tường, với lính gác được vũ trang. Đó là một hình
ảnh xấu xa. Đất nước sẽ kinh qua nhiều xáo trộn chính trị, xã hội và kinh tế”.
(Vì thế, một chương trong cuốn sách của ông mang tựa đề: ‘Xã hội phân hóa ngày
nay sẽ đe dọa tương lai chúng ta’).
Điều lạc quan là, Stiglitz tin tưởng rằng “cơn ác mộng
mà chúng ta đang dần dần tiến tới” là có thể tránh được; ông trích dẫn kinh
nghiệm của Brazil từ đầu thập niên 1990 như là tấm gương của một nước đã giảm
được tình trạng bất bình đẳng lợi tức. Trong những điều ông đưa ra, có đề nghị
cải thiện chất lượng giáo dục và dinh dưỡng cho những thành phần ở hạ tầng xã
hội, và loại bỏ “phúc lợi xã hội dành cho các đại công ty (corporate welfare)”
và các chính sách chỉ “tạo của cải [cho giới giàu] mà không tạo ra tăng trưởng
kinh tế”.
Chẳng hạn, ông trích dẫn một điều khoản trong Medicare
Part D (trợ cấp thuốc men cho người nghỉ hưu) ngăn cấm chính phủ liên bang
thương lượng giá cả với các công ty bào chế dược phẩm. Ông ước tính, trong vòng
10 năm, điều luật này sẽ tạo khoảng 500 tỉ đôla cho ngành dược, nhưng không mang
lại ích lợi cụ thể nào cho người đóng thuế hoặc cho nền kinh tế nói chung.
Điều quan trọng là, Stiglitz tin tưởng rằng tình trạng
bất bình đẳng lợi tức và thiếu cơ hội đồng đều đang gây thương tổn cho nền kinh
tế nói chung, vì nó hạn chế tính cạnh tranh, khuyến khích chế độ ô dù (cronyism)
và không cho phép các thành phần ở hạ tầng xã hội thể hiện tiềm năng của mình.
Ông nói, “Điều tôi muốn thấy là một nền kinh tế năng
động hơn và một xã hội công bằng hơn”, gợi ý rằng tình trạng bất bình đẳng lợi
tức cuối cùng cũng sẽ gây tổn thất cho những thành phần ở thượng tầng xã hội. “Quan
điểm của tôi là, chúng ta đã tạo ra một nền kinh tế không phù hợp với các
nguyên tắc của thị trường tự do”.
Nguồn: http://finance.yahoo.com/blogs/daily-ticker/american-dream-myth-joseph-stiglitz-price-inequality-124338674.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.