30 tháng 6, 2012

Kinh tế học về mại dâm

DỰ TRẦN

TTCT - Nhiều ý kiến có thể cho câu chuyện về mại dâm, đặc biệt là mại dâm trong giới người mẫu, diễn viên, hoa hậu là chủ đề của báo lá cải hoặc đơn giản là một vấn đề xã hội nan giải gây thách thức cho cả những chính phủ cởi mở nhất. 
Nhưng đã có những nghiên cứu rất nghiêm túc về vấn đề này dưới góc độ kinh tế, với nhiều kết luận đáng lưu tâm.
Minh họa: DAD
Nữ giáo sư Lena Edlund (Đại học Columbia) và Evelyn Korn (Đại học Eberhard Karls, Tübingen) có lẽ là những nhà kinh tế đầu tiên nghiên cứu về mại dâm. Công trình của hai bà “Một lý thuyết về mại dâm” được đăng tải trên tạp chí nghiên cứu kinh tế danh giá nhất của thế giới Journal of Political Economy năm 2002.
Theo cách giải thích của hai bà: “Mại dâm là một ngành công nghiệp nhiều tỉ USD và là công việc thường xuyên của hàng triệu phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Một khảo cứu gần đây của Văn phòng Lao động quốc tế cho thấy ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có tới 0,25-1,5% phụ nữ tham gia hoạt động mại dâm và nghề này đóng góp từ 2-14% tổng thu nhập nội địa (GDP)”.
Còn theo cách nói của nhà kinh tế học danh tiếng Steven D. Levitt - đồng tác giả của hai cuốn sách Freakonomics, hai cuốn sách thuộc nhóm bán chạy nhất thế giới - trong công trình nghiên cứu mang tên “Nghiên cứu định lượng về gái bán dâm đường phố” thì “không giống như phần lớn các loại tội phạm khác, mại dâm dựa trên thị trường và vì thế nó thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu kinh tế”.
Nghịch lý thu nhập
Một trong những vấn đề lớn nhất mà kinh tế học tìm cách giải thích là nghịch lý thu nhập. Theo rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành khắp nơi trên thế giới, mức thu nhập trung bình của người làm nghề mại dâm cao hơn nhiều so với các ngành nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật và mức độ học vấn cao hơn.
Theo báo The Economist (1998), một số phụ nữ làm nghề mại dâm ở khối Ả Rập có thể kiếm được 2.000 USD/đêm. Còn theo một nghiên cứu của Parera (1995), gái mại dâm cấp thấp ở Barcelona (Tây Ban Nha) năm 1995 có thu nhập 300-2.000 USD/ngày tùy số lần phục vụ, trong khi GDP/đầu người của Tây Ban Nha trong cùng năm khoảng 18.800 USD.
Theo Edlund và Korn (2002), về mặt lý thuyết, nghịch lý thu nhập tồn tại vì những người tham gia thị trường mại dâm phải đánh đổi khả năng lập gia đình và cuộc sống bình thường. Khách mua dâm đến với người bán dâm vì mục đích vui vẻ chứ không phải hôn nhân và con cái, và khi làm nghề này rồi thì người bán dâm hầu như không còn cơ hội được lập gia đình.
Một công trình khác của ba nữ giáo sư Guista, Tommaso và Strøm (2004) mang tên “Một lý thuyết khác về mại dâm” cũng đưa ra một cách giải thích tương tự. Theo ba bà, khi mua - bán dâm, cả người mua và người bán đều chịu tổn hại về uy tín xã hội. Vì sự tổn hại về uy tín này, người bán dâm cần phải nhận được thu nhập cao thì mới tham gia làm nghề.
Còn theo một nghiên cứu thực nghiệm của Levitt và Venkatesh (2008) ở Chicago, thu nhập cho mỗi giờ làm việc của gái mại dâm đường phố ở Chicago năm 2007 là 27 USD, gấp khoảng bốn lần mức thu nhập theo giờ mà những phụ nữ này nhận được nếu làm các ngành nghề khác (trung bình 7 USD/giờ). Tuy nhiên, để đánh đổi lấy mức thu nhập cao hơn khoảng gấp bốn lần, những phụ nữ này phải chịu đựng một rủi ro rất lớn về an toàn.
Levitt và Venkatesh ước tính trung bình mỗi năm mỗi cô gái làm nghề mại dâm đường phố ở Chicago bị đánh đập khoảng một vài chục lần và phải thực hiện khoảng 300 dịch vụ mại dâm không an toàn.
Sẽ không biến mất
Edlund và Korn (2002) còn chứng minh được rằng xã hội sẽ luôn luôn có một số phụ nữ làm nghề mại dâm. Lý do là càng ít người làm nghề này thì do luật cung cầu, thu nhập từ mại dâm sẽ càng cao và chắc chắn sẽ hấp dẫn với một số người. Edlund và Korn (2002) cũng chứng minh được rằng khi mặt bằng thu nhập của những phụ nữ không làm nghề mại dâm tăng lên thì số người làm nghề mại dâm sẽ giảm, mặc dù không bao giờ biến mất hoàn toàn.
Guista, Tommaso và Strøm (2004) cũng chứng minh được rằng chênh lệch giàu nghèo trong xã hội càng lớn thì tình trạng mại dâm càng nhiều, và khi các cơ hội kiếm sống ngoài mại dâm càng tốt thì hoạt động mại dâm càng giảm. Kết quả này ít nhiều cũng giống với kết quả của Edlund và Korn và khớp đúng với thực tế là ở các nước đang phát triển và những nước có bất bình đẳng cao thường có hoạt động mại dâm sôi động hơn. Nói cách khác, mại dâm sẽ không biến mất nhưng giảm dần với trình độ phát triển kinh tế và công bằng xã hội.
Ngoài ra Guista, Tommaso và Strøm (2004) còn chỉ ra một khía cạnh khác của phát triển. Đó là xã hội phát triển thường kéo theo tự do tình dục và việc này sẽ khiến thị trường mại dâm bị thu hẹp. Điều này đúng với thực tế ở Mỹ hồi giữa thế kỷ 20 khi thị trường mại dâm đột ngột bị đánh quỵ vĩnh viễn không thể phục hồi được.
Lý do của sự suy thoái đột ngột này không phải vì nhà chức trách hay bất cứ lý do gì khác, mà là vì cuộc cách mạng tình dục. Cuộc cách mạng này đã khiến những phụ nữ hành nghề mại dâm phải đối mặt với một đối thủ kinh khủng hơn nhà chức trách nhiều lần - đó là những phụ nữ trẻ trung xinh đẹp sẵn sàng cung cấp tình dục miễn phí mà không cần đổi chác gì cả.
Mại dâm đi kèm với di trú và môi giới
Các công trình của Edlund và Korn (2002) và Guista, Tommaso và Strøm (2004) đều dẫn tới kết luận là khi một xã hội mất cân đối về tỉ lệ nam - nữ theo hướng nhiều nam và ít nữ thì tình trạng mại dâm chắc chắn sẽ cao. Lý do tương đối dễ hiểu là sẽ có nhiều đàn ông không lấy được vợ và vì thế phải tìm đến mại dâm như một kênh thay thế. Khi số lượng những người đàn ông này càng nhiều thì giá cả của dịch vụ mại dâm sẽ càng cao và như thế càng thu hút được nhiều phụ nữ tham gia
Guista, Tommaso và Strøm (2004) cũng chứng minh được rằng về mặt lý thuyết, tổn hại uy tín do việc bán và mua dâm càng lớn thì hoạt động mại dâm càng ít. Ngược lại khi hoạt động mại dâm ít ảnh hưởng tới uy tín của người tham gia thì hoạt động này càng sôi động và giá cả càng rẻ. Edlund và Korn (2002) cũng kết luận rằng nếu khả năng lập gia đình của người hành nghề bán dâm tăng lên thì số người tham gia bán dâm sẽ tăng lên theo.
Điều này có một ẩn ý quan trọng đối với vấn đề di trú. Người bán dâm thường tìm cách hành nghề ở xa quê hương của mình, nơi họ hi vọng sẽ quay về một ngày nào đó và lập gia đình. Khoảng cách về địa lý tạo ra cảm giác an toàn rằng những việc họ làm sẽ ít khi bị biết tới và vì thế uy tín xã hội (theo cách nói của Guista, Tommaso và Strøm - 2004) hoặc khả năng có thể lập gia đình (theo cách nói của Edlund và Korn - 2002) không giảm nhiều.
Các nghiên cứu thực nghiệm đều khẳng định kết luận này. Thí dụ nghiên cứu của Thorbeke và Pattanaik (2002) và Corso và Trifirò (2003) chỉ ra rằng hiện tượng di trú làm mại dâm tạm thời ở nước khác, sau đó quay về quê hương để lập gia đình đang phát triển ngày càng nhiều, đặc biệt là ở Đông Âu và Liên Xô cũ.
Mại dâm ở Việt Nam
Vào tháng 2-2012, Chương trình chung về bình đẳng giới (do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc đồng thực hiện) xuất bản một báo cáo đặc biệt thú vị có tựa đề “Mại dâm và di biến động nhìn từ góc độ giới”. Các kết luận mà nghiên cứu này dẫn ra vẫn có nhiều điểm đáng quan tâm đặc biệt:
Thứ nhất, về độ tuổi bắt đầu tham gia hoạt động mại dâm, báo cáo này cho rằng có tới 21,6% người làm nghề mại dâm bắt đầu tham gia thị trường này từ tuổi 18 trở xuống. Cần nhớ rằng theo cách tính tuổi của nhiều người Việt Nam thì 18 tuổi đôi khi chỉ là 16 tuổi theo cách tính tuổi của phương Tây. Vì thế, có vẻ như số lượng những trường hợp có thể truy tố hình sự theo báo cáo này là rất lớn, nhưng con số bị truy tố thực tế hầu như chỉ có một vài trường hợp mỗi năm.
Thứ hai, độ tuổi trung bình của người bán dâm là rất trẻ, nhiều người có nghề nghiệp khác và trình độ học vấn cao. Có tới 52,7% số người trong mẫu điều tra có độ tuổi từ 25 trở xuống. Có tới 49,5% số người làm nghề này đồng thời cũng có những công việc bình thường khác trong xã hội và trình độ học vấn trung bình là 17,1% chỉ tốt nghiệp tiểu học, 39,3% đã tốt nghiệp trung học và khoảng 10,3% đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.
Thứ ba, về mặt thu nhập, thu nhập trung bình từ hoạt động mại dâm là 8,6 triệu đồng/tháng, cao hơn khoảng bốn lần so với thu nhập trung bình của dân cư đô thị ở Việt Nam (2,13 triệu) - trong đó đối với nữ là 10,6 triệu và nam là 6,55 triệu. Đặc biệt có khoảng 5% số người trả lời có thu nhập từ hoạt động mại dâm từ 20 triệu đồng trở lên. Kết quả này cũng tương đồng với các kết quả nghiên cứu thực nghiệm khác khắp nơi trên thế giới.
Thứ tư, về mặt cấu trúc thị trường, báo cáo này cho thấy chủ yếu người làm mại dâm ở Việt Nam hoạt động một cách độc lập mà không cần dịch vụ môi giới. Tính trung bình khoảng 66% số người trong mẫu điều tra này có hoạt động độc lập, trong đó tỉ lệ hoạt động độc lập của nam cao hơn của nữ.
Nếu kết quả mà Levitt và Venkatesh (2008) tìm thấy ở Chicago cũng giống như ở Việt Nam - tức là mại dâm có môi giới đem lại thu nhập cao hơn cho người bán dâm - thì tại sao lại ít người ở Việt Nam lựa chọn việc bán dâm qua môi giới?
Điều này có thể hiểu đơn giản vì pháp luật Việt Nam trừng phạt người môi giới rất nặng, trong khi nhẹ tay với người bán dâm và người mua dâm. Trong khi người mua dâm chỉ bị phạt hành chính, người bán dâm cũng chỉ bị phạt hành chính hoặc cùng lắm đi cải tạo một thời gian rất ngắn thì người môi giới phải lĩnh án hình sự và bị tù nhiều năm. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.