Nguyễn Văn Tuấn
Mới đây, Chính phủ ra Nghị định thành lập Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Có thể xem đó là một tin tích cực. Nhưng đọc phần đầu của Nghị định thì thấy ngay câu “Viện
Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức
năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước
trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính
sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại
học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của
cả nước.” Hoá ra, Viện này chỉ làm nghiên cứu minh hoạ những chính sách và luận cứ cho Đảng! Thế thì còn gì là khoa học.
Tình hình thực tế đặt ra nhu cầu lớn cho khoa học xã hội. Về vấn đề
thi cử, câu hỏi đặt ra là có nên bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ
thông hay kì thi tuyển sinh đại học? Vấn đề kiểm định chất lượng giáo
dục đại học. Vấn đề xếp hạng đại học. Cải cách hành chính có thật sự
nâng cao chất lượng phục vụ người dân? Vấn đề y tế công cộng và bảo
hiểm sức khoẻ. Chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề giao thông và tai nạn giao thông. Vân
vân. Đó là những vấn đề “nóng”, hiểu theo nghĩa được công chúng quan
tâm và tranh luận nhiều. Một trong những mẫu số chung của những tranh
luận chung quanh các vấn đề trên là thiếu chứng cứ khoa học. Bởi vì
thiếu chứng cứ khoa học, nên người tham gia tranh luận thường phát biểu
theo cảm nhận và quan điểm cá nhân. Nhưng quan điểm cá nhân thì khó có
thể nói khách quan. Không ai có thể đề ra chính sách dựa vào quan điểm
cá nhân.
Chính sách công nên dựa vào bằng chứng khoa học. Trong y khoa, người
ta thực hành điều trị bệnh dựa vào bằng chứng nghiên cứu khoa học. Do
đó, một học thuyết mới ra đời có tên là y học thực chứng (evidence based medicine),
mà theo đó, người thầy thuốc phối hợp kĩ năng cá nhân với chứng cứ khoa
học và nhu cầu bệnh nhân để đi đến một liệu pháp tốt nhất cho bệnh
nhân. Tương tự, trong chính sách công cũng có khái niệm chính sách công thực chứng
(evidence based policy). Chính sách công thực chứng được chính phủ Anh
thời Thủ tướng Tony Blair (1999) xiển dương trong cuốn Sách Trắng có
tên là Modernising Government (hiện đại học chính phủ). Theo
nguyên lí của chính sách công thực chứng, tất cả chính sách cần phải dựa
trên cơ sở bằng chứng khách quan.
Bằng chứng khách quan nhất là những dữ liệu được thu thập từ những
nghiên cứu có hệ thống và qua xử lí thích hợp. Trong khoa học xã hội,
có rất nhiều mô hình nghiên cứu có thể cung cấp lời giải đáp cho một vấn
đề, nhưng giá trị khoa học của các mô hình này không hẳn tương đương
nhau. Vấn đề của nghiên cứu khoa học xã hội, do đó, là chọn mô hình
nghiên cứu không chỉ mang tính khả thi cao mà còn cho ra kết quả có giá
trị khoa học cao. Vấn đề này đòi hỏi nhà nghiên cứu phải am hiểu phương
pháp khoa học, kể cả phương pháp phân tích dữ liệu. Nếu dữ liệu thu
thập được chưa qua phân tích thì khó có thể trở thành tri thức được. Vì
thế để có tri thức làm bằng chứng cho chính sách công cần phải có
nghiên cứu khoa học đúng phương pháp.
Nhìn lại thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam, chúng ta thấy
những con số giật mình! Các nghiên cứu về khoa học xã hội hiện diện
trên các tạp chí trong nước rất nhiều, nhưng lại xuất hiện rất ít trên
các tạp chí khoa học quốc tế. Số liệu thống kê năm 2004 cho thấy trong
số 8408 bài báo khoa học trong các tạp chí và kỉ yếu khoa học, có đến
4345 (hay 53%) là những bài báo liên quan đến khoa học xã hội. Tuy
nhiên, trong năm 2004, con số bài báo khoa học xã hội trên các tạp chí
khoa học quốc tế chưa quá con số 10 bài. Ngoài ra, phân tích của chúng
tôi cho thấy trong thời gian 1996 – 2005, trong tổng số 3456 bài báo
khoa học từ Việt Nam trên các tạp chí quốc tế, chỉ có 69 bài (tức khoảng
2%) liên quan đến ngành khoa học xã hội. Số liệu của Đại học Quốc gia
TPHCM cho thấy trong năm 2011 (tính đến tháng 10), toàn trường công bố
773 bài báo trên các tạp chí và kỉ yếu, trong đó chỉ có 173 bài đăng
trên các tạp san quốc tế. Đáng chú ý hơn, trong số 173 bài đó, chỉ có 8
bài về lĩnh vực khoa học xã hội. Do đó, tuy số lượng nghiên cứu khoa
học xã hội ở nước ta cao hơn so với các ngành khoa học tự nhiên, nhưng
đại đa số những nghiên cứu đó chỉ xuất hiện trên các tạp chí trong nước,
và rất ít xuất hiện trên các tạp chí quốc tế.
Nguyên nhân cho tình trạng yếu kém trong khoa học xã hội thì có
nhiều, nhưng tựu trung lại có lẽ là định hướng nghiên cứu, vấn đề phương
pháp, và vấn đề tiếng Anh. Thiết nghĩ nêu lên những vấn đề này cũng là
một cách gián tiếp nêu biện pháp để khắc phục tình trạng.
Thứ nhất là vấn đề định hướng nghiên cứu. Trong Hội thảo Khoa
học Xã hội Việt Nam thời hội nhập được tổ chức tại TPHCM vào tháng
12/2011 vừa qua, nhiều nhà khoa học phát biểu chỉ ra rằng phần lớn những
nghiên cứu KHXH ở Việt Nam chỉ mang tính minh hoạ cho chính sách của
Nhà nước và Đảng. Có người thậm chí còn đặt câu hỏi rằng khoa học xã
hội đúng nghĩa có thật sự tồn tại ở Việt Nam! Với định hướng như
thế, nhà khoa học thiếu sự tự do để theo đuổi những ý tưởng hoặc đề tài
không nằm trong khung “nghiên cứu minh hoạ”. Hệ quả là nhiều vấn đề
cuộc sống đặt ra chưa được giải đáp.
Thứ hai là vấn đề phương pháp. Một trong những khó khăn lớn
nhất ở Việt Nam hiện nay là thiếu các nhà nghiên cứu khoa học xã hội
định lượng. Hầu hết các đại học Việt Nam chưa có những chương trình đào
tạo về phương pháp định lượng cho các nhà khoa học xã hội. Hệ quả là
phần lớn những nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam chưa tận dụng những
phương pháp khoa học và phương pháp thống kê trong việc thiết kế nghiên
cứu, phân tích dữ liệu, và diễn giải dữ liệu. Một số nghiên cứu có sử
dụng phương pháp thống kê, nhưng chưa hẳn có hệ thống và chưa thích hợp.
Nhiều sai sót hiển nhiên về cách lấy mẫu, phân tích và suy luận từ dữ
liệu có thể tìm thấy trong rất nhiều bài báo trong ngành khoa học xã
hội. Do đó, nhiều số liệu từ Việt Nam rất đáng ngờ. Ngay cả các con số
thống kê của chính cơ quan Nhà nước cũng không tạo nên uy tín. Những
thiếu sót về phương pháp còn dẫn đến chất lượng nghiên cứu chưa được
cao, và hệ quả là nhiều công trình khó có cơ hội để được công bố trên
các tạp chí khoa học xã hội quốc tế.
Thứ ba là vấn đề tiếng Anh. Phần lớn các tập san khoa học xã
hội quốc tế dùng tiếng Anh. Trong khi đó, theo kinh nghiệm tiếp xúc cá
nhân, tôi thấy rất ít nhà khoa học xã hội ở nước ta có trình độ tiếng
Anh đủ để viết một bài báo khoa học theo chuẩn mực quốc tế. Đó cũng là
một nhận xét
của một giáo sư trong ngành. Có thể nói rằng tiếng Anh là một rào cản
lớn đối với nhiều nhà khoa học Việt Nam. Họ có những công trình nghiên
cứu tốt, nhưng chỉ vì không diễn tả bằng tiếng Anh một cách thông thạo
nên những công trình đó cũng chỉ “ta nói ta nghe”. Chúng ta có nhiều sử
liệu về Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng rất tiếc là những sử liệu này chưa
xuất hiện trên các tập san khoa học quốc tế, chỉ vì vấn đề tiếng Anh!
Một quốc gia không thể nào “trưởng thành” nếu không có khoa học xã
hội. Có những vấn đề mà khoa học tự nhiên và công nghệ không thể có câu
trả lời, và cần phải tiếp cận qua khoa học xã hội. Hàn Quốc có hẳn một
chương trình phát triển khoa học xã hội, vì lãnh đạo Hàn Quốc xem khoa
học xã hội quan trọng tương đương với công nghệ và kĩ thuật. Riêng ở
nước ta, rất nhiều vấn đề thực tế trong thời hội nhập đặt ra nhu cầu lớn
cho khoa học xã hội. Những vấn đề chính nêu trên đây hàm ý cho biết để
phát triển khoa học xã hội, Nhà nước chẳng những cần “cởi trói” cho
giới nghiên cứu khoa học xã hội, mà còn phải cần những chương trình đào
tạo nhân lực và tiếng Anh để khoa học xã hội có cơ hội đóng góp vào sự
phát triển của đất nước.
Play Slots on Live Casino Site - LuckyClub
Trả lờiXóaPlay Free Online Slot Machine Games Online For people who want to play free, the best casino site. With our website luckyclub.live we offer you the chance to play for real money.