Hà Ninh (tổng hợp)
Các nghiên cứu cho thấy, đầu tư cho phụ nữ là một điều có lợi trong kinh doanh và công bằng giới tính trong các chức vụ cao ở công ty đóng góp mạnh mẽ cho tính cạnh tranh và làm cho thương vụ thành công hơn.
Tại châu Âu mới đây, các vấn đề liên quan đến
thăng tiến và gia tăng quyền lực cho phụ nữ được đặc biệt chú ý. Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội Liên minh châu Âu gần đây đã bỏ phiếu chống việc bổ nhiệm ông Yves
Mersch của Luxembourg vào Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ðây
là một hành động phản đối sự thiếu vắng phụ nữ trong các chức vụ cao cấp tại
Liên minh châu Âu.
Theo bà Beth A. Brooke, Phó giám đốc phụ trách
chính sách tại Công ty Ernst & Young, tranh cãi qua đề tài này rất quan
trọng bởi vì nó làm người ta chú ý đến sự mất cân bằng về giới tính tại các vị
trí cao cấp. Nó gây sự chú ý về chuyện có quá ít phụ nữ nắm các chức vụ then
chốt và khuyến khích sự chú ý đối với lợi ích được gia tăng trong kinh doanh qua
việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong các tổ chức nói riêng và trong nền kinh
tế nói chung.
Bà Brooke, từng nắm nhiều vai trò lãnh đạo một số
tổ chức phụ nữ và kinh doanh, được Tạp chí Forbes đưa vào top 100 phụ nữ quyền
lực nhất thế giới cho rằng, trong một thập niên tới, vai trò của phụ nữ đối với
nền kinh tế toàn cầu, ví dụ như nhà sản xuất, doanh nhân, nhân viên và người
tiêu dùng, ít nhất cũng đạt tầm cỡ tương đương với số dân của Trung Quốc hoặc
Ấn Ðộ, nếu không muốn nói là lớn hơn. Nếu phụ nữ thành công trong kinh tế, điều
đó có nghĩa là chúng ta sẽ có 1 tỉ chị em hoạt động kinh doanh và tham gia vào
lực lượng lao động trong nền kinh tế toàn cầu.
Tốt nghiệp với cùng bằng cấp, hầu
hết nữ giới có mức lương thấp hơn so với nam giới
Ðó là lý do tại sao mà Công ty Ernst & Young,
chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn hàng
đầu thế giới, tham gia vào cuộc vận động “The Third Billion Index”, nhằm liên kết
các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, công ty, giới trẻ và những tổ chức
khác, để phối hợp thực hiện sự bảo đảm cho phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ bảo
vệ pháp lý, giáo dục, huấn luyện, tài chánh và tiếp thị.
Chỉ mới đây thôi, Booz & Company (Công ty Tư
vấn và Quản lý uy tín nhất thế giới) công bố dữ kiện cho thấy những bằng chứng
hùng hồn rằng, phụ nữ có thể là những “tài xế giỏi” đưa nền kinh tế đi lên.
Ðánh giá của họ cho thấy, nếu tỷ lệ lao động của phụ nữ tương đương với nam
giới, tổng sản lượng quốc dân của một quốc gia sẽ tăng rất lớn, khoảng 5% tại Mỹ
và 9% tại Nhật và tại các quốc gia đang phát triển, như Ai Cập, tỷ lệ này sẽ là
34%. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đưa ra dữ kiện hằng năm, gọi là “Global
Gender Gap report” (báo cáo cách biệt giới tính toàn cầu) cho thấy, có một sự
liên hệ chặt chẽ giữa các quốc gia thành công trong việc thu ngắn cách biệt
giới tính và các quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh lớn.
Một số công ty ngày nay cũng đã đầu tư vào vai
trò của phụ nữ, vì tin rằng phụ nữ sẽ có một tương lai tươi sáng hơn, nhất là đối
với các nền kinh tế đang chờ đợi để “bùng nổ”, hoặc các nền kinh tế đang phát
triển dựa trên tài năng “mới” này.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế đau đớn là,
cùng bằng cấp nhưng lương phụ nữ thường thấp hơn lương đàn ông. Một nghiên cứu
mới nhất vế các sinh viên mới ra trường ở Mỹ cho thấy, nữ giới gặp nhiều khó
khăn hơn khi kiếm việc và có lương thấp hơn nam giới. Cuộc nghiên cứu được đặt
tên “Graduating to a Pay Gap”, với hàm ý nói thị trường việc làm còn nhiều bất
công cho nữ nhân viên.
Tổ chức American Association of University Women
công bố kết quả nghiên cứu cho biết, các nam nữ sinh viên học cùng ngành, cùng
trường, với điểm tốt nghiệp xấp xỉ, trung bình phụ nữ chỉ được trả bằng 82%
lương của nam giới.
Việc lựa chọn công việc là lý do chính tạo nên
mức lương dưới trung bình của phụ nữ. Ví dụ, nhiều nữ sinh viên ngành khoa học
kỹ thuật sau khi ra trường xin việc tại các ngành nghề trả lương thấp như dạy
học, trong khi nam sinh viên chỉ tập trung kiếm những công việc thực sự liên quan
tới ngành học và được trả lương cao như kỹ sư hay công tác nghiên cứu. Tuy cũng
làm tại các trường, công việc dạy học tại một trường trung học chắc chắn lương
phải thấp hơn công việc nghiên cứu tại trường đại học.
Số liệu thống kê cho thấy, trong lĩnh vực giáo
dục ở Mỹ, lương của nữ giới có bằng đại học chỉ bằng 89% mức lương của nam giới
có cùng bằng cấp. Trong lĩnh vực thương mại, con số này là 86% giữa các nam nữ
doanh nhân và là 77% giữa các nam nữ làm nghề bán hàng.
Các nhà thống kê cho biết trên tờ Washington Post
rằng: “Chúng tôi cố gắng giữ các yếu tố, ngoài sự khác biệt giới tính, cho thật
giống nhau”. Họ theo dõi thông tin của những cựu sinh viên tham gia cuộc nghiên
cứu và phân loại những thanh niên này theo ngành học, điểm học, thái độ sống và
hoàn cảnh gia đình. Công việc của những người trong cùng một nhóm được so sánh.
Kết quả, giới tính đóng một phần quyết định mức lương của các cựu sinh viên.
Với những cặp đôi yêu nhau từ hồi học đại học,
cùng ra làm nghề giống nhau, số liệu thống kê cho thấy, người nam mang về nhà
nhiều tiền hơn người nữ. Người chủ trì cuộc khảo sát nhận định: “Hai lý do
chính là phụ nữ thường không yêu cầu tăng lương và thói quen phân biệt giới
tính mà các công ty chưa thay đổi được”.
Ngày càng có nhiều phụ nữ nộp đơn kiện hay phản
ảnh về sự phân biệt giới tính nơi công sở và chương trình nghiên cứu
“Graduating to a Pay Gap”, “đặc biệt là trong các ngành nghề trước đây dành
riêng cho nam giới” - một lần nữa chứng minh sự thiếu công bằng cho phụ nữ vẫn
còn tồn tại. Với các nữ sinh viên, Michele Weldon, một nữ giáo sư ngành báo chí,
thường viết vào cuối giấy giới thiệu: “Tôi cảm kích mức lương mà quý vị đề ra
cho cô ấy ngang bằng với mức lương của các nam nhân viên khác. Nếu công ty của
quý vị đã tạo ra sự công bằng này từ lâu, tôi thật hạnh phúc và tán dương quý
vị”. Vấn đề phân biệt giới tính có vẻ như khó được giải quyết ngày một ngày hai.
Tommy, 24 tuổi, sống tại miền Bắc California, nói: “Vì lý
do gia đình, con cái, phụ nữ làm ít thời gian hơn đàn ông. Kinh tế xuống cũng
khiến cho thu nhập của họ giảm”. Tommy chia sẻ sự thông cảm cho nữ giới tuy không
hoàn toàn tin vào kết quả và phương pháp nghiên cứu của Tổ chức Nữ sinh viên Mỹ.
Một lý do khác của mức lương thấp hơn trung bình
là việc phụ nữ không thể hoặc không chịu thăng tiến trong công việc. Tác giả
của bài nghiên cứu “Graduating to a Pay Gap” viết: “Xin tăng lương tạo sự khác
biệt lớn trong thu nhập của nhân viên. Trung bình trong khoảng thời gian làm việc,
đàn ông xin tăng lương nhiều lần hơn phụ nữ. Ðiều này có thể là do bản thân phụ
nữ ngại xin tăng lương, cũng có thể là do việc họ dễ bị từ chối hơn đàn ông”.
Một khảo sát do Công ty Quản lý và Tư vấn quốc
tế Booz & Company thực hiện năm 2012 cho thấy, phụ nữ Australia đang
giành vị trí quán quân về kinh tế trong danh sách 128 nước trên thế giới công
nhận phụ nữ là một nhân tố kinh tế trong hệ thống chính trị - xã hội của
mình.
Theo nghiên cứu The Third Billion Index, phụ nữ
Australia
được đánh giá cao trên tiêu chí khả năng tiếp cận nền giáo dục và tham gia
thị trường. Mặc dù Australia
vẫn chưa đạt được công bằng trong trả lương cho phụ nữ ngang với nam giới
nhưng mức thu nhập bình quân hằng tuần của phụ nữ cũng chỉ thấp hơn nam giới
17,5%.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.