Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày kỉ niệm lần thứ hai
“Mùa xuân Arab” ở Ai-cập, được đánh dấu bằng những vụ bạo loạn trên quảng
trường Tahrir, nó làm cho nhiều nhà quan sát lo sợ rằng những dự đoán đầy lạc
quan của họ trong năm 2011 đã bị đổ vỡ. Một phần của vấn đề là kì vọng đã bị
ngôn từ mang tính ẩn dụ - mô tả những sự kiện trong ngắn hạn - làm cho méo mó.
Nếu không gọi là “Mùa xuân Arab” mà gọi là “Cuộc cách mạng Arab” thì những kì
vọng của chúng ta đã có tính hiện thực hơn. Các cuộc cách mạng thường diễn ra
trong hàng chục năm chứ không phải trong một vài mùa hay một vài năm.
Xin hãy xem xét cuộc Cách mạng Pháp bắt đầu vào
năm 1789. Ai có thể đoán được rằng chỉ trong vòng một chục năm, anh lính quèn
vùng Corsic có thể đưa những đoàn quân của nước Pháp đến bờ sông Nile hay những
cuộc chiến tranh của Napoleon sẽ tàn phá châu Âu đến tận năm 1815?
Nếu chúng ta nghĩ về những cuộc cách mạng Arab
thì sẽ có nhiều chuyện bất ngờ trong tương lai. Cho đến nay, đa số các vương
triều Arab vẫn còn khá nhiều tính chính danh, tiền bạc và lực lượng để có thể
vượt qua những đợt sóng mà những cuộc khởi nghĩa của nhân dân đã lật đổ được
những nhà độc tài trong các nước cộng hòa thế tục như Hosni Mubarak ở Ai-cập
hay Muammar el-Qaddafi ở Libya, nhưng quá trình cách mạng mới diễn ra được có
hai năm thôi.
Đằng sau những cuộc cách mạng chính trị ở Arab
là quá trình thay đổi triệt để, lâu dài hơn và sâu sắc hơn, đôi khi được gọi là
cách mạng thông tin. Chúng ta còn chưa thể hiều hết được hàm ý của nó, nhưng nó
đang làm thay đổi tận gốc rễ bản chất của quyền lực trong thế kỉ XXI, từ nay
tất cả các quốc gia sẽ phải sống trong một môi trường mà ngay cả những chính
quyền mạnh nhất cũng không thể kiểm soát được hoàn toàn như họ đã từng làm
trong quá khứ nữa.
Các chính phủ bao giờ
cũng lo lắng về luồng thôn tin và tìm cách kiểm soát nó, và đây cũng không phải
là lần đầu tiên thế giới bị tác động bởi những thay đổi đầy kịch tính trong
lĩnh vực công nghệ thông tin. Máy in của Gutenberg là một trong những cội nguồn
quan trọng của cuộc Cải cách Tin lành và cuộc chiến tranh diễn ra sau đó ở châu
Âu. Nhưng hiện nay số người, cả ở trong từng nước lẫn trên trường quốc tế, có
thể tiếp cận với quyền lực nhờ nắm được thông tin đã tăng lên rất nhiều.
Cuộc cách mạng đang diễn ra trên toàn thế giới
hiện nay dựa trên sự phát triển như vũ bão của công nghệ, làm cho giá thành của
việc tạo lập, tìm kiếm và chuyển tải thông tin giảm đi một cách cự kì nhanh.
Trong suốt 30 năm qua, cứ 18 tháng khả năng tính toán của máy tính lại tăng lên
gấp 2 lần, và đến đầu thế kỉ XXI giá thành chỉ còn bằng một phần ngàn năm 1970
mà thôi. Nếu giá ô tô cũng giảm nhanh như giá bán dẫn thì ô tô hiện chỉ còn 5
USD.
Mới gần đây thôi, tức là vào năm 1980 một cuộc
điện thoại dài 1 giây truyền qua dây dẫn bằng đồng chỉ mang được thông tin trên
1 tranh giấy, còn hiện nay, sợi cáp quang mỏng dính có thể truyền được thông
tin chứa trong 90.000 tập sách trong vòng có 1 giây. Năm 1980 bộ nhớ chứa một gigabyte
số liệu choán hết cả một phòng, còn hiện nay bộ nhớ 200 gigabytes có thể đút vừa
túi áo.
Quan trọng hơn, giá chuyển tải thông tin đã giảm
đáng kể, rào cản giảm đi, người ta dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Cùng với
việc giảm giá thành và máy tính thu lại bằng một chiếc mày điện thoại và những
thiết bị di động khác, hậu quả của việc phi tập trung hóa càng kịch tính hơn.
So với vài chục năm trước. quyền lực đối với thông tin hiện nay được phân bố
một cách rộng rãi hơn nhiều.
Kết quả là nền chính trị
thế giới không còn là lĩnh vực độc quyền của các chính phủ nữa. Các cá nhân và
tổ chức tư nhân – trong đó có WikiLeaks, các công ty đa quốc gia, các tổ chức
phi chính phủ (NGO), bọn khủng bố hay các phong trào xã hội tự phát – đã có cơ
hội “chơi” trực tiếp ngay trong lĩnh vực này.
Sự lan truyền thông tin có nghĩa là những mạng
lưới phi chính thống phá vỡ vai trò độc quyền của bộ máy quan liêu truyền
thống, các chính phủ ít có khả năng kiểm soát chương trình nghị sự hơn. Các nhà
lãnh đạo chính trị có ít tự do hơn trước khi họ phải phản ứng trước các sự kiện
và buộc phải liên lạc không chỉ với các chính phủ khác mà còn phải giao tiếp
với xã hội dân dự nữa.
Nhưng quảng bá quá mức
cho những bài học mà các cuộc cách mạng Arab đã dạy cho chúng ta về thông tin,
công nghệ và quyền lực thì cũng là sai lầm. Trong khi cuộc cách mạng thông tin,
về mặt nguyên tắc, có thể làm giảm quyền lực của các nước lớn và gia tăng quyền
lực của các nước nhỏ hay những tác nhân bên ngoài nhà nước thì chính trị và
quyền lực là những hiện tượng phức tạp chứ không phải như thuyết quyết định
luận công nghệ mường tượng.
Giữa thế kỉ XX người ta sợ rằng máy tính và các
phương tiên liên lạc khác sẽ tạo ra một hệ thống kiểm soát tập trung, tương tự
như hệ thống mà George Orwell mô tả trong tác phẩm 1984. Và trên thực
tế, các chính phủ độc tài ở Trung Quốc, Saudi Arabia và những nước khác đã sử
dụng công nghệ mới để tìm cách kiểm soát thông tin. Điều khôi hài đối với những
người mộng mơ trên không gian ảo là những dấu vết điện tử do các mạng xã hội
như Twitter and Facebook đôi khi còn làm cho công việc của cảnh sát mật trở
thành dễ dàng hơn.
Sau một vài lúng túng do Twitter gây ra vào năm 2009,
vào năm 2010 chính phủ Iran đã có thể đàn áp được phong trào “xanh”. Tương tự
như thế, trong khi Vạn lí tường lửa của Trung Quốc còn lâu mới được coi là hoàn
hảo, nhưng chính phủ vẫn giải quyết được vấn đế, ngay cả khi mạng Internet bắt
đầu lan tràn vào trong nước.
Nói cách khác, trong khi một số khía cạnh của
cuộc cách mạng thông tin giúp cho những tổ chức nhỏ bé thì một số khía cạnh
khác lại giúp cho những tổ chức lớn, đầy sức mạnh. Quy mô vẫn còn giá trị.
Trong khi tin tặc và chính phủ có thể vừa tạo ra thông tin vừa sử dụng Internet
thì vấn đề là các chính phủ lớn có thể triển khai hàng chục ngàn người đã được
huấn luyện và tiếp cận với những máy tính lớn nhằm bẻ khóa và thâm nhập vào hệ
thống máy tính của các tổ chức khác.
Ngoài ra, trong khi việc truyền bá thông tin là
tương đối rẻ thì việc thu thập và sản xuất tin mới lại thường đòi hỏi những
khoản đầu tư lớn và trong những hoàn cảnh có cạnh tranh thì thông tin mới là
tác nhân quan trọng nhất. Thu thập thông tin tình báo là ví dụ tốt, con sâu máy
tính Stuxnet khá tinh vi từng làm hỏng các máy li tâm trong chương trình hạt
nhân của Iran dường như được làm theo đơn đặt hàng của chính phủ (Mĩ - ND).
Các chính phủ và các
nước lớn vẫn có nhiều nguồn lực hơn những tổ chức tư nhân và cá nhân nắm được
thông tin, nhưng vũ đài hoạt động của họ đã trở nên chật chội hơn. Vở kịch sẽ
diễn ra như thế nào? Ai sẽ thắng còn ai sẽ thua?
Phải mất hàng chục năm chứ không phải một vài
mùa mới có thể trả lời được những câu hỏi này. Như các sự kiện ở Ai-cập và
những nơi khác đã cho thấy, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được ảnh hưởng của
cuộc cách mạng thông tin đối với quyền lực trong thế kỉ này mà thôi.
Joseph S. Nye là cựu thứ trưởng quốc phòng Mĩ
và cựu chủ tịch Hội đồng tình báo Mĩ. Hiện nay ông là Giáo sư ở đại học Harvard
(Harvard University). Tác phẩm mới nhất của ông: Tương lai của quyền lực (The
Future of Power).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.