1 tháng 11, 2013

Đại cương về Y xã hội học

Nguyễn Huỳnh Mai
Tháng Mười 23, 2013
(Bài này đã viết theo đơn đặt hàng và đã gửi về cho một giáo trình Y khoa ở tp Hồ Chí Minh – nhân chuyện thời sự tuần này, xin mang lên đây để bạn đọc tham khảo)
Dẫn nhập
Phản ứng trước bệnh tật, cách diễn tả sự đau đớn, từ lúc nào ta tự định nghĩa là «bị bệnh», … là những điều mà mỗi một trong chúng ta đều bị ảnh hưởng của văn hóa và giáo dục.
Những cách các bà mẹ dạy trẻ (như kiểu «con trai thì không được khóc như con gái» và nhiều kiểu tương tự, … ) thấm nhuần vào tâm khảm mọi người và từ đó cách biểu hiệu của sự đau đớn khác nhau tùy giới tính, tùy giai cấp xã hội, tùy dân tộc, …
Liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ cũng là một hiện tượng xã hội. Hai diễn viên này có thể là thành viên của hai hành tinh khác nhau dù là sống cùng trong một xã hội và ngay lúc tiếp xúc diễn ra, họ cùng đối diện nhau nhưng vị trí, ngôn ngữ, suy nghĩ, mục tiêu hay chủ đích, … hoàn toàn khác nhau.
Bệnh viện, thành phố nào cũng có ít nhất là một bệnh viện. Khuôn mặt của bệnh viện có lẻ ai cũng biết nhưng có lẻ ta không bao giờ nghĩ rằng bệnh viện là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới bên ngoài với cách kiến trúc đặc biệt với cách sinh hoạt 24/24 giờ và 7/7 ngày – bệnh viện không ngủ bao giờ vì người bệnh không thể chọn giờ để mắc bệnh – ở bệnh viện thường có hai hệ thống quyền quyền lực đối lập với nhau : quyền của giới quản lý và quyền của phía bác sĩ.
Và đó chỉ là vài sự kiện cụ thể nổi bật dễ hiểu.
Tất cả những đặc thù của sức khỏe, bệnh tật và y khoa là đối tượng của y xã hội học.
Khởi thủy, và đầu thập niên 1970 François Steuler và Claudine Herzlich mở đường cho Y xã hội học ở châu Âu, bằng cách mô tả hiện tượng này dưới góc nhìn xã hội học.

Phân biệt «xã hội học trong y khoa» và «xã hội học về y khoa»
Xã hội học trong y khoa mang những thành quả của khoa học này góp phần vào y khoa. Những hiểu biết về các vấn đề như khác biệt văn hóa, bất bình đẳng xã hội, cấu trúc đặc thù của xã hội, … có thể là những công cụ giúp giới y khoa nhận xét phân tích giải thích các biểu hiệu của bệnh tật, các dịch bệnh, … hầu áp dụng những phương thức thích hợp và hiệu quả.
Trong chừng mực đó, xã hội học trong y khoa đóng vai trò «tư vấn» cho bộ y tế, cho lảnh đạo các chương trình phòng bệnh, cho các chính sách sức khỏe cộng đồng.
Trên bình diện vi mô hơn, các nhân viên y tế, bác sĩ cần có kiến thức về xã hội học để có thể săn sóc tốt hơn, hữu hiệu hơn bệnh nhân của mình.
Xã hội học về Y khoa thì giới hạn phạm vi nghiên cứu trong lảnh vực Y khoa và chú trọng đến các vấn đề như liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, liên hệ giữa bác sĩ và y tá, các hệ thống tổ chức và sinh hoạt, điều hành của bệnh viện,…
Mặt khác, đối tượng của xã hội học về Y khoa còn là nghiên cứu sâu về những người của môi trường y như bác sĩ, y tá, bệnh nhân,… họ từ đâu đến, họ sống, sinh hoạt như thế nào, giai tầng xã hội của họ, …
Định nghĩa và ý nghĩa của từng chứng bệnh, yếu tố xã hội trong nguyên nhân cấu thành của bệnh, tiêu thụ dịch vụ sức khỏe như thế nào, các bệnh nhân phản ứng, chấp nhận hay sinh sống ra sao với bệnh tật ra sao , …cũng là những đề tài nghiên cứu của xã hội học về Y khoa.
Xã hội học về Y khoa rất gần và rất cần cho những khoa khác như dịch tể học, y đức, kinh tế y khoa và quản trị về y tế.
Từ từ, nhóm chữ «xã hội học về sức khỏe» hay «y xã hội học» thay thế hai nhóm chữ «trong y khoa» và «về y khoa»
Một số kiến thức về y xã hội học giúp người chữa bệnh hiểu mình và hiểu bệnh nhân hơn. Kiến thức về y xã hội học cũng rất cần để áp dụng và “thông dịch” những trắc nghiệm thang tầng – scales hay échelles (thang trầm cảm, thang ngủ gật, thang đau đớn, … )– thường dùng trong y khoa vì bệnh nhân diễn tả khác nhau trong cảm nhận về độ đau, về bệnh trạng, … tùy theo giới tính, tuổi tác, vốn văn hóa, giai cấp xã hội của họ.
Vài khái niệm quan trọng của y xã hội học
1. Định nghĩa của bệnh tật
Thế nào là bệnh tật. Từ mức hay điểm nào thì ta bắt đầu bị bệnh ? Ý nghĩa của bệnh tật ? Làm sao «sống chung hòa bình» với bệnh tật ?
Y khoa có thể định nghĩa bệnh tật một cách dễ dàng. Cái nào không bình thường theo cấu trúc và theo sinh hoạt (anatomie và physiologie) của cơ thể là bệnh tật . Từ đó bổn phận của bác sĩ là trị bịnh và tái lập lại tình trạng bình thường.
Thế nhưng trong thực tế, sự việc không giản dị như vậy.
Thí dụ hiển nhiên nhất là triệu chứng mất ngủngủ nhiều.
Khái quát, con người ngủ trung bình khoản 7-8 giờ mỗi đêm. Bên ta có câu «Ăn được ngủ được là tiên. Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo». Bên Tây thì nói «Qui dort, dîne» (người nào ngủ thì không cần ăn) hay «heureux celui qui dort» (người ngủ được thì sung sướng thật) Những quan niệm như thế ăn sâu vào tâm khảm mọi người thành ra dân tình khi mất ngủ thì vội vả đi gỏ cữa bác sĩ còn khi họ ngủ vật vờ vật vả suốt ngày, có khi đến 16 giờ trên 24, ngủ ở mọi nơi mọi lúc, nhưng họ không đi khám. Mà y khoa cho biết là chứng ngủ nhiều nguy hiểm vô cùng, nguy hiểm hơn chứng mất ngủ …
Ngoài định nghĩa của bệnh tật, xã hội cũng quyết định có những bệnh đáng hảnh diện, được thừa nhận (bệnh tim, bệnh mắt hay tai mũi họng,…) còn một số bệnh khác là những bệnh phải dấu kín vì xấu hổ (bệnh phụ khoa, bệnh đường sinh dục, … và nhất là bệnh tâm thần). Hiểu các ý nghĩa của bệnh tật để có thể hỏi bệnh tốt hơn.
Chính vấn đề hỏi bệnh (anamnèse) và đối thoại với bệnh nhân, y xã hội học cũng cho biết là khả năng chịu đựng đau đớn khác nhau tùy văn hóa và tùy giai cấp (bên ta có thành ngữ «công chúa đứt tay như ăn mày đổ ruột», bên Tây thì nhiều nghiên cứu cho thấy là phản ứng trước đau đớn của người Bắc Âu chậm hơn của người thuộc Địa trung hải – họ than vản nhiều hơn). Các bác sĩ phải biết trước những cơ sở đó để có thể định hướng trong chẩn bệnh và để quyết định phương thức chữa bệnh.
Bệnh nhân không chỉ là một cơ thể sinh hoạt không bình thường. Ông hay bà ấy trước nhất là một thành viên của xã hội. Muốn chữa trị bệnh của một người như thế bác sĩ cũng phải biết họ sinh sống như thế nào, nghề nghiệp ra sao, gia cảnh có vấn đề hay không, … Vã lại, biết đâu bệnh của họ có căn nguyên từ hoàn cảnh xã hội của họ.
Càng ngày, trong y khoa càng có nhiều bệnh mãn tính. Muốn bảo đảm sự trung thành áp dụng phương thức chữa trị (compliance) cũng phải biết trình độ văn hóa của bệnh nhân, hoàn cảnh xã hội và cả điều kiện tài chính tiền bạc của người ấy- y xã hội học tiếp sức với bác sĩ là như thế.
2. Vai trò của người bệnh
Mỗi một thành viên trong xã hội có những vai trò nhất định. Các vai trò này đi từ cấu trúc hay từ cách phân công của xã hội (rôle structurel và rôle fonctionnel) Khi một thành viên bị bệnh, ông hay bà ấy có thể sẽ làm xáo trộn cấu trúc và sinh hoạt xã hội. Bệnh tật thành một hiểm nguy cho xã hội (rôle destructeur). Nhưng xã hội phải tìm phương thức để giải quyết. Talcot Parsons quan sát hiện tượng này và đi tới định nghĩa vai trò của người bệnh. Thậy vậy, ông Parsons tóm lược như sau bốn «công việc» của bệnh nhân:
. người bệnh không có trách nhiệm về bệnh tình của mình. Cơn bệnh là một tình trạng không ai muốn, có thể do một tai nạn, có thể là vì ảnh hưởng của môi trường. Bệnh tật thành «chính thống», được xã hội nhìn nhận.
. người bệnh được miễn thi hành các trách nhiệm xã hội. Hơn thế nữa, xã hội có bổn phận phải giúp bệnh nhân tìm lại sức khoẻ của mình.
. ngay chính bản thân bệnh nhân cũng phải làm sao để sớm hết bệnh.
. và công việc gần nhất để hết bệnh là phải hợp tác với người trị bệnh.
Qua bốn vai trò ngắn gọn của người bệnh Parsons đã nói lên hết cấu trúc xã hội, một cấu trúc có thể bị hiểm nguy, bị lung lay khi một thành viên bị bệnh, nên xã hội phải giúp thành viên này phương tiện để chữa trị – ông không nói tới bảo hiểm y tế nhưng mầm móng đã ở đó rồi. Người bệnh có sớm bình phục thì sinh hoạt xã hội mới trở lại như trước được.
Người bệnh không có lỗi về bệnh tình của mình. Đúng thế, ước mơ của mọi người là khỏe mạnh, có ai … cố tình lâm bệnh đâu. Mà tất cả trong chúng ta đều có những trách nhiệm xã hội. Một bà mẹ bị bệnh thì ai sẽ săn sóc các con bà ? Một giáo viên bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của học trò và của đồng nghiệp cùng trường vì ai cũng phải tổ chức lại sinh hoạt để thay thế giáo viên bị bệnh đó.
Bệnh nhân được miễn các nhiệm vụ thường nhật (một phụ nữ có thể nói với chồng rằng em đau đầu quá, hôm nay anh nấu cơm thay em). Trong chừng mực này, bệnh tật có thể là một cớ rất tốt để người bệnh thoát được một tình thế khó xữ – Ở đây, ta nói đến vai trò giải phóng của bệnh tật – maladie libératrice -
Nhưng tình cảnh này không được kéo dài, bổn phận của người bệnh là phải sớm lành bệnh. Muốn thế, phải hợp tác với bác sĩ, với người lo trị bệnh.
Cái chữ hợp tác của Parsons không rõ ràng. Sau này, nhiều người «dịch» chữ hợp tác thành «bổn phận phải nghe lời», phải phụ thuộc người chữa bệnh.
3. Liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân
Liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân là một liên hệ bất bình đẳng.
Y xã hội học phân tích liên hệ này và cho ta thấy rằng trong khi tiếp xúc với bệnh nhân, bác sĩ là người khỏe mạnh, lại nắm giữ chìa khóa của việc chữa trị trong khi bệnh nhân, dù có chức tước quyền lực đi nữa trước đó, đang là người bệnh, hoàn toàn mù tịt về thân phận mình và phải trông cậy vào bác sĩ.
Bệnh nhân lại phải trút bỏ xiêm y để bác sĩ khám, phải kể hết bệnh tình trong khi đó bác sĩ mặc áo blouse trắng, một loại «áo giáp» biểu hiệu nghề thầy thuốc mà ai cũng kính nễ hay sợ – bằng cớ mà ai cũng biết là trẻ con, chúng khóc to và bám vào mẹ khi gặp y tá hay bác sĩ vì áo tablier trắng được đồng hóa với tiêm thuốc đau ! -
Trong không gian của phòng khám, bệnh nhân nằm trên giường, không có áo quần hay mặc quần áo của bệnh viện – thậm chí có bị đánh cũng không chạy đi đâu được – , còn bác sĩ thì đứng – tức là cao hơn bệnh nhân và từ đó chiếm vị trí của người «thống trị»…
Bác sĩ lại là người «ban ơn» trong khi người bệnh là kẻ «thọ ơn». Tiền công trả bác sĩ tiếng Pháp gọi là «tiền đền ơn» (honoraires) chứ không là tiền thù lao.
Ngày xưa, người chữa bệnh là phù thủy tức là những người có đầy quyền lực huyền bí. Khoa học đã phát triển nhưng vài vết tích truyền thống để lại còn trao quyền lực cho người trị bệnh.
Từ từ, với trào lưu bình đẳng và với sự phát triển của tâm lý học y khoa, bệnh nhân được tôn trọng hơn : quyền của bệnh nhân – cũng như trong giáo dục, quyền của học sinh – được thừa nhận, luật định rõ ràng. Ở châu Âu hiện trạng này có từ khoản 30 năm nay : người bệnh có quyền chọn bác sĩ, được thông tin về diễn tiến bệnh tật, có quyền chọn phương thức chữa bệnh, …
Bác sĩ hết là bác học và người bệnh hết là ngu dốt. Cả hai hợp tác để tìm phương thức tốt nhất giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe. Bảo hiểm sức khỏe là một trong những nguyên nhân chính giúp tiến triển đến hình thức gần như bình đẳng của liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.
4. Khái niệm về cái chết
Đối với người làm nghề chữa bệnh, cái chết là một thất bại. Sứ mạng của họ là chống cái chết để mang sự sống, để bảo tồn sự sống cho bệnh nhân. Hơn cả người ngoại đạo, cái chết là một cái vô giá trị hầu như là không hiện diện trong vũ trụ y khoa. Hầu như tất cả bác sĩ y tá đều miêu tả cái chết đầu tiên mà họ phải đối đầu trong quá trình thực tập như một chấn động lớn, không xóa nhòa được trong suốt cuộc đời còn lại.
Thế nhưng từ từ bên cạnh những phương thức trị bệnh soins curatifs còn có những phương thức để giảm đau – chăm sóc giảm nhẹ hay CSGN – soins palliatifs – tức là lúc đó người thầy thuốc đã nhìn nhận sự hiện diện của cái chết trong tương lai gần, viễn ảnh đó không còn là một cái gì cấm kỵ. Cái chết nằm trong chăm sóc bệnh nhân, không chăm sóc cho họ lành bệnh nhưng chăm sóc cho họ được sống những lúc cuối đời nhẹ nhàng chừng nào tốt chừng ấy. Bác sĩ và y tá không chỉ săn sóc cho sự sống, tái tạo sức khỏe cho bệnh nhân, mà còn săn sóc khi sự sống không còn là mục tiêu tối thượng.
Diễn tiến này của y khoa, từ những năm 1980, đã mở rộng lĩnh vực can thiệp của bác sĩ: chẳng những trị bệnh thôi mà còn chăm sóc giảm đau CSGN – và nhất là đã mở cữa cho các khoa học xã hội vào phương thức giúp người sắp chết sống tốt nhất thời gian cuối đời – câu này không có gì là nghịch nhĩ hết -
Săn sóc người đang ở cuối đời, công việc này cần triết học, tâm lý học, luật học và xã hội học.
Một bác sĩ cần được đào tạo liên ngành là như thế.
Trong định nghĩa về cái chết, ranh giới giữa sự sống và cái chết và những giằng co tâm lý mà các bác sĩ phải trải nghiệm, các nghiên cứu xã hội học, nhất là các nghiên cứu về văn hóa, đã góp phần tích cực để miêu tả, giải thích các tình huống và cô đọng thành một khối kiến thức có ích cho người hành nghề y, để chuẩn bị họ trong công tác và để giúp họ, nếu cần, hiểu hơn các tình huống đặc thù của người sắp chết và những liên hệ mà họ có thể có với các bệnh nhân đặc biệt này.
Xã hội học gia về cái chết cũng có thể mang lại cho các bác sĩ, y tá một chút bình an khi phải đối mặt với những đau đớn của các bệnh nhân sắp chết trong các nhóm hổ trợ tinh thần hay các nhóm giải tỏa áp lực tinh thần (talk group hay groupe de paroles).
Gần với khái niệm về cái chết có vấn đề an tử hay trợ tử (euthanasie) để giúp cho người bệnh tới lúc cuối cùng có một cái chết nhẹ nhàng êm dịu. Đây là một vấn đề vừa y khoa, dĩ nhiên rồi, vừa tôn giáo và triết lý. Xã hội học gia trong ê kíp chăm sóc giảm nhẹ có vai trò giúp ê kíp đi tới những quyết định phù hợp với tình thế y học và phù hợp với luân lý và văn hóa xã hội.
5. Bệnh viện một thực thể rất cần thiết
Khởi thủy, ít nhất là ở châu Âu, bệnh viện là những cơ sở từ thiện, do các nữ tu lo, nơi tập trung người bệnh để họ không làm hại cho xã hội. Nhà thương lúc đó không có chủ đích trị bệnh dù là các nữ tu cố gắng tận tụy lo cả phần hồn và phần xác cho bệnh nhân.
Đến thế kỷ thứ XX, với tiến triển của Y khoa, trong bất cứ thành phố nào cũng có ít nhất là một bệnh viện. Là nơi chữa bệnh, với sự tập trung những phương tiện kỹ thuật y khoa cao nhất và với một mật độ lớn chuyên viên bác sĩ chuyên ngành chuyên nghề.
Chuyên môn và thiết bị kỹ thuật cao đến nổi các bệnh viện chi hơn 40% tổng ngân quĩ dành cho sức khỏe. Bệnh viện thành một nhà máy chữa bệnh chứ không còn là một … nhà thương.
Thế nên từ khoản 1980, khắp nơi, người ta lo việc sửa đổi bệnh viện cho gần với người bệnh hơn – phong trào humanisation des hôpitaux – và suy nghĩ đến những hình thức giảm thiểu việc «nhập viện» (phẩu thuật trong ngày hay one day clinique), nhân rộng mạng lưới bác sĩ và y tá săn sóc các bệnh nhân tại nhà họ, …
Y xã hội học góp phần rất lớn trong cách cải tổ bệnh viện và nghiên cứu nhu cầu cùng các phương thức để bệnh nhân có thể tiếp tục ở nhà mà vẫn được săn sóc
Một mặt, nếu người bệnh phải vào bệnh viện thì phải làm sao cho bệnh viện cũng là một nơi sống và sống thoải mái qua cách kiến trúc, tổ chức thời gian khám chẩn bệnh, điều kiện lưu trú, các sinh hoạt cho người bệnh và gia đình họ, …
Mặt khác, tổ chức và phối hợp các dịch vụ sức khỏe để những người bị bệnh mãn tính có thể được săn sóc mà không cần phải vào nhà thương – một tiện nghi về tinh thần rất lớn cho bệnh nhân.
Thay lời kết luận
Trung tâm giấc ngủ của bệnh viện Đại học Liège chỉ gồm 9 nhân viên thường trực,
trong đó có 1 y xã hội học gia.
Giáo sư giám đốc của Trung tâm này cho biết là vai trò của y xã hội học gia là tối cần thiết cho việc trị liệu các bệnh nhân của ông, nhất là những người mang chứng ngáy hay ngừng thở lúc ngủ và những người ngủ rũ. Bộ phận y tế của Trung tâm lúc nào cũng cần có những dữ kiện cập nhật về cuộc sống và sự tuân thủ các phương thức điều trị của các bệnh nhân để có thể tùy cơ ứng biến. INAMI, tức là cơ quan về bảo hiểm sức khỏe ở Bỉ, rất chú tâm đến việc theo dỏi bệnh nhân và đòi hỏi những báo cáo định kỳ.
.
Vài sách tham khảo để đi xa hơn:
Hai quyển dễ tiếp cận :
Carricaburu D. & Ménoret M., Sociologie de la santé. Institutions, professions et maladies. Paris, Armand Colin, 2004.
Mouillie J.M. & al. Médecine et sciences humaines. Manuel pour les études médicales. Paris, Les Belles Lettres, 2007.
Những «kinh điển» :
Adam Ph. Và Herzlich Cl., Sociologie de la maladie et de la médecine. Paris, Nathan, 1994.
Freidson E., La Profession médicale, Paris, Payot, 1984.
Herzlich Cl. và Pierret J., malades d’hier, malades d’aujourd’hui. Paris, Payot, 1990.
Steudler Fr., Sociologie médicale. Paris, A. Colin, 1972.
Fox R., Experiment Pereilious. Physician and Patients Facing the Unknown. Philadelphia, University of Pennsylvania Press, 1959.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.