28 tháng 11, 2013

Quản lý xã hội ở châu Âu- hướng đến một xã hội đồng thuận và tham dự

Trần Thị Phương Hoa  
Xã hội phát triển không ngừng và liên tục đặt ra thử thách cho các thành viên trong xã hội và cho các nhà quản lý.  Ở châu Âu, quản lý xã hội (social governance) đồng nghĩa với trách nhiệm xã hội, ở tất cả các cấp, từ cấp EU đến tận từng người dân.
Theo đó, tất cả mọi người đều được bảo đảm các quyền xã hội và được tham gia thực hiện quyền đó theo mục tiêu phát triển chung. Hiện nay quản lý xã hội ở châu Âu không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà được vận hành trong một thiết chế mang tính siêu quốc gia (supranational), ở cấp độ toàn EU. Đây có thể nói là một mô hình quản lý xã hội độc nhất vô nhị hiện nay trên thế giới và đã thu được những thành công nhất định.  EU không chỉ đưa ra một mục tiêu chung “phát triển bền vững, thông minh và không phân biệt” thông qua “chia sẻ tri thức và trách nhiệm- hướng đến một xã hội không có ai bị gạt ra ngoài lề”, mà còn đề ra những thiết chế hành chính và tài chính cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu đó.

Một xã hội đồng thuận- bước chuyển tới kỷ nguyên hậu công nghiệp, hậu hiện đại?
Triết gia người Pháp Jean-Francois Lyotard đã nhìn nhận bước chuyển của xã hội châu Âu cuối những năm 1950 như dấu hiệu của một giai đoạn mới trong phát triển xã hội mà ông gọi là “bối cảnh hậu hiện đại”[1]. Bối cảnh này đã được xác lập, một phần nhờ vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng công nghiệp từ giữa thế kỷ XIX, giúp cho văn minh loài người mang một diện mạo mới dựa trên sáu điểm mà Toffler đã chỉ ra “tiêu chuẩn hóa, chuyên môn hóa, đồng bộ hóa, tích tụ hóa, cực đại hóa và tập trung hóa”[2]. Ở vào thời điểm Lyotard viết về “hậu hiện đại”, cuộc cách mạng của máy điện toán đã khẳng định hơn nữa tư tưởng về tính liên kết xã hội “Đằng sau sự chuyển dịch rộng lớn dẫn đi từ tư tưởng của Comte đến tư tưởng của Luhman có thể đoán thấy cùng một tư tưởng về xã hội: xã hội là một chỉnh thể thống nhất, một “độc nhất”[3]. Với tất cả sự đa dạng của mình, xã hội châu Âu cho thấy những dấu hiệu của một xã hội “hậu hiện đại” nhấn mạnh đến sự thống nhất, đồng thuận.
1.Cấu trúc xã hội châu Âu
1.1.Các yếu tố cấu thành nên xã hội
Tương tự như tất cả các xã hội loài người, xã hội châu Âu cấu thành trên 5 phạm trù cơ bản: dân số, văn hoá, kinh tế, tổ chức xã hội và thiết chế xã hội
Dân số. Dân số được coi là thành tố quan yếu nhất trong xã hội, là thành
phần chính mà nhờ đó xã hội tồn tại. Dân số mang trong mình 3 chiều cạnh gồm có: tính di truyền liên tục, tính đa dạng di truyền và tính đa dạng nhân khẩu.
Theo báo cáo dân số gần đây nhất của Ủy ban châu Âu, dân số của EU-28 (Croatia chính thức gia nhập EU ngày 1/7/2013) khoảng 508 triệu và vẫn đang tiếp tục tăng. Giai đoạn 1992-2011, hàng năm dân số EU-27 tăng 1,5 triệu người[4]. Cũng báo cáo này cho thấy hôn nhân trong EU-27 giảm, trong khi đó ly hôn tăng lên. Năm 2010, EU-27 có 2,2 triệu lượt đăng ký kết hôn, giảm 43% so với tỉ lệ năm 1965. Trong khi đó, số vụ ly hôn là 1 triệu năm 2009, so với tỉ lệ năm 1965 tăng hơn 2 lần[5].
Văn hóa
Văn hóa là hệ quả trực tiếp của dân số và được xem là thành tố quan trọng thứ hai của xã hội. Văn hóa là một hệ thống biểu tượng, chứa đựng thông tin về xã hội đó và truyền lại từ đời này sang đời khác, với vai trò đặc biệt quan trọng của ngôn ngữ, là công cụ để lưu giữ các thông tin về văn hóa, thông tin tư tưởng, thông tin công nghệ. Hầu hết các ngôn ngữ ở châu Âu thuộc họ Ấn-Âu, với ba nhóm chính là nhóm ngôn ngữ Giecmanh, nhóm La Tinh và nhóm Slavo. Khẳng định tính đa dạng văn hóa, EU duy trì chính sách đa ngôn ngữ, sử dụng 24 ngôn ngữ chính thức trong công việc, dù chi phí cho việc phiên dịch tốn đến hơn 1 tỉ Euro mỗi năm[6]. Danh sách các ngôn ngữ làm việc của EU vẫn còn có thể tiếp tục tăng cùng với quá trình mở rộng của liên minh này.
Kinh tế: bao gồm tất cả các mối quan hệ sản xuất, phương thức sản xuất cùng vật chất do con người sản xuất và chế tạo ra hoặc trao đổi mà có được.
Các nước châu Âu đã trải nghiệm hơn 500 năm của thời kỳ phát triển hiện đại với chủ nghĩa tư bản, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho tới nay, mặc dù có mức độ phát triển tương đối khác nhau, các quốc gia châu Âu đều đã thiết lập được một nền kinh tế thị trường với hai mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa đặc trưng là mô hình kinh tế thị trường tự do (điển hình là Anh) và mô hình kinh tế thị trường có điều phối (điển hình là Đức). Hiện nay, EU đang hướng tới một mô hình quản lý kinh tế thống nhất toàn EU thông qua các chính sách tài khóa thống nhất, cụ thể là bằng công cụ mà Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng (Stability and Growth Pact)[7] đề ra. Các nghiên cứu cho rằng việc “châu Âu hóa”  quản lý các nền kinh tế quốc gia sẽ đem lại những ưu thế mới cho từng nền kinh tế riêng lẻ, thông qua việc học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ giữa các quốc gia EU, đồng thời hướng tới một châu Âu ngày càng thống nhất và đồng thuận. Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể dẫn đến thói quan liêu và hành chính cồng kềnh mà EU đang tìm mọi cách để khắc phục[8].
Tổ chức xã  hội
Tổ chức xã hội để chỉ mạng lưới các mối quan hệ giữa các thành viên trong xã hội. Những mối quan hệ này giúp các thành viên thỏa mãn được nhu cầu cá nhân của họ đồng thời nhu cầu toàn xã hội. Tổ chức xã hội bao gồm những yếu tố: các cá nhân; địa vị, vai trò xã hội; các nhóm; giai cấp; giai tầng.
Các cá nhân: mỗi xã hội đều phải đương đầu với việc thành phần của nó liên tục có sự luân chuyển, trong đó có việc những người già sẽ ra đi, người trẻ thay thế. Việc truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp cung cách sống trong xã hội đã được định hình được gọi là xã hội hóa, thông thường thông qua con đường giáo dục. Ngay từ khi đứa trẻ còn rất nhỏ đã được dạy cách ứng xử trong xã hội.Tuy nhiên xã hội hóa là một quá trình không bao giờ hoàn toàn thành công. Cái tôi của mỗi cá nhân, cộng với khả năng học tập khác nhau của mỗi cá nhân tạo nên sự hạn chế đối với việc xã hội hóa (đưa con người hội nhập hoàn toàn vào xã hội). Đa phần các cá nhân tuân thủ theo các chuẩn mực xã hội, chủ yếu là do họ muốn được khen thưởng, tránh bị trừng phạt, và một phần do mong muốn chủ quan.
Địa vị và vai trò xã hội
Vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội phụ thuộc vào vị trí xã hội của họ. Cần phải thấy rằng vai trò xã hội khác rất nhiều so với uy tín xã hội hoặc tôn vinh xã hội
Nhóm. Các cá nhân trong xã hội tổ chức thành các nhóm, bao gồm từ gia đình cho tới các công ty. Những nhóm này có đặc điểm 1) kết hợp lại để thỏa mãn những nhu cầu hoặc nguyện vọng chung; 2) chia sẻ các chuẩn mực; 3) có cảm giác về diện mạo chung.
Giai cấp. Bất bình đẳng là thuộc tính của mỗi xã hội. Một số cá nhân luôn luôn chiếm giữ được nhiều của cải xã hội hơn so với các cá nhân khác và hưởng thụ nhiều hơn. Tuy nhiên các xã hội khác nhau lại thể hiện bất bình đẳng khác nhau. Giai cấp được định nghĩa dựa trên một vài thuộc tính chung của các thành viên và ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận quyền lực, ưu tiên.
Phân tầng xã hội
Tất cả hệ thống giai cấp và địa vị xã hội của họ tạo nên hệ thống giai tầng. Hệ thống giai tầng ở các xã hội khác nhau được định dạng  khác nhau dựa vào tài sản, quyền lực, ưu thế và chủng tộc. Giai tầng chính là một trong những nguồn gốc chính của xung đột trong xã hội. Không một hệ thống phân phối nào có thể làm thỏa mãn tất cả mọi người, bởi vì không có cách nào thật sự công bằng để có thể phân phối nguồn lực xã hội một cách thật đồng đều. Ở những xã hội tiên tiến, phân phối nguồn lực dựa trên đóng góp của cá nhân đối với xã hội, ở các xã hội kém phát triển, nguồn lực xã hội bị một số nhóm người chiếm đoạt mà không dựa trên đóng góp thực sự của họ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề giai cấp và phân tầng ở châu Âu nặng nề hơn so với một xã hội phát triển cao khác là Mỹ. Nguyên nhân của tình trạng này là do di sản lịch sử để lại, trong đó yếu tố dòng họ (kinship) và gia đình được coi là đóng vai trò đáng kể. Những dòng họ nổi tiếng và có truyền thống lâu đời ở châu Âu với tài sản, học vấn và nghề nghiệp chuyên môn cũng là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên phân tầng xã hội và giai cấp ở châu Âu. Việc phân chia xã hội thành các giai tầng thượng lưu (upper), trung lưu (middle) và hạ lưu (lower) không chỉ liên quan đến tài sản, mà còn liên quan đến truyền thống, phong cách sống, mối quan hệ xã hội[9].
Các thiết chế xã hội và hệ thống thiết chế
Đây là thành tố của xã hội  được hình thành dựa trên cả 4 thành tố kia là dân số, văn hóa, kinh tế, tổ chức xã hội. Có 5 hệ thống thiết chế quan trọng dựa trên các mối quan hệ: quan hệ huyết thống, kinh tế, chính trị, tôn giáo, giáo dục.
“Thiết chế là những cấu trúc xã hội có mức độ linh hoạt cao và được cấu tạo bởi các yếu tố mang tính văn hóa-nhận thức, chuẩn mực, điều tiết. Chúng kết hợp với các hoạt động và các nguồn lực tạo nên sự ổn định và ý nghĩa cho đời sống xã hội”[10].Thiết chế xã hội có sự đổi thay theo thời gian, do những nguyên nhân sau: 1) sự xói mòn của các trật tự, cấu trúc, cam kết; 2) sự mâu thuẫn giữa các nguyên tắ chung với điều kiện địa phương do những “xô lệch” giữa cấp độ vi mô và vĩ mô; 3) do sự thiếu ăn khớp của các thành tố trong một thiết chế- các quy tắc, chuẩn mực, niềm tin- bị thay đổi, tạo nên những biến chuyển mới trong thiết chế[11].
1.2.Nền tảng xã hội châu Âu
Ở trên chúng ta tìm hiểu những yếu tố chung cấu thành nên một xã hội. Xã hội nào cũng có những hợp phần như vậy, tuy nhiên, nền tảng của chúng lại dựa trên những chiều cạnh khác nhau. Chúng ta thử tìm hiểu nền tảng xã hội châu Âu là gì. Cho đến nay các học giả thống nhất cho rằng các di sản mà châu Âu kế thừa là văn minh Cận đông, văn minh Hy Lạp- La Mã, Thiên chúa giáo, tư tưởng nhân văn thời Phục hưng, quan điểm về tính cá nhân, dân chủ, tự do thời Khai sang … Ở thời hiện đại, xã hội châu Âu được xem xét dưới nhiều góc độ đa dạng hơn nhưng đều hướng đến tính đồng quy. A. Martinelli cho rằng xã hội châu Âu hiện đang tiến đến một diện mạo thống nhất nhờ có một nền kinh tế liên kết, chia sẻ các di sản văn hóa, các thiết chế và chính sách công chung, phong cách sống giống nhau[12]. Cũng tác giả này nhận thấy xã hội hiện đại châu Âu dựa trên những nhân tố sau: khoa học và công nghệ, chủ nghĩa tư bản, quốc gia-dân tộc, dân chủ đại diện,
Khoa học và công nghệchâu Âu có tính vượt trội ở chỗ khả năng thống nhát giữa lý thuyết trừu tượng và nghiên cứu thực nghiệm, khả năng liên kết các phát hiện, sang tạo, cải tiến công nghệ dưới sức ép của chiến tranh hoặc cạnh tranh thương mại. Ở châu Âu còn có các thiết chế chuyển tải tri thức: đó là các trường đại học được hình thành từ thời trung cổ ở Pháp và Ý, các viện hàn lâm khoa học hình thành ở Anh thế kỷ XVII, các trường đại học nghiên cứu lập ra vào thế kỷ XIX ở Đức.
Yếu tố thứ hai tạo nên diện mạo xã hội châu Âu hiện đại chính là chủ nghĩa tư bản công nghiệp được dẫn dắt bởi thị trường. Nguyên tắc bao trùm của CNTB là liên tục tìm kiếm cách tối đa hóa lợi ích của các cá thể một cách hợp lý để có thể cạnh tranh thành công trên thị trường[13]. Muốn cạnh tranh tốt, thị trường phải hướng đến đám đông và đến nhu cầu của từng cá nhân. Bởi vậy, cá nhân được nghiên cứu, tìm hiểu và đề cao trong kinh tế thị trường.
Yếu tố thứ ba của xã hội châu Âu hiện đại là quốc gia-nhà nước (nation-state). Đây là yếu tố gây nhiều tranh cãi bởi vì nó xung đột với các giá trị của chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa cá nhân. Dưới đây là một định nghĩa gần đây  về quốc gia-nhà nước
“Quốc gia-nhà nước là một thiết chế đại diện cho quyền lực chính trị trong xã hội hiện đại, một thực thể chính trị mang tính chủ quyền toàn vẹn, phi cá nhân, với quyền công pháp tối cao trong phạm vi một lãnh thổ được xác định, quyền pháp chế áp đăt lên người dân và được các công dân ủng hộ. Đây là một thể chế đặc biệt có nguồn gốc từ kết hợp giữa một bên là  cơ quan chính trị mang tính toàn vẹn chủ quyền, tự trị, tập trung với một bên là một cộng đồng gắn bó với nhau về ngôn ngữ, dòng máu, truyền thống, hồi ức tập thể”[14].
Ở châu Âu, nguy cơ nhà nước tập trung áp đảo tự do cá nhân luôn được đặt dưới sự kiểm soát của các thể chế dân chủ đại diện, tức là hệ thống bầu ra những người đủ phẩm chất lãnh đạo đại diện cho lợi ích và mong muốn của công dân trong bối cảnh tam quyền phân lập, dựa trên sự đồng thuận của người dân và phát triển nhằm bảo vệ cho những quyền cơ bản của người dân.
Yếu tố thứ tư của xã hội châu Âu là tính dân chủ đại diện. Đây không phải là yếu tố mới xuất hiện mà nó là truyền thống có nguồn gốc từ các thành bang Hy Lạp, chế độ cộng hòa La Mã, và những thành phố tự do thời Trung cổ ở Ý, Đức, Flanders. Tính dân chủ đại diện được thực thi qua một loạt các thể chế như các nghị viện, luật theo đa số trong chính phủ, đồng thời bảo vệ quyền lợi các nhóm thiểu số, bầu cử tự do theo chu kỳ, tam quyền phân lập, tự do báo chí và liên tục đổi mới thiết chế cho phù hợp với bối cảnh mới.
Một yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng đáng kể đến xã hội châu Âu hiện đại vẫn là Nhà thờ Thiên chúa giáo, vốn có vai trò then chốt đối với văn hóa cũng như đối với truyền thống xây dựng thể chế ở châu Âu. Nhà thờ Thiên chúa giáo tạo ra những thiết chế lâu đời nhất và kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại[15].
Bảng 1: Các yếu tố phát triển xã hội ở châu Âu và khả năng quản lý
 
Các yếu tố trong  phát triển xã hội
Phạm trù
Khả năng quản lý, điều tiết
Liên kết kinh tế
Kinh tế, dân số

Bất bình đẳng
Giai cấp, giai tầng xã hội, dân số

Gia đình
Tổ chức xã hội, dân số
Không rõ ràng
Thiết chế chính trị
Thiết chế xã hội

Phúc lợi xã hội
Giai cấp, dân số

Thay đổi giá trị
Văn hóa
Không rõ ràng
Di cư
Dân số
Không rõ ràng
 
2.Những vấn đề của xã hội châu Âu và quá trình hướng đến một xã hội liên kết, thống nhất có điều tiết
Do xã hội luôn không ngừng vận động và phát triển, châu Âu đã và đang đối diện với những quá trình xã hội có khả năng gây xung đột. Thứ nhất là chiều cạnh chính trị của châu Âu hiện đại, đặc biệt kể từ khi hệ thống XHCN sụp đổ và những xung đột chính trị giữa hai hệ thống dường như chấm dứt. Tuy nhiên,  những tàn dư của quá khứ như chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, bảo hộ kinh tế, chế độ chuyên chế dường như đã cáo chung luôn có nguy cơ trỗi dậy bất cứ lúc nào. Châu Âu luôn tìm cách kiểm soát để những yếu tố này không có cơ quay trở lại. Thứ hai là chiều cạnh kinh tế xã hội, trong đó quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa kéo dài, với thời điểm, thời lượng và hệ quả khác nhau ở từng quốc gia châu Âu. Mặc dù quá trình này khác nhau ở từng nước nhưng với xu thế hội nhập kinh tế và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các xã hội và văn hóa khác biệt ngày càng giống nhau và tiến tới sự đồng nhất. Thứ ba, xã hội châu Âu, cũng như các xã hội khác, đang đứng trước làn song toàn cầu hóa với xu thế giảm thiểu sự khác biệt giữa các quốc gia vốn có các thể chế kinh tế và chính trị giống nhau. Thứ tư, xu hướng hội nhập xã hội ở EU hiện nay được coi là kết quả của các chính sách từ EU hơn là những thay đổi mang tính “tự phát” khi các bộ óc đầy sang tạo của EU đã xây dựng nên một không gian kinh tế chung tạo thuận lợi cho việc trao đổi nguồn lực con người, vốn, hàng hóa, dịch vụ, và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo đà cho xã hội châu Âu tiến tới sự đồng nhất ngày càng tăng. Một số các thể chế chính trị chung như Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Tòa án Tối cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu và đồng Euro chính là những cơ quan có chức năng gắn kết xã hội châu Âu với nhau. Như vậy ta thấy châu Âu là một ví dụ rõ nét nhất cho thấy “bàn tay của người quản lý” trong việc xây dựng nên một xã hội đa dạng có tổ chức, có trât tự trên cơ sở tự nguyện của người dân.
Tài liệu tham khảo
Berger Peter, Luckmann Thomas, The Social Construction of Reality: A Treatise it’s the Sociology of Knowledge, Garden City, New York: Anchor Books, 1966.
Boje Thomas, Haller Max, Kohli Martin, Woodward Alison, European societies, Routledge, Taylor and Francis e-Library, 2001.
Buchs, Milena, New governance in European social policy- the Open Method of Coordination, Palgrave macmillan, 2007.
Kamen Henry, Early modern European society, Routledge, Taylor and Francis e-Library, 2005.
European Commission, European Social policy: a way forward for the Union; A White Paper, COM (94) 333, 27/7/1994.
European Commission, EU Employment and Social Situation, Quarterly Review, 3/2013
Kohli Martin, Novak Mojca, Will Europe work?: integration, employment and the social order, Routledge, London, 2001.
Linsenmann I., Meyer C.O., Wessels W., Economic government of the EU- A balance sheet of new modes of policy coordination, Palgrave Macmillan, 2007.
Lyotard, Jean-Francois, Hòan cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu, Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức, 2007.
Martinelli Alberto, Transatlantic Divide- comparing American and European Society, Oxford University Press, 2007.
Ramkrishna Mukherjee, Social and Cultural Components of Society and Appraisal of Social Reality, Economic  and Political Weekly, Vol 26, No4, Jan.26/1991.
Rappaport Steve, World within worlds: structure of life in sixteenth-century London, Cambridge University Press, 1989.
Toffler A. Đợt sóng thứ ba, Tái bản lần thứ nhất, Hà Nội, Khoa học Xã hội, 2007, tr.133
Trần Thị Phương Hoa (2011), Cải cách an sinh xã hội ở châu Âu sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Nghiên cứu châu Âu, 9(132),2011, 14-25
Trần Thị Phương Hoa (2011), Báo cáo thường niên về tình hình kinh tế-chính trị- xã hội châu Âu năm 2011

[1]Lyotard, Jean-Francois, Hòan cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu, Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức, 2007.
[2]Toffler A. Đợt sóng thứ ba, Tái bản lần thứ nhất, Hà Nội, Khoa học Xã hội, 2007, tr.133

[3]Lyotard, dd, tr.86
[4]European Commission, EU Employment and Social Situation, Quarterly Review, 3/2013, tr.4
[5]European Commission, nt, tr.23 Tỉ lệ đăng ký kết hôn và vụ ly hôn trong 1000 dân
[6]With 20 official languages, is EU lost in translation? http://news.nationalgeographic.com/news/2005/02/0222_050222_translation.html, 22/2/2005
[8]Linsenmann I., Meyer C.O., Wessels W., Economic government of the EU- A balance sheet of new modes of policy coordination, Palgrave Macmillan, 2007
[9]Hess, Andreas, Concepts of social stratification- European and American models, Pagrave Macmillan, 2001
[10]Dẫn theo Hamalainen Timo J., Heiskala Risto (ed), Social Innovations, Institutional Change and Economic Perfomance, Edward Elgar,UK, USA, 2007, tr. ix
[11]Hamalainen Timo J., Heiskala Risto, dd, tr. xii
[12]Martinelli, Alberto, Transatlantic Divide- comparing American and European Society, Oxford University Press, 2007
[13]Nt, tr.13
[14]Martinelli Alberto, Transatlantic Divide- comparing American and European Society, Oxford University Press, 2007, tr. 14

[15]Nt, tr.15 


1 nhận xét:

  1. Grand Casino (Casinos) - Mapyro
    Grand Casino is located in the city of 천안 출장안마 Funner, United 인천광역 출장안마 States 광주광역 출장샵 of America. 양산 출장마사지 Grand Casino is open daily 24 hours, 365 days a 평택 출장샵 year.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.