Joseph S. Nye - Phạm Nguyên Trường dịch
Hai năm trước một đoạn mã máy
tính sai đã thâm nhập vào chương trình hạt nhân của Iran và phá hủy
nhiều máy li tâm chuyên dùng cho việc làm giàu uranium. Một số nhà quan
sát tuyên bố rằng vụ phá hoại hiển nhiên này là điềm báo của một hình
thức chiến tranh mới và ông Leon Panetta, Bộ trưởng quốc phòng Mĩ, đã
cảnh báo về nguy cơ của một cuộc tấn công “Chân Trâu cảng trên không
gian ảo” vào nước Mĩ. Nhưng chúng ta biết gì về cuộc xung đột trên không
gian ảo?
Không gian ảo của máy tính và những
hoạt động liên quan đến lĩnh vực điện tử là môi trường phức tạp do con
người tạo ra, còn kẻ thù của họ là những người thông minh và hoạt động
một cách có chủ đích. Rời non và lấp biển là việc khó, nhưng chỉ cần
tắt-mở một cách công tắc là ta có thể chuyển rời một phần không gian ảo
rồi. Chuyển mấy hạt điện tử chạy vòng quanh trái đất thì dễ và rẻ hơn
rất nhiều so với chuyển những chiếc tàu thủy lớn đi một đoạn đường dài.
Giá thành sản
xuất của những con tàu đó – những chiếc hàng không mẫu hạm và hạm đội
tàu ngầm đa chức năng – gây ra những rào cản đáng kể, không phải nước
nào cũng đủ sức vượt qua, tạo điều kiện cho Mĩ giữ địa vị thống trị
trong lĩnh vực này. Nhưng rào cản đối với không gian ảo quá thấp; với
chi phí không đáng kể, những kẻ hoạt động bên ngoài nhà nước và các quốc
gia nhỏ có thể có vai trò quan trọng.
Trong tác phẩm Tương lai của quyền lực, tôi khẳng định rằng việc chính phủ mất dần quyền lực là một trong những thay đổi vĩ đại nhất về mặt chính trị trong thế kỉ này. Không gian ảo là thí dụ tuyệt vời minh họa cho điều đó. Những nước lớn như Mĩ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc có nhiều khả năng kiểm soát biển, trời và vũ trụ hơn những nước nhỏ và các đối tượng hoạt động bên ngoài nhà nước, nhưng nói về quyền bá chủ trong không gian ảo là việc làm vô nghĩa. Dù sao mặc lòng, việc những hoạt động kinh tế và chính trị phụ thuộc vào hệ thống phức tạp trên không gian ảo đã tạo ra những khu vực dễ bị tổn thương trong những nước lớn, đấy cũng là những khu vực dễ bị những đối tượng hoạt động bên ngoài nhà nước lợi dụng.
Bộ quốc phòng Mĩ tạo ra Internet
cách đây bốn mươi năm; hiện nay, đa số các đánh giá đều cho rằng Mĩ vẫn
là nước dẫn đầu trong việc sử dụng Internet cho nhu cầu quân sự và xã
hội. Nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống máy tính nối mạng và
thông tin trên mạng làm cho Mĩ dễ bị tấn công hơn nhiều nước khác, và
không gian ảo trở thành nguồn gốc nguy hiểm lớn nhất, vì trong giai đoạn
phát triển công nghệ hiện nay, kĩ thuật tấn công đang áp đảo kĩ thuật
phòng vệ
Thật ngữ “tấn
công trên không gian ảo” bao gồm một loạt hoạt động, từ đơn giản là tìm
cách thay đổi giao diện của Web sites, đến từ chối dịch vụ, hoạt động
gián điệp và phá hoại. Tương tự như thế, thuật ngữ “chiến tranh trên
không gian ảo” được sử dụng một cách tương đối tùy tiện để nói về một
loạt hành vi, thể hiện trong định nghĩa của các cuốn từ điển về chiến
tranh, từ xung đột vũ trang đến những hành động thù địch khác (thí dụ,
“chiến tranh giữa hai phái (nam-nữ)” hay “chiến tranh chống tệ nạn buôn
lậu ma túy”).
Nhưng một số chuyên gia lại có
quan điểm khác hẳn, họ sử dụng định nghĩa hẹp về chiến tranh trên không
gian ảo: đấy là “cuộc chiến không có đổ máu” giữa các quốc gia, chỉ là
xung đột trong lĩnh vực điện tử trên không gian ảo mà thôi. Nhưng định
nghĩa này đã bỏ qua những tương tác quan trọng giữa tầng ảo và tầng vật
chất trong không gian kĩ thuật số. Con virus Stuxnet – virus nhiễm vào
chương trình hạt nhân của Iran - cho thấy rằng những cuộc tấn công vào
phần mềm có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề về mặt vật chất.
Sẽ có ích hơn
nếu ta định nghĩa chiến tranh trên không gian ảo là: hành động thù địch
làm gia tăng hay tương đương với một vụ bạo hành lớn trên bình diện vật
chất. Trong thế giới vật chất, các chính phủ hầu như được độc quyền
trong những vụ trấn áp có sử dụng những lực lượng mạnh, bên phòng thủ có
kiến thức sâu sắc về khu vực và cuộc tấn công sẽ chấm dứt vì bị tiêu
hao sinh lực hay kiệt sức. Nhưng người ta phải trả giá đắt cho các nguồn
lực và khả năng vận động.
Ngược lại, chủ thể hành động trong không gian ảo là rất đa dạng (đôi khi còn ẩn danh nữa), khoảng cách không phải là vấn đề quan trọng, một số hình thức tấn công lại rất rẻ. Mạng Internet được thiết kế với mục đích dễ dàng cho người dùng chứ không phải vì mục đích an toàn, cho nên những kẻ tấn công có lợi thế hơn bên phòng thủ. Sự phát triển về công nghệ, trong đó có những cố gắng nhằm “xây dựng lại” một số hệ thống nhằm làm gia tăng mức độ an toàn, cuối cùng có thể thay đổi được điều đó, nhưng hiện này tình hình đúng là như thế. Bên lớn hơn cũng chỉ có những khả năng rất hạn chế trong việc giải giới hay hủy diệt đối phương, chiếm đóng lãnh thổ hay áp dụng chiến lược đối phó một cách hữu hiệu.
Mặc dù mới ở
dạng phôi thai, nhưng chiến tranh trên không gian ảo là một trong những
mối đe dọa tiềm tàng nguy hiểm nhất. Về nguyên tắc, bằng những cuộc tấn
công trên không gian ảo nhắm vào những mục tiêu quân sự và dân sự, những
nước lớn, với nguồn lực về con người và trình độ kĩ thuật tinh xảo, có
thể gây ra những vụ đổ vỡ trên diện rộng và thiệt hại nặng nề về mặt vật
chất. Có thể đáp trả chiến tranh trên không gian ảo bằng những biện
pháp phòng thủ liên quốc gia như cấm đoán và cản trở, tăng cường khả
năng tấn công, và khi không thể ngăn chặn được thì phải có phương tiện
phục hồi mạng lưới và cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng. Đến một lúc
nào đó có thể gắn những bước đi này vào những tiêu chuẩn và kiểm soát vũ
khí đang còn phôi thai như hiện nay, nhưng thế giới mới ở giai đoạn đầu
của tiến trình này mà thôi.
Nếu hiện nay
mối đe dọa của hoạt động tin tặc của những nhóm người theo những hệ tư
tưởng nào đó chỉ gây ra sự phiền toái thì đối với an ninh quốc gia có
bốn mối đe dọa chính sau đây: chiến tranh trên không gian ảo và gián
điệp kinh tế - liên quan chủ yếu đến các quốc gia – tội phạm và khủng bố
trên không gian ảo - liên quan chủ yếu đến những chủ thể hoạt động bên
ngoài nhà nước. Mĩ bị thiệt hại nhiều nhất từ hoạt động gián điệp và tội
phạm, nhưng trong thập niên sau hoặc lâu hơn một chút, chiến tranh và
khủng bố có thể trở thành mối đe dọa lớn hơn so với hiện nay.
Ngoài ra, khi các liên minh và chiến thuật tiến triển thêm thì những mối đe dọa bên trên có thể chồng lấn lên nhau. Đô đốc Mike McConnell, cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia nói rằng “Trước sau gì thì những nhóm khủng bố cũng thành thạo kĩ thuật mạng. Nó cũng giống như việc phổ biến vũ khí hạt nhân thôi, nhưng dễ dàng hơn nhiều”.
Thế giới mới chỉ nhìn thấy những nét lờ mờ của cuộc chiến tranh trên không gian ảo mà thôi – đấy là những cuộc tấn công gây ra phản ứng từ chối dịch vụ diễn ta song song với cuộc tấn công thông thường ở Georgia vào năm 2008 hay vụ phá hoại máy li tâm của Iran trong thời gian gần đây. Quốc gia là những tác nhân có tiềm năng lớn nhất, nhưng những tác nhân hoạt động bên ngoài nhà nước có vẻ như sẽ là những kẻ gây ra những vụ tấn công đầy thảm họa. “Cuộc tấn công trên không gian ảo 11/9” có vẻ như dễ xảy ra hơn là “Chân Trâu cảng trên không gian ảo” như đã nói tới bên trên. Đây là lúc các nước phải ngồi lại và thảo luận những biện pháp nhằm làm giảm thiểu mối đe dọa này đối với hòa bình thế giới.
Joseph
S. Nye, là cựu trợ lí của Bộ trưởng quốc phòng và hội đồng tình báo
quốc gia Hoa Kỳ, giáo sư đại học Harvard và là một trong những học giả
nổi bật nhất về quan hệ quốc tế.
Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/cyber-war-and-peace
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.