Brandon
Keim/ Theo Wired Science, 14/05/2012, Tia sáng dịch.
Sau hai thập kỷ tăng
trưởng kinh tế một cách phi thường, người Trung Quốc không hạnh phúc hơn đáng
kể so với trước đây, theo một nghiên cứu đánh giá về mức hạnh phúc và thu nhập
quốc gia ở nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Nhìn một cách tổng quan,
những người giàu ở Trung Quốc có hạnh phúc hơn một chút so với trước đây, nhưng
với những người có mức thu nhập trung bình dường như không hề có gì thay đổi.
Còn với những người nghèo, mức độ thỏa mãn đối với cuộc sống dường như sụt giảm
đáng kể.
Những xu hướng này chưa
phải là căn cứ để phê phán kinh tế tư bản, hay tăng trưởng kinh tế - nhưng
chúng đã phần nào cho thấy rằng các tiêu chí kinh tế thông thường không phải là
thước đo đầy đủ để đánh giá hạnh phúc.
“Không có bằng chứng
nào cho thấy có sự gia tăng mức độ thỏa mãn đối với cuộc sống như chúng ta
thường kỳ vọng ở một nền kinh tế có mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng tới 4
lần”, nhận định trong báo cáo của nhóm nghiên cứu mà chủ nhiệm là nhà kinh tế
Richard Easterlin, công bố ngày 15/05 vừa qua trên tạp chí Proceedings of
the National Academy of Sciences.
Easterlin, một nhà kinh
tế từ trường University of Southern California, trở nên nổi tiếng sau bài báo
công bố năm 1974 của ông – “Liệu tăng trưởng kinh tế có giúp cải thiện số phận
con người? Một số căn cứ thực nghiệm” (“Does Economic Growth Improve the Human Lot? Some Empirical Evidence”) – trong đó khẳng định rằng
tiền bạc giúp con người hạnh phúc hơn, nhưng chỉ tới một mức độ nhất định.
Sau khi đã thỏa mãn một
số nhu cầu cơ bản, mức độ thỏa mãn đối với cuộc sống tăng giảm dần so với thu
nhập. Hay nói một cách ngắn gọn, tiền không mua được hạnh phúc.
Được gọi là nghịch lý
Easterlin, kết luận này là một sự minh họa thuyết phục cho việc áp dụng các
phương pháp khoa học vào giải quyết các câu hỏi của xã hội học và kinh tế học.
(Nhưng đồng thời cũng gây tranh cãi: một số nhà nghiên cứu nói rằng Easterlin
đã mắc sai lầm, rằng những dữ liệu tốt hơn cho thấy mối quan hệ liên tục và
trực tiếp song hành giữa mức thu nhập bình quân đầu người và hạnh phúc cá
nhân.)
Nghiên cứu mới đã kiểm
tra thái độ xã hội ở người Trung Quốc, quốc gia đang phát triển điển hình mà
dưới góc nhìn xã hội học, là một thí nghiệm khổng lồ về mức tăng trưởng kinh tế
nhanh chóng.
Trong khoảng 1990 tới
2010, GDP của Trung Quốc tăng gấp bốn lần, nhưng dữ liệu từ 6 cuộc khảo sát
khác nhau trong đó người được khảo sát tự đánh giá mức hạnh phúc của mình, cho
thấy không có sự gia tăng tương ứng về mức độ hạnh phúc so với thu nhập.
Thay vào đó, mức độ
thỏa mãn cá nhân nhìn chung giảm xuống trong thập kỷ 1990 và đầu 2000, và chỉ
tới gần đây mới bắt đầu tăng trở lại.
Sự gia tăng thu nhập
kinh tế ở Trung Quốc chủ yếu tập trung ở những người giàu nhất, và kết quả khảo
sát cũng tương đồng với những nghiên cứu tâm lý học về bất bình đẳng. Con người
dường như có sự bức xúc một cách tự nhiên về vấn đề này, cho dù tính theo giá
trị tuyệt đối thì hoàn cảnh kinh tế của họ vẫn được cải thiện.
Tuy nhiên, Easterlin và
các cộng sự không dựa nhiều vào tâm lý học, mà chủ yếu dựa vào những luận điểm
lịch sử thực dụng để lý giải thực trạng ở Trung Quốc, nơi mà họ cho là tương
đồng với những gì xảy ra ở Đông và Nam Âu sau khi thể chế xã hội chủ nghĩa kết
thúc.
Ở tất cả những khu vực
trên, tăng trưởng về kinh tế - đo theo GDP – kéo theo gia tăng về thất nghiệp,
sụt giảm bảo hiểm xã hội, và cả hai đều gây tác động trực triếp hoặc gián tiếp
tới hạnh phúc cá nhân.
“Sẽ là sai lầm nếu dựa
vào kết quả khảo sát về mức hạnh phúc ở Trung Quốc để khẳng định rằng mô hình quản
lý xã hội kiểu tập trung hóa là tốt hơn”, nhóm nghiên cứu của Easterlin viết
trong báo cáo. “Tuy nhiên, dữ liệu của chúng tôi cho thấy một bài học quan
trọng, rằng công ăn việc làm, cũng như an ninh về công việc và thu nhập, cùng
với bảo hiểm xã hội, đóng vai trò thiết yếu đối với mức độ thỏa mãn trong cuộc
sống”.
Nhà kinh tế Justin
Wolfer của trường University of Pennsylvania, người từ lâu vẫn phê phán những
kết luận của Easterlin, bày tỏ sự ngờ vực với nghiên cứu mới nhất. Ông lưu ý
rằng dữ liệu về mức độ hạnh phúc trong thời gian đầu và giữa thập kỷ 1990 chủ
yếu chỉ dựa vào một cuộc khảo sát là World Value Survey (WVS). Mặc dù ngày nay
được đánh giá cao, nhưng các cuộc khảo sát WVS trước đây về Trung Quốc thường
bị giới hạn, và chỉ tập trung vào các khu vực thành thị giàu có, Wolfer nói.
Ông cũng cho rằng một số kết quả từ cuộc trưng cầu Gallup được trích dẫn trong nghiên cứu mới bị
thiên lệch do những người phỏng vấn đặt các câu hỏi có tính dẫn dắt người trả
lời.
Đo lường hạnh phúc cá
nhân một cách khách quan, lặp đi lặp lại được, là một thách thức rất khó.
“Tôi cho rằng trường
hợp Trung Quốc là một câu hỏi lớn. Tôi cũng mong là chúng ta có dữ liệu tốt để
trả lời câu hỏi này”, Wolfer nói. “Theo đánh giá của tôi, chúng ta chưa có đủ
dữ liệu thích hợp đáng tin để đưa ra đánh giá”. Theo Wolfer, cả ông và
Easterlin cùng đồng tình về tầm quan trọng và mức độ khó khăn, để đo lường hạnh
phúc một cách nghiêm túc, điều mà những năm gần đây trở thành mục tiêu của một
xu hướng chính thống trong nghiên cứu kinh tế, đi tìm một tiêu chí bổ sung cho
GDP.
“Điều quan trọng là xử
lý các dữ liệu một cách phù hợp”, Wolfer nhận định. “Điều chúng ta học được ở
đây là mức độ khó khăn của việc đo lường hạnh phúc một cách đáng tin cậy”.
TS dịch theo
http://www.wired.com/wiredscience/2012/05/china-happiness/#more-110541
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.