4 tháng 7, 2012

Chỉ phụ nữ xấu mới làm... khoa học?

 Phan Sơn

GTT.VN - Gần một tháng sau khi Vietnam’s Got Talent qua đi, thử làm một khảo sát nhỏ: hỏi 12 người theo dõi sự kiện này về cái tên đáng nhớ nhất cuộc thi, thì đến tám chọn Nguyễn Hương Thảo. Hỏi tiếp lý do chọn lựa, 50% trả lời: lần đầu tiên có một người hát nhạc kịch xinh đẹp là… nhà khoa học nữ!

Lỗi tại truyền thông
Năm 2000, khi khảo sát một số trẻ em 8 – 9 tuổi tại thành phố Leicester (Anh) và Perth (Úc) về hình ảnh người làm khoa học, các nhà nghiên cứu thấy rằng phần lớn chúng mô tả đó là “những người đàn ông da trắng, trung niên và không bao giờ… biết cười”. Khi đề nghị các trẻ này vẽ chân dung một nhà khoa học, kết quả là trẻ nam không bao giờ vẽ phụ nữ, trong khi chỉ có một trẻ nữ vẽ nhà khoa học là người cùng giới!
Tìm hiểu, người ta mới biết chúng có được ấn tượng này từ sách báo, phim ảnh. Khám phá này cũng không có gì bất ngờ vì qua nghiên cứu, nhiều nhà xã hội học nước ngoài chỉ ra rằng giới truyền thông đã bóp méo nhận thức của công chúng về các nữ khoa học gia. Đơn cử, trong bộ phim Marie Curie do hãng MGM sản xuất vào năm 1943, người phụ nữ khám phá ra tia radium được mô tả không hơn gì một trợ lý bình thường, suốt ngày chỉ phụ việc cho chồng mình – nhà bác học Pierre Curie!
Báo chí cũng không thoát khỏi xu hướng đánh giá thấp phụ nữ làm khoa học. Khi viết về Maria Mayer, nhà bác học nữ cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý vào năm 1963 với lý thuyết cấu trúc hạt nhân dạng lớp, tạp chí McCall đã mô tả đó là “một người nhỏ thó, nhút nhát, hết mình với vai trò làm vợ và làm mẹ”. Khi nghiên cứu về hình ảnh khoa học được viết trên báo chí phổ thông Mỹ xuất bản từ năm 1910 – 1955, La Follette khám phá một xu hướng khác, đó là các phóng viên thường gán cho các nhà khoa học nữ các thuộc tính “mạnh mẽ, lý trí và… tâm thần bất thường”. Nhà nghiên cứu này viết: “Trong mắt giới truyền thông, người nữ làm khoa học không chỉ khác về mặt tâm thần, sức lực và thậm chí tình dục, mà còn phải mạnh mẽ như một ngôi sao và làm mọi thứ một mình. Khoa học gia nữ, theo báo chí, hoặc phải là nữ thánh đứng một mình trên đỉnh vinh quang, hoặc là một con người hai – trong – một, một người tay này bế con còn tay kia đang chỉnh chiếc kính thiên văn hướng về các vì sao”.
Trên báo chí Việt Nam, nhà khoa học nữ cũng thường xuất hiện dưới hình ảnh một anh hùng tận tuỵ với công việc, làm tròn vai trò kép của người mẹ, người vợ. Năm nay, khi PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, phó viện trưởng viện Hoá học công nghiệp Việt Nam được trao giải Kovalevkaia, một bài báo không quên đưa vào chi tiết: thời gian mà nhà khoa học này được nghỉ lâu nhất là năm ngày, đó là thời điểm bà sinh đứa con thứ hai; và khi đứa bé được đầy tháng, nó đã theo mẹ đến các buổi thuyết trình!
Hậu quả của định kiến: nữ giới kỵ khoa học
Hương Thảo. Ảnh: Ân Nguyên
Hỏi Hương Thảo hình ảnh thật sự của nhà khoa học nữ là thế nào, cô trả lời: “Làm khoa học đòi hỏi mạnh mẽ, kiên cường và bền bỉ về thể xác lẫn tinh thần, vì thế người phụ nữ nào mềm mỏng là không phù hợp. Tuy nhiên, ngoài đời thường thì người nữ làm khoa học cũng giống như phụ nữ của mọi nghề khác. Mẹ tôi – hiện là một nhà khoa học – cũng chăm lo cho gia đình nội ngoại, yêu thương chồng con và dễ mủi lòng trước những hoàn cảnh đáng thương. Ở nước ngoài, các bà giáo dạy khoa học cho tôi có cái “dị” riêng của từng người, nhưng họ vẫn lấy chồng và làm mẹ, làm bà, và các cô gái làm khoa học mà tôi gặp cũng có người yêu như bao phụ nữ khác”.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm khoa học, sự chọn lựa khoa học của Hương Thảo – đang làm việc tại viện Công nghệ sinh học – được xem là dễ dàng. Thế nhưng với những bạn trẻ khác, sự chọn lựa khoa học là không dễ vì họ đối mặt với nhiều định kiến. H.Lan, nữ sinh lớp 11 trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), không giấu giếm: “Em rất thích nghiên cứu sinh học, nhưng gia đình em nói phụ nữ làm nghề này suốt ngày ru rú trong phòng thí nghiệm, khó gặp bạn trai để kết bạn và lập gia đình”. D.My, nữ sinh lớp 10 trường Nguyễn Thượng Hiền, tâm sự: “Em chỉ thích vật lý, nhưng bố mẹ can ngăn nói phụ nữ theo ngành này vừa vất vả lại không được xem trọng như đàn ông, em thật sự phân vân không biết sau này sẽ học ngành gì”.
Tại Anh, nhiều nhà xã hội học đã lo lắng học sinh – đặc biệt là nữ giới – sẽ quay lưng với các môn khoa học trong nhà trường và không còn ai chọn khoa học để vào đời. Tại nước ta, xu hướng chọn ngành khi thi đại học cũng phần nào theo xu hướng này. Những năm qua, các khối ngành “thực dụng” như kinh tế, quản trị lên ngôi vì khi ra trường người ta dễ tìm được việc làm, ít vất vả, lương cao, có thể toàn tâm toàn ý cho công việc lẫn gia đình.
Làm cách nào để kéo các bạn trẻ nữ đến với khoa học – lĩnh vực đòi hỏi nhiều phẩm chất vốn có sẵn ở họ như tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại? Trong khi chờ đợi những giải pháp vĩ mô từ các nhà hoạch định chính sách, trước mắt đành trông chờ một khắc hoạ mới từ giới truyền thông dành cho nhà khoa học nữ, xuất phát từ thực tế nhưng cũng đủ hấp dẫn người trẻ dấn thân vào khoa học. Liệu Hương Thảo là một trường hợp cá biệt? Hỏi “món nước xốt đặc biệt của Vietnam’s Got Talent” (kiểu nói của giám khảo Huy Tuấn dành cho thí sinh này), cô trả lời: “Là người trong cuộc, tôi thấy các nữ đồng nghiệp của tôi không hề khô khan, nói chuyện với họ rất vui vì họ khôi hài một cách thông minh. Tôi nghĩ nếu họ được sinh ra với điều kiện kinh tế khá như bây giờ và trong môi trường giáo dục quan tâm đến phát triển con người toàn diện, thì sẽ có nhiều cách để họ biểu hiện tâm hồn của mình hơn rồi”.

TS VẬT LÝ HẢI DƯƠNG HỌC VÕ LƯƠNG HỒNG PHƯỚC, ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN, TP.HCM:
“Hình ảnh nhà khoa học nữ đã khác xưa”
Trước đây, khi trường đại học Khoa học tự nhiên và đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM là một, mỗi lần các giảng viên nữ bên đây qua cơ sở bên kia làm việc ai cũng nhận ra họ từ xa, vì họ toát lên những “nét khoa học” đặc trưng như nghiêm nghị, chỉn chu. Ngày nay, những cô gái làm khoa học ở trường tôi đã khác nhiều vì họ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh mới. Đó là những người xinh đẹp, dễ thương và thành đạt. Dĩ nhiên, mỗi nghề mỗi khác, không thể đòi hỏi nhà khoa học nữ phải mặc váy đầm và trang điểm đặc biệt khi vào phòng thí nghiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.