Nguyễn Huỳnh Mai
L’offre et la demande, une explication insuffisante …
Bài này đã đăng ở đây:
«Xã hội có nhu cầu nhiều tiến sĩ thì ắt có nguồn cung thôi»
PGS.TS Phạm Bích San, Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và giám định xã hội, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phát biểu như thế trong bài này
để giải thích hiện tượng tiến sĩ giấy.
Theo thiển ý của người viết bài này, hiện tượng tiến sĩ giấy cần những giải thích đầy đủ hơn, vừa kinh tế, vừa văn hóa và cả đạo đức nữa. Cái bằng tiến sĩ làm ra tiền nên một số người chạy đủ mọi cách để thành tiến sĩ. Nhưng văn hóa chuộng bằng cấp Tiến sĩ, kể cả bằng giả, chỉ sinh sôi nẩy nở ở nước ta gần đây có thể vì hoàn cảnh xã hội lao xao hơn ngày xưa, vì đạo đức được thả lỏng hơn, vì ít kiểm soát xã hội hơn, …
Nhiều người khác cũng đã dựa theo luật cung cầu để … chấp nhận hiện trạng xã hội . Nhan nhản, khắp mọi nơi ta thấy nhiều thí dụ:
. phụ nữ có nhu cầu làm đẹp nên thẫm mỹ viện mọc lên như nấm sau mưa để đủ nguồn cung
. độc giả thích đọc chuyện có máu, có sex, có hở, có hiếp dâm, … nên các báo cho đăng đầy những tin hay hình ảnh như thế để thỏa mản nhu cầu của quần chúng
. trẻ cần một hệ thống giáo dục cận đại thích hợp nên ta đi hết cải tổ này sang đổi mới khác từ hai mươi năm nay
. liên hệ thầy-trò cũng là một liên hệ thị trường, trò thành “thuợng đế” hay khách hàng, theo cái logic của cung-cầu
. dân tình cần những chỗ bấu víu để có thể bám vào cuộc sống và đối diện với những khó khăn của đời thường thành ra lễ hội, đồng bóng, mê tín, … càng ngày càng rầm rộ
…
Ỷ lại vào luật cung-cầu khiến ta không cần phân tích tìm hiểu sâu xa hơn.
Các nhà kinh tế ơi, làm ơn giảng nghĩa cho mọi người rằng cung và cầu chỉ là hai yếu tố ảnh hưởng đến giá bán của một món đồ trên thị trường. Hơn nữa, hai yếu tố này lúc nào cũng ở trong tình trạng điều chỉnh thường trực tùy theo biến chuyển của thị trường.
Phần cung còn có những phương thức để tạo nhu cầu hay mê hoặc dân tình, qua quảng cáo, qua truyền thông hay qua bạo lực.
Ai cũng biết là các thương hiệu quốc tế dùng quảng cáo, bằng tất cả mọi hình thức, để bán hàng, ngay cả khi dân chúng không có nhu cầu trước đó. Thí dụ của Mac Donald và thức ăn nhanh tại Việt Nam, hay thí dụ của những mỹ phẫm nhuộm tóc là những điển hình (quảng cáo không bao giờ nói rõ cho người tiêu dùng biết những nguy hại của thức ăn nhanh hay của thuốc nhuộm tóc. Việt nam là nơi béo bở để các món đó, không còn bán được nhiều ở nơi khác, vào khai thác thị trường).
Các trung gian («cò» theo tiếng thường dùng) dịch vụ có đủ mánh để kiếm tiền– họ là một hạng ký sinh có hại cho xã hội, nhất là cho những người hiền lành cả tin, chứ đâu phải sinh ra vì dân có nhu cầu !
Để cung-cầu ‘tự do’ là để một nền kinh tế vào tay người có khả năng áp đảo tung hoành và từ đó xã hội thành …loạn.
Luật cung cầu trong một nền kinh tế thị trường Âu Mỹ có những lực cản cần thiết :
. một hệ thống luật vững chắc và đầy đủ,
. một xã hội dân sự tự do, có tầm và có thế lực hành động,
. các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng thường xuyên nghiên cứu và công bố các kết quả phân tích, so sánh với sự hợp tác của những chuyên viên đa ngành để đưa những thông tin chính xác, không nhiểm mùi quảng cáo
. các tổ chức nghề nghiệp với luật lệ và đạo đức nghề nghiệp đặc thù vừa bảo vệ các thành viên vừa kiềm chế họ để giữ uy tín nghề nghiệp,
. một văn hóa minh bạch trong mọi trường hợp.
…
Nhưng như thế vẫn chưa đủ hiện cũng ở phương Tây, nhiều nhà ý thức hệ hay nhà chính trị còn đòi kiềm chế các bộ phận tài chính và kinh tế để bảo vệ người dân «bé cổ thấp họng». Cụ thể nhất là chỉnh sửa hệ thống thuế vụ và luật chế tài về rửa tiền.
.
Lấy cớ theo luật cung cầu mà thiếu quá trình chuẩn bị, không có nền tảng văn hóa hay vốn xã hội để bảo đảm sự sinh hoạt bình đẳng sẽ gây ra nhiều tệ nạn xã hội, sẽ thành luật … rừng chứ không còn là luật kinh tế.
Trở về hiện trạng xã hội Việt Nam qua các thí dụ cung-cầu vừa kể trên, ta có thể nói khác đi một ít:
- nhu cầu làm đẹp của phụ nữ sẽ là một nhu cầu chính thống nếu các báo không áp đảo trên phụ nữ bằng cách đưa ra các mẫu người đẹp và người nổi tiếng. Phụ nữ nào cũng đẹp dù không hợp tiêu chỉ (hiện thời) chân dài, da trắng, ngực to, mông rộng,…
- Vì cần người đọc nên một số nhà báo khai thác những đề tài phù hợp với bản năng sơ khai nhất của con người. Những bài vịết về phụ nữ như một biểu tượng sex, những bài về phòng the, … có thể đầu độc cả một xã hội, khiến cho nạn hiếp dâm tăng thêm, trong đó có cả ấu dâm. Hay ít nhất là tạo nên một tầng lớp người không thỏa mản với thân thể hay đời sống tình dục của mình. Các bác sĩ về tình dục nào cũng sẽ nói là trong vấn đề đó, không có chuẩn mực nào hết, tùy cá nhân trong khi các báo lá cải chuyên đưa ra các … tiêu chỉ.
- cải tổ giáo dục là một điều cần, để người đi học tiếp thu được nhiều kỹ năng cần cho cuộc sống trong xã hội và để họ hạnh phúc nhưng không cải tổ theo nhu cầu của dân vì chính sách giáo dục đúng ra phải đi trước nhu cầu, tiên đoán các nhu cầu để hoàn thành sứ mạng trồng người cho tương lai.
- liên hệ ở trường học, cũng như liên hệ giữa các thành viên trong gia đình, không thể là liên hệ thị trường. Còn một lĩnh vực “phi kinh tế” nữa, đó là các dịch vụ y tế.
- vấn đề lễ hội cũng vậy, phải phân tích các hiện tượng này một cách tận tường. Mê tín dị đoan có thể là một biểu hiệu của một xã hội đang mất la bàn …
Thế mới biết cung-cầu chỉ là một bình phong để giải thích các hiện tượng lệch chuẩn – tiếng Pháp gọi là déviance – . Thiếu một giải thích tường tận thì không thể nào tìm phương thức giải quyết các lệch chuẩn xã hội. Các nhận xét của các nhà khoa học chỉ là những ý kiến, kể cả nội dung của bài này. Cần nghiên cứu để phân tích tận tường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.