8 tháng 3, 2012

Điều tra Xã hội học

Nguyễn Tất Thịnh

10:52' AM - Thứ năm, 01/03/2012

Chúng ta thường nghe cách nói đã lan sang nhiều người dân thường, ở miệng trí thức, rồi đến quan chức, thậm chí vang vang ở chức vụ rất cao … họ hay nói :
Gần đây là :
- Quyết định đó là đáp ứng đúng nguyện vọng của đại bộ phận dân chúng ( ví như trong các giải pháp chống ùn tắc giao thông…)
- Trong việc đó không thấy điều gì để nói được là có mục đích cá nhân ( ví như vụ Chủ tịch Huyện Tiên Lãng chấp thuận cho ủy ban xã cưỡng chế ông Vươn…)


Rồi đã từng :….
- Ý kiến như thế chỉ là dư luận, của một số ít người …
- Đó là nguyện vọng tha thiết của Nhân dân
- Chả thấy có ở nước nào người ta như mình ….
- Người Việt ta rất thông minh…
- Nhiều học giả đã cho rằng…
- Gần đây, ở chỗ này chỗ nọ cũng có nhiều biểu hiện trong quần chúng
- Những sai phạm tiêu cực chỉ là cá biệt, một bộ phận cán bộ đảng viên…
- Vì phải tính đến nét riêng, đặc thù, nên cái này cái khác cũng có chỗ cần…
- Giá điện phải thị trường hoá vì thế giới nó thế cả…

Tôi gọi đó là cách nói phiếm định, mơ hồ….với dân thường, với văn thơ… thì chả sao, là thường….nhưng nó thành ‘khẩu khí’ của giới quan chức trong công tác chính thức, mang dáng vẻ ‘quê quê’ kiểu ‘cả vú lấp miệng em’ nhưng thầm tự coi mình là giới ‘bề trên’ … nên cảm giác họ hời hợt, thiếu trách nhiệm và xa rời phương pháp làm việc chuẩn tắc. Nhẹ thì bị xem là ‘phù phiếm’, lâu dần, lại thành ý thức sử dụng sẽ sinh thành bệnh ‘Ma ngôn, Quỷ chữ’ / ‘lập lờ trí trá’

Nhiều vô kể. …và ‘độc tài’ đến mức vô tư, ngang ngược đến mức ‘hồn nhiên’ … nó thấm vào cách hành xử của vô vàn nhiều người tôi đã được quan sát từ việc nhỏ : ở nhiều nơi người ta hò nhau việc cùng đi picnic, rồi trên TV người MC muốn trưng cầu việc gì đó, cho đến biểu quyết một việc gì đó hơi quan trọng… mà xin biểu quyết bằng giơ tay thì tôi rất ít khi chứng kiến được người có vai trò chủ xướng ấy nghiêm túc đếm cho kĩ cho hết, mà chỉ đại khái chiếu lệ : vui là chính, hay hình thức chủ nghĩa ra vẻ ‘dân chủ’ để vẫn áp theo cái ý của mình…

Như tôi đã viết : chúng ta nhờ các thí nghiệm, chứng minh toán học, các quan trắc…có thể phát hiện ra các quy luật thiên nhiên, thì với lĩnh vực xã hội, phương pháp thống kê, điều tra xã hội học là cách rất hữu hiệu phát hiện ra các quy luật, nhìn thấy khuynh hướng, thấu hiểu những biểu hiện đa dạng của xã hội đó! Thế nên trong các xã hội tiến bộ và thể chế văn minh dân chủ đã từng nghĩ ra những biện pháp điều tra xã hội để loại bỏ cách ăn nói, suy nghĩ hàm hồ, tuỳ tiện đó… từ cách nhỏ, tiêu điểm là xác định thái độ , đến cách vừa của báo chí : khảo sát công luận, đến cách lớn với việc xã tắc là trưng cầu dân ý.

Nhưng những người có chức vụ bây giờ có tự thấy thích thú trong tâm can lắm không vì có bao nhiêu chỗ để né nấp khi rủi ro công tác? Ví như : cơ chế lãnh đạo tập thể, chế độ trách nhiệm đan xen, quan điểm ‘Nhà nước và Nhân dân cùng làm’ , rồi thành trì Đảng lãnh đạo toàn diện triệt để ( chẳng hạn như ông Hỷ chủ tịch VFF khi bí quá trong tranh luận với chủ tịch VPF, biện minh cho việc đã từng chỉ đạo kí hợp đồng bản quyền truyền hình, thì đưa ra cái lý cuối cùng để ‘bịt mồm’ đối tác : các anh nên lưu ý là còn có Đảng lãnh đạo, đó là đặc thù rất Việt Nam đấy ). Ngoài ra họ lại còn tự sinh ra cái ‘kĩ thuật tác nghiệp phiếm định’ , cái ‘kĩ năng ăn nói phiếm chỉ’vu vơ như kể ở trên nữa thì phải nói là cái hệ thống phương pháp đó quá ‘bất thường’ để bình luận một cách ‘bình thường’ ! Nên bây giờ phổ biến cái kiểu hành ngôn ỡm ờ, khùynh tay ôm bục, ngả lưng vào ghế bành, ưỡn bụng phệ, khề khà gõ ngón tay trên bàn… đậm đặc cung cách quan phụ mẫu ‘dùng luật pháp như cái gậy trong tay mình’ của nhiều quan chức khi địa phương , ngành họ đảm trách bê bối , cấp dưới của họ có lỗi : quan điểm của tôi là không che dấu, sai đến đâu xử đến đó …nhưng phải lưu ý đến một số kẻ nào đó âm mưu lợi dụng… Nhiều người trong họ rất ghét cái lối gọi là ‘học đòi dân chủ phương Tây’ như ‘bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo’ của xã hội mà chỉ chấp nhận cách thức bấy lâu ‘phê và tự phê’ trong nhóm nhỏ nội bộ thôi.
…..
Tôi cho rằng : mỗi đất nước đều có những vấn đề khó khăn của mình, nhưng đều nên và có thể tham khảo được những giải pháp, kinh nghiệm của nhau, miễn là tiến bộ. Trong đó điều tra xã hội học là tính hữu ích không cần bàn cãi ! Những giải pháp tốt là nó phát hiện sớm, ngăn ngừa kịp, điều chỉnh hợp, sửa chữa được những cái sai, có thể chưa lớn về hậu quả, tuy không phổ biến nhưng phản ánh cơ bản tính chính danh Nhà nước, văn minh quản trị xã hội, hiệu lực pháp quyền, uy tín quốc gia… Ví như cách xử thế đối với vụ ông Vươn Tiên Lãng, ví như ngăn ngừa thiệt hại nhân sinh của những ngư dân trước sự đe dọa của kẻ xấu … Tiền đề, hỗ trợ kĩ thuật giải quyết những việc như vậy thì cần điều tra xã hội thường xuyên và được xem như cách thức khách quan khoa học, nếu trở thành quy chế phải thực hiện trước và trong khi, sau khi tiến hành giải pháp thì rất tốt cho Nhà nước ! Sự phản biện mà bấy lâu được các giới nói đến nếu dựa trên điều tra xã hội học chính thống thì rất có tác dụng tích cực chứ không thuần tuý cảm tính, hồ đồ, ỷ vào học hàm học vị, chức danh cao mà phát ngôn, đồng thời lại ‘an toàn’ mọi nhẽ cho người phản biện!

Tôi từng được nghe không ít người học cao, có trách nhiệm lớn đỏ mặt hùng hồn: việc trong nhà ta thì chính ta mới tỏ, cần gì kẻ nào bên ngoài ý kiến ! Việc của ta ta biết ai khiến người khác can dự ! Họ không trong lĩnh vực ta thì họ sao nắm vững bằng ta !...Nhiều lắm…Ôi thật là hàm hồ ! Anh lơ tơ mơ trong chiếc ôtô trục trặc, đường thì vòng vo vách cao vực thẳm, bản đồ thì không có, kinh nghiệm tích luỹ khi lái xe trên đường mòn Trường Sơn…Nếu có GPS thì không tốt hơn sao ? Tôi ngụ ý đó chính là cách quan trắc, giám sát, hướng dẫn khách quan, khoa học từ bên ngoài anh và hệ thống của anh đấy ! Của người khác đấy ! Và nếu họ có cảnh báo phía trước là tình huống xấu, họ scan đo được cả tình trạng anh lẫn hành khách trong xe chưa tốt thì có nên lu loa rằng họ nói xấu anh không ? rằng họ đang ‘diễn biến này nọ’ anh không ? Điều tra xã hội học cũng có tác dụng tương tự như GPS về phương diện cảnh báo và điều chỉnh kịp thời các hành vi quản trị…

Dưới đây tôi tóm lược và khai triển hệ quả một định lý rất nổi tiếng để thêm vào cho bài viết này: Định lý toán học mang tên Kurt Gordel người Áo ( hay còn gọi là Định lý Bất toàn )

Định lý có nội dung như sau : Đối với mọi hệ thống ( HT ) dù được chuẩn hóa hình thức, cấu trúc hóa đủ mạnh để hoạt động…Nhưng Một là : HT đó khi hoạt không thể vừa nhất quán, vừa hoàn chỉnh. Tóm lại là trong chính nó sự tối ưu động là nhất thời. Hai là : tính mâu thuẫn bởi điều trên không thể tự được chứng minh bên trong nó hoặc được cải hóa chỉ bởi bất kì bộ phận nhỏ nào trong nó.

Hệ quả :
1. Mọi HT đều có thể ‘hợp lý’ bởi cách của chính nó, nhưng luôn mang yếu tố sai hỏng và được tích lũy. Các logic là phiến diện khi xem xét bên trong chính HT, nhưng sự bất định cộng hưởng & gia tăng đến mất cân bằng của HT với bên ngoài
2. Không thể có 1 HT mà hệ điều hành của nó không sản sinh ra Vi khuẩn cũng như không thể miễn nhiễm với mọi loại Vi rus. Bởi vậy HT luôn có tiềm năng Đề kháng nếu không hỏng Đề nguyên
3. Đi sâu vào bên trong HT để khám phá bí mật ngóc ngách tương tác của nó. Nhưng đi ra bên ngoài nó mới lý giải được cách cấu tạo hợp lý hóa để nó tương sinh

Với việc hiểu kỹ định lý này chúng ta thấy tính xác đáng và cần thiết của việc thực hiện các phương thức điều tra xã hội học. Nhờ thế chúng ta có Sự Thật để quản trị xã hội đúng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.