PETER F. DRUCKER (Nguyễn Quang A dịch)
Con đường phía trước
Thời gian để chuẩn bị sẵn sàng cho xã hội tiếp theo là bây giờ
XÃ HỘI tiếp theo vẫn chưa đến hoàn toàn, nhưng nó đã đi khá xa để phải xem xét hành động trong các lĩnh vực sau:
•Công ty tương lai. Các doanh nghiệp – bao gồm nhiều doanh nghiệp phi-kinh doanh, như các đại học - phải bắt đầu thử nghiệm các hình thức công ty mới và tiến hành một vài nghiên cứu thí điểm, đặc biệt về làm việc với các liên minh, các đối tác và các liên doanh, và về xác định các cấu trúc mới và những nhiệm vụ mới đối với quản lý chóp bu. Cũng cần các mô hình mới cho sự đa dạng hoá địa lý và sản phẩm đối với các công ty đa quốc gia, và cho sự cân bằng tập trung và đa dạng hoá.
•Các chính sách con người. Cách con người được quản lý hầu như ở mọi nơi đều giả thiết rằng lực lượng lao động vẫn chủ yếu bao gồm những người được doanh nghiệp thuê và làm việc toàn thời gian cho nó cho đến khi họ bị sa thải, bỏ đi, về hưu hay chết. Thế mà trong nhiều tổ chức hai phần năm người làm việc ở đó không là những người làm công và không làm toàn thời gian rồi.
Các nhà quản lý nguồn nhân lực ngày nay cũng vẫn cho rằng những người làm công đáng mong mỏi nhất và ít tốn phí nhất là những người trẻ. Đặc biệt, ở Mỹ những người già hơn, đặc biệt các nhà quản lý và nhà chuyên nghiệp già hơn đã bị đẩy về hưu sớm để có chỗ cho những người trẻ hơn, được tin là ít tốn chi phí hơn và có những kỹ năng cập nhật hơn. Kết quả của chính sách này đã không kích lệ. Nói chung, sau hai năm chi phí lương trên nhân viên đối với những người trẻ hơn mới được tuyển thường quay về mức trước khi “bọn già” bị đẩy đi, nếu không cao hơn. Số các nhân viên hưởng lương có vẻ tăng lên nhanh ít nhất như sản xuất hay bán hàng, điều đó có nghĩa rằng những người mới được tuyển không có năng suất hơn những người cũ. Nhưng trong mọi trường hợp, nhân khẩu học sẽ làm cho chính sách hiện thời càng ngày càng thất sách và tốn kém.
Đầu tiên là cần một chính sách con người bao phủ tất cả những người làm việc cho một tổ chức, bất luận họ có được nó thuê làm hay không. Rốt cuộc, thành tích của từng mỗi người đó là quan trọng. Cho đến nay, chưa ai có vẻ đã nghĩ ra một giải pháp thoả đáng cho vấn đề này. Thứ hai, tổ chức phải thu hút, giữ và làm cho những người đã đến tuổi về hưu chính thức, đã trở thành những người thầu khoán ngoài hay không sẵn sàng như các nhân viên toàn thời thường xuyên trở nên hữu ích, có năng suất. Thí dụ, những người già hơn, có kỹ năng cao và được đào tạo, thay cho về hưu, có thể được chào mời một lựa chọn tiếp tục các mối quan hệ biến họ thành “những người ngoài bên trong” dài hạn, duy trì kỹ năng và tri thức của họ cho tổ chức và vẫn cho họ sự linh hoạt và tự do mà họ kỳ vọng và có đủ điều kiện.
Có một mô hình cho chuyện này, nhưng nó xuất xứ từ giới đại học hơn là từ giới kinh doanh: giáo sư danh dự, người đã bỏ trống ghế của mình và không còn lĩnh lương nữa. Ông vẫn tự do để dạy nhiều như ông muốn, nhưng chỉ được trả cho việc ông làm. Nhiều giáo sư danh dự có về hưu hoàn toàn, nhưng có lẽ có đến một nửa tiếp tục dạy một phần thời gian, và nhiều người tiếp tục làm nghiên cứu toàn thời gian. Một sự dàn xếp tương tự rất có thể phù hợp với các nhà chuyên nghiệp cấp cao trong một doanh nghiệp kinh doanh. Một công ty Mỹ lớn hiện đang thử một sự dàn xếp như vậy cho những người già hơn, có trình độ cao trong các phòng luật và thuế của mình, trong nghiên cứu và phát triển và trong công việc tham mưu. Nhưng đối với những người trong công việc vận hành, thí dụ, bán hàng hay chế tạo, cần phát triển cái gì đó khác.
•Thông tin bên ngoài. Có lẽ đáng ngạc nhiên, có thể lập luận rằng cách mạng thông tin đã làm cho các ban quản lý ít am hiểu hơn trước kia. Họ có nhiều dữ liệu hơn, phải thừa nhận, nhưng hầu hết thông tin mà IT làm cho rất sẵn có là về các vấn đề nội bộ công ty. Như nghiên cứu này đã cho thấy, tuy vậy, những thay đổi quan trọng nhất ảnh hưởng đến một tổ chức chắc là những thay đổi ở bên ngoài, mà về chúng hệ thống thông tin hiện thời cho ít manh mối.
Một lý do là, thông tin về thế giới bên ngoài thường không sẵn có ở dạng máy tính có thể dùng được. Nó không được hệ thống hoá, nó thường cũng chẳng được lượng hoá. Đấy là vì sao dân IT, và các khách hàng điều hành của họ, hay khinh bỉ thông tin về thế giới bên ngoài như thông tin “vặt, mang tính giai thoại”. Hơn nữa, có quá nhiều nhà quản lý cho, một cách sai lầm, rằng xã hội mà họ biết suốt đời sẽ vẫn cũng vậy vĩnh viễn.
Thông tin bên ngoài bây giờ trở nên sẵn có trên Internet. Tuy vẫn ở dạng hoàn toàn hỗn độn, bây giờ là có thể đối với các ban quản lý để hỏi họ cần thông tin bên ngoài nào, như một bước đầu tiên tiến đến nghĩ ra một hệ thống thông tin thích hợp để thu thập thông tin liên quan về thế giới bên ngoài.
•Các tác nhân thay đổi. Để sống sót và thành công, mỗi tổ chức sẽ phải biến mình thành một tác nhân thay đổi. Cách hữu hiệu nhất để quản lý sự thay đổi là tạo ra nó. Nhưng kinh nghiệm đã cho thấy rằng việc ghép sự đổi mới lên một doanh nghiệp truyền thống là không có kết quả. Doanh nghiệp phải trở thành một tác nhân thay đổi. Điều này đỏi hỏi sự từ bỏ, một cách có tổ chức, những thứ đã chứng tỏ không thành công, đòi hỏi sự cải thiện một cách có tổ chức và liên tục mọi sản phẩm, dịch vụ và quá trình bên trong doanh nghiệp (mà người Nhật gọi là kaizen). Nó đòi hỏi sự khai thác, tận dụng những thành công, đặc biệt là những thành công bất ngờ và không lường trước, và nó đòi hỏi sự đổi mới có hệ thống. Điểm trở thành một tác nhân thay đổi là điểm thay đổi nếp suy nghĩ của toàn bộ tổ chức. Thay cho coi sự thay đổi là một mối đe doạ, người của nó sẽ coi sự thay đổi như một cơ hội.
Và sau đó?
Ngần ấy cho sự chuẩn bị sẵn sàng đối với tương lai mà chúng ta có thể thấy hình thành rồi. Nhưng về các xu hướng và các sự kiện tương lai mà chúng ta vẫn chưa ý thức được thì sao? Nếu có một thứ có thể được tiên đoán với sự tin cậy, thì đó là, tương lai sẽ hoá ra theo những cách bất ngờ.
Thí dụ hãy xét cách mạng thông tin. Hầu như tất cả mọi người đều chắc chắn hai thứ về nó: thứ nhất, nó đang tiếp diễn với tốc độ chưa từng thấy; và thứ hai, những tác động của nó sẽ triệt để hơn bất cứ thứ gì đã từng xảy ra trước đây. Sai, và lại sai. Cả về tốc độ lẫn tác động của nó, cách mạng thông tin giống kỳ lạ hai cuộc cách mạng đi trước nó trong vòng 200 năm, cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất của cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 và cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai vào cuối thế kỷ 19.
Cách mạng công nghiệp thứ nhất, do động cơ hơi nước được cải thiện của James Watt gây ra vào giữa các năm 1770, ngay lập tức đã có một tác động to lớn lên trí tưởng tượng của Phương Tây, nhưng nó đã không tạo ra nhiều thay đổi xã hội và kinh tế cho đến sáng chế ra đường sắt năm 1829, và dịch vụ bưu chính trả trước và điện tín trong thập niên sau đó. Tương tự, sự sáng chế ra máy tính vào giữa các năm 1940, trong cách mạng thông tin là cái tương đương của máy hơi nước, đã kích thích trí tưởng tượng của người dân, nhưng không trước 40 năm muộn hơn, với sự lan rộng của Internet trong các năm 1990, cách mạng thông tin mới bắt đầu mang lại những thay đổi kinh tế và xã hội lớn.
Ngang vậy, ngày nay chúng ta bị bối rối và hoảng hốt bởi sự bất bình đẳng ngày càng tăng về thu nhập và của cải và bởi sự nổi lên của những người “siêu giàu”, như Bill Gates của Microsoft. Thế mà sự tăng bất bình đẳng cũng đột ngột và không thể giải thích được như thế, và cùng sự nổi lên của những người “siêu giàu” của những ngày đó, đã đặc trưng cho cả cách mạng công nghiệp thứ nhất lẫn thứ hai. So sánh tương đối với thu nhập trung bình và của cải trung bình của thời đó và nước đó, những người siêu giàu thời đó giàu hơn rất nhiều một Bill Gates so tương đối với thu nhập và của cải trung bình ở Mỹ ngày nay.
Những sự tương tự là đủ chặt và nổi bật để kết luận gần như chắc chắn, như trong các cuộc cách mạng công nghiệp, rằng những tác động chính của cách mạng thông tin lên xã hội tiếp theo vẫn còn nằm ở phía trước. Các thập niên của thế kỷ 19 tiếp sau các cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất và thứ hai đã là các giai đoạn đổi mới sáng tạo nhất và màu mỡ nhất kể từ thế kỷ 16 đối với việc tạo ra các định chế mới và các lý thuyết mới. Cách mạng công nghiệp thứ nhất đã biến nhà máy thành tổ chức sản xuất chính và cái tạo ra của cải chủ yếu. Công nhân nhà máy đã trở thành giai cấp xã hội mới đầu tiên kể từ khi các kỵ sỹ mặc áo giáp xuất hiện hơn 1.000 năm trước. Nhà Rothschild, đã nổi lên như quyền lực tài chính chi phối của thế giới sau 1810, đã không chỉ là ngân hàng đầu tư đầu tiên mà cũng là công ty đa quốc gia đầu tiên kể từ Liên minh Hanseatic thế kỷ 15 và gia đình Medici. Cách mạng công nghiệp thứ nhất đã sản sinh ra, giữa nhiều thứ khác, quyền sở hữu trí tuệ, sự hợp thành tổ chức phổ quát, trách nhiệm hữu hạn, công đoàn, hợp tác xã, trường đại học kỹ thuật và nhật báo. Cách mạng công nghiệp thứ hai đã tạo ra ngành dân chính hiện đại và công ty hiện đại, ngân hàng thương mại, trường kinh doanh, và những việc làm không giản đơn đầu tiên ngoài nhà ở cho phụ nữ.
Hai cuộc cách mạng công nghiệp cũng đã sản sinh ra các lý thuyết mới và hệ tư tưởng mới. Tuyên ngôn Cộng sản đã là một phản ứng đối với cách mạng công nghiệp thứ nhất; các lý thuyết chính trị cùng nhau đã định hình các nền dân chủ thế kỷ 20 – nhà nước phúc lợi của Bismarck, Chủ nghĩa Xã hội Thiên chúa giáo và những người theo thuyết Fabian của Anh, điều tiết kinh doanh của Mỹ - tất cả đều đã là những phản ứng đối với cách mạng công nghiệp thứ hai. “Quản lý khoa học” của Frederick Winslow Taylor (bắt đầu năm 1881) cũng thế, với sự bùng nổ năng suất của nó.
Những ý tưởng lớn
Tiếp sau cách mạng thông tin, một lần nữa chúng ta lại thấy sự nổi lên của các định chế mới và các lý thuyết mới. Các khu vực kinh tế mới— Liên minh Châu Âu, NAFTA và Khu vực Thương Mại Tự do của Châu Mỹ được kiến nghị— không là thương mại tự do truyền thống cũng chẳng theo chủ nghĩa bảo hộ truyền thống. Chúng thử cân bằng giữa hai thứ, và giữa chủ quyền kinh tế của nhà nước quốc gia và sự ra quyết định kinh tế siêu quốc gia. Cũng ngang thế, không có tiền lệ thực tế nào cho Citigroups, Goldman Sachses hay ING Barings những tổ chức chi phối thế giới tài chính. Chúng không phải đa quốc gia mà là xuyên quốc gia, vượt quá quốc gia. Tiền mà họ buôn bán là hầu như hoàn toàn vượt ngoài sự kiểm soát của chính phủ hay ngân hàng trung ương của bất cứ nước nào.
Và rồi có sự quan tâm bột phát đến định đề của Joseph Schumpeter về “bất cân bằng động học” như trạng thái cân bằng duy nhất của nền kinh tế; về “sự phá huỷ sáng tạo” của các nhà đổi mới như động lực của nền kinh tế; và về công nghệ mới như tác nhân thay đổi kinh tế chủ yếu, nếu không là duy nhất – chính các phản đề của các lý thuyết kinh tế trước đó dựa trên ý tưởng cân bằng như một tiêu chuẩn của nền kinh tế lành mạnh, các chính sách tiền tệ và tài chính như các động lực của một nền kinh tế hiện đại và công nghệ như một “ngoại sinh”.
Tất cả điều này gợi ý rằng những thay đổi lớn nhất hầu như chắc chắn vẫn ở phía trước chúng ta. Chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng xã hội của năm 2030 sẽ rất khác xã hội ngày nay, và rằng nó sẽ ít giống với cái được tiên đoán bởi sách bán chạy nhất của các nhà tương lai học hiện nay. Nó sẽ không bị chi phối bởi hay thậm chí định hình bởi công nghệ thông tin. Tất nhiên, IT sẽ là quan trọng, nhưng nó sẽ chỉ là một trong vài công nghệ mới quan trọng. Đặc điểm trung tâm của xã hội tiếp theo, như của các xã hội trước nó, sẽ là các định chế mới và các lý thuyết, ý thức hệ và vấn đề mới./.
Nguyễn Quang A dịch
Nguồn: The Next Society
by PETER F. DRUCKER
The Economist Magazin, 2001, NYK
www.csupomona.edu/~sciman/classes/324/organizer/goodReport.pdf
I am really inspired together with your writing skills as smartly as with the structure for your blog.
Trả lờiXóaIs this a paid subject matter or did you customize it yourself?
Anyway stay up the excellent high quality writing, it is rare
to peer a nice blog like this one these days..
Stop by my homepage insomnia treatment