26 tháng 3, 2012

XÃ HỘI HỌC VỈA HÈ: HƯỚNG NHÌN VỀ CỘNG ĐỒNG PHI CHÍNH THỨC

(Bài viết được bổ sung thêm từ bài "Xã hội học vỉa hè")
 Ngô Văn Huấn
Vỉa hẻ ở Việt Nam là một không gian đặc biệt, không chỉ đơn thuần là nơi dành cho người đi bộ mà ở đó biểu hiện chức năng xã hội khác nhau. Góc nhìn xã hội học về vỉa hè trên hai phương diện là chức năng kinh tế và không gian công cộng của xã hội dân sự nhằm xác tín một danh từ “xã hội học vỉa hè”. Điều này sẽ rất có giá trị cho nhận thức của chúng ta về vai trò và ý nghĩa của vỉa hè đối với kinh tế và phản biện xã hội.

Vỉa hè là một bộ phận của công trình giao thông đường bộ, chỉ có ở các con đường nội đô thành phố trong khi đường ở nông thôn, đường cao tốc hầu như không có vỉa hè. Chức năng căn bản nhất của vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, dự trữ diện tích cho mặt đường, nhưng có vẻ như ở Việt Nam chức năng đó không phải là duy nhất mà cũng không phải là đắc dụng nhất. Hầu hết các vỉa hè ở Việt Nam đều chật chội về diện tích, nhưng hóa ra rất rộng lớn và sôi động về kinh tế, đồng thời tạo thành một không gian công cộng thực sự, ở đó chứa đựng những diễn đàn của xã hội dân sự có thể so sánh với những cộng đồng hiện đại khác.
Hoạt động kinh tế ở vỉa hè
Kinh tế vỉa hè có đặc trưng là khả năng tích hợp và di động cao. Tất cả các hoạt động từ sản xuất, chế biến, quảng cáo đều được tích hợp trên một chiếc xe đẩy, một gánh hàng nhở gọn. Phương thức kinh doanh tại vỉa hè hết sức độc đáo, nhưng đầy tính duy lý mang đậm nét của văn hóa kinh doanh hộ gia đình.
Vỉa hè đã trở thành một địa điểm lý tưởng cho các nhà buôn nhỏ với những gánh hàng rong bán trà nước, bánh, trái cây, đồ ăn… Hình ảnh những gánh hàng hoa trên khắp phố phường Hà Nội đã đem đến một không khí truyền thống bên cạnh những giá trị hiện đại. Hiện nay, việc buôn bán bằng quang gánh ở các vỉa hè đã không còn phổ biến thay vào đó là một chiếc xe đẩy đa chức năng. Trên chiếc xe đẩy nhỏ đó có thể vừa dùng để trưng bày, quảng cáo, thậm chí là một cái bếp lò di động để chế biến sản phẩm cho khách hàng với những yêu cầu nóng sốt. Một trong những độc chiêu kinh doanh của những thương nhân nhỏ ở vỉa hè đó là tạo sự tiện lợi, nhanh gọn, giá cả phải chăng. Điều này thì khó có loại hình kinh doanh nào có thể sánh kịp những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong. Bạn chỉ cần dừng lại vài phút là đã có thể có một món đồ mà không cần mặc cả, chọn lựa mất thời gian. Chính vì thế món hàng chủ yếu là đồ ăn thức uống phục vụ cho những người có thói quen ăn vặt, những người mà bữa cơm không đủ năng lượng cần được bổ sung thường xuyên, hay nó phục vụ những người đang có nhu cầu làm hài lòng bạn bè, người thân bằng một món quà nhỏ. Với đặc tính đó, các gánh hành rong, xe đẩy thường vừa kinh doanh vừa quảng cáo, kích thích trí tò mò của khách hàng bằng những bảng giá chào mời siêu rẻ như là sự mời gọi những túi tiền không lấy làm rủng rỉnh của người đi đường. Hay đơn giản là những món ăn được kích thích bởi mùi vị rất hấp dẫn trong làn gió thoảng qua khiến người đi đường khó cưỡng lại được sự hấp dẫn kỳ diệu đó. So với hình thức bán hàng khác thì ở vỉa hè chất lượng, nguồn gốc, độ an toàn không thể sánh bằng, nhưng sự tiện lợi, giá rẻ là một lợi thế cạnh tranh số một. Chính những điều đó đã làm nên một văn hóa kinh doanh rất độc đáo của những thương nhân nhỏ, có lẽ chỉ có ở đô thị Việt Nam. Những thương nhân này rất nhỏ, họ không  thể giàu lên một cách nhanh chóng bằng gánh hàng rong, xe đẩy nhưng đó lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mặc dù không hề được đào tạo về kiến thức kinh tế nhưng thực tiễn cuộc sống và môi trường đã hình thành những hành vi kinh tế rất đặc trưng của thương nhân vỉa hè.
Nguồn lực, môi trường

Văn hóa kinh doanh
Có không gian nhàn rỗi, phạm vi hẹp
Dẫn đến =>
Tư liệu gọn gàng, sự tích hợp cao, tổ chức hợp lý
Lao động nhàn rỗi dư thừa
Dẫn đến =>
Huy động nhân lực sẵn có trong gia đình
Vốn ít
Dẫn đến =>
Quy mô nhỏ
Hạn chế kiến thức hàn lâm
Dẫn đến =>
Vừa làm vừa học, không có chiến lược dài hạn
Đối mặt với lực lượng quản tự đô thị
Dẫn đến =>
Rất di động, gọn gàng, tư thế sẵn sàng
Khách hàng thường là người đang tham gia giao thông
Dẫn đến =>
Quảng cáo giá rẻ bất ngờ, mời gọi, kích thích mùi vị…
Mặt hàng là thực phẩm, các dịch vụ nhỏ
Dẫn đến =>
Không cầu kỳ về hình thức sản phẩm
Sức hút dựa trên giá cả, chất lượng
Dẫn đến =>
Không hướng nhiều đến chất lượng phục vụ, triết lý kinh doanh

Một trong những hoạt động kinh tế rất phổ biến ở vỉa hè đô thị là hình thành dịch vụ trông xe siêu lợi nhuận. Vì diện tích chật hẹp cho nên các cửa hàng tận dụng vỉa hè làm địa điểm để xe của khách. Nhưng nhiều nơi, nhất là cạnh các trung tâm giải trí, các công sở có một lượng lớn khách hàng thì nhiều người đã biến vỉa hè thành một dịch vụ siêu lợi nhuận. Gần đây người ta bàn nhiều về hoạt động này, phân tích ở nhiều góc độ, đưa ra không ít lý giải rồi tiến hành “tái cấu trúc” lại dịch vụ này ở các thành phố lớn. Nhưng xem chừng vẫn chưa thoát ra khỏi sự luẩn quẩn trong mối quan hệ giữa nhu cầu và thực tế công tác quản lý. Vì vậy, có thể nhìn nhận vấn đề ở những phương diện sau:
Thứ nhất, sở dĩ dịch vụ trông xe siêu lợi nhuận (cần sợi dây + vài cái cọc = chỗ trong xe) cũng nằm trong quy luật có cầu thì mới có cung. Phương tiện giao thông cá nhân của người dân thì tăng lên rất nhanh, trong khi đó hạ tầng giao thông tĩnh thì hầu như không tăng. Vì thế xẩy ra tình trạng người dân có xe những không có nới để, từ đó nẩy sinh dịch vụ trong xe bất hợp pháp là nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Thứ hai, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này yếu kém. Trong  một thời gian dài, việc cấp phép và quản lý những điểm trong xe không được chính quyền cơ sở quan tâm, thậm chí nhiều nơi chính nhà công quyền bảo trợ cho hoạt động này.
Thứ ba, bắt nguồn từ tâm lý nhanh chóng, tiện lợi. Những bãi trông xe tự phát trái luật mở ra khi một sự kiện nào đó được tổ chức và họ hốt bạc nhờ tâm lý “sẵn sàng chi” của những vị khách đang nóng lòng có một vị trí để tham gia một sự kiện nào đó.
Chính vì vậy, thay vì dẹp các bãi trông xe bất hợp pháp đó chính quyền cần hoàn thiện hạ tầng giao thông tĩnh để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng trong xã hội. Song song với điều này cần đẩy mạnh, minh bạch hóa công tác quy hoạch, cấp phép, giám sát đối với dịch vụ trông xe tại các đô thị, các địa điểm công cộng.
Trên cơ phân tích về kinh tế vỉa hè tác giả đưa ra một sự so sánh với kinh tế doanh nghiệp trên các phương diện khác nhau để thấy được sự tương quan giữa hai bộ phận kinh tế này. Điều này sẽ có ý nghĩa trong việc nhận thức về giá trị và những đóng góp của kinh tế vỉa hè đối với các hộ gia đình và nền kinh tế chung.
Bảng 1: So sánh giữa kinh tế vỉa hè và kinh tế doanh nghiệp
Đăc điểm so sánh
Kinh tế vỉa hè
Kinh tế doanh nghiệp
Những loại hình kinh doanh
Dịch vụ, kết hợp chế biến và dịch vụ
Sản xuất, thương mại
Quy mô
Nhỏ, từng cá thể, hộ gia đình
Lớn, nghiệp đoàn, nhóm doanh nhân…
Đặc điểm
- Quy mô nhỏ
- Nhanh, gọn, tiện lợi, cơ động
- Giá cả phù hợp, đa dạng chủng loại
- Quy mô lớn
- Tổ chức chuyên nghiệp, đa dạng
Chiêu thức kinh doanh
- Độc chiêu giá rẻ, quảng cáo trực tiếp….
- Khuyến mãi lớn, chế độ chăm sóc khách hàng
Ưu thế cạnh tranh
- Giá rẻ, không phải nộp thuế, hoặc rất ít, chi phí thấp
- Lợi nhuận cao
- Tiện lợi, khách hàng dồi dào
- Tranh thủ lao động nhàn rỗi
- Không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính
- Chất lượng cao, uy tín
- Chính sách dài hạn
- Quy mô lớn
- Có sự hỗ trợ của các thể chế tài chính 
- Lao động chất lượng cao
Hạn chế
- Hàng hóa không có nguồn gốc
- Mất an toàn vệ sinh thực phẩm
- Tác động xấu trật tự và cảnh quản lý đô thị
- Không có chiến lược bền vững
- Hạn chế về năng lực lao động
- Độc quyền, thao túng giá cả
-Cần nhiều vốn, phụ thuộc nhiều vào bức tranh kinh tế  vĩ mô
- Đối mặt với nhiều thủ tục hành chính
Tương lai phát triển
- Phụ thuộc vào sự thay đổi thói quen và chính sách quản lý đô thị….
- Lâu dài, bền vững

Đặt trong bối cảnh hiện nay, xét về tính hữu dụng và hiệu quả so với kinh tế doanh nghiệp thì kinh tế vỉa hè có vẻ ưu thế hơn bởi các lý do sau.
Thứ nhất, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh trong khi đó kinh tế vỉa hè vẫn hết sức sôi động. Các doanh nghiệp đang gặp vấn đề về vốn không còn dồi dào và dễ dàng huy động khi lãi suất tại các ngân hành thương mại hiện nay luôn ở mức cao. Điều này khiến họ đứng trước nan đề, nếu ngừng sản xuất sẽ đối mặt với khoản bồi thường phá vỡ hợp đồng đã ký trong khi người lạo động không có việc làm, còn nếu tiếp tục duy trì sản xuất thì vẫn lỗ do lãi suất phải trả còn cao hơn cả lợi nhuận. Chính vì thế, đã có một làn sóng doanh nghiệp phá sản trong vòng hai năm trở lại đây. Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam trung bình mỗi năm Việt Nam có trên 6.000 doanh nghiệp phá sản, nhưng mới 6 tháng đầu năm 2011 con số này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đến tháng 9 năm 2011 đã có khoảng 48.000 doanh nghiệp truyên bố phá sản, giải thể. Bước sang năm 2012 tình hình vẫn không được cải thiện, chỉ trong vòng hai tháng đầu năm đã có tới 50.000 doanh nghiệp thua lỗ, giải thể phá sản và chỉ riêng TPHCM đã có 3.100 doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất. Trong khi đó kinh tế ở vỉa hè không có dấu hiệu của sự sụt giảm vì quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ nên không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bức tranh kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, chỉ số lạm phát trong nước luôn ở mức cao trong vài năm qua. Theo công bố của Tổng cục thống kê thì chỉ số tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2011  tăng 18,58 so với năm 2010. Trong vòng hai tháng đầu năm 2012, chỉ số lạm phát có giảm, nhưng điều này sẽ thay đổi trong thời gian tới, khi giá cả các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas tăng. Đầu tháng 3, giá gas tăng 30-40% và đến 15/4 giá dịch vụ y tế sẽ tăng lên khoảng 50% sẽ làm cho tình hình lạm phát càng trở nên gay gắt trong thời gian tới. Chính điều này đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân. Phần lớn những người có thu nhập thấp, trung bình sẽ lựa chọn nhiều hơn đến các dịch vụ tại vỉa hè, vì giá cả cạnh tranh của nó.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại và là một thực tế chúng ta phải đối mặt đó là những vỉa hè đang bị chiếm dụng vào các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến chức năng giao thông vốn dĩ là không gian dành cho người đi bộ. Cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có một giải pháp nào hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Một bài toàn giữa đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và an toàn trật tự đô thị.
Cộng đồng vỉa hè như là xã hội dân sự
Hoạt động truyền thông với những câu chuyện vìa hè có đặc điểm nổi bật là chân thực, đa dạng và sống động. Chúng ta có thể tìm thấy ở vỉa hè, thông qua các kênh truyền thông ở quán nước, ghế đá, những người xe ôm,…. Tất cả những thông tin cần thiết nhất từ thời sự quốc tế, trong nước, chuyện nghị trường, giá cả thị trường, văn hóa, thể thao…. Điều đặc biệt là nó bao hàm cả đặc tính của báo chí truyền thống, mạng xã hội của cả lề phải lẫn lề trái, một xã hội dân sự, một không gian công cộng thực sự. Ở kênh truyền thông vỉa hè một điều rất đặc biệt là nó không chịu sự kiểm soát như báo chí lề phải, nhưng đồng thời lại không bị chi phối bởi quan điểm chính trị cá nhân như nhiều cộng đồng truyền thông lề trái. Không gian này là nơi hình thành, lan truyền một nguồn dư luận xã hội, xã hội dân sự với đầy đủ ý nghĩa. Có lẽ các đại biểu quốc hội của chúng ta muốn nghe được ý kiến chân thành của người dân, nhất là những người dân nghèo, ngoài việc đến các hội trường ở xã, ở thôn để nghe họ nói, họ kể về cuộc sống thì cần lặng lẽ đến các quán nước ở vỉa hè, ghế đá ở công viên để lắng nghe người dân bày tỏ. Bởi có một thực tế khi ngồi trong hội trường có nhiều người “ngại” phát biểu hay “run”, nhưng khi ngồi ở quán nước người ta không có micro, không còn những ánh mắt khác lạ thì họ nói đúng hơn, thực hơn và dễ hiểu hơn với những ngôn ngữ rất dân dã.
Trên cơ sở đó chúng ta làm một phép so sánh cộng đồng vỉa hè với các thiết chế truyền thông khác để thấy được sự tương quan.
Bảng 2: So sánh thiết truyền thông, mạng xã hội và truyền thông vỉa hè
Đặc điểm
Truyền thông (truyền thống)
Mạng xã hội
Truyền thông vỉa hè
Kênh
Sách, báo in, báo điện tử, truyền hình, truyền thanh …
Các trang mạng xã hội: febook, twitte, yahoo, Zing.vn, webtretho.com …..
Quán nước, ghế đá, nhóm lao động chờ việc…
Thông tin (chủ đề)
Đa dạng
Đa dạng
 Đa dạng
Mức độ lan tỏa thông tin
Trung bình
Cao
Cao
Mức độ tin cậy
Khá
Thấp
Khá
Mức độ kiểm soát thông tin
Cao
Thấp
Rất thấp
Khả năng tương tác
Thấp
Cao
Rất cao
Cộng đồng
Có chọn lọc
Chọn lọc thấp
Không chọn lọc
Phí tổn
Không
Phản biện xã hội
Khá
Trung bình
Khá
Tâm lý đám đông
Trung bình
Cao
Cao
Tính cá nhân hóa
Trung bình
Khá
Cao
Tiềm năng
Khá
Cao
Khá

Trong không gian đó cũng mang những đặc điểm của một xã hội dân sự thực thụ. Bên cạnh việc truyền bá, lan tỏa thông tin cả chính thức lẫn phi chính thức, thì trong cộng đồng đó cũng thể hiện chức năng phản biện xã hội rất sâu sắc. Khi một chính sách của nhà nước được ban hành thì ngay lập tức xuất hiện nhiều ý kiến phản hồi, nhận xét, đánh giá của những người trong cộng đồng vỉa hè. Đây là một phép thử rất quan trong cho các chính sách công được ban hành. Các nhà hoạch định và thực thi chính sách có thể xem những dư luận này như là một sự kiểm nghiệm phản ứng xã hội về chính sách. Chính vì người ta xem nó là nơi phi chính thức, không đáng tín cậy, thiếu cơ sở nên tất cả những ý kiến, phán xét phản hồi hầu như không được quan tâm. Nhưng sự quên lãng đó là một sự bỏ sót đáng tiếc khi người ta không nhận ra dư luận về vấn đề chính thức của cộng đồng phi chính thức sẽ mang đến những các nhìn khách quan, độc lập của một thực thể bên ngoài soi rọi vào bên trong. Sở dĩ như vậy, vì từ trước đến nay chúng ta chỉ quan tâm đến sự phê phán của khu vực chính thức về những điều không chính thức. Mà chưa có cơ chế lắng nghe, đối thoại của thiết chế chính thức và cộng đồng phi chính thức.
Vậy tại sao vỉa hè ở Việt Nam lại trở thành một cộng đồng truyền thông đặc sắc như vậy ? câu trả lời có thể là:
Sở dĩ hình thành cộng đồng truyền thông phi chính thức ngay trong không gian đô thị là một sự nối dài của văn hóa làng xã. Một trong những đặc điểm của đô thị, văn hóa đô thị Việt Nam đó là vẫn tồn tại nhiều yếu tố của văn hóa làng xã nông thôn (làng trong phố-phố trong làng). Điều này có thể giải thích ở hai khía cạnh. Một là, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam chỉ diễn ra mạnh mẽ trong vòng 100 năm trở lại đây, mà nó thực sự trở thành làn sóng khi chúng ta mở cửa nền kinh tế. Chính vì vậy, những đô thị được hình thành một cách nhanh chóng trên nền của một cộng đồng nông thôn mà chưa có một sự chuẩn bị, vì thế nhiều giá trị văn hóa của làng xã vẫn còn tồn tại trong đô thị là một điều dĩ nhiên. Hai là, quá trình đô thị hóa đã tạo ra một dòng di cư lớn từ nông thôn ra đô thị. Sự di cư đó không đơn thuần là dịch chuyển dân số, lao động từ nông thôn ra đô thị mà họ còn mang theo văn hóa, lối sống, giá trị làng xã truyền thống đến các đô thị. Chính vì vậy, mặc dù đô thị có tình cách là năng động, xô bồ, thì vẫn có những cộng đồng ở vỉa hè chậm rãi, bình lặng với những câu chuyện cuộc sống thường ngày như là sự nối dài từ nhũng gốc cây đa, dưới sân đình, bến đò, bờ ruộng của nông thôn truyền thống.
Với những luận giải trên chúng ta có thể xướng lên cụm từ “xã hội học vỉa hè” không hề là một sự viển vông. Nhưng chính cái không gian công cộng vỉa hè của những người “ngồi”, “kiếm sống”, “lợi dụng” đã chiếm mất đi không gian của những người đi bộ, chủ nhân thực sự của vỉa hè. Chính vì thế sẽ là rất có giá trị thực tiễn nếu tư duy xã hội học được vận dụng để nghiên cứu một cách hệ thống về khu vực này. Điều đó chuẩn bị về cơ sở lý luận cho việc tiến hành các điều tra thực nghiệm toàn diện đối với vỉa hè nhằm thu thập chứng cứ thực tiễn cho công tác quản lý đô thi và hoạch định chính sách hướng tới mực tiêu đảm bảo sự cân bằng bền vững giữa lợi ích kinh tế, giá trị văn hóa, nhân văn cũng như cảnh quan môi trường đô thị.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.