28 tháng 11, 2013

Quản lý xã hội ở châu Âu- hướng đến một xã hội đồng thuận và tham dự

Trần Thị Phương Hoa  
Xã hội phát triển không ngừng và liên tục đặt ra thử thách cho các thành viên trong xã hội và cho các nhà quản lý.  Ở châu Âu, quản lý xã hội (social governance) đồng nghĩa với trách nhiệm xã hội, ở tất cả các cấp, từ cấp EU đến tận từng người dân.
Theo đó, tất cả mọi người đều được bảo đảm các quyền xã hội và được tham gia thực hiện quyền đó theo mục tiêu phát triển chung. Hiện nay quản lý xã hội ở châu Âu không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà được vận hành trong một thiết chế mang tính siêu quốc gia (supranational), ở cấp độ toàn EU. Đây có thể nói là một mô hình quản lý xã hội độc nhất vô nhị hiện nay trên thế giới và đã thu được những thành công nhất định.  EU không chỉ đưa ra một mục tiêu chung “phát triển bền vững, thông minh và không phân biệt” thông qua “chia sẻ tri thức và trách nhiệm- hướng đến một xã hội không có ai bị gạt ra ngoài lề”, mà còn đề ra những thiết chế hành chính và tài chính cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu đó.

1 tháng 11, 2013

Đại cương về Y xã hội học

Nguyễn Huỳnh Mai
Tháng Mười 23, 2013
(Bài này đã viết theo đơn đặt hàng và đã gửi về cho một giáo trình Y khoa ở tp Hồ Chí Minh – nhân chuyện thời sự tuần này, xin mang lên đây để bạn đọc tham khảo)
Dẫn nhập
Phản ứng trước bệnh tật, cách diễn tả sự đau đớn, từ lúc nào ta tự định nghĩa là «bị bệnh», … là những điều mà mỗi một trong chúng ta đều bị ảnh hưởng của văn hóa và giáo dục.
Những cách các bà mẹ dạy trẻ (như kiểu «con trai thì không được khóc như con gái» và nhiều kiểu tương tự, … ) thấm nhuần vào tâm khảm mọi người và từ đó cách biểu hiệu của sự đau đớn khác nhau tùy giới tính, tùy giai cấp xã hội, tùy dân tộc, …
Liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ cũng là một hiện tượng xã hội. Hai diễn viên này có thể là thành viên của hai hành tinh khác nhau dù là sống cùng trong một xã hội và ngay lúc tiếp xúc diễn ra, họ cùng đối diện nhau nhưng vị trí, ngôn ngữ, suy nghĩ, mục tiêu hay chủ đích, … hoàn toàn khác nhau.
Bệnh viện, thành phố nào cũng có ít nhất là một bệnh viện. Khuôn mặt của bệnh viện có lẻ ai cũng biết nhưng có lẻ ta không bao giờ nghĩ rằng bệnh viện là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới bên ngoài với cách kiến trúc đặc biệt với cách sinh hoạt 24/24 giờ và 7/7 ngày – bệnh viện không ngủ bao giờ vì người bệnh không thể chọn giờ để mắc bệnh – ở bệnh viện thường có hai hệ thống quyền quyền lực đối lập với nhau : quyền của giới quản lý và quyền của phía bác sĩ.
Và đó chỉ là vài sự kiện cụ thể nổi bật dễ hiểu.
Tất cả những đặc thù của sức khỏe, bệnh tật và y khoa là đối tượng của y xã hội học.
Khởi thủy, và đầu thập niên 1970 François Steuler và Claudine Herzlich mở đường cho Y xã hội học ở châu Âu, bằng cách mô tả hiện tượng này dưới góc nhìn xã hội học.