Bạo lực, luôn là một vấn đề của bóng đá mọi thời đại, nó lại càng trở thành một điều được nhiều người dùng với từ “vấn nạn” kể từ khi bóng đá phải khoác trên mình một tấm áo choàng với nhiều màu sắc chính trị, kinh tế,… Với tính chất đối kháng cao, sự lôi cuốn kỳ diệu, mức độ sôi nổi luôn luôn đạt đỉnh đã biến nhiều trận đấu bóng đá thành những màn “múa võ” của các cầu thủ trong sân, huấn luyện viên, rồi lan đến những cổ động viên vốn dĩ rất vô tư, xuất phát từ một lòng đam mê thực thụ. Ở Việt Nam từ khi bóng đá bước lên chuyên nghiệp, thì người ta lại càng phàn nàn nhiều, các nhà quản lý đau đầu vì nạn bạo lực cả trong và ngoài sân cỏ. Phần lớn các vòng đấu của giải vô định quốc gia (V-league) và giải hạng nhất quốc gia đều có hành vi bạo lực với nhiều hình thức khác nhau như: các cầu thủ chơi xấu với những pha vào bóng ác ý triệt hạ đối thủ, những lời nói và hành vi xúc phạm đối thủ cũng như trọng tài, những màn ẩu đả trên những khán đài…. Mặc dù ban tổ chức, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các câu lạc bộ đã có nhiều hình thức xử lý rất kiên quyết, nhưng tình trạng vẫn không hề thuyên giảm. Điều đó cho thấy sự “nghiệp dư” trong một môi trường đã mang nhãn hiệu “chuyên nghiệp” như trong bóng đá Việt Nam hiện nay.
Một khía cạnh mà trong xã hội học dùng một khái niệm rất hay là “bạo lực tượng trưng” mà theo Pierre Bourdieu “Bạo lực tượng trưng tự thiết lập qua trung gian của sự tán đồng mà kẻ bị trị không thể không chấp nhận cho kẻ thống trị (vậy là cho sự thống trị) khi mà kẻ bị trị để tư duy về khả năng thống trị và để tư duy về mình” (Pierre Bourdieu, 2011, tr.48). Trong trường hợp này nhà xã hội học khả kính của chúng ta xem “kẻ bị trị” là người phụ nữ và “kẻ thống trị” là nam giới trong mối qua hệ giới. “Bạo lực biểu trưng” được dùng với nghĩa để chỉ những áp đặt, sức ép, sự đòi hỏi và thang giá trị mà chủ yếu là về mặt tinh thần và nhận thức mang tính chất vô hình. Xác tín vào luận điểm đó của Pierre Bourdieu chúng ta có thể nhận thấy “bạo lực biểu trưng” đang rất phổ biến trong bóng đá hiện đại. Ngày nay với sự chuyên nghiệp và tính hiện đại rất cao thì các cầu thủ đang chịu quá nhiều sức ép, quá nhiều sự kỳ vọng từ nhiều phía. Các câu lạc bộ lớn đang tạo ra một sức ép về thành tích đối với các cầu thủ, người hâm mộ kỳ vọng vào phong độ của các cầu thủ, xã hội cũng luôn phán xét các cầu thủ và huấn luyện viên về lối sống, ứng xử…. Những điều đó thực sự là “bạo lực biểu trưng” mà các xã hội đang tạo ra cho những nhân vật trung tâm của bóng đá chuyên nghiệp.
Tài liệu trích dẫn
Pierre Bourdieu. Sự thống trị của nam giới. Nxb. Tri thức. Hà Nội. 2011 (Lê Hồng Sâm dịch).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.