Ngô Văn Huấn
Xã hội rủi ro, là khái niệm được nhà xã hội học Ulrich Beck đưa ra năm 1980 và xuất bản cuốn sách cùng tên năm 1986. Theo đó Ulrich Beck định nghĩa: “Rủi ro có thể định nghĩa như một cách đối phó có hệ thống với các yếu tố ngẫu nhiên và không an toàn xuất hiện trong quá trình hiện đại hóa, hoặc do bản thân quá trình hiện đại hóa tạo ra” (Theo Vũ Cao Đàm, 2005). Trong luận điểm của mình, ông cũng khẳng định rằng: “Trong khi con người ngày càng đón nhận nhiều cơ hội cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng của mình, thì đồng thời con người cũng ngày càng đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro trong cuộc sống, trong môi trường công nghệ ngày càng cao, trong việc lựa chọn các quyết định” (Vũ Cao Đàm, 2005).Như vậy xã hội rủi ro là một biểu hiện của quá trình hiện đại hoá. Có nghĩa là xã hội rủi ro có thể tạo ra quá trình hiện đại hóa, đồng thời chính quá trình hiện đại hóa cũng có thể tạo ra xã hội rủi ro.
Từ những nghiên cứu của mình ông chỉ ra một số đặc điểm của rủi ro ở như sau.
“Đặc điểm của tác nhân rủi ro trong 3 giai đoạn phát triển của xã hội:
1. Trong xã hội tiền công nghiệp: rủi ro có bản chất ngoại lai, rủi ro xuất hiện chủ yếu từ thiên nhiên, không phải do con người tạo ra
2. Trong xã hội công nghiệp: rủi ro không chỉ là yếu tố tự nhiên nữa, mà do tác nhân con người, rủi ro sản sinh từ trong lòng công nghiệp nhưng vẫn là rủi ro kiểm soát được
3. Trong xã hội rủi ro: rủi ro trở nên một yếu tố không tính toán được, không kiểm soát được và không giới hạn” (Theo Vũ Cao Đàm, 2005).
Luận điểm trên cho chúng ta thấy rằng xã hội đang trong quá trình chuyển đổi sang một thời kỳ mới, mà đặc trưng lớn nhất đó là những biểu hiện của những rủi ro đang tiềm ẩn những nguy có khó lường de doạ cuộc sống của con người. Nếu như trong xã hội tiền hiện đại các nguy cơ dễ nhận biết, dễ xử lý và con người dễ ứng phó thì trong xã hội hiện đại các nguy cơ ngày càng tiềm ẩn và tác động lâu dài đến nhiều thế hệ. Hiện nay các rủi ro ngày càng bị phân mảnh và trở nên khó lường hơn bao giời hết. Con người dù ở bất cứ địa vị xã hội nào, ở đâu trên thế giới đều có thể là nạn nhân của những rủi ro. Những nguy cơ trong xã hội hiện nay do chính con người tạo ra, ngày càng trở nên nguy hiểm, khó nhận biết và cũng không dễ tìm ra những cái tên cụ thể để quy trách nhiệm.
Như vậy, xã hội hiện đại đã tạo ra cho con người rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cùng với đó chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít những rủi ro không thể dự đoán trước. Có những rủi ro từ thiên nhiên, nhưng khó lường hơn là những rủi ro do con người tạo ra xuất phát từ những xung đột xã hội. Hiện nay các vấn đề như: thiên tai, nghèo đói, bệnh tật, tội phạm, ô nhiễm môi trường… là kết quả của những chính sách không tính đến sự bền vững của các quốc gia.
Nhìn vào cuộc sống hiện đại, thấy rằng chúng ta đang sống trong xã hội rủi ro, đầy rẫy những nguy cơ có thể gọi tên như:
· Các thảm hoạ thiên tai: lũ lụt, hạn hán, mưa bão…
· Các thảm hoạ môi trường: ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, khí độc, biến đổi khí hậu…
· Các nguy cơ trong công nghệ: sập cầu, nhà đổ, tai nạn giao thông…
· Các nguy cơ từ xung đột xã hội: chiến tranh, khủng bố, tội phạm…
· Các rủi ro từ nền kinh tế: sự lên xuống của trị trường chứng khoán, lãi suất ngân hàng, làm ăn thua lỗ, mất việc làm, mất an toàn thực phẩm…
· Các rủi ro trong tâm lý và tình cảm: các nguy cơ không chỉ hiện hữu trong xã hội mà nó còn tồn tại trong tâm lý, tình cảm và ứng xử của cá nhân, nhóm cộng đồng. Ví dụ tâm lý sợ nhà chức trách, tâm lý lo âu về giá cả.v.v…
Trong mỗi con người chúng ta hiện nay luôn thường trực nỗi lo về những rủi ro có thể ập đến. Có những rủi ro đến từ sự tàn phá của thiên nhiên, nhưng tự nhiên “vô nhân tính” đó lại đôi khi thấy dáng dấp của bàn tay con người. Hàng ngày ra đường khi tham gia giao thông, không ai có thể ung dung đảm bảo mình sẽ được an toàn tuyệt đối khi về đến nhà mà không có chuyện gì xẩy ra. Sự lộn xộn, vô tổ chức, không có quy tắc của tình trạng giao thông như hiện nay, mà thủ phạm chính là con người lại không thấy ai nhận trách nhiệm, mỗi người đều tự an ủi rằng không phải do mình. Mỗi khi đi mua sắm từ thực phẩm hàng ngày, đến những phương tiện sinh hoạt cao cấp, thật khó để đảm bảo nó mang đến sự an toàn cho cuộc sống của mình. Và còn nhiều những nguy cơ khác nữa mà con người hàng ngày đang tự gây ra cho mình, để rồi ai cũng có thể tự bào chữa đó là quy luật, chi phí cơ hội, cái giá phải trả của sự phát triển rồi ngậm ngùi sống chung với nó.
Luận giải cho những rủi ro đó phải chăng trong xã hội chúng ta đang đối mặt với sự suy thoái nguồn vốn xã hội của cá nhân và cộng đồng ?. Sự suy thoái vốn xã hội đó chúng ta có thể nhận ra như: lòng tin của con người ngày càng suy giảm, khi sự tin cẩn chúng ta giành cho nhau ngày càng ít đi; vai trò kiểm soát của các chuẩn mực xã hội ngày càng mờ nhạt; sự tương tác giữa các cá nhân và tính cộng đồng diễn ra yếu ớt; mạng lưới xã hội cũng ngày càng thưa dần khi chủ nghĩa cá nhân đang ngày càng lên ngôi trong lối sống của từng nhóm xã hội.
Như vậy, muốn thích nghi được với xã hội rủi ro như hiện nay, con người và cộng đồng phải tự vun đắp và bồi dưỡng cho mình một nguồn vốn xã hội phong phú, dồi dào để ứng phó với những nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Cao Đàm, Xã hội rủi ro, Tạp chí xã hội học, số 4(92), 2005.
2. Trần Hữu Dũng, Vốn xã hội và kinh tế, Tạp chí thời đại mới, số 8/ 2003.
Đà Lạt, tháng 5/ 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.