14 tháng 6, 2011

HIỆN TƯỢNG "NHẬU" XÉT NHƯ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

 Trần Hữu Quang
Xã hội học tiếp cận hiện tượng "nhậu" như một vấn đề xã hội, một nét văn hóa trong xã hội Việt Nam. Xin dưới thiệu bài viết của nhà xã hội học Trần Hữu Quang  trên báo Kinh tế Sài Gòn đề cập đến góc nhìn này-NVH.

Trong vòng hai thập niên qua, tức kể từ đầu thời kỳ đổi mới đến nay, người Việt Nam uống bia và rượu ngày càng nhiều hơn. Số liệu thống kê cho thấy tốc độ gia tăng rất nhanh của ngành sản xuất rượu bia trên cả nước. Năm 1990, sản lượng rượu các loại mới chỉ đạt 80 triệu lít và bia các loại 100 triệu lít, nhưng đến năm 2010, sản lượng rượu đã lên tới 387 triệu lít (tăng gấp 4,8 lần) và bia 2.377 triệu lít (tăng gấp 24 lần trong 20 năm).
Tính riêng bia năm 2010, nếu chia đều cho dân số từ 15 tuổi trở lên thì bình quân cả nam lẫn nữ mỗi người được 37 lít bia, tức gần năm két bia một năm (tính mỗi két 24 lon 330 ml). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm là những con số trên chưa tính tới số rượu bia sản xuất không đăng ký, nhất là rượu đế ở nông thôn mà có người ước lượng có thể chiếm tới 70% tổng sản lượng rượu cả nước.
Sự chuyển hóa của ngôn từ
Thực ra, chữ “nhậu” xuất hiện đã lâu ở Nam bộ, ít ra từ khoảng thế kỷ 18, và hồi đó nhậu chỉ đơn giản có nghĩa là uống, thí dụ nhậu nước là uống nước, nhậu rượu là uống rượu, ăn nhậu là ăn uống(1). Sau đó, vào thập niên 1960, chữ nhậu dần dà chuyển hẳn sang ý nghĩa uống rượu (2).

Mức độ tiêu thụ rượu bia
Cuộc điều tra năm 2005 của WHO cho biết bình quân một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ 3,77 lít cồn nguyên chất/năm (trong đó, 1,07 lít rượu bia có đăng ký, và 2,7 lít rượu bia không đăng ký). Nếu chỉ tính riêng những người có uống rượu và bia thì mức tiêu thụ là 16,1 lít cồn nguyên chất/năm nơi nam giới, và 11,6 lít nơi nữ giới (*).Điều đáng nói là ở Việt Nam, cũng theo số liệu của WHO, mức tiêu thụ số rượu bia không đăng ký kinh doanh so với số rượu bia có đăng ký bằng 252% tức gấp 2,5 lần, cao nhất vùng Đông Nam Á và Đông Á, cao hơn cả Campuchia. Con số này ở Campuchia là 169%, Lào 17%, Thái Lan 11%, Philippines 46%, Trung Quốc 40%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 2%. Điều này cho thấy tình hình nấu rượu đế thủ công và sản xuất chui các loại “bia lên cơn” ở nước ta, nhất là khu vực nông thôn, quả thực hết sức đáng báo động!
___________
(*) Rượu bia “có đăng ký” là sản phẩm của những công ty có đăng ký kinh doanh, và ngược lại, số “không đăng ký” là những sản phẩm không đăng ký kinh doanh. Xem WHO, Global Status Report on Alcohol and Health 2011, Geneva, WHO Press, 2011, tr. 273-277.
Nhưng chữ nhậu theo cách hiểu bây giờ có lẽ không chỉ có nghĩa là uống rượu, mà là vừa uống rượu vừa ăn lai rai món gì đó (thí dụ: “nhậu một bữa thật say”, “mua đồ nhậu”(3)), và đáng chú ý hơn, chữ nhậu còn bao hàm cả ý nghĩa là ăn và uống rượu cùng với người khác, vì như cổ nhân nói, “trà tam rượu tứ” (thí dụ: “đãi một chầu nhậu”, “rủ nhau đi nhậu”; ai mà nói “đi nhậu một mình” thì bạn bè sẽ ngờ rằng người này đang có vấn đề !). Bản thân chữ nhậu không có nghĩa xấu, còn khi nói “nhậu nhẹt” hay “bợm nhậu” thì mới hàm ý chê bai.


Như vậy, từ chỗ ngày xưa chỉ có nghĩa là uống, nội hàm của từ nhậu bây giờ đã chuyển thành một loại hình sinh hoạt đặc trưng không chỉ ở vùng Nam bộ mà còn trên cả nước, và có lẽ rất khó mà dịch được ra tiếng nước ngoài. Sự chuyển hóa của ngôn từ này chắc hẳn không diễn ra một cách ngẫu nhiên, mà chủ yếu xuất phát từ sự phổ cập của hiện tượng “nhậu” trong những năm qua.
Nhậu là một hành vi xã hội
Nhìn dưới góc độ xã hội, nhậu hiển nhiên không phải là một hành vi ăn uống đơn thuần. Nếu nhậu luôn luôn là nhậu với ai đó, thì chắc hẳn cần nhìn nhận đây là một hành vi xã hội, tức là một hành vi hướng đến người khác, bao hàm những mối tương giao xã hội với người khác trong bữa nhậu, trong đó quan trọng nhất là các hành vi truyền thông và giao tiếp với nhau (trao đổi, kể chuyện, tâm sự, tranh luận...).
Người ta có thể tổ chức một bữa tiệc để mời bạn bè lâu ngày hội ngộ đến nhậu chơi, để làm đám giỗ, đám cưới, để mừng sinh nhật, mừng thi đậu, tạ ơn ân nhân, để chia vui hoặc giải sầu với bạn bè, để mừng trúng số hoặc trúng mánh, để bàn chuyện làm ăn, hay thậm chí để mua chuộc hay chạy chọt... Có cả ngàn lý do để nhậu kể ra không hết, dù vậy tựu trung bữa nhậu bao giờ cũng là cơ hội để gặp gỡ, tức là để hiện thực hóa các mối quan hệ xã hội.
Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao bây giờ người ta lại nhậu nhiều hơn so với trước? Phải chăng do thu nhập bây giờ khá hơn (do dư giả, do phú quí sinh lễ nghĩa, nhưng ngược lại cũng có những người càng nghèo lại càng nhậu!), do các mối quan hệ xã hội ngày càng rộng hơn, hay do những nguyên nhân tâm lý xã hội xuất phát từ những điều kiện kinh tế-xã hội đặc thù nào đó?
Để trả lời được những câu hỏi trên, hẳn nhiên cần tiến hành những cuộc khảo sát và nghiên cứu về chủ đề này nơi các giới, các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội, nơi nông thôn và đô thị... với các lối tiếp cận xã hội học, tâm lý học xã hội và nhân học.
Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là hiện tượng nhậu ngày càng tràn lan đã thực sự trở thành một vấn đề xã hội. Ở đây, chúng tôi chỉ thử nêu lên một vài ý tưởng mang tính chất giả thuyết về vấn đề này.
Hiện tượng nhậu xét như một vấn đề xã hội
Trên báo chí và các diễn đàn khác nhau, người ta thường đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về hiện tượng nhậu và các hậu quả có thể có của nó, nhưng tựu trung đáng chú ý nhất có hai luận điểm: (a) nhậu là nguyên nhân của sự suy thoái, thậm chí của hành vi tội phạm; (b) nhậu không phải là nguyên nhân, mà là do suy thoái cá nhân nên dẫn đến chuyện nhậu thường xuyên. Chúng tôi cho rằng cả hai luận điểm này đều chưa ổn thỏa vì quá giản lược và chỉ đúng một phần.
Trước hết, chúng ta cần lưu ý rằng chữ nhậu không bao hàm một thực thể duy nhất đồng dạng, bởi lẽ có nhiều dạng và nhiều mức độ nhậu khác nhau. Do vậy, sự phê phán không thể bỏ hết mọi thứ vào trong một cái rọ, mà cần phân biệt từng loại hình cụ thể.

“Nhậu” và “xỉn”
Cao Tự Thanh, nhà nghiên cứu văn học Hán-Nôm, đã đưa ra một cách giải thích về nguồn gốc của chữ nhậu như sau: “Từ nhẩm chẩu (ẩm tửu, uống rượu) có lẽ vì được nói lè nhè với giọng say rượu nên đã bị chập và biến âm thành nhậu, đưa lại cho hành vi sinh hoạt này của người Nam bộ một dáng cách và ý vị riêng” (a).
Thường đi kèm với chữ nhậu là chữ xỉn. Cũng theo Cao Tự Thanh, xỉn là một từ có gốc tiếng Hoa, đọc theo âm Hán-Việt là trình (có nghĩa là: bệnh vì rượu, say ba ngày mới tỉnh), phát âm theo giọng của người Hoa Quảng Đông ở Nam bộ là xỉn (b).
___________________________
(a) Cao Tự Thanh, “Những yếu tố Hoa trong phương ngữ Nam bộ”, Tạp chí Hán Nôm, số 2, 2000. (b) Xem bài của Trần Thanh Giao, “‘Xỉn”từ đâu ra ?”, http://tranthanhgiao.com.
Mặt khác, việc nhậu nói chung hay rượu bia nói riêng tự chúng chẳng có gì xấu hay đáng lên án. Rượu thường được xem là có tác dụng gây hưng phấn, cũng như việc bạn bè thỉnh thoảng gặp nhau đi nhậu tự nó là một sinh hoạt bình thường và lành mạnh.
Lẽ tất nhiên, uống quá chén thì đâm ra say xỉn, và nếu uống đều đều hàng ngày đến mức nhậu nhẹt bí tỉ, nhậu quắc cần câu, nhậu tới bến, thì có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về bệnh tật, tai nạn giao thông, và thậm chí có thể đi đến những trục trặc trong quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Xét về mặt thể lý, có thể nói rượu có tác dụng phần nào tương tự như ma túy, tức là đã nghiện rồi thì khó lòng từ bỏ, từ cảm giác lâng lâng ban đầu dễ dẫn đến những ảo giác khi quá chén, mụ đầu óc, và có thể khiến mất tự chủ bản thân.
Tuy nhiên, dù vậy, theo thiển ý chúng tôi, vẫn không ổn khi cho rằng men rượu tự nó là thủ phạm gây ra tệ nạn hay tội ác. Thông thường những hành vi loại này thực ra không chờ đến khi có rượu bia mới phát sinh mà thường đã có mầm mống từ trước, bắt nguồn từ những hoàn cảnh xã hội, những mối quan hệ xã hội, cũng như từ một số đặc trưng nhất định trong tiểu sử cá nhân, và rượu bia lúc này chỉ là một thứ chất xúc tác trực tiếp cuối cùng mà thôi. Hẳn do vậy mà có một số người hay “mượn rượu” để có cớ chửi bới hoặc la lối... Vả lại, cho dù Nhà nước có cấm hẳn rượu bia thì cũng khó lòng mà hình dung xã hội sẽ không còn tệ nạn và tội phạm.
Chúng tôi nghĩ rằng không đúng khi lên án nhậu là một căn bệnh, và cũng không phải do suy thoái cá nhân nên người ta đâm ra nhậu nhẹt say sưa, bởi lẽ suy cho cùng, hiện tượng nhậu nhẹt có lẽ chỉ là triệu chứng của một số căn bệnh nào đó trong bản thân xã hội, tức là bắt nguồn từ sự suy thoái của xã hội chứ không phải từ sự suy thoái của cá nhân.
Dĩ nhiên, vì những hậu quả thể lý lẫn hậu quả xã hội có thể có của chất cồn nếu uống thái quá, nên cần phải có những biện pháp nhằm hạn chế việc tiêu thụ rượu bia trong tình hình hiện nay. Nhưng vì nhậu cũng là một hành vi xã hội và hiện tượng nhậu đã trở thành một vấn đề xã hội, nên chúng ta còn cần phải đi tìm những căn nguyên sâu xa của vấn đề này trong các mối quan hệ xã hội và không gian xã hội, chứ không phải chỉ đơn giản quy tội cho chất men hay bản thân bàn nhậu.

Lai rai với chuyện nhậu
Ngày trước, nhậu chỉ có ở giới bình dân, ít tiền, hoặc lính tráng thắng trận, thua trận. Công chức, giáo chức, bác sĩ gần như không có nhậu mà chỉ có tiệc, chủ yếu tại nhà, uống ít nhưng phải là rượu ngon... Đáng nói hơn là tuyệt đối không có chuyện dùng tiền công (thuế của nhân dân) để nhậu, không có cảnh ngành tỉnh này tiếp ngành tỉnh kia, hết sân nhà tới sân khách.
Ngày nay giới nào cũng nhậu, cũng la lối om sòm trong tiệc. Người nhậu đa phần là công chức. Người lãnh lương thấp cũng nhậu. Vì sao người ta nhậu nhiều, vừa tốn nhiều thì giờ vừa hao tổn sức khỏe.
Vì sao ít người dành thời gian ấy để nghiên cứu, học tập, rèn luyện thể lực, thụ cảm nghệ thuật. Phải chăng không cần những thứ đó, họ vẫn có nhiều tiền, vẫn thăng quan tiến chức?
Trần Chí Kông
Một bữa nhậu có thể có tác dụng giải tỏa những ức chế mà người ta thường gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, khiến người ta dễ giãi bày tâm sự để chia sẻ với bạn bè hay đồng nghiệp (nhưng phải nói thêm là cũng có những trường hợp muốn “giải sầu” nhưng “rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm!”).
Đối với một số tầng lớp nào đó, cuộc nhậu cũng có thể chỉ là một thứ giết thời giờ vì không biết làm gì khác, về nhà thì không có gì để làm, cũng chẳng thích đọc sách, dạy con học thì dạy không nổi... thực chất là nhằm khỏa lấp sự thiếu hụt hay đúng hơn là sự trống rỗng trong đời sống tinh thần, không biết đầu tư thời gian vào cái gì, và cũng chẳng có sự nghiệp gì để dồn công sức vào.
Nhưng nếu bây giờ hiện tượng nhậu ngày càng tràn lan thì phải chăng đó là do những dạng tâm trạng ức chế khác nhau đã lan ra phổ biến trong các tầng lớp xã hội, và chuyện đi nhậu trở thành như một thứ lối thoát tiêu cực, một sự chạy trốn hay che mắt khỏi thực tại? Phải chăng đây là biểu hiện của một tình trạng vong thân hay tha hóa, hiểu theo nghĩa triết học chứ không phải theo nghĩa đạo đức, khi mà người ta thấy bất an và mất đi sự tự tin, không cảm thấy phát triển được và tự khẳng định được trong không gian lao động và không gian xã hội vốn còn nhiều nghịch lý và bất trắc, mà ngược lại chỉ nhận ra bản thân mình khi ăn nhậu bù khú với bạn bè?
Nếu quả đúng như vậy thì hiện tượng nhậu ngày nay không còn chỉ là một vấn đề xã hội mà đúng hơn đã trở thành một vấn đề của xã hội.
___________________________________________________________
(1) Xem Tự vị Annam-Latinh năm 1772-1773 của Pigneaux de Béhaine, do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, tr.341; Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quấc âm tự vị, tập II, Sài Gòn, Imprimerie Rey, Curiol&Cie, 1896, tr. 127.
(2) Cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức xuất bản năm 1931 vẫn còn giải thích chữ nhậu là uống, như nhậu rượu, nhậu nước (tr. 409). Nhưng đến cuốn Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị ấn hành năm 1958 thì bắt đầu định nghĩa chữ nhậu là “uống, thường là uống rượu” (tr. 967). Và đến cuốn Việt Nam tân từ điển minh họa cũng của Thanh Nghị in năm 1967 thì chữ nhậu chỉ còn lại một nghĩa là “uống rượu”, thí dụ: rủ nhau đi nhậu (tr. 1.010).
(3) Xem Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (chủ biên), Viện Ngôn ngữ học, tr. 715
Theo:http://www.thesaigontimes.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.