19 tháng 9, 2012

GIỚI THIỆU SÁCH 12: Văn hóa đô thị giản yếu

 Tác giả: Trần Ngọc Khánh, NXB Tổng hợp TP. HCM

Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh vừa cho ra mắt bạn đọc công trình Văn hóa đô thị giản yếu của tác giả Trần Ngọc Khánh. Đây là tập sách chuyên khảo về đô thị khá công phu và toàn diện. Sách dày 570 trang, với 16 chương và hơn 100 đề mục tham khảo, chủ yếu là tài liệu tiếng nước ngoài. Tác giả đã vận dụng phương pháp nghiên cứu văn hóa tổng quan để liên kết ba trục thời gian, không gian và chủ đề đô thị; kết hợp cách nhìn động theo học thuyết tiến hóa để nêu bật tính kế tục của các quá trình đô thị hóa, từ cổ đại, trung đại, cận đại đến hiện đại, qua đó xác định vị trí, vai trò của văn hóa đô thị như là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử văn minh nhân loại.

   Theo tác giả, đô thị là sản phẩm do con người tạo lập, vừa là môi trường sống biểu hiện các hoạt động, phương thức, lối sống của xã hội loài người đối với môi trường tự nhiên, xã hội và nhân văn, đồng thời đô thị vận động theo quy luật tiến hóa giống như thế giới “tự nhiên” do nhu cầu, tác nhân và ước vọng của con người. Chính nhờ ba yếu tố này mà đô thị không chỉ là thành tố, mẫu số chung về các hoạt động sáng tạo, biểu thị sự tăng trưởng, tiến bộ xã hội, mà còn phụ thuộc phạm trù văn hóa, biểu trưng tính phức hợp, toàn thể và tổng hòa các giá trị văn minh. Đó là cơ sở của thuật ngữ “văn hóa đô thị” mà từ lâu một số học giả trên thế giới đã đề cập như Patrick Geddes, Lewis Mumford…

   Đô thị trải qua nhiều thời kỳ từng là chốn kinh thành phồn hoa đô hội, nơi dành riêng cho các tầng lớp thượng lưu danh vọng (élites). Tuy nhiên, hạt nhân của đô thị, theo tác giả, chính là nơi kẽ chợ, với các hoạt động mua bán trao đổi, giao lưu, thương mại. Đô thị không đơn thuần là điểm dân cư tập trung hoặc là không gian phi sản xuất, mà đó là nơi tập trung nhất các nguồn lực phát triển, nơi biểu hiện rõ nhất các giá trị tăng trưởng, các tiến bộ kỹ thuật và văn minh xã hội.

   Ngày nay, đô thị trên thực tế đã trở thành môi trường sống của toàn thể xã hội loài người, với hơn một nửa dân số thế giới. Con người ở bất kỳ thời đại nào đều mong muốn cải thiện điều kiện sống và khung cảnh sống của mình. Đó là các nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần; là sự tăng trưởng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường, tức là toàn thể các phương diện của đời sống văn hóa.

   Đô thị hóa là quá trình tất yếu, là động lực để tăng trưởng. Do đó, trong điều kiện nước ta hiện nay, có lẽ sẽ thiếu sót nếu chỉ chăm lo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hoặc công nghiệp đơn thuần về mặt kinh tế, mà cần quan tâm nhiều hơn đến văn hóa đô thị và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, vì theo chúng tôi đó là sự nối tiếp mang đậm tính nhân bản đối với công nghiệp của tiền nhân, vừa là phương thức tối ưu để làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

PGS.TS. PHAN ANH
Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ


Trong khoa học xã hội, khái niệm văn hóa được xem xét theo quá trình tiến hóa, gắn với quá trình hình thành và các ý nghĩa trực tiếp của nó trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, xưa nay người ta vẫn thường tìm cách định nghĩa văn hóa là gì, phân tích văn hóa về ngữ nghĩa, mà ít quan tâm tìm kiếm các mối liên hệ giữa lịch sử văn hóa và lịch sử tư tưởng; hoặc theo quan niệm của các nhà khai sáng dân tộc học ở Pháp, mô tả văn hóa đã xuất hiện như thế nào trong các xã hội loài người [Denys Cuche, 2004Văn hóa làm biến đổi xã hội. Song xã hội không phải là đối tượng làm biến đổi của văn hóa, mà bản thân văn hóa cũng chịu tác động trải qua các quá trình tiến hóa. Khoảng cuối thế kỷ XIII, văn hóa mang ý nghĩa trạng thái (thửa đất được trồng), sau đó mới là một hoạt động thuộc về vật chất (chăm sóc đồng ruộng, thuần dưỡng gia súc) hoặc tinh thần (biết trồng trọt, chăn nuôi); đến thế kỷ XVI và nhất là kể từ thế kỷ XVIII, văn hóa trở thành một khái niệm trừu tượng, chỉ ra khả năng phát triển, với sự xuất hiện phạm trù “văn minh” ở châu Âu để có thể định nghĩa thế giới đang chuyển động.


 Theo Từ điển Hàn lâm Pháp [1718], văn hóa vừa có nghĩa hoán dụ (từ văn hóa trạng thái đến văn hóa hoạt động), vừa mang nghĩa ẩn dụ (từ trồng trọt đất đai đến chăm sóc tinh thần). Văn hóa vừa biểu hiện các hoạt động của con người để xây dựng môi trường sống nhân văn đối với thế giới bên ngoài, vừa biểu hiện các hoạt động của con người để xây dựng chính nó [Bonnemaison, 2000].

 Văn hóa là một khái niệm trừu tượng, do đó, không hiếm khi ghép đôi với một khái niệm khác như là đối tượng hoặc thành quả của văn hóa, biểu hiện các đặc trưng riêng có của xã hội loài người. Chẳng hạn, văn hóa tộc người, văn hóa nông thôn, văn hóa quốc gia, văn hóa đô thị, văn hóa chính trị, văn hóa kinh doanh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa ngôn ngữ, văn hóa thể thao, văn hóa giải trí, văn hóa xã hội, văn hóa thế giới, v.v. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn tồn tại một số quan niệm khác nhau hoặc có thể là chưa thấu đáo trước hiện tượng cặp đôi này trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và vận dụng trong đời sống xã hội.

 Trước hết, đó là quan niệm theo quyết định luận văn hóa, đề cao các giá trị tĩnh tại, coi văn hóa là chủ đạo, có tính nền tảng, chi phối cặp đôi; tập trung lý giải văn hóa theo nghĩa trạng thái; làm cho phần ghép sau là thuộc tính đơn thuần của văn hóa, biểu hiện một mặt hoạt động của văn hóa; hoặc giới hạn trong phạm vi tiếp cận của văn hóa, bị “văn hóa hóa” (enculturation) khi đảo ngược cặp đôi.

 Quan niệm thứ hai tách rời cặp đôi, coi đó là hai thực thể độc lập, riêng rẽ; mặc dù không phủ nhận mỗi thành tố của cặp đôi này có tính tương tác, bổ trợ, điều chỉnh lẫn nhau, song không biểu hiện nhất quán sự tương quan trong quá trình hình thành và phát triển; làm cho phần ghép sau tưởng chừng như tồn tại bên ngoài văn hóa, thuộc về lĩnh vực có tính chất hoặc quy mô riêng biệt, thường gắn với nhau bằng liên từ “và”.

 Sau cùng là quan niệm coi cặp đôi cấu thành một thực thể trừu tượng, không tách rời và luôn biến chuyển, trong đó văn hóa là một phức hợp tổng thể quy định bản chất cặp đôi; phần ghép sau là bộ phận sản phẩm sáng tạo hoặc phương diện biểu hiện của văn hóa, vừa có khả năng vận động tự thân, vừa có chức năng tác động trở lại làm biến đổi loại hình và các đặc trưng của văn hóa.

 Cặp đôi phổ biến nhất, ra đời sớm nhất là văn hóa văn minh, trong đó văn hóa là điểm tựa, làm nền tảng cho các giai đoạn phát triển khác nhau, trong khi văn minh chính là thành quả của văn hóa, trở thành chất xúc tác, làm biến đổi bộ mặt của văn hóa trong quá trình phát triển. Trong mối quan hệ này, văn hóa bao giờ cũng là cái có trước, tồn tại dưới bốn dạng thức: cái còn lại, cái thành tựu (văn minh), cái thu hoạch (sở đắc, lưu truyền) và cái di sản của quá khứ [Bonnemaison, 2000]; còn văn minh là bộ phận “chín muồi” của văn hóa, mang tính hiện đại, phổ quát và tiến bộ. Từ nguyên văn minh xuất xứ từ civitas – thành thị, gốc tiếng Latinh là civis, chỉ người đồng hương, “một tập thể có ý thức và trách nhiệm”, có nghĩa là một xã hội mang tính dân sự; còn từ nguyên tính dân sự (civilité) lại có nghĩa là nghệ thuật, cách thức sống với nhau để có văn minh (civilisé).

 Tuy nhiên, cặp đôi này vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau. Thông thường, người ta tách riêng văn hóa thuộc lĩnh vực tinh thần, còn văn minh thuộc lĩnh vực vật chất, kể cả đối lập giữa văn hóa và văn minh do chịu ảnh hưởng theo quan niệm của Đức từ thế kỷ XVIII; hoặc đồng nhất văn hóa với văn minh theo quan niệm của Pháp từ thế kỷ Ánh sáng của J.-J. Rousseau và D. Diderot; hoặc quá đề cao văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, coi “văn hóa là tâm hồn dân tộc” như ở Ý và Đức, dẫn đến các phong trào Phục hưng (thế kỷ XIV-XVII), các chính sách phát triển văn hóa ở Tây Âu, kể cả cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc từ những năm 1960, hoặc quan niệm bảo thủ nhùng nhằng giữa cái cũ và cái mới, coi văn hóa là bản sắc cần bảo tồn hoặc khôi phục, v.v.

 Cũng vậy, cặp đôi văn hóa đô thị là một thực thể toàn vẹn thuộc phạm trù văn hóa. Tính chất cặp đôi làm cho đô thị không hạn hẹp trong tính văn hóa của đô thị (urbanité) hoặc các hoạt động văn hóa ở đô thị. Sự ghép đôi với thành tố đô thị làm cho văn hóa gần gũi hơn, gắn bó hơn với đời sống thực tiễn; ngược lại, thành tố văn hóa làm cho đô thị mang tính nhân văn, có bề dày của quá trình tăng trưởng.

 Văn hóa – Văn minh    =     Phát triển

                                                (Đổi mới, tiến bộ)

 Văn hóa – Đô thị    =     Tăng trưởng

                                         (Xây dựng môi trường sống)

 Sự khác nhau giữa tăng trưởng và phát triển phân biệt văn hóa đô thị với văn minh đô thị. Văn hóa đô thị đòi hỏi quá trình lâu dài, gắn quá khứ với hiện tại, truyền thống với đổi mới, làm tăng trưởng bền vững môi trường sống; ngược lại, văn minh đô thị không chỉ đặt ra yêu cầu đổi mới, mà còn đòi hỏi sự thích ứng để hòa nhập với tiến bộ.

 Yếu tố văn hóa chỉ định đô thị là một quá trình gồm năm giai đoạn của quá trình đô thị hóa: phát hiện (tìm thấy hoặc xác lập địa hình, địa lợi trong môi trường tự nhiên), phát minh (hình thành cái mới, nhân tạo, theo ý muốn của con người), đổi mới (ứng dụng vào đời sống xã hội), tiến hóa (tạo nên chuyển động, biến đổi) và truyền bá (vừa lan tỏa trong không gian, vừa tiếp nối theo thời gian) [Bonnemaison, 2000].

 Đô thị hóa trong văn hóa đô thị là sự tiếp nối liên tục và xuyên suốt trong lịch sử xã hội loài người. Do đó, không thể theo quan niệm tách riêng đô thị hoặc các hình thái đô thị khác nhau để phân biệt thời kỳ tiền đô thị (proto-) với đô thị; hoặc đô thị hóa không chỉ bao gồm các đô thị xuất hiện trong thời kỳ cách mạng đại công nghiệp, mà có nguồn gốc từ rất lâu đời, cách ngày nay trên dưới mười nghìn năm, tương ứng với thời kỳ cách mạng đá mới, khi con người biểu hiện khả năng tác động vào môi trường tự nhiên để sản xuất nông nghiệp. Về thực chất, đó là công cuộc tạo lập môi trường sống, một “thiên nhiên thứ hai” của con người, dù còn phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên.

 Theo Henri Lefèbvre, xã hội tương lai không còn là xã hội công nghiệp mà là xã hội đô thị. Có thể quan niệm thành thị là một “phiên bản” của thế giới tự nhiên hoặc thiên nhiên thứ hai, vì thành thị bao hàm ba yếu tố: thành thị không tách rời tự nhiên, vận hành theo quy luật vận động của tự nhiên; thành thị là môi trường sống do con người tạo lập; thành thị là tác nhân để hoàn thiện và phát triển con người. Như vậy, con người vừa là nhân, vừa là quả của sự kiện thành thị.

Các đô thị nông nghiệp xuất hiện đầu tiên, rải rác dọc lưu vực các sông lớn hoặc án ngữ các ngã tư thông thương đường bộ, nằm cạnh vùng nông thôn rộng lớn nhằm bảo đảm cung ứng nguồn lương thực thực phẩm, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của số thị dân ban đầu còn ít ỏi, được gọi là bộ phận “tinh hoa” (élites) ở thành thị.

 Ngày nay, đô thị là môi trường sống của số đông, đô thị hóa là quá trình phát triển tất yếu. Ở các nước phát triển hoặc đang phát triển, các thành thị đều là điểm tập trung dân cư đông đúc, dân số đô thị tăng theo cấp số nhân, không gian đô thị không ngừng mở rộng. Đầu thế kỷ XIX, dân số đô thị chỉ mới có 2%, đến nay đã vượt hơn một nửa dân số thế giới; dự kiến đến năm 2030 là 60%. Trong vòng 20 năm từ 1970-1990, tỷ lệ tăng dân số hàng năm ở New York là 4%, nhưng không gian đô thị tăng 46%.

 Quá trình đô thị hóa thu hẹp khoảng cách không gian giữa nông thôn và thành thị. Con người được giải phóng khỏi lệ thuộc tự nhiên nhờ phát triển kỹ thuật, nhưng tự nhiên vẫn là bộ phận không tách rời của môi trường văn hóa đô thị. Tuy nhiên, có quan niệm tách rời nông thôn khỏi thành thị, đối lập văn hóa nông thôn với văn hóa đô thị, đặt ra mâu thuẫn giữa bảo tồn bản sắc truyền thống với biến đổi thích ứng văn minh.

 Nông thôn, nông nghiệp và nông dân bao gồm địa bàn cư trú, làm việc và sinh sống, là các bộ phận hữu cơ, tương tác hai chiều với thành thị; không tách rời với quá trình đô thị hóa, cả về thời gian và không gian. Trong quá trình này, chính lực hút và lực đẩy của thành thị đã tạo nên xu thế đô thị hóa nông thôn. Có thể dẫn chứng mô hình “lối sống Mỹ”, nhờ phát triển xe hơi và nhà ở cá nhân mà đô thị lan tỏa ra vùng ngoại ô từ những năm 1930, cùng với hệ thống đường cao tốc kết nối liên tục các đô thị ngoại vi từ năm 1946; hoặc hiện tượng “Losangélisation” giải tập trung các hoạt động kinh tế, hình thành các đô thị đa trung tâm, tập hợp các xí nghiệp cùng ngành nghề, mở rộng không gian vùng ngoại vi, tạo nên hiệu ứng “bùng nổ” đô thị.

 Đô thị không hẳn là không gian phi sản xuất, vì sản xuất không đơn thuần làm ra sản phẩm bằng sức lao động. Sản xuất trong văn hóa là sáng tạo, trong kinh tế là hoạt động đầu tư tư bản tìm lợi nhuận hoặc khai thác biến tài nguyên thành của cải. Đến thế kỷ XVIII, 85% dân số thế giới khai thác trực tiếp môi trường tự nhiên – nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp… nhưng đến đầu thế kỷ XXI tỷ lệ này chỉ còn lại ít hơn 15%. Đô thị là nơi tập trung nhất các hoạt động thương mại, hoặc nói đúng hơn nhờ các hoạt động thương mại mà đô thị hình thành và phát triển. Đô thị bao gồm khu vực trung tâm (CBD), các cao ốc văn phòng, các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, bất động sản, các hệ thống thuế khóa, hành chính, luật pháp, v.v. với xu hướng trải rộng ra các vùng ngoại vi của đô thị thủ phủ (mégapolis) hoặc kết nối (agglomération), kể cả các ngân hà đô thị (mégalopolis) bao trùm các bề mặt không gian. Đô thị cũng không giản đơn là nơi có mật độ dân số cao, tập hợp các điểm dân cư phân bố trên địa bàn, mà bản thân dân số, dân cư đều là các bộ phận chức năng đô thị, vận động theo quy luật chi phối của đô thị.

 Do đó, đô thị là tập đại thành các hoạt động xây dựng môi trường sống ngày càng phong phú và tiến bộ của xã hội loài người. Văn hóa đô thị tổng hòa toàn thể các thành tố văn hóa của loài người trong quá trình hoạt động về mọi phương diện: kinh tế, chính trị, kỹ thuật, xã hội, luật pháp, hành chính, giáo dục, y tế, vệ sinh, tín ngưỡng, tôn giáo, học thuyết, khoa học, kỹ thuật, quy hoạch… nhằm tạo lập đời sống, cải thiện môi trường sống, làm cho con người phát triển toàn diện và cân bằng.

 Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đã có nhiều ngành học quan tâm nghiên cứu đô thị, xuất hiện các chuyên ngành đô thị như lịch sử đô thị, địa lý học đô thị, xã hội học đô thị, nhân học đô thị hoặc đô thị học. Tuy nhiên, cho đến nay trên thế giới cũng như ở nước ta vẫn chưa có môn học nghiên cứu đô thị gắn với phạm trù văn hóa, trong đó đô thị không chỉ là một sự kiện, thực thể riêng biệt hoặc gắn với hoạt động của con người nói chung mà còn là sản phẩm sáng tạo, thành quả hoặc thành tố của văn hóa, gắn với quá trình phát triển của xã hội loài người.

 Từ thế kỷ V, IV trước Công nguyên, nhiều triết gia đã bắt đầu chú ý xây dựng các mô hình đô thị lý tưởng như Platon, Aristote hoặc đưa ra các ý tưởng đầu tiên về quy hoạch đô thị như Hippodamos, Hippocrates; từ các mô hình đô thị không tưởng của Thomas Moore thế kỷ XVI, Robert Owen, Charles Fourier thế kỷ XIX, hoặc mô hình đô thị vườn của Ebenezer Howard, đến mô hình đô thị hiện đại của các nhà quy hoạch như Haussmann, Le Corbusier, v.v. đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến môi trường xã hội và nhân văn ở đô thị.

 Trong khi các nhà không tưởng loay hoay tìm kiếm một mô hình đô thị thích hợp, thì các nhà khoa học chịu ảnh hưởng của học thuyết tiến hóa sinh học kể từ công trình Nguồn gốc các loài (On the origin of species, 1859) của Charles Darwin, đã vận dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm hiểu về nguồn gốc văn hóa và xã hội của loài người như công trình Xã hội cổ đại (Ancient Societies, 1877) của Lewis H. Morgan, Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước (The Origin of the Family, Private Property and the State, 1884) của F. Engels, đặc biệt là Edward Burnett Tylor nhấn mạnh về tiến hóa văn hóa xã hội, về phát triển kinh tế và văn minh kỹ thuật qua các thời đại, hoặc về các hình thái phát triển của đô thị trong lịch sử… Đáng chú ý là các nhà khoa học chịu ảnh hưởng của trường phái mác-xít như Patrick Geddes với công trình Thành thị tiến hóa (Cities in Evolution, 1915); hoặc xuất hiện lần đầu tiên trường phái xã hội học đô thị Chicago ở Mỹ vào những năm 1920 và 1930, cho đến nay vẫn để lại nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực nghiên cứu đô thị.

 Trong phạm vi văn hóa đô thị, mặc dù Geddes có thể là người đầu tiên đề cập đến văn hóa đô thị trong công trình của mình, song Lewis Mumford mới là người khai sinh ra ngành học qua công trình Văn hóa đô thị (The Culture of Cities, 1938) và hàng loạt các công trình khác có liên quan về đô thị như Kỹ thuật và văn minh (Technics and Civilization, 1934), Thành thị trong lịch sử (The City in History, 1961), Kỹ thuật và sự phát triển nhân văn (Technics and Human Development, 1967), v.v.

 Để góp phần xây dựng ngành học mới, dựa trên các nghiên cứu bước đầu về văn hóa và đô thị, chúng tôi đề xuất các trọng tâm nghiên cứu văn hóa đô thị theo phương pháp văn hóa tổng quan, hay còn gọi là phương pháp tọa độ văn hóa (coordonnées), biểu thị các tương quan về thời gian – không gian và chủ thể văn hóa trong quá trình đô thị hóa, với các nội dung chính sau:

 Thời gian văn hóa đô thị điểm lại sự kiện ra đời của thành thị; các đặc trưng văn hóa đô thị cổ đại (Hy Lạp và La Mã); quá trình đô thị hóa từ thành thị trung đại, cận đại đến hiện đại; chất lượng sống đô thị và đặc trưng văn hóa của một số đô thị lớn trên thế giới.

 Không gian văn hóa đô thị gồm có không gian tự nhiên, kỹ thuật và nhân văn, trong đó đề cập về sự tiến hóa địa hình, địa lợi và tổ chức không gian đô thị; về quy hoạch đô thị, giao thông vận chuyển và các phân khu chức năng đô thị; về không gian cư trú, không gian phân tầng và không gian công cộng.

 Chủ thể văn hóa đô thị gắn với hoạt động của con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai thông qua các di sản văn hóa đô thị, chính sách văn hóa đô thị và môi trường văn hóa đô thị, nhằm bảo đảm sự cân bằng, hòa nhập và phát triển hài hòa giữa môi trường tự nhiên, xã hội và nhân văn trong quá trình đô thị hóa.

 Chúng tôi tin rằng ngành học Văn hóa đô thị với những tiếp cận bao quát và toàn diện như trên sẽ là nguồn cung cấp bổ trợ và cập nhật kiến thức gắn với thực tiễn đô thị, nhằm trang bị nhận thức, thúc đẩy ứng dụng những vấn đề mang tính thời sự và nhân văn của xã hội đương đại, tăng cường ý thức xây dựng xã hội công dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa – văn minh đô thị phát triển bền vững, rất cần thiết và xứng đáng dành một chỗ đứng trong các môn học ngày nay của khoa học xã hội và nhân văn.

* * *
Trong hơn mười năm qua, chúng tôi đã triển khai đề tài này trên một số lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy. Trải qua sáu khóa đào tạo cao học và các lớp đại học ở khoa văn hóa trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, cấu trúc môn học dần được định hình. Sau các chuyến đi tiếp cận nghiên cứu tại laboratoire về lý thuyết phát triển đô thị, viện quy hoạch đô thị Pháp, trường đại học Paris 8, chúng tôi càng thêm tin tưởng về yêu cầu cần thiết và tiền đồ khoa học của văn hóa đô thị.

 Do các tài liệu tham khảo còn tản mạn, chưa đầy đủ hoặc chuyên biệt trong từng lĩnh vực, phạm vi khác nhau, chưa được tập hợp, gắn kết một cách hệ thống, từ nhiều nguồn phong phú hơn, nên việc tìm hiểu chuyên đề này còn nhiều hạn chế, khó khăn. Mặt khác, do các vấn đề đô thị không ít tác giả xưa nay đề cập, nhất là ở nước ngoài, với dung lượng nhiều, không gian rộng, thời gian dài, nên tập sách này được xuất bản lần đầu chỉ nên coi là một bước đi thăm dò, cả về mặt học thuật cũng như ứng dụng thực tiễn.

 Về phần chúng tôi, nỗ lực lớn nhất chỉ là những khái quát bước đầu, dựa trên cấu trúc chuyên ngành và các phương pháp nghiên cứu liên ngành, ở mức độ “giản yếu”, chủ yếu nêu ra các kiến thức cơ bản, các ý tưởng, quan niệm khác nhau, “sàng sẩy” từ các nguồn tài liệu tiếp cận còn hạn hẹp, nên chưa dám bàn luận sâu, đưa ra nhiều hơn các quan điểm, lập luận, không ngoài mục đích bảo đảm tính chân thực, khách quan khoa học, để hướng mở cho các công trình nghiên cứu cụ thể, sâu sắc hơn sau này.

 Mặc dù đã cố gắng biên soạn nghiêm túc, cẩn trọng, tập sách không tránh khỏi những sai sót nhất định, đôi chỗ còn sơ sài hoặc chưa tường minh. Xin người đọc lượng thứ, chỉ dẫn và chung sức bổ cứu, hoàn thiện.

 Để hoàn thành công trình này, tôi xin hết lòng tri ân Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự dẫn dắt của PGS.TS. Phan Xuân Biên, là nơi đã tạo cơ hội thuận lợi cho tôi từ năm 1998 nghiên cứu đề tài này; tôi xin tri ân Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh là nơi đào tạo, đặc biệt là Khoa văn hóa học đã tạo điều kiện giúp tôi giảng dạy chuyên đề này trong nhiều năm qua. Tôi cũng xin ngỏ lời tri ân Viện IFU, Laboratoire TMU, Lab’Urba – trường đại học Paris 8, đại học Paris-Est Marne-la-Vallée đã nhiệt tình tiếp nhận tôi đến nghiên cứu, với sự hướng dẫn và ủng hộ tận tình của giáo sư Charles Goldblum, bà giám đốc Elisabeth Decoster. Tôi cũng không quên những người thầy Mạc Đường, Phan An, Ngô Văn Lệ, các đồng nghiệp TS Huỳnh Quốc Thắng, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, các thân hữu Phạm Hồng Danh, Nguyễn Quang Bình, Nguyễn Đức Toàn, Bùi Hải Đăng… và nhiều lớp học trò, đã mang đến cho tôi nguồn động viên lớn, cảm hứng khoa học kiên định. Tôi cũng xin được cám ơn gia đình tôi, với người mẹ cả đời hy sinh, vất vả, người vợ chịu thương chịu khó, các em đã ủng hộ tôi về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, xin tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc gia đình ông bà Vigneron, đã bảo bọc tôi suốt hơn bốn mươi năm qua, luôn sẵn lòng giúp tôi các phương tiện cần thiết, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của tôi trong những chuyến đi và chuỗi ngày phiêu bạt trên đất Pháp.

Tác giả: Trần Ngọc Khánh

Theo: http://www.nxbhcm.com.vn/Chi-tiet-sach/659/van-ho%CC%81a-do-thi%CC%A3-gia%CC%89n-ye%CC%81u.aspx

2 nhận xét:

  1. http://www.baomoi.com/nghien-cuu-xa-hoi-hoc-o-viet-nam/c/12871990.epi
    Nghiên cứu Văn hóa định hướng thế này thì đáng phải suy ngẩm. Toàn TS giấy, xưa nay vẫn vậy.

    Trả lờiXóa
  2. http://www.baomoi.com/nghien-cuu-xa-hoi-hoc-o-viet-nam/c/12871990.epi
    Nghiên cứu Văn hóa định hướng thế này thì đáng phải suy ngẩm. Toàn TS giấy, xưa nay vẫn vậy.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.