20 tháng 4, 2013

Sự đau khổ và xã hội học lâm sàng – từ Tây sang ta

Nguyễn Huỳnh Mai

Ông Jean-Luc Mélenchon, người cầm đầu Mặt trận thiên tả (Front de Gauche), đối lập với đương kim chính phủ Pháp, vừa kết luận một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình “tôi không thể nào hạnh phúc yên ổn khi còn nhiều đồng bào tôi phải sống trong nghèo khổ, thậm chí có người không có nổi một mái nhà trong mùa đông giá rét”.

Không những chỉ có ông Mélenchon mới biết thương cảm trước số phận người khác, tất cả chúng ta, có mắt thấy, tai nghe và nhất là có những tế bào thần kinh phản chiếu, chúng ta đều biết là còn nhiều người nghèo ở mọi nơi, ở Việt Nam, … và còn nhiều số phận khổ sở.
Nhưng thế nào là đau khổ ? Bài này bàn về đau khổ dưới khía cạnh xã hội học lâm sàng (sociologie clinique).
Vài nét về Xã hội học lâm sàng
Từ lâm sàng trước nhất được dùng trong y khoa, khi bác sĩ ở ngay đầu giường của bệnh nhân, hỏi thăm sức khỏe và quan sát những biểu hiệu của tình trạng bệnh lý – lúc đó chưa cần đến những phương thức kỷ thuật như chụp quang tuyến, siêu âm hay phân tích máu, …
Một bác sĩ giỏi ngày xưa là giỏi lâm sàng, lúc mà chưa có máy móc hổ trợ. Chỉ khám bệnh nhân thôi mà chẩn ra bệnh.
Xã hội học lâm sàng nghiên cứu con người, nghe họ nói, họ tả, họ kể chuyện mà biết được vị trí xã hội của họ, những sinh hoạt, liên hệ, … tiếp cận với đối tượng để nghiên cứu họ, y như một bác sĩ khám một bệnh nhân. Có những chủ đề mà xã hội học không thể nào làm một cuộc điều tra tổng thể. Có những chi tiết tế nhị mà xã hội học gia không thể quan sát khách quan được. Có những hiện tượng xã hội mà người phàm phu tục tử không thể nào phân biệt được, một bên, đâu là những cấu thể riêng của cá nhân, quan diểm hay tâm lý của người ấy với, bên kia, những gì mà chính cá nhân đó đã hấp thụ từ xã hội và “bị” xã hội hóa.
Phương pháp xã hội học lâm sàng giúp giải quyết các vấn đề đó.
Sự đau khổ chẳng hạn. Không những phải đi vào chiều sâu của cảm nhận con người lại đồng thời phải phân tích xã hội, mà người ấy là thành viên, như một trong những nguyên nhân khiến ông hay bà ấy đau khổ. Đó là một trong những đề tài mà ta cần phương pháp xã hội học lâm sàng để nghiên cứu. Khổ vì sống với người khác, vì sinh hoạt có vấn đề, không suông sẻ hay tròn vẹn. Đau khổ không còn là một hiện tượng thuần tâm lý.
Dĩ nhiên, khi thực hiện phương pháp này, xã hội học gia phải thường xuyên đối mặt và phải giải quyết những căng thẳng giữa khoa học và tình cảm, giữa việc thu thập dữ kiện và lòng thương người, giữa chủ quan và khách quan, … để có thể vừa có những dữ kiện chính xác nhất, sâu nhất, có ý nghĩa nhất đồng thời là những dữ kiện phân tích được và kiểm chứng được.
Nghèo khó là một sự đau khổ.
Như đã nêu trên, đau khổ không chỉ là một vấn đề tâm lý học hay tâm thần học mà có thể là vấn đề xã hội học nữa. Thí dụ điển hình nhất là sự đau khổ vì nghèo khó.
Nếu chỉ thuần tâm lý, sướng hay khổ là tùy sự chủ quan của cá nhân. Nếu chỉ thuần tâm thần học, cái khổ có thể được giải thích bởi cả một quá trình từ lúc cá nhân còn trong bụng mẹ, tới những liên hệ với gia đình và sau đó với người tình,…
Thế nhưng đau khổ còn là đau khổ sánh với kẻ khác.
Một thí dụ mà mỗi một chúng ta đều gần như nằm lòng :
Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau. Và miệng hát nghêu ngao. Vui thú không quên học đâu. Nằm đồi non gió mát. Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo. Em đánh vần thật mau.”
Phạm Duy đã cho ra đời bài hát này khoản nửa thế kỷ nay, lúc mà xã hội ta còn gần như là thuần nông, sống “chậm”, không lao xao. Khoảng cách giàu nghèo lúc đó có, nhưng không nhan nhản ngoài đường và trên các mặt báo như bây giờ.
Ai cũng như ai, lại thương ái lẫn nhau, không có cái «stress» của cơm áo gạo tiền, của ô nhiễm thành thị hay của một nền giáo dục nhồi nhét. Lúc đó, em bé chăn trâu hạnh phúc là vì thế.
Tác giả bài này chưa có dịp khảo sát các đối tượng nghiên cứu làm nghề chăn trâu hiện nay nhưng có thể nói với một độ xác xuất khá cao là rất ít mục đồng thời hiện đại xem việc chăn trâu là “sướng lắm chứ”.
Bourdieu định nghĩa cái đau khổ này một cách giản dị : ta đau ta khổ vì vị trí xã hội của ta làm ta đau khổ.
Jean-Paul Sartre đã không nói khác hơn : Địa ngục là tha nhân (l’enfer, c’est les autres, trong tác phẫm Huis clos) . Tha nhân làm cho ta khổ.
Cái bất công làm cho ta khổ. Đồng hội đồng thuyền hết thì cái nghèo thành bình thường thành “luật” – tiếp Pháp gọi là norme – từ đó đi ra chữ normal tức là “bình thường”.
Cách đây 50 – 60 năm, giữa chiến tranh, bên cạnh những em bé chăn trâu nghêu ngao hát vui, ta cũng có những “Nhà Mẹ Lê”, “chị Dậu” khốn khổ, … Chỉ khác chăng là hiện tại, dù lợi tức bình quân trên đầu người ở nước ta đã lên cao, vẫn còn nhiều công nhân, dân nhập cư, … ở các đô thị và ngay cả nông dân nữa, hàng ngày phải vật lộn với miếng ăn, manh áo để sống còn – sống còn theo tiếng Pháp là survivre chứ không phải vivre – có thể tiếng Việt phải dịch ra là «sống mòn» – . Trong khi một thành phần khác thì giàu to và giàu nhanh. Hố bất bình đẳng xã hội giữa giàu và nghèo ngày càng sâu và càng làm cho người nghèo đau khổ hơn.
Truyền thông đưa những hình ảnh giàu sang, đầy nhan nhản các báo, đưa nhiều đến nổi có thể người nghèo cảm thấy cái giàu sang thành bình thường. Riêng ta nghèo, chắc là tại ta yếu kém, ta … vụng tu ở kiếp trước, tại cha mẹ ta không giỏi, tại chính bản thân ta … có tội. Mặc cảm nghèo ra đời và làm thêm đau khổ cho người khốn khó.
Mỗi khi thất bại, cảm nghĩ đầu tiên của người nghèo hiện thời là do lỗi của mình, không phải của xã hội – thiên hạ thành công, tại sao ta thất bại ? tại sao ta không có đủ chỗ ở cho gia đình ta ? không đủ tiền mua thức ăn cho con ta ? Không thể chăm sóc sức khỏe hay cho chúng đi học đến nơi đến chốn ? …
Nghèo khó gây đau khổ cho cá nhân là như thế, vì không đổ lỗi cho ai được hết.
Hệ thống xã hội như một người khổng lồ bên cạnh dân tình và dân tình thành bất lực. Nhất là khi dân tình là người nghèo. Họ phó mặc cho số phận, hết nghị lực để phấn đấu. Cam lòng chịu đựng. Lại hổ thẹn vì không bằng người khác, lại mang mặc cảm của số phận nghèo khó, không khả năng nuôi nấng và giúp con cái mình thăng tiến trong xã hội, …
Trong “La misère du monde”, Bourdieu kể chuyện những người đau khổ trong một xã hội hậu công nghiệp, với mức nghèo ở khoảng 800€/người /tháng (theo nguyên tắc họ được trợ cấp nhưng họ phải hội đủ một số điều kiện, với lại có 800€ đi nữa cũng không đủ sống ! ), rồi mất nhà, ra đường ở, lây lất. Mới đầu còn tủi hổ nhưng rồi từ từ «an phận».
Khách quan hơn, nghèo không cho ta tiếp cận những cái tối cần thiết cho cuộc sống . Không cho thỏa mản nhu cầu có cái ăn cái mặc, có mái nhà che mưa đở nắng, được săn sóc khi bị bệnh. Nghèo ở đâu cũng đồng nghĩa với khổ sở vì ăn không đủ chất, không có nước sạch để tắm rửa, ngủ trong chật chội bẩn thỉu. Đó là chưa nói tới những vệ sinh thường thức khác : săn sóc răng, ho hay cảm vì thiếu chất kháng, thiếu mặc, già yếu trước tuổi, …
Cũng không thể nói là người nghèo có trách nhiệm cho sự nghèo khó của họ : một nghiên cứu gần đây của ATM cho thấy là trên dưới 50% người nghèo ở Hà nội cho biết rằng rất khó hay không thể tìm được việc làm.Khủng hoảng kinh tế ở những nơi khác trên thế giới khiến cho số người thất nghiệp tăng thêm tại bất cứ quốc gia nào.
Nghèo lại đẻ ra nghèo, vì thiếu trước hụt sau nên con cái thất học, cá nhân không có sức khỏe tốt, chỉ cần một “rủi ro” nhỏ của cuộc sống, tai nạn, bệnh hoạn, … là vào bước đường cùng.
Ngày xưa, khách ngoại quốc du lịch tới nước ta, lúc về hay kể với nhau rằng “hết sức là kì diệu, người Việt Nam nghèo nhưng nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, trẻ con thì vui sống ngay trên hè đường”.
Chúng ta hiện thuộc vào hàng các nước có thu nhập trung bình. Các nụ cười của dân tình và cái vui sống của các em có còn như thế không ?
Đau khổ vì nghèo khó của cá nhân thuộc về xã hội học vi mô. Cho những trường hợp này, các công tác phúc lợi xã hội có thể thoa dịu phần nào. Nhưng những chiến lược quản lý vĩ mô hữu hiệu hơn và cho nhiều hiệu quả hơn : chống nghèo đói thì dân tình sống tốt hơn, xã hội thực thi được giá trị nhân bản và nâng cao giá trị sống cho tất cả mọi người.
Để nhắc lại lời của ông Mélenchon trong dẫn nhập của bài này : ông Mélenchon đề nghị nâng mức lương tối thiểu lên 1700€/tháng. Bên ta, tại sao không thể cho ra những chính sách tương tự, dù khiêm tốn hơn (chẳng hạn như lương tối thiểu đủ sống, trường học miễn phí, bệnh viện miễn phí, …) ?
Đau khổ vì là nạn nhân của bạo lực
Bạo lực học đường, bên này, vấn đề đã được bàn tới từ gần 30 năm nay. Bạo lực với trẻ con và với phụ nữ thì từ những năm 1960, tức là hơn 50 năm nay. Hiện tác giả bài này không dựa trên các thống kê để so sánh bàn về hiện tượng bạo lực. Định nghĩa bạo lực khác nhau tùy văn hóa tùy xã hội, tùy thời điểm nữa. Nhất là các việc tế nhị như hãm hiếp và ấu dâm, rất nhiều hiện tượng thuộc «thể loại» này không được khai báo hay cho vào thống kê. Một lần nữa, theo phương pháp xã hội học lâm sàng, ta đi nghiên cứu sự kiện qua phản ảnh của dân tình.
Có rất nhiều loại bạo lực xã hội. Lắm khi ta là nạn nhân của bạo lực xã hội mà không hay.
Tôi thường bảo học trò tôi rằng bạo lực học đường do thầy gây ra đôi khi chỉ được khám phá 30 năm sau, trên chiếc ghế dài của nhà phân tâm học ! Trong thí dụ này, khi ta dạy con và dạy học trò, ta phải làm sao giúp chúng «chỉ mặt đích danh» bạo lực để không phải là nạn nhân. Vì nạn nhân của bạo lực nào cũng đau khổ – bằng cớ, cũng trong thí dụ nói trên, nạn nhân đã tìm đến một bác sĩ tâm thần.
Bạo lực học đường là một hình thức bạo lực của cơ chế : thầy, thường là lớn tuổi hơn trò, thầy là biểu tượng của hiểu biết, là người có quyền, truyền hiểu biết cho trò, có quyền kiểm tra đánh giá trò, chấm điểm xếp hạng và bắt trò tuân thủ kỷ luật của trường,… Kiểu dạy học này là một hình thức thiếu dân chủ. Thầy lại là người của cơ chế trong khi trò là người «thụ ân, hưởng ân huệ». Đi học, trong bối cảnh như vậy, có khi là một cực hình cho một số trò ! Thế mà bạo lực học đường là một loại bạo lực “chính thống”, ai cũng chấp nhận. Quyền của người đi học, ở bên này, mới được khởi xướng từ khoảng hai thập niên !
Trước bạo lực học đường trong nghĩa ấy, nhiều trò thích ứng bằng nhiều hình thức : tuân thủ là lựa chọn của số đông vì các em không có khả năng làm khác, hoặc «lẳng lặng qua ải» trong giờ học, sau đó «xả stress», trong giờ chơi hay lúc tan trường, bằng bạo lực trên bạn học. Hay hút thuốc, uống rượu, dùng ma túy để «quên», …
Chính vì thế, muốn chống bạo lực học đường phải có cái nhìn toàn cảnh, phân tích tất cả các cấu thành của hiện tượng.
Bạo lực hành chính cũng là một bạo lực của cơ chế : giữa một bên là người có quyền và bên kia là dân đen – dù là người dân đen đã đóng thuế để trả lương cho nhân viên hành chính –
Trong một chế độ pháp trị, có luật định thì phải tuân thủ. Thế nhưng có những trường hợp mà cá nhân không đủ khả năng để trả lời những đòi hỏi về thủ tục – vì họ bệnh tâm thần, vì họ đang gặp phải tai nạn xã hội, mất việc làm, đang trong quá trình li dị với vợ hay chồng, … Thủ tục hành chính, trong những trường hợp này quả là một bạo lực trấn áp.
Đó là chưa nói tới những nhũng nhiễu hành chính để đòi hối lộ mà ta có thể gặp trong nhiều xã hội, trong đó có xã hội Việt Nam.
Thiếu y đức, cách làm việc của các bệnh viện cũng là những hình thức của bạo lực hành chính. Cái khổ của bệnh nhân ở bệnh viện có lẽ rất cao vì cái bạo lực này hiện hữu trong khi họ ở trong tình trạng yếu kém vì đang bệnh. Ngay ở Pháp, khi bệnh nhân mỗi người có một phòng riêng, mà Isabelle, trong nghiên cứu La misère du monde của Bourdieu còn than là nhân viên không tôn trọng bà, dùng ngôn từ trịch thượng, …
Bạo lực gia đình
Cho tới thập niên 1970- 1980, tỉ lệ tự tử của phụ nữ có gia đình, ở châu Âu, cao gấp đôi so với con số những phụ nữ độc thân tự tử (không có những số mới hơn vì hiện nay thế hệ phụ nữ kết hôn những năm gần đây chưa qua đời nên chưa có thống kê ).
Một trong những giả thuyết có thể là áp lực của hôn nhân trên đời sống người phụ nữ. Thật vậy, dù là được «giải phóng» từ lâu, dù là trên pháp lý phụ nữ bình quyền với nam giới, trên thực tế vẫn còn có nhiều chi tiết «phức tạp» (nói theo kiểu Việt Nam khi bàn về khó khăn không giải thích được ! ) khiến phụ nữ sống với gia đình vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi đưa đến tình trạng khó ở, trầm cảm và tự tử…
Đó là chưa nói đến hiện tượng phụ nữ bị bạo hành bởi người bạn đời.
Trẻ con trong gia đình cũng là một nạn nhân có thể của bạo lực. Thành ngữ Pháp có câu «con nít thì phải im trong lúc ăn cơm» (les enfants doivent se taire, à table) tức là phải thụ động, phải nghe lời người lớn dù lắm khi người lớn không có lý.
Tương đương với thành ngữ «thương cho roi cho vọt» cũng có bên tiếng Pháp (qui aime bien chatie bien), …Ngắn gọn, cá thể của trẻ thường ít được tôn trọng trong đời thường.
Ngoài ra, ở Âu tây, khoảng 5% trẻ bị bạo hành – bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, bạo hành xã hội hay tệ hơn nữa bạo hành giới tính – là một vấn đề khác…
Người bị bạo hành trong gia đình rất là khổ sở. Vì gia đình là nơi họ nương tựa, là bến đổ, họ tin tưỡng, …Gia đình là nơi thân thích nhất nữa. Ngoài gia đình họ không còn ai, …Họ cũng có mặc cảm là lỗi về phần họ nên mới bị bạo hành, …
Nghiên cứu về sinh hoạt gia đình với phương pháp xã hội học lâm sàng đã góp phần cho ra đời giải pháp trị liệu gia đình (thérapie familiale và thérapie systémique) vì muốn giúp một đứa trẻ hay một phụ nữ đau khổ vì chính gia đình của trẻ ấy hay bà ấy hành hạ là phải «trị» hết cả nhà. Nhưng đó là một đề tài khác.
Tạm kết luận ?
Tôi không nói như nhà Phật « Đời là bể khổ». Tôi cũng không lập lại khẩu hiệu phải mang hạnh phúc cho tất cả mọi người. Nhưng đã sinh ra trên đời thì con người, bất cứ là ai, xứng đáng được tôn trọng và phải làm sao không bị đau khổ, tránh được nhiều chừng nào hay chừng đó. Đi sâu vào dân tình, với xã hội học lâm sàng, ta đo được cái bơ vơ và sự cô đơn của những người đau khổ, dù là họ, như tất cả mọi người khác, sống giữa … một cái chợ hay trong một thành phố với 10 triệu dân.
.
Sách tham khảo:
Bourdieu, Pierre, La misère du monde. NXB Seuil, 1993.
Furtos, Jean, «Qu’est-ce qui fait souffrir ?». Revue Quart Monde, N°184 – La santé pour tous : pour quand ? 2002.
Gaulejac, Vincent De, Histoire en héritage : le roman familial et trajectoire sociale. NXB Payot, 2013.
Gaulejac, Vincent De và đồng sự, La sociologie clinique. NXB ERES, 2007.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.