24 tháng 8, 2011

SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HỌC Ở VIỆT NAM (Qua khảo sát tài liệu xã hội học đại cương)-Phần 1

Ngô Văn Huấn[1]

Bằng việc giới thiệu những cuốn sách, giáo trình và bài giảng Xã hội học đại cương( nhập môn xã hội học); cũng như điểm lại nhưng dấu mốc quan trọng của nền xã hội học Việt Nam. Tác giả hướng đến việc cung cấp cho người đọc những thành tựu trong công tác biên soạn, dịch thuật và giảng dạy xã hội học đại cương ở nước ta. Qua đó cho thấy sự phát triển của nghành khoa học này ở Việt Nam
Nhìn lại quá trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cũng như giảng dạy Xã hội học đại cương ở Việt Nam là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa tại thời điểm khi mà chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện chương trình đào tạo ngành Xã hội học.
Phương pháp
Khảo sát các cuốn sách đã được xuất bản hay những giáo trình xã hội học đại cương. Các tư liệu trên các bài viết của Tạp chí Xã hội học và các bài viết ở các hình thức khác nhau có liên quan.
·        Tác giả khảo sát ở những mức độ khác nhau như: tóm tắt nội dung, tổng thuật chủ đề, giới thiệu tiêu đề… của 26 cuốn sách thuộc dạng xã hội học đại cương
·        Tham khảo 20 bài báo có liên quan đến nội dung.
Tác giả sử dụng phương pháp loại hình học để phân lại tài liệu theo các dạng: theo thời gian xuất bản, theo dạng biên soạn hay dịch thuật, theo múc độ kiến thúc.
Khái niệm
Kiến thức đại cương, là một trong những hệ tri thức tổng quát quan trọng hàng đầu của tất cả các ngành khoa học, nó sẽ trang bị những nền tảng đầu tiên về cơ sở ngành để người học đi sâu vào những hướng nghiên cứu cụ thể. Trên thực tế, “đại cương” và “nhập môn” không hoàn toàn giống nhau. Về mặt thuật ngữ, đại cương là: “1- những điều chủ yếu (nói tổng quát), 2- có tính chất tổng quát (ví dụ: ngôn ngữ học đại cương)”[2], còn nhập môn là: “mở đầu vào môn học (phần nhập môn, những kiến thức nhập môn)”[3].
 Như vậy, đại cương là hệ thống kiến thức bao quát, chủ yếu của môn học còn nhập môn là những kiến thức bước đầu (dẫn nhập) về môn học. Tuy nhiên, việc phân biệt này chỉ mang tính tương đối và thực tế người ta thường đồng nhất hai khái niệm này nhất là trong việc đặt tên các môn học hay tiêu đề cuốn sách thì thường đại cương cũng là nhập môn[4]. Trong bài viết này tác giả sử dụng khái niệm “Xã hội học đại cương” để dùng chung cho cả Xã hội học nhập môn. Từ quan niệm như trên thì Xã hội học đại cương là môn học hướng đến việc cung cấp những kiến thức cơ sở chung nhất về xã hội học như: đối tượng nghiên cứu, nguồn gốc thuật ngữ, tiền đề ra đời và phát triển, mối quan hệ với các khoa học khác, các khái niệm cơ bản, một số chuyên ngành của xã hội học với tư cách là một khoa học độc lập.
Trên thị trường sách hiện nay ở Việt Nam đã có khá nhiều sách xã hội học đại cương nhưng mỗi cuốn có một kết cấu khác nhau tùy theo cách tiếp cận của tác giả. Từ năm 1995 theo quy định trong chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Xã hội học đại cương, (hay Nhập môn xã hội học) được giảng dạy trong một số các ngành học khác nhau ở các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Điều này đã tạo ra sự nở rộ trong việc biên soạn và giảng dạy môn Xã hội học đại cương ở khắp nơi; cùng với điều đó thì nội dung và chất lượng cũng hết sức đa dạng để phù hợp với từng ngành học khác nhau.
Sự truyền bá tri thức xã hội học vào Việt Nam
Khó có thể đưa ra được một mốc thời gian chính xác khẳng định sự có mặt của khoa học xã hội học ở Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng những tri thức xã hội học đã được du nhập vào Việt Nam thông qua các nhà trí thức người Pháp trong khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Năm 1900 “Viện viễn Đông Bác Cổ[5] (EFEO) được người Pháp thành lập với chức năng là trung tâm chuyên tiến hành những nghiên cứu về châu Á mà đặc biệt là Đông Dương trên các khía cạnh như: văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, lịch sử… Để thực hiện được những nghiên cứu này các nhà khoa học đã sử dụng rất nhiều các cách tiếp cận và phương pháp khác nhau trong đó có xã hội học. Bên cạnh các nhà nghiên cứu từ Pháp thì các trí thức bản địa cũng được họ tuyển dụng để làm cộng tác viên, hay thông dịch viên. Ở Việt Nam chúng ta có thể kể đến các nhà trí thức lớn như: Nguyễn Văn Huyên, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố…Thông qua các nghiên cứu ấy họ có thể tiếp cận những kiến thức mới ở Tây phương và dựa vào những công trình khoa học đó để hiểu và biết rõ giá trị của các di sản dân tộc. Chính điều này đã giúp cho các học giả Việt Nam có điều kiện học hỏi những kiến thức khoa học phương Tây và truyền bá trong nước, vốn chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.


[1] Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, ĐH Đà Lạt
[2] Trung tâm Từ điển học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr 269
[3] Trung tâm Từ điển học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr 691
[4] Ở Việt Nam thông thường các sách viết về Xã hội hội học đại cương có cơ cấu nội dung thường giống Xã hội học nhập môn. Trong việc phân loại của ngành xã hội học, thì các nhà nghiên cứu phân biệt Xã hội học đại cương (Xã hội học nhập môn) với xã hội học chuyên nghành . Ví dụ trong cuốn “Xã hội học”, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2001, trang 24, tác giả Lê Ngọc Hùng viết: “Xã hội học đại cương thường được gọi là nhập môn xã hội học, giới thiệu kiến thức chung của xã hội học
[5] Khi mới được thành lập trụ sở tại Sài Gòn, những đến năm 1902 chuyển ra Hà Nội đặt trụ sở tại Bác Cổ, nay là Bảo tảng lịch sử Việt Nam.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.