28 tháng 8, 2011

SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HỌC Ở VIỆT NAM (Qua khảo sát tài liệu xã hội học đại cương)-Phần 2

Sự phát triển tài liệu xã hội học đại cương
Đối với các tài liệu về Xã hội hội học đại cương, năm 1945 một học giả miền Nam, người hoạt động trong chủ nghĩa Đệ Tứ, đã có nhiều năm du học ở Pháp là Hồ Hữu Tường trong khi bị quản thức ở Hà Nội đã viết cuốn “Nhập môn xã hội học[6].
Ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 tài liệu Xã hội học được xem như là đầu tiên ở Việt Nam có tên “Xã hội học giảng luận và dẫn chứng” của hai tác giả Leonard BroomPhilip Selznik thuộc The University of Texas và Universuty of Califonia do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam dịch và xuất bản năm 1962. Cuốn sách gồm hai phần 15 chương với tổng cộng 878 trang. Phần thứ nhất (từ chương I đến chương IX), trình bày lý thuyết về các vấn đề cơ bản của Xã hội học như: định nghĩa, sự ra đời của xã hội học, xã hội học với các khoa học khác, các khái niệm cơ bản của xã hội học như: tổ chức xã hội- đoàn thể, văn hóa, xã hội hóa, phân cấp xã hội, di chuyển xã hội, hiệp hội, tác phong tập thể, dân số… Tác giả đã trình bày và phân tích tương đối chi tiết những nội dung cơ sở lý thuyết kết hợp với lược giảng sơ đồ, hình vẽ giúp người đọc tiếp nhận các tri thức lý luận một cách dễ dàng, cung cấp một hệ thống các kiến thức về cơ sở, lý luận chung về xã hội học, giúp độc giả nắm được những kiến thức đầu tiên về khái niệm, sự ra đời cũng như tính thực tiễn của nó trong xã hội.
Phần hai của cuốn sách (từ chường X đến chương XV) các tác giả đi vào những lĩnh vực nghiên cứu xã hội học cụ thể, đó cũng chính là các chuyên nghành mà chúng ta đang nghiên cứu và giảng dạy như: gia đình, xã hội học kỹ nghệ, dân tộc thiểu số, xã hội học chính trị, tội phạm… Với những kiến thức cơ sở lý luận đã được trang bị ở phần một, người đọc sẽ gặp thuận lợi trong việc hiểu và tiếp nhận những kiến thức ở phần hai này. Mỗi một chương trong phần hai, tác giả đi sâu vào một lĩnh vực của đời sống xã hội dưới góc nhìn của xã hội học, đồng thời đưa ra các dẫn chứng thực tế để chứng minh và làm sáng tỏ thêm những điều đã phân tích. Cách trình bày này tạo được tính liên hệ trong tư duy và mang đến sự hứng thú cho người đọc, giúp cho việc tiếp cận và xử lý thông tin một cách hiệu quả.
Như vậy, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX tri thức xã hội học đã được nghiên cứu, giảng dạy ở miền Nam Việt Nam, tuy đối tượng tiếp cận không nhiều, nhưng nó đã tạo ra được một tiền lệ cho việc nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam về sau.
Cuốn sách thứ hai có nhan đề “Xã hội học” của nhà xã hội học người Mỹ J.H.Fichter được giáo sư học viện Quốc gia Hành chính Trần Văn Đính dịch và Hiện đại thư xã Sài Gòn xuất bản năm 1973. Đây là công trình được tổng kết lại sau nhiều năm giảng dạy xã hội học tại nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ của tác giả, nên nó không chỉ là sự luận giảng về lý thuyết mà còn đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy. Cuốn sách gồm hai phần: phần lý thuyết và phần ứng dụng nhưng dịch giả Trần Văn Đính chỉ chuyển thể phần lý thuyết nhằm trang bị kiến thức và nguyên lý nền về xã hội học trong giới giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Cuốn sách gồm phần “Dẫn nhập” và ba phần với các tiêu đề khác nhau. Trong đó phần Dẫn nhập tác giả đi tìm câu trả lời cho câu câu hỏi “xã hội học là gì?” và những tranh luận xung quanh định nghĩa như thế nào là xã hội học, cũng như luận giải sự phức tạp của nó dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Phần này tác giả không coi là một nội dung chính của cuốn sách mà chỉ xem nó như là bước dẫn dắt người đọc hướng vào những nội dung tiếp theo. Phần thứ nhất có tiêu đề “con người và xã hội”, ở đây ông đã đưa ra những sự luận giải sâu sắc về mối quan hệ giữa con người (với tư cách là một thực thể của xã hội) với cái xã hội nói chung. Điều này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa đối với việc giảng dạy xã hội học đại cương, khi mà đối tượng tiếp nhận chưa hiểu nhiều về ngành học, thì việc giải thích về không gian và phạm vi làm việc, cũng như những thực thể mà họ sắp tiếp xúc sẽ giúp hình dung không gian kiến thức dễ dàng hơn. Bên cạnh đó tác giả cũng đi vào phân tích các khái niệm quan trọng như: vị thế xã hội, các hạng và tập hợp xã hội, đoàn thể và hội đoàn, cộng đồng, xã hội. Đây là những khái niệm quan trọng của xã hội học mà chúng ta cần tìm hiểu và làm rõ trong nội dung của môn Xã hội học đại cương và nó sẽ là những “nguyên liệu” đầu tiên để đi vào nghiên cứu các chuyên nghành.
Phần thứ hai, với tiêu đề “khuôn mẫu và văn hóa”, đi vào luận giải các dạng khuôn mẫu hành vi con người trong các môi trường xã hội khác nhau, đồng thời đưa ra khái niệm “khuôn mẫu văn hóa”- là những cách thức suy nghĩ và hành động lặp đi lặp lại của một cá nhân hay một nhóm xã hội. Ngoài ra các khái niệm được đề cập trong phần này như văn hóa, vai trò, vị thế, tương tác xã hội, định chế xã hội, đã tạo ra được những nhận thức mới và căn bản về mối quan hệ của con người với xã hội tổng thể.
Phần thứ ba, được tác giả đặt tên là “Văn hóa xã hội” tập trung vào phân tích những hiện tượng xã hội thể hiện trên các khái niệm như: giá trị, sự di động xã hội, biến chuyển xã hội, kiểm soát xã hội, lệch lạc xã hội (lệch chiều), sự hội nhập văn hóa. Thông qua đó làm sáng tỏ hơn nữa sự tương tác của con người với xã hội trên cơ sở các khuôn mẫu văn hóa. Trong phạm vi 254 trang sách nhưng J.Ficher đã cung cấp cho người đọc một kiến thức lý luận về xã hội học, xoay quanh việc luận giảng hệ thống các khái niệm then chốt của xã hội học. Đây là những phần lý thuyết tưởng chừng như khô khan nhưng dưới cách trình bày không kém phần chi tiết, cùng với sự chuyển thể nhuần nhuyễn của dịch giả, trong một chừng mực nhất định giúp người đọc thuận tiện trong việc tiếp nhận.
Hai cuốn sách nêu trên có thể là còn quá khiêm tốn để làm dẫn chứng cho một vấn đề, nhưng cũng phần nào khẳng định sự có mặt của các công trình xã hội học nói chung và xã hội học đại cương nói riêng, cũng như các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy xã hội học tại miền Nam trước năm 1975.
Đến năm 1977, Ban Xã hội học - tiền thân của Viện Xã hội học ngày nay thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập, đã tạo cơ sở cho sự phát triển của xã hội học Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy biên soạn và giảng dạy Xã hội học đại cương tại các Viện, trường Đại học, cao đẳng trong cả nước.
Bước sang đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Tạp chí Xã hội học ra đời (1983), thuộc Viện Xã hội học[7] là một sự kiện quan trọng nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật về xã hội học ở Việt Nam. Chính điều này đã kính thích không chỉ các nghiên cứu xã hội học mà còn cả công tác biên soạn và giảng dạy xã hội học đại cương. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, Viện Xã hội học còn tiến hành hợp tác đào tạo và dịch thuật.
Việc biên soạn và giảng dạy xã hội học ở Việt Nam trong thời gian này đã được xúc tiến ở khá nhiều nơi trên cả nước. Mỗi cuốn sách được biên soạn trên cơ sở một hệ thống tài liệu tham khảo trong phạm vi khả năng tiếp cận của chính tác giả đó và theo một trường phái xã hội học khác nhau. Điều này đã được giáo sư Như Thiết đề cập và phân tích rõ trong một bài viết trên Tạp chí Xã hội học số số 2,1989 có tên “Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc xây dựng tập bài giảng xã hội học tại Việt Nam”. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, công tác giảng dạy và biên soạn bài giảng xã hội học đại cương nói riêng và hệ thống các kiến thức khác của xã hội học nói chung theo nhiều xu hướng khác nhau, dẫn đến tình trạng “tính không hoàn chỉnh và phi hệ thống”, theo sự đánh giá của giáo sư Như Thiết.
Đến năm 1991 Khoa Xã hội học-Tâm lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội[8], cơ sở đào tạo cử nhân Xã hội học chính quy đầu tiên trong cả nước được thành lập đã đánh dấu một bước phát triển xã hội học ở nước ta. Khung chương trình đào tạo cử nhân Xã hội học, thời lượng giành cho Xã hội học đại cương là 90 tiết, nhưng đến năm 1999 theo chương trình mới thì đã giảm xuống còn 60 tiết.
Đây cũng là thời gian mà các sách và giáo trình Xã hội học đại cương được dịch thuật và biên soạn nhiều nhất để phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu. Trước hết là cuốn “Xã hội học đại cương” của tác giả Nguyễn Minh Hòa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992. Năm 1993 cuốn “Nhập môn xã hội học” của Tony Bilton và các tác giả khác đã được Phạm Thủy Ba dịch thuật, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Tài liệu này được coi là công trình nhập môn quan trọng, có giá trị khoa học và được nhiều người sử dụng trong giảng dạy và nghiên cứu. Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh tác giả Trần Hữu Quang cho xuất bản cuốn“Nhập môn xã hội” (1993), tạo ra một lựa chọn có giá trị cho những ai quan tâm đến xã hội học. Bên cạnh đó phải kể đến cuốn “Xã hội học nhập môn” của Nxb Giáo dục, (1995) do Nguyễn Minh Hòa dịch từ giáo trình Đại học Michigan Hoa Kỳ. Các tác giả Phạm Tất Dong, Nguyễn Sinh Huy và Đỗ Nguyên Phương đã biên soạn cuốn “Xã hội học đại cương”, Đại học mở Hà Nội (1995).
Trong thời gian này Khoa Xã hội học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập[9], cơ sở đào tạo cử nhân xã hội học đầu tiên ở phía Nam. Sau đó, một số trường đại học và cơ sở có chức năng đào tạo đã mở khóa đào tạo cử nhân xã hội học như: Phân viện Báo chí và tuyên truyền trung ương, Đại học Mở bán công, Đại học Công đoàn, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Văn Hiến,… Sự phát triển về số lượng cơ sở đào tạo ngành xã hội học cho những đối tượng khác nhau dẫn đến sự phát triển về số lượng sách xuất bản thuộc thể loại sách dịch, sách biên soạn.
          Các tác giả Phạm Tất Dong -Lê Ngọc Hùng đã viết cuốn “Xã hội học”, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1997 và in lại lần 2 năm 2001. Đây là công trình không chỉ của hai tác giả, mà còn có sự tham gia của nhiều người có kinh nghiệm trong giảng dạy xã hội học tại Khoa Xã hội học của Trường Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội như: Phạm Văn Quyết, Nguyễn Quý Thanh, Hoàng Bá Thịnh. Đối tượng hướng đến là các sinh viên chuyên nghành xã hội học, nên nội dung của nó đã thể hiện một cách chi tiết về các khía cạnh đại cương của xã hội học, trong đó chú ý tới việc phân tích diễn giải công phu về lý thuyết tạo một nền tảng lý luận cho sinh viên tiếp cận các chuyên nghành khác của xã hội học đạt hiệu quả tốt nhất.
Tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hai tác giả là Chung Á và Nguyễn Đình Tấn, (chủ biên)[10], (1997) đã cho ra đời cuốn sách “Nghiên cứu xã hội học”. Cuốn sách được chia thành 2 phần. Thứ nhất, những nội dung cơ bản của xã hội học đại cương, thứ hai là một số lĩnh vực xã hội học chuyên biệt. Ngoài các thông tin cơ bản của xã hội học như: sự ra đời, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, chức năng, cơ cấu môn học, một số các khía niệm chính, thì các tác giả đã tập trung giới thiệu và đi sâu phân tích một số các chuyên nghành xã hội học quan trọng. Quan điểm mà các tác giả trình bày chủ yếu đứng trên thế giới quan và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Bên cạnh đó còn phải kể đến cuốn “Nhập môn xã hội học đề cương bài giảng” của tác giả Nguyễn Văn Lê (1997). Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất giới thiệu về kiến thức đại cương; phần thứ hai trình bày một số kiến thức chuyên nghành. Không chỉ dừng lại ở việc trình bày các khái niệm; tác giả còn kết hợp với những phân tích một số các nghiên cứu thực nghiệm để chứng minh và làm sinh động thêm lý thuyết.
Cuối những năm 90 một số công trình khác cũng đã được xuất bản như: cuốn “Nhập môn xã hội học”, Nhà xuất bản Giáo dục (1998), do Vũ Minh Tâm (chủ biên), có sự tham gia của Nguyễn Sinh Huy, Trần Thị Ngọc Anh. Đây là tài liệu được sử dụng làm giáo trình đào tạo giáo viên Trung học cơ sở hệ Cao đẳng Sư phạm.
Trong năm 1999, cuốn “Xã hội học: những vấn đề cơ bản” của tác giả Nguyễn Minh Hòa được xuất bản, cũng một tài liệu về xã hội học đại cương có giá trị. Ngoài ra còn có cuốn “Đề cương bài giảng xã hội học” do các tác giả Lương Minh Cừ, Nguyễn Hữu Vượng, Bùi Bá Linh thuộc Khoa Triết học-Xã hội học của Trường Đại học Kinh tế- ĐHQG TPHCM, (1999) biên soạn để giảng dạy cho sinh viên chuyên nghành kinh tế.
Bước sang thế kỷ mới, ngành xã hội học cũng đã có những bước chuyển mình, dần trưởng thành và khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Những thành tựu to lớn của các nghiên cứu xã hội học thực nghiệm với nhiều đề tài được triển khai, mang lại những kết quả hết sức ý nghĩa cho các nhà quản lý xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Ngoài việc biên soạn công tác dịch thuật các tài liệu về xã hội học cũng không ngừng được đẩy mạnh. Không chỉ có các Viện nghiên cứu, mà các trường đại học cũng tham gia tích cực vào hoạt động này. Bằng chứng là hàng loạt các cuốn sách, bài viết, công trình dịch thuật, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được công bố chính là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên các trường đại học.
Trước yêu cầu của sự phát triển, từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 1 năm 2001, tại Hà Nội Viện Xã hội học phối hợp với một số trường đại học và Viện nghiên cứu khác, đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phối hợp trong nghiên cứu và giảng dạy xã hội học tại Việt Nam” do Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội chủ trì. Các tham luận tại Hội thảo đã trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo, mở ra một hướng đi cho công tác này trong tương lai ở Việt Nam. Điều này chính là một nhân tố kích thích cho việc biên soạn sách Xã hội học đại cương phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy trở nên sôi động.
Năm 2002, tác giả Vũ Quang Hà đã xuất bản cuốn“ Xã hội học đại cương”, Nxb Thống kê Hà Nội, năm 2002. Ngoài việc trình bày các khái quát về cơ sở của xã hội học, tác giả đã tập trung vào phân tích các lý thuyết trong xã hội học, với việc giới thiệu hàng loạt các lý thuyết từ cổ điển, đến hiện đại. Bên cạnh đó tác giả còn giành một lượng nhất định để giới thiệu về “những vấn đề xã hội học Việt Nam”, trong đó đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh về xã  hội học, các xu hướng của xã hội học hiện đại Việt Nam và tiềm năng phát triển trong tương lai. Năm 2003, Vũ Quang Hà và Nguyễn Thị Hồng Xoan tiếp tục xuất bản cuốn “Xã hội học đại cương” gồm 2 tập, Nxb Đại học Quốc Gia, Hà Nội.
Cũng tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cuốn “Nhập môn xã hội học” của hai tác giả Trần Thị Kim Xuyến (chủ biên) và Nguyễn Thị Hồng Xoan, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005 (được tái bản năm 2007) ấn hành. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy xã hội học ở nhiều trình độ khác nhau, tác giả đã “cố gắng làm rõ các khái niệm và đơn giản hóa ở chừng mực có thể những nội dung phức tạp của khoa học Xã hội học  Vì vậy, đây cũng là một tài liệu cần thiết cho các sinh viên chuyên nghành xã hội học.
Trong thời gian này, tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa, ở Trường Đại học Mở-Bán công Thành phố Hồ Chí Minh, cho công bố cuốn “Xã hội học”,(2005). Trong đó tác giả tập trung vào trình bày và phân tích các khái niệm cơ bản của xã hội học.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến tác giả Thanh Lê với một số tác phẩm đã được xuất bản về  xã hội học như: Nhìn Lại “Xã hội học Tư Sản Thế Kỷ XX”-Nxb Thanh Niên, Xã hội học – Nxb Khoa học xã hôi, “50 từ then chốt của xã hội học”- Nxb Thanh Niên, “Xã hội học một hướng nhìn”- Nxb thanh niên.v.v.v.
Trong lĩnh vực dịch thuật, mấy năm gần đây là khoảng thời gian thành công và để lại dấu ấn đậm nét nhất trong giới xã hội học, với việc Nhà xuất bản Thống Kê đã cho ra đời 3 cuốn (bộ ba) sách về xã hội học và nhanh chóng trở thành những tài liệu có giá trị cho sinh viên chuyên nghành, các nhà nghiên và đặc biệt là cán bộ giảng dạy tại các trường đại học.
 Trước tiên là cuốn “Xã hội học” của tác giả John.J.Maccionis, bản dịch của Trần Nhựt Tân, năm 2004. John.J.Maccionis là giáo sư xã hội học người Mỹ, ông giảng dạy nhiều chuyên đề khác nhau trong xã hội học, nhưng lĩnh vực mà ông quan tâm nhất là nhập môn xã hội học. Kết quả của cuốn sách là sự đúc kết nhiều năm giảng dạy xã hội học ở các trình độ, nhiều đối tượng khác nhau. Cuốn sách gồm 5 phần với 21 chương, mỗi một chương tương ứng với một vấn đề, một lĩnh vực và cũng chính là một khái niệm trong xã hội học. Các vấn đề được phân tích khá chi tiết, kết hợp nhuần nhuyễn giữa trình bày lý thuyết với các dẫn chứng minh họa sinh động. Sau mỗi chương đều có phần tóm tắt lại nội dung, định nghĩa các khái niệm cơ bản và những tài liệu đề nghị người đọc cần tham khảo.
Cuốn sách thư hai cùng tên “Xã hội học” của R. Schaefer, do Huỳnh Văn Thanh dịch, Nxb Thống kê (2005). Cách trình bày có nhiều điểm tương đồng với cuốn của tác giả J. Maccionis, nhưng nó được thiết kế thành 23 chương, tương ứng với 23 chủ đề trong xã hội học. Bên cạnh việc luận giảng lý thuyết, tác giả đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn về nhiều nơi trên thế giới, kết hợp với các tranh ảnh, biểu đồ minh họa hết sức sinh động. Sau mỗi chương tác giả cũng tóm tắt các luận điểm chính và giải thích thuật ngữ ngắn gọn dễ hiểu. Nếu kết hợp hai cuốn này với nhau, thì chúng ta sẽ có một hệ thống kiến thức đáng tin cậy về nhiều nội dung của xã hội học, không chỉ hữu ích cho việc nghiên cứu và giảng dạy xã hội học đại cương, mà còn hết sức có giá trị trong việc biên soạn bài giảng cho các chuyên nghành khác nhau.
Cuốn sách cuối cùng trong “bộ ba” có tên “Những bài giảng về xã hội” của nhiều tác giả, bản dịch của Nguyễn Kiên Trường, Nxb Thống Kê, (2006). Nội dung được chia thành 19 chương với những chủ đề khác nhau. Nhưng trong cách trình bày, đúng như tên gọi của nó, đây là tập hợp của rất nhiều các bài giảng, bài viết của các nhà xã hội học tiền bối, đến những học giả hiện đại, các giáo sư xã hội học, các nhà báo…ở khắp nơi trên thế giới. Điều đặc biệt là trước mỗi bài viết đó, người đọc có thể tham khảo lời bình của Ban biên tập để đi vào nội dung chính một cách thuận lợi hơn. Cuốn sách hướng đến nhiều đối tượng người đọc ở những trình độ khác nhau, vì thế trước mỗi chương, đều có một phần tóm tắt những nội dung chính sẽ giúp cho những ai không có điều kiện đọc toàn bộ chương tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, việc đặt ra những câu hỏi sẽ có tính chất gợi mở và tranh luận cho người đọc. Đây thực sự là một cuốn sách có giá trị đối với những nhà nghiên cứu, đặc biệt những cán bộ nghiên cứu trẻ. Bởi hệ thống các dẫn chứng phong phú, các bài giảng của những nhà xã hội học sẽ là hành trang tri thức tốt cho những bài giảng thành công.
Năm 2007, Tạ Minh đã xuất bản cuốn “Giáo trình xã hội học đại cương”, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung được trình bày tương đối ngắn gọn chủ yếu để phục vụ đối tượng sinh viên không phải chuyên nghành xã hội học. Đây cũng một cuốn sách cần thiết cho nguồn tài liệu phong phú về xã hội học đại cương mà những ai trực tiếp giảng dạy xã hội học cần phải sở hữu.
Xã hội học cũng được giảng dạy cho sinh viên nghành Luật, tại tất cả các trường đào tạo luật trên cả nước, vì thế việc biên soạn giáo trình, bài giảng cũng được xem là mối quan tâm hàng đầu. Năm 2008, tập thể tác giả thuộc bộ môn Xã hội học của Đại học Luật Hà Nội, đã biên soạn và xuất bản “Tập bài giảng xã hội học”, Nxb Công an nhân dân, do Ngọ Văn Nhân (chủ biên). Cuốn sách thể hiện được những nội dung cơ bản của xã hội học, trong đó tác giả đặc biệt chú ý và giành nhiều trang viết cho chuyên nghành xã hội học tội phạm, nhằm hướng đến việc trạng bị cho sinh viên nghành Luật cái nhìn xã hội học đối với vấn đề tội phạm. Tại Học viện tài chính, để phục vụ cho việc giảng dạy môn xã hội tác giả Nguyễn Văn Sanh (chủ biên) đã biên soạn “Giáo trình đại cương về xã hội học”, Nxb Tài Chính năm 2008.
Bước sang năm 2009, Bộ môn Tâm lý-Xã hội học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho xuất bản cuốn “Giáo trình xã hội học” do Lương Văn Úc (chủ biên). Cuốn sách được biên soạn dành riêng cho cho sinh viên thuộc khối Kinh tế- tài chính.
Bên cạnh đó các trường quân sự, công an, các học viện chính trị… trong chương trình môn xã hội học đại cương cũng được đưa vào giảng dạy. Để phục vụ cho công việc này các giáo trình, bài giảng được biên soạn với những những yêu cầu mục đích và mức độ mang tính chất chuyên biệt khác nhau.
Kết luận
Như vậy, với những dẫn chứng được đưa ra để phân tích, có thể là chưa đầy đủ, nhưng phần nào cũng cho thấy được quá trình biên soạn và giảng dạy xã hội học đại cương ở Việt Nam. Qua đó có thể bước đầu kết luận rằng:
·        các tri thức xã hội, nhất là xã hội học đại cương đã du nhập vào Việt Nam khá sớm, từ đầu thế XIX;
·        công tác biên soạn, dịch thuật các giáo trình, bài giảng và việc giảng dạy được tiến hành ở rất nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước;
·        mức độ và phạm vi kiến thức phù hợp với từng đối tượng khác nhau;
·        khảo sát sách xã hội học thì chúng ta có thể dễ nhận ra những sách về đại cương chiếm một tỉ lệ lớn nhất, điều này cũng phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế nghiên cứu và giảng dạy ở nước ta trước đây và hiện nay;
·        chưa có sự thống nhất cao trong nội dung của các sách và giáo trình giảng dạy xã hội học đại cương hiên nay;
Qua đó cho thấy sự phát triển của xã hội học ở Việt Nam là một bước tiến với rất nhiều chặng đường khác nhau. Việc biện soạn và dịch thuật các tài liệu xã hội học đại cương phục vụ cho công tác giảng dạy cho thấy phần nào sự phát triển cả về sự phổ biến lẫn chiều sâu tri thức. Tuy nhiên để thấy được quá trình phát triển đó cần phải có những khảo sát trên nhiều khía cạnh như: các công trình thực nghiệm, đào tạo và nghiên cứu hay thậm chí là sự phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam. Đây là một nghiên cứu ban đầu của người viết về một vấn đề không mang tính lý thuyết, nhưng không hề thiếu ý nghĩa thực tiễn cũng như tính cần thiết.
 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Chung Á và Nguyễn Đình Tấn, (chủ biên) Nghiên cứu xã hội học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
2.     Leonard Broom và Philip Selznik, Xã hội học giảng luận và dẫn chứng, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam dịch, 1962.
3.     Mai Huy Bích,  Một xu hướng nghiên cứu và những khó khăn trong việc kết hợp nghiên cứu giảng dạy xã hội học, Tạp chí xã hội học, số 4-2001.
4.     PTS Lương Minh Cừ, Nguyễn Hữu Vượng, Bùi Bá Linh, Đề cương bài giảng xã hội học” (lưu hành nội bộ), Trường Đại học Kinh tế- ĐHQG TPHCM, 1999.
5.     Phạm Tất Dong, Nguyễn Sinh Huy và Đỗ Nguyên Phương, Xã hội học đại cương, Nxb giáo dục Hà Nội, 1995.
6.     Phạm Tất Dong,  Lê Ngọc Hùng (đồng chủ biên),  Xã hội học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 1997.
7.     Trần Duy, Suy nghĩ về nghệ thuật, kèm theo một chùm truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn-Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đồng Tây, Hà Nội, 2008.
8.     Vũ Quang Hà, Nguyễn Thị Hồng Xoan,  Xã hội học đại cương, (2 tập), Nxb Đại học Quốc Gia, Hà Nội, 2003.
9.     Vũ Quang Hà,  Xã hội học đại cương , Nxb Thống kê Hà Nội, 2002.
10. Nguyễn Minh Hòa, Xã hội học: những vấn đề cơ bản”, Nxb Giáo dục, năm 1999.
11. Nguyễn Minh Hòa,  Xã hội học đại cương, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1992.
12. J. H.Fchter, Xã hội học, Hiện đại thư xã Sài Gòn, 1973 (Trần Văn Đính dịch).
13.  Nguyễn Văn Lê, Nhập môn xã hội học đề cương bài giảng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
14. Trần Hữu Quang, Nhập môn xã hội,  Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1993.
15. Vũ Minh Tâm (chủ biên), Nguyễn Sinh Huy, Trần Thị Ngọc Anh, Nhập môn xã hội học, Nxb Giáo dục, 1998.
16. Tạ Minh, Giáo trình xã hội học đại cương, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
17. Ngọ Văn Nhân (chủ biên), Tập bài giảng xã hội học”, Nxb Công an nhân dân,  2008.
18. Nguyên Xuân Nghĩa, Xã hội học: khái niệm, khuynh hướng, vấn đề, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
19. J. Maccionis, Xã hội học,  Nxb Thống kê, 2004 (Trần Nhựt Tân dịch).
20. R. Schaefer, Xã hội học, Nxb Thống kê, 2005 (Huỳnh Văn Thanh dịch).
21. Nhiều tác giả, Những bài giảng về xã hội, Nxb Thống Kê, 2006 (Nguyễn Kiên Trường dịch).
22. Lương Văn Úc (chủ biên), Giáo trình xã hội học, Nxb đại học Kinh tế quốc dân, 2009.
23. Hà Văn Tác (chủ biên), Nguyễn Ngọc Tường, Nguyễn Thị Đông, Xã hội học trong quản lý (lưu hành nội bộ), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
24. Vũ Phạm Nguyên Thanh, Tình hình giảng dạy xã hội học tại một số trường đại học ở miền Nam trước năm 1975, Tạp chí Xã hội học, số 2 năm 1983.
25. Như Thiết, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc xây dựng tập bài giảng xã hội học tại Việt Nam, Tạp chí xã hội học, Số 2-1989.
26. Nguyễn Văn Sanh (chủ biên) “Giáo trình đại cương về xã hội học”, Nxb Tài Chính, Hà Nội, 2008.
27. Trần Thị Kim Xuyến (chủ biên), Nguyễn Thị Hồng Xoan,  Nhập môn xã hội học, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
28. Trung tâm Từ điển học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1995.
29. Nhiều tác giả, Đề cương bài giảng xã hội học (lưu hành nội bộ), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
30. Tạp chí Xã hội học, số 1- 2001.


[6] http://thuykhue.free.fr/mucluc/hohuutuong.html
[7]Lúc này Ban Xã hội học cũ đã được đổi tên thành Viện Xã hội học theo Nghị định số 96/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ, ngày 9/9/1983
[8] Bộ Môn Xã hội học được thành lập từ năm 1976, đến năm 1991 Khoa xã hội học-Tâm lý học được thành lập. Năm 1998 Xã hội học chính thức trở thành Khoa độc lập trực thuộc trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
[9] Năm 1995 Bộ môn Xã hội học trực thuộc Khoa Triết; năm 1997 thành Bộ môn trực thuộc trường và đến năm 1998 Khoa Xã hội học chính thức thành lập.
[10] Ngoài hai tác giả còn có sự tham gia của các giáo sư, tiến sỹ khác như: Nguyễn Sinh Huy,  Tô Duy Hợp, Trịnh Duy Luân,  Nguyễn Chí Dũng, Lê Tiêu La, Lê Ngọc Văn, Phạm Huy Vân.

Ngô Văn Huấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.