18 tháng 9, 2011

Người ca sĩ trong xã hội hiện đại dưới góc nhìn xã hội học

                                                              Lê Thị Nương


Định nghĩa về ca sĩ được xem là người thực hiện, biểu diễn các bài hát bằng giọng ca của bản thân mình với nhiều thể loại nhạc: Pop, Rock, Jazz,... mà các cuốn từ điển cung cấp có vẻ như đã lỗi thời vào thời điểm hiện tại, bởi vì ngày nay những người hát hay chưa chắc đã là ca sĩ và ngược lại những người đã được phong cho cái danh hiệu là “ca sĩ” nhưng chưa chắc hát đã hay. Nhìn chung ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại tiêu chuẩn để trở thành một người ca sĩ còn chưa rõ ràng, vì vậy khái niệm “ca sĩ” được hiểu một cách tương đối đó là “người chuyên thể hiện các ca khúc”.
            Các ca sĩ  - chủ thể trong xã hội đã hình thành nên một nhóm có đặc điểm giống nhau đó là đem giọng hát của mình để phục vụ công chúng và được gọi là “giới nghệ sĩ”, đây cũng là một bộ phận, cấu trúc nằm trong hệ thống xã hội và có những chức năng riêng phù hợp với vai trò và địa vị đang đảm nhận, qua đó duy trì sự tồn tại của cấu trúc trong hệ thống xã hội.
            Durkhiem coi chức năng như là các nhu cầu chung của cơ thể xã hội và bất kỳ sự kiện xã hội nào cũng có những chức năng nhất định, tức là có sự đáp ứng nhu cầu nhất định của xã hội. Parson cũng coi chức năng là nhu cầu, là những yêu cầu, những đòi hỏi của hệ thống đối với từng bộ phận cấu thành của nó… chức năng còn được hiểu là quá trình hoạt động đáp ứng nhu cầu, tạo ra ích lợi, thỏa mãn yêu cầu của một chỉnh thể xã hội. Theo đó, thì chức năng của các ca sĩ là gì?
            Quy luật cung – cầu như là một quy luật tất yếu của loài người, thế nên có “cầu” thì sẽ có “cung”. Nhu cầu giải trí của con người kèm vào đó là thị hiếu âm nhạc ngày càng tăng, khi đó con người càng ngày càng muốn làm đa dạng các thể loại giải trí và âm nhạc như là một nhu cầu cần thiết của họ. Sự hình thành những ca sĩ để biểu diễn như là một quá trình hoạt động đáp ứng nhu cầu của khán - thính giả, tạo ra lợi ích đó là những sản phẩm về mặt tinh thần, nâng cao đời sống văn hóa của con người.
            Sigmud Freud đã viết: "Nghệ sĩ và người thường giống nhau ở chỗ cả hai cũng có ảo mộng. Nhưng nghệ sĩ khác người thường ở chỗ họ có năng lực thăng hoa để biến ảo mộng trở thành tác phẩm nghệ thuật”[1].
. Do đó ca sĩ, họ có chức năng đặc biệt mà theo Sigmud Freud nói đó là sử dụng “năng lực thăng hoa” của mình để biến những ảo mộng trở thành tác phẩm nghệ thuật và bấy giờ cái ảo mộng đó không còn là một cái gì đó xa xôi mà nó đã là một tác phẩm thực thụ có thể nhìn thấy được và đem phục vụ được cho công chúng đó là điểm khác nhau giữa nghệ sĩ với người thường.
            Sở dĩ các ca sĩ có thể tồn tại và duy trì sự tồn tại của mình trong hệ thống xã hội là nhờ sự đảm bảo về mặt chức năng, khi những cống hiến của họ về mặt nghệ thuật có giá trị đối với tất cả mọi người và được mọi người đón nhận.
            Các ca sĩ được đánh giá là những người “nghệ sĩ” thực thụ khi những hành động và hành vi về mặt nghệ thuật của họ không đi ngược lại với những chuẩn mực, giá trị và khuôn mẫu hành vi của một nền đạo đức dân tộc, một nền văn hóa hay một tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Người ta sẽ luôn tôn trọng những người nghệ sĩ và những tác phẩm của họ khi những tác phẩm đó được tạo ra là để phục vụ cho công chúng bằng một sự kính trọng, lòng chân thành, nhiệt tình và biết tôn trọng giá trị của nó chứ không phải là những sản phẩm dồn dập, không ra gì … chỉ chú ý đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng của nó, vì thế muốn trở thành một người nghệ sĩ thực thụ thì phải có sự đam mê về lĩnh vực của mình và thực hiện cái sự đam mê ấy bằng chính con tim chứ không phải bằng cái đầu.
            Ngày nay số lượng các ca sĩ mọc lên như “nấm mọc sau cơn mưa”, không thể biết hết và cũng không thể kiểm soát hết được, trong khi đó tiêu chuẩn và những tiêu chí đặt ra cho một ca sĩ thì lại không có, vì vậy mà con người cứ đua nhau đi làm ca sĩ, chính điều đó đã làm cho giá trị mà nó vốn có bị mất đi một cách có ý nghĩa. Cứ có tiền là có thể làm ca sĩ, không cần biết có tài năng thật  hay không? Nói một cách khách quan thì trong thị trường âm nhạc Việt Nam, những ca sĩ được đánh giá là có tài năng thật sự chỉ chiếm một phần nào đó còn đa số các ca sĩ trở nên nổi tiếng không nhờ vào tài năng mà bằng các vụ Scandal, chính điều này đã tạo nên “sự lệch chuẩn” trong làng giải trí âm nhạc Việt Nam.
            Merton, đưa ra định nghĩa về sự lệch chuẩn như sau:  sự lệch chuẩn là sự không phù hợp, sự “lệch pha” giữa mục tiêu văn hóa và phương tiện được thiết chế hóa. Do xác định sai mục tiêu văn hóa hoặc chọn sai phương tiện mà hành động bị coi là lệch chuẩn, là sai lệch thậm chí là tội phạm. Như vậy sự lệch chuẩn xã hội là do sự lệch lạc so với chuẩn mực xã hội trong việc lựa chọn một trong hai thành tố quan trọng nhất của cấu trúc hành động, đó là mục tiêu và phương tiện. Merton đưa ra bảng phân loại hành động để nhận diện các kiểu hành vi sai lệch xã hội. Merton phân biệt 5 kiểu hành động thích nghi với xã hội đó là: kiểu thỏa hiệp, kiểu đổi mới, kiểu nghi thức, kiểu thoái lui, kiểu nổi loạn. Các ca sĩ sử dụng Scandal để nổi tiếng là thuộc vào kiểu hành động thứ hai đó là “kiểu đổi mới”, đây là kiểu hành động nhằm mục tiêu đã được chấp nhận nhưng bằng những phương tiện và cách làm mới mà xã hội có thể chưa hoặc không chấp nhận, áp dụng để giải thích hiện tượng này như sau: các ca sĩ này có mục tiêu là tạo ra sự nổi tiếng của mình và phục vụ nhu cầu giải trí cho các khán giả thế nhưng phương tiện sử dụng để làm điều này lại không hợp lý ở chỗ đó là: không sử dụng tài năng nghệ thuật để khẳng định mình trên trường nghệ thuật mà lại sử dụng các vụ Scandal để mọi người để ý đến mình. Hiện nay các “chiêu” mà ca sĩ sử dụng để làm nổi tiếng mình cũng rất nhiều như: sử dụng các vụ Scandal để làm mình nổi tiếng nhanh hơn, ăn mặc thiếu vải không phù hợp với bối cảnh, hát nhép, những ca khúc thảm họa hay các ca sĩ không qua đào tạo.
            Hiện nay cư dân mạng và dư luận xã hội cũng đang rất bức xúc và gây xôn xao đó là việc các ca sĩ thể hiện các ca khúc mà được mọi người gán cho cái tên “thảm họa VPOP”, việc này không chỉ gây xôn xao trong nước mà còn lan rộng ra các nước bên ngoài nhưng không hiểu sao các ca sĩ này có thể ung dung mà tồn tại, thảm họa VPOP đã gắn liền với các tên quen thuộc như Phi Thanh Vân, Phương My, HKT, Vĩnh Thuyên Kim… Giải thích cho vấn đề này giới chuyên môn nhận định, sở dĩ tồn tại nhiều ca khúc kém chất lượng trên thị trường là do xu hướng người nghe tò mò, thích cái lạ, cái mới. Điều đó thúc đẩy một số nhạc sĩ chạy theo thị hiếu, tạo ra những ca khúc nhạt nhẽo, kém chất lượng. Thật sự các nghệ sĩ bây giờ dùng đủ mọi chiêu để được chú ý, ngay cả việc tung ra những ca khúc thảm họa này dường như là một chiêu PR câu khách, lăng xê, nhưng những "ngôi sao" này nếu thật sự có tài năng, lòng trân trọng nghệ thuật hay không quá bức thiết về chuyện bán mua hình ảnh bản thân hay tác phẩm, ắt họ đã không làm như vậy. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số nghệ sĩ khác để nổi tiếng thì họ dựa vào những “vũ khí PR” riêng của họ: hình ảnh thẩm mỹ, thực tài và sự sáng tạo linh hoạt trong hình thức thể hiện.  Nhưng cũng dưới cái nhìn của tôi, tôi cho rằng họ không phải là nghệ sĩ, tức là họ không có cái gọi là “năng lực thăng hoa”. Tất nhiên, thứ họ tạo ra không thể gọi là tác phẩm nghệ thuật được. Theo quy luật thông thường, chúng chỉ là những sản phẩm được tạm xếp vào ngăn "văn hóa" mà việc người tiêu dùng có chấp nhận hay không lại là chuyện khác.
            Một chiêu khá phổ biến mà các ca sĩ sử dụng đó là “hát nhép” (hay nói cách khác là dùng giọng hát thu trong băng đĩa thay cho giọng hát thật), như ca sĩ Hiền Thục, Quỳnh Nga, Thu Thủy…chiêu này hình như rất thịnh hành khi được đa số các ca sĩ sử dụng một cách tràn lan, biện minh cho việc hát nhép này là có rất nhiều lý do, nguyên nhân như do kỹ thuật tại sân khấu không được tốt, âm thanh dở, bị đau ốm, sợ cúp điện… nhưng xét về khía cạnh khách quan đều này hoàn toàn không hợp lý và thật bất công khi “các ca sĩ dùng giọng thật của mình để hát thì bị chê là “dở” còn các ca sĩ chuyên sử dụng cách hát nhép thì được khen là hay”. Trong thực tế thì việc cấm hát nhép đã được Bộ văn hóa thể thao du lịch ra Nghị định từ ngày 1/1/2010, tuy nhiên sau hơn một năm nghị định được thi hành, việc hát nhép vẫn còn tồn tại hàng giờ, hàng ngày và gây nhức nhối, khó chịu cho khán giả yêu nhạc.Theo điều 33, khoản 2, điểm C nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin thì sẽ áp dụng mức phạt là từ 2 đến 5 triệu đồng đối với những trường hợp dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng của người biểu diễn thế nhưng hiện nay việc áp dụng luật này đối với các ca sĩ vẫn chưa thấy thực hiện, cứ như vậy thì tình trạng này sẽ ngày càng lây lan, dẫn đến các ca sĩ ở thế hệ sau sẽ lười học, biếng tập. Xét ở góc độ ca sĩ, việc hát nhép hay nói cách khác là việc biểu diễn một cách giả dối khiến họ được lợi đủ đường: không phải tốn sức, không phải nỗ lực hát hay hơn., chỉ có tiền catsê ngày càng cao là hấp dẫn đối với họ, ngoài ra họ không quan tâm đến suy nghĩ của người nghe, lòng tự trọng nghề nghiệp và sĩ diện của chính mình. Chỉ khán giả là người chịu thiệt thòi vì họ phải tiếp nhận những sản phẩm văn hóa được trình diễn bằng một hình thức thiếu văn hóa. Bởi vậy, đã đến lúc phải có những quy định bổ sung về việc xử phạt một cách rõ ràng, thậm chí còn có thể có quy định về việc "cấm hát" giống như quy định “cấm tham gia trận đấu tiếp theo đối với cầu thủ bị phạt thẻ đỏ trong bóng đá” thì may ra mới có hiệu quả.
            Một số ca sĩ ăn mặc hở hang, gần như là không mặc gì đã rất gây phản cảm đối với khán giả, cách ăn mặc đó không hề phù hợp với “thuần phong mỹ tục” và trong bối cảnh của người phương Đông nói chung trong đó người Việt Nam nói riêng, đặc biệt gần đây có cô ca sĩ Minh Hằng trong “đêm mỹ nhân” ở Quảng Bình đã bị các khán giả phản ánh rất nhiều và vô cùng bức xúc trước bộ trang phục bị cho là “phản cảm” của cô, đáng nói hơn nữa đây là một đêm tổ chức từ thiện, các khán giả đã bị sốc trước sự táo bạo của cô ca sĩ trẻ này. Hành vi ăn mặc của cô đã vi phạm vào điểm C khoản 1 điều 16 của Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Ngày 9/9 Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã có quyết định xử phạt hành chính đối với đơn vị tổ chức Đêm mỹ nhân - công ty Thương mại và Dịch vụ quảng cáo quốc tế JITA vì đã vi phạm nội dung cấp phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang với mức phạt 3,5 triệu đồng, tuy nhiên về phía ca sĩ Minh Hằng thì không có một biên bản xử phạt nào. Qua đó cho thấy sự thờ ơ đối với các quy định xử phạt đã khiến các ca sĩ lạm dụng và ung dung biểu diễn với một thái độ không tôn trọng đối với những người hâm mộ âm nhạc.
            Durkheim cho rằng sự trừng phạt không chỉ có chức năng đòi đền bù hay trả thù đối với những thiệt hại do tội phạm gây ra mà còn có chức năng duy trì trạng thái đồng thuận, nhất trí cao của cộng đồng xã hội trước một sự kiện xã hội xảy ra[2]. Thế nhưng trong sự kiện xảy ra của cô ca sĩ này đã không có một hình phạt hay biện pháp xử lý nào cả, do vậy cô ca sĩ này liệu có tồn tại với chức năng của mình và đem lại sự đồng thuận trong xã hội hay không?
            Việc các ca sĩ hát mà không được qua đào tạo giờ đây đã trở nên phổ biến, thay vì khẳng định và đi lên bằng cách tham gia vào các chương trình như Việt Nam Idol, Sao mai điểm hẹn… thì các ca sĩ này dùng tiền là yếu tố quyết định con đường âm nhạc của mình, các bạn thấy không? Giờ đây các bạn chỉ cần bật tivi lên là các bạn có thể nhận thấy một điều rằng: các ca sĩ nhiều như “rơm” có thể những người này chưa một lần nào được đào tạo từ các câu lạc bộ ra. Tôi khẳng định điều đó!
            Chắc hẳn ai cũng biết “nếu chúng ta nổi tiếng nhờ vào tài năng và năng lực của bản thân, bằng sự đam mê và cống hiến hết mình cho nó thì nó sẽ nẩy nở, phát triển và tồn tại một cách bền vững còn những người mà dùng cái đầu, sự lý trí quá lớn để tính toán, đem lại lợi ích tức thời cho mình mà không tính đến giá trị của sản phẩm mình tạo ra thì chắc chắn sự có mặt của họ trong làng giải trí sẽ chỉ có hạn mà thôi”.
            Dưới góc nhìn xã hội học thì việc các ca sĩ biểu hiện sự lệch chuẩn của mình là do bản thân họ không kiểm soát được hành vi của chính mình hoặc cũng có thể phương tiện mà họ sử dụng để thực hiện mục tiêu của mình không hợp lý, không được xã hội chấp nhận. Vì thế sự tồn tại của họ trong hệ thống xã hội cũng sẽ không được đảm bảo hay nói đúng hơn cấu trúc xã hội do chính họ làm chủ thể sẽ sớm bị phá vỡ
            Khi lý giải hành vi của ca sĩ dưới góc nhìn Xã hội học thì chính những bài hát, lối sống, cách ứng xử của các ca sĩ đối với nghệ thuật như vậy đã khiến cho các khán giả có cái nhìn phản cảm đối với giới “nghệ sĩ” ngày nay. Cũng thông qua đó một bộ phận giới trẻ trong xã hội đã học theo cái cách mà các ca sĩ vẫn thường làm, nói, biểu diễn trong sân khấu. Những hình ảnh không tốt đẹp đó đôi khi lại tác động khá mạnh mẽ đến lối sống của các cá nhân trong xã hội mà nhất là các em ở lứa tuổi mới lớn - lứa tuổi mà chưa hoàn thiện về mặt nhận thức, tâm-sinh lý của bản thân mình. Truyền thông cũng là một trong những môi trường xã hội hóa của cá nhân, do đó những gì mà truyền thông truyền tải thông tin, thông điệp sẽ góp phần định vị nhân cách, hành vi, hành động của mỗi chủ thể, đó là quá trình hình thành nhân cách của chủ thể qua quá trình xã hội hóa cá nhân. Khán giả “chụp lại” những hành vi của ca sĩ, “chụp” ở đây cũng có thể là tiếp nhận, học hỏi những hành vi hay, tiếp nhận những hình ảnh đẹp nhưng cũng có thể là phản đối những gì không tốt đẹp mà ca sĩ mang lại, ví dụ như phong cách ăn mặc của ca sĩ Minh Hằng trong đêm biểu diễn ở Quảng Bình khiến cho dư luận xôn xao, bàn tán, phản đối, từ đó các khán giả, những người trong xã hội sẽ chụp lại, lưu gữ lại hình ảnh của cô ca sĩ này nhưng không phải là một hình ảnh tốt, đây cũng là một trong những nguyên nhân sẽ làm cho các khán giả “định vị” nhân cách, lối sống của cô ca sĩ này. Mối quan hệ giữa ca sĩ với khán giả là mối quan hệ tương tác qua lại với tư cách ca sĩ là những người biểu diễn, truyền đạt những thông điệp qua các ca khúc còn khán giả là người cảm nhận các ca khúc đó, tuy nhiên mối quan hệ đó không làm cho các khán giả có một ý nghĩa với vai trò là người đóng góp ý kiến cho những bài hát mà mình đã thưởng thức bởi vì trừ những đêm biểu diễn Liveshow trực tiếp thì hầu hết sự tương tác của khán giả với các ca sĩ chỉ là hình thức gián tiếp thông qua phương tiện truyền thông như đài, tivi…vì vậy tạo ra kiểu tương tác thụ động không giống như kiểu tương tác thầy-trò trong hoạt động giáo dục (theo quan niệm mới) đó là trò có thể đóng góp, phản hồi ý kiến của mình đối với thầy một cách trực tiếp nhằm tạo ra kiểu tương tác tích cực, chủ động.
            Mối quan hệ giữa âm nhạc-ca sĩ-truyền thông. Mối quan hệ giữa ca sĩ với truyền thông là mối quan hệ “cộng sinh” với ý nghĩa cả hai tương tác lẫn nhau, đóng góp cho nhau để cả hai cùng có lợi. Lý giải cho sự “cộng sinh” này như sau: khi một ca sĩ muốn khán giả biết đến mình, tên tuổi của mình, tài năng của mình thì không ai hết truyền thông sẽ giúp họ làm được điều đó, bởi truyền thông là một phương tiện rất phổ biến, là nhịp cầu để nối kết các cá nhân với nhau, là một công cụ mà thông qua đó các nghệ sĩ có thể truyền tải những thông điệp của mình đến tất cả mọi người trong xã hội, đồng thời các ca sĩ cũng sẽ kiếm được khá nhiều tiền từ các chương trình mà mình biểu diễn, đó là những gì mà ca sĩ có được nhờ vào phương tiện truyền thông, tuy nhiên sự tác động trở lại làm truyền thông có lợi đó là các ca sĩ sẽ thu hút được khán giả và làm cho khán giả xem các chương trình mà truyền thông phát sóng. Đó chính là mối quan hệ cộng sinh giữa truyền thông và ca sĩ, còn mối quan hệ giữa truyền thông –ca sĩ – âm nhạc lại càng dễ hiểu hơn, đó là các ca sĩ thông qua truyền thông để biểu diễn tài năng âm nhạc, những bài hát, đem âm nhạc đến với khán giả của mình.

Tài liệu trích dẫn
.Lê Ngọc Hùng. Lịch sử và lý thuyết Xã hội học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.