1 tháng 3, 2012

Cách đặt câu hỏi nghiên cứu

Nguyễn Văn Tuấn 

http://images-vinabook.com/product/11/48390/_fill_300_48390.jpg 
Xin giới thiệu cuốn sách "Đi vào nghiên cứu khoa học" của tôi, mới xuất bản tháng 12/2011. Trong entry này, tôi trích một vài chương trong sách bàn về câu hỏi nghiên cứu. Đối với các bạn sinh viên mới bước vào nghiên cứu khoa học, điều khó nhất là tìm một câu hỏi nghiên cứu (research question). Từ câu hỏi nghiên cứu mới phát biểu giả thuyết và chọn mô hình cũng như phương pháp nghiên cứu thích hợp ...


Mỗi công trình nghiên cứu khoa học phải bắt đầu với một câu hỏi. Câu hỏi nghiên cứu – tiếng Anh gọi là Research Question. Câu hỏi nghiên cứu là một sự bất định về một vấn đề nào đó trong quần thể mà nhà khoa học muốn giải quyết, muốn tìm câu trả lời. Nhìn như thế để thấy có rất nhiều câu hỏi nghiên cứu trong thực tế. Ngay cả sau khi chúng ta trả lời xong một câu hỏi thì những câu hỏi kế tiếp sẽ được đặt ra. Chẳng hạn như nếu chúng ta đã trả lời câu hỏi như “có mối liên hệ nào giữa nồng độ estrogen và gãy xương ở nam giới hay không”, thì câu hỏi kế tiếp có thể là bổ sung estrogen cho những người thiếu estrogen có hiệu quả giảm nguy cơ gãy xương, liệu lượng bổ sung bao nhiêu là an toàn và thích hợp, thời gian bổ sung bao lâu, bổ sung estrogen có gây ra những tác hại nào cho đàn ông, v.v. Vấn đề không phải là thiếu những bất định trong thực tế (vì có rất nhiều vấn đề bất định chung quanh chúng ta); vấn đề là sự khó khăn trong việc hoán chuyển một câu hỏi nghiên cứu thành một công trình nghiên cứu có khả thi và hợp lí.
1. Nguồn gốc của câu hỏi nghiên cứu
Đối với một nhà khoa học có kinh nghiệm lâu năm, những câu hỏi nghiên cứu thường xuất phát từ những phát hiện và vấn đề mà họ đang theo đuổi. Nhưng câu hỏi nghiên cứu cũng có thể xuất phát từ các đồng nghiệp trong chuyên ngành. Nhưng một người mới vào nghiên cứu khoa học, thì chưa có những trải nghiệm đó, nên câu hỏi nghiên cứu thường đến từ ba nguồn chính: y văn, người thầy, kĩ thuật và công nghệ mới, và … tưởng tượng.
Thứ nhất là y văn. Vì tôi làm trong y khoa nên tôi nói đến “y văn”, nhưng các ngành khoa học khác thì đó chính là cái mà tiếng Anh gọi là literature. Cố nhiên, chữ literature ở đây không có nghĩa là văn học, mà là những bài báo khoa học trong chuyên ngành. Những bài báo này được công bố trên các tập san khoa học quốc tế có bình duyệt. Trước khi bắt tay làm nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần phải am hiểu lĩnh vực mà mình sắp làm. Do đó, việc làm quen với các dữ liệu và các công trình nghiên cứu trước trong ngành là cực kì quan trọng. Nên nhớ rằng đọc (vâng, đọc) là một yếu tố rất quan trọng trong việc hình hành văn hóa học thuật và là một kĩ năng không thể thiếu được của một học giả và nhà khoa học. Trong thời đại ngày nay, nhà khoa học có thể bắt đầu đọc những bài tổng quan (review), những công trình phân tích tổng hợp (meta-analysis) để có thể có những thông tin nhanh và khá toàn diện. Ở lab chúng tôi, các nghiên cứu sinh thường bắt đầu bằng những bài báo tổng quan và họ tự làm phân tích tổng hợp để làm quen với y văn một cách tương đối nhanh chóng.
Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy các tập san khoa học, không chỉ trong chuyên ngành của mình và còn chuyên ngành khác, là một nguồn ý tưởng rất phong phú và quan trọng. Một khám phá quan trọng trong ngành ung thư học có thể cho ra một ý tưởng và câu hỏi khoa học cho nghiên cứu về loãng xương. Một bài báo mới về tiểu đường có thể là tiền đề để đặt lại câu hỏi về bệnh tim mạch. Do đó, không chỉ đọc, mà còn đọc nhiều, đọc rộng các chuyên ngành liên quan, thậm chí các chuyên ngành chẳng liên quan, để có thể hình thành những câu hỏi nghiên cứu cho chính mình.
Ngoài y văn ra, các nguồn khác như báo cáo của các cơ quan và tổ chức quốc tế cũng có ích trong việc làm quen với lĩnh vực nghiên cứu. Các báo cáo của các nhóm như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), OECD, Ngân hàng Thế giới, và các nhóm phi chính phủ có liên quan đến nghiên cứu là những tài liệu cung cấp một “bức tranh” tổng quát cho lĩnh vực nhà nghiên cứu quan tâm.
Qua đọc y văn và làm quen với thông tin chuyên ngành, nhà nghiên cứu cũng có thể biết thêm những “diễn viên” quan trọng. Ai là những người đứng vào hạng “thinker” (nhà tư tưởng), ai là “opinion leader” (nhà khoa học có ảnh hưởng), hoặc ai là những “sao” trong chuyên ngành và hiện nay ai là người có những nghiên cứu tiền phong. Theo dõi y văn cũng cho phép nhà khoa học biết sự tiến hóa của chuyên ngành qua những thay đổi về định hướng và những nhà khoa học nổi tiếng gắn liền với những định hướng đó.
Qua y văn, nhà nghiên cứu còn có thể biết được những khác biệt về cách tiếp cận nghiên cứu trong quá khứ, và nhận ra lĩnh vực mà các đồng nghiệp trong ngành đang quan tâm hay theo đuổi. Nói cách khác, nhà khoa học phải biết đường đi trong chuyên ngành.
Vai trò người thầy cô. Nhưng dù đọc nhiều cỡ nào thì cũng không thay thế cho kinh nghiệm và phán xét cá nhân. “Cá nhân” ở đây là những người hướng dẫn nghiên cứu, thầy, cô, mà tiếng Anh gọi chung là mentor – người dìu dắt chúng ta trên con đường khoa học. Một người có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh là người đã có “tên tuổi” trong chuyên ngành, hiểu theo nghĩa đã được đồng nghiệp quốc tế trong chuyên ngành biết đến qua những công trình nghiên cứu có ảnh hưởng trên các tập san quốc tế, và có chương trình nghiên cứu riêng. Cần nói thêm rằng một người chưa có “tên tuổi” và chưa có chương trình nghiên cứu riêng, thì chưa đủ tư cách để hướng dẫn nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh sẽ có rất nhiều lợi thế khi làm việc hay học với những thầy cô có tên tuổi, vì qua đó, họ sẽ có nhiều ý tưởng, có cơ hội tiếp cận với những đồng nghiệp quốc tế, và có cơ sở vật chất để thực hiện những nghiên cứu có giá trị. Lợi thế học với những thầy cô có chương trình nghiên cứu riêng là nghiên cứu sinh có thể lấp vào một khoảng trống trong chương trình nghiên cứu của họ, và từ đó tương tác với các nghiên cứu sinh khác. Do đó, thầy cô là một nguồn ý tưởng quan trọng trong giai đoạn đi tìm ý tưởng nghiên cứu.
Nguồn thứ ba là những ý tưởng mới và kĩ thuật mới. Ngoài thầy cô và y văn, hội nghị cũng là một nguồn ý tưởng tốt. Nhà nghiên cứu cần phải đi dự những hội nghị cấp quốc tế và quốc gia để tìm hiểu và theo dõi các công trình nghiên cứu được trình bày trong các hội nghị. Cá nhân tôi thấy những thảo luận sau mỗi bài báo cáo cũng là một nguồn cảm hứng cho nhiều ý tưởng có ích và thú vị. Ngoài ra, gặp gỡ và trao đổi với tác giả báo cáo cũng nảy sinh ra ý tưởng hoặc một câu hỏi nghiên cứu mới. Sinh viên cần phải xóa bỏ mặc cảm thấp kém và tính mắc cở để mạnh dạn trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế, vì đó chính là cơ hội rất tốt để học hỏi từ họ và tìm ý tưởng cho chính mình.
Nhà khoa học lúc nào cũng hoài nghi. Tính hoài nghi là một “đức tính” rất tốt trong khoa học, bởi vì hoài nghi đặt câu hỏi cho bất cứ vấn đề kinh điển nào, và từ đó đi đến một câu hỏi mới. Không bao giờ chấp nhận một cách không suy nghĩ những diễn giải của người khác, những quan điểm của người khác, hoặc những quan điểm được xem là chính thống; lúc nào cũng đặt câu hỏi và hoài nghi. Chẳng hạn như có quan điểm nhiều người tán thành là truy tầm ung thư tiền liệt tuyến bằng xét nghiệm PSA sẽ giảm nguy cơ tử vong cho nam giới, nhưng cần phải đặt câu hỏi: có thật sự như thế không, bằng chứng có đáng tin cậy. Hay như trong quá khứ phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân với sỏi mật không triệu chứng vì có nhiều nghiên cứu cho thấy 50% những bệnh nhân như thế sẽ có những triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu khác khi duyệt qua các nghiên cứu này thì thấy rằng một số nghiên cứu có đối tượng là bệnh nhân sỏi mật có triệu chứng và những triệu chứng khác có lẽ không phải do sỏi mật gây ra. Sau khi dùng các tiêu chí chính xác hơn, một nghiên cứu khác cho thấy chỉ có 15% bệnh nhân sỏi mật không tri65u chứng bị đau mật trong 15 năm theo dõi.
Kĩ thuật mới là một nguồn quan trọng để hình thành ý tưởng nghiên cứu. Ứng dụng các công nghệ mới thường cung cấp cho chúng ta những kiến thức sâu hơn, những câu hỏi đặc sắc hơn về những vấn đề lâm sàng thông thường. Những tiến bộ mới về kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh, về sinh học phân tử, về phân tích gien đã cho ra đời hàng loạt nghiên cứu lâm sàng rất quan trọng trong quá khứ. Một vấn đề cũ có thể trở thành mới khi ứng dụng một công nghệ mới. Tương tự, một khái niệm mới hay một phát hiện mới trong một lĩnh vực khác có thể áp dụng cho lĩnh vực nhà nghiên cứu quan tâm có thể dẫn đến nhiều câu hỏi nghiên cứu quan trọng. Chẳng hạn như mật độ xương cao có thể là một marker phản ảnh nồng độ estrogen của nữ giới, và áp dụng khái niệm này vào các bệnh liên quan đến xương, chúng tôi đã chứng minh rằng phụ nữ có estrogen cao cũng là những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao. Do đó, kĩ thuật mới và khái niệm mới có thể là nguồn gốc cho những câu hỏi và ý tưởng nghiên cứu mới.
Cần tưởng tượng. Người nghệ sĩ hay mơ mộng, nhưng nhà khoa học cũng cần có mộng mơ. Einstein từng nói “nếu có logic bạn có thể đi từ A đến B; nhưng nếu có tưởng tượng, bạn có thể đi bất cứ nơi nào”. Tưởng tượng ở đây dĩ nhiên không có nghĩa là hoang tưởng, nhưng là đặt ra những câu hỏi sáng tạo mà người khác chưa suy nghĩ đến. Một đặc điểm của khoa học là sáng tạo, cho nên nhà khoa học cần có trí tưởng tượng phong phú.
Sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Để thuyết phục cơ quan tài trợ và các đồng nghiệp, nhà nghiên cứu cần phải tưởng tượng đến những câu trả lời mới cho những câu hỏi [có thể là] kinh điển. Nhà khoa học còn phải có đức tính kiên trì, sẵn sàng theo đuổi những ý tưởng mới cho đến khi cảm thấy thoải mái với những ý tưởng này. Một số ý tưởng mang tính sáng tạo nảy sinh trong những cuộc trao đổi thân mật với đồng nghiệp trên bàn tiệc hay bữa ăn trưa, nhưng cũng nảy sinh trong những cuộc đấu trí.
Tưởng tượng từ những quan sát cẩn thận. Quan sát một cách chi tiết trên bệnh nhân đã từng dẫn đến nhiều nghiên cứu mô tả và là nguồn của nhiều câu hỏi nghiên cứu. Giảng dạy cũng là một nguồn cảm hứng tuyệt vời; vì những ý tưởng nghiên cứu thường hiện ra trong lúc soạn thảo bài giảng hoặc trong lúc thảo luận với những sinh viên ham học và … ham hỏi. Cứ mỗi lần soạn bải giảng tôi thường ghi lại những khoảng trống tri thức trên giấy nháp để sau này xem lại, và đó cũng là nguồn ý tưởng để thảo luận trong các buổi hội thảo sau.
http://nobita.vn/images/product/9823di-vao-nghien-cuu-khoa-hoc.jpg
PS. Mới đọc một bài rất hay về ý tưởng nghiên cứu khoa học. Xin tóm lược vài ý chính như sau:
1. Ý tưởng đến từ đâu? Có thể xuất hiện rất tình cờ, như
  • Trong khi đi bộ, tập thể dục;
  • Lái xe;
  • Ngủ hay sắp ngủ;
  • Trong lúc … tắm;
  • Đang nghỉ hè;
  • Khi đang làm một việc gì khác.
2. Làm cách nào để ghi chép ý tưởng? Cách hay nhất là (theo mô tả của bài này và tôi liên tưởng) làm như bác Nguyễn Hiến Lê làm:
  • Ghi chép vào sổ tay, nghĩ ra là ghi xuống liền;
  • Sắp xếp theo thể loại, ghi chú chỗ nào cần thêm tài liệu
  • Ghi chép ngay bên lề bài báo khoa học mình đang đọc;
  • Ghi trên bảng trong office;
  • Tự nhắn tin qua phone;
  • Dùng iPad hay công cụ tương tự.
Theo: http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1438-cach-dat-cau-hoi-nghien-cuu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.