24 tháng 3, 2012

Một vài đóng góp của Các Mác đối với sự ra đời và phát triển của xã hội học

 
Nguyễn Thanh Bình - Khoa Giáo dục Chính trị - ĐHSPHN

Mác, Comte, Durkheim, Weber, Spencer được coi là những người sáng lập ra ngành xã hội học. Cống hiến to lớn của Mác đối với sự phát triển xã hội học là lý luận về tha hóa; lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp xã hội; lý luận về hình thái kinh tế xã hội.

Mác, Comte, Durkheim, Weber, Spencer được coi là những người sáng lập ra ngành xã hội học. Cống hiến to lớn của Mác đối với sự phát triển xã hội học là lý luận về tha hóa; lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp xã hội; lý luận về hình thái kinh tế xã hội.
Mác không phải là người đầu tiên nêu lên khái niệm "tha hóa". Ngay từ thế kỷ XVIII, Rousseau đã dùng khái niệm này trong lĩnh vực chính trị. Hegel nói đến sự "tha hóa của tinh thần"; Feueurbach giải thích duy vật về sự "tha hóa tôn giáo". Nhưng Mác là người đầu tiên đưa khái niệm tha hóa vào các quan hệ xã hội, trước hết là trong mối quan hệ của con người với các điều kiện lao động. Theo ông, lao động là sức mạnh bản chất của con người và nó là một quá trình kép: thứ nhất, nó thỏa mãn các nhu cầu vật chất; và thứ hai nó bộc lộ năng lực sáng tạo của con người. Tuy nhiên khi phân tích xã hội có giai cấp, Mác vạch ra rằng chế độ bóc lột và sự tha hóa vốn có của phân công lao động trong các xã hội đó không cho phép con người tự do biểu hiện các năng lực người của mình.
Phân tích của Mác gợi ra ý tưởng xã hội học: cần vạch ra những cơ chế, điều kiện xã hội cản trở hay thúc đẩy phát triển những năng lực phẩm chất của con người trong quá trình lao động xã hội.
Trong xã hội tư bản, người vô sản bị tước đoạt mất những thành quả lao động của họ, vì vậy lao động biến thành một đối tượng xa lạ tồn tại bên ngoài con người. Do sản phẩm lao động bị tha hóa khỏi lao động, nên ngay cả hành vi lao động sản xuất của con người cũng bị tha hóa bởi bản thân họ. Con người vô sản bị tha hóa tức là con người bị đánh mất bản thân mình. Nguồn gốc của sự tha hóa chính là ở chế độ sở hữu tư nhân, ở sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Vì vậy muốn xóa bỏ, khắc phục sự tha hóa tất yếu phải xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa cộng sản thủ tiêu sự tha hóa của con người, thực hiện sự "chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người" (Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844). Mác đặt vấn đề nhân đạo hóa các quan hệ xã hội và khẳng định chủ nghĩa cộng sản chính là "chủ nghĩa nhân đạo hiện thực".
Từ phân tích của Mác có thể rút ra hai ý tưởng quan trọng đối với xã hội học: (1) là: Về mặt thực tiễn, cần xóa bỏ và thay thế chế độ sở hữu tư nhân bằng chế độ sở hữu xã hội để xây dựng xã hội công bằng và văn minh. (2) là: Về mặt lý luận, nghiên cứu xã hội học cần tập trung phân tích cơ cấu xã hội để chỉ ra ai là người có lợi, ai là người bị thiệt từ cách tổ chức xã hội và cơ cấu xã hội hiện có. Nói cách khác bất bình đẳng xã hội phải là một chủ đề nghiên cứu cơ bản của xã hội học.
Khái niệm trung tâm của xã hội học mácxít là khái niệm giai cấp xã hội.
Trong lịch sử xã hội học, chủ nghĩa Mác lần đầu tiên đã xác định khái niệm giai cấp một cách chặt chẽ về lý luận. Mác đã miêu tả mối tương quan giữa luận điểm của mình với luận điểm của các tiền bối của thuyết giai cấp như sau: "Tôi không có công tìm ra sự tồn tại của giai cấp trong xã hội hiện đại cũng như cuộc đấu tranh giữa các giai cấp đó. Những nhà viết sử tư sản đã mô tả sự phát triển lịch sử của đấu tranh giai cấp và các nhà kinh tế tư sản đã mô tả kết cấu kinh tế từ trước tôi rất lâu. Cái mới mà tôi làm được là: 1. Chứng minh được rằng sự tồn tại của giai cấp chỉ gắn liền với giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất; 2. Rằng đấu tranh giai cấp cần thiết tiến tới chuyên chính vô sản; 3. Rằng bản thân nền chuyên chính đó chỉ tạo nên bước quá độ tiến tới xóa bỏ tất cả các giai cấp và tiến tới một xã hội không có giai cấp".
Đối với Mác cả ba mệnh đề trên đều có liên quan ràng buộc lẫn nhau nhưng đối với chúng ta những người đọc Mác, và suy nghĩ về đóng góp của ông trong sự phát triển của xã hội học thì câu khẳng định: "Sự tồn tại của giai cấp chỉ gắn liền với giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất" là quan trọng và đáng lưu tâm nhất. Bởi vì đây chính là luận điểm trung tâm của ông về vấn đề vì sao các xã hội lại phát triển.
Đóng góp rất quan trọng của Mác đối với xã hội học là ở chỗ ông đã đưa ra được những chuẩn mực chủ yếu của sự phân chia giai cấp xã hội, đó là quan hệ đối với tư liệu sản xuất (có sở hữu về tư liệu sản xuất hay không) quan hệ đối với quá trình sản xuất (điều khiển trong quá trình đó hay bị điều khiển trong quá trình đó), cũng như quan hệ đối với kết quả sản xuất. Trong các tác phẩm có tính chất xã hội học rõ rệt nhất như: Ngày 18 tháng sương mù của Louis Bonaparte hoặc Đấu tranh giai cấp ở Pháp, Mác đã thống kê một loạt các giai cấp và phân chia giai cấp trong xã hội tư sản: giai cấp tư sản công nghiệp, tư bản thương mại tiểu tư sản, nông dân, vô sản, vô sản lưu manh,... Có thể thấy đây là cả một môn "xã hội học về các giai cấp xã hội". Ngoài các mối quan hệ chủ yếu giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, Mác còn phân tích tỉ mỉ các mối liên hệ giữa các nhóm xã hội, các giai cấp trung gian, các quan hệ giai cấp và liên minh giai cấp, sự giác ngộ ý thức giai cấp, mối quan hệ giữa sự thống trị của giai cấp về vật chất so với sự thống trị về mặt tinh thần, đấu tranh giai cấp và cách mạng, nhà nước và chuyên chính giai cấp. Mác cũng dự kiến việc thủ tiêu những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, hình thành một xã hội không giai cấp: "Thay cho xã hội tư sản cũ với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản).
Đối với Mác, điều quan trọng không phải chỉ là giải thích xã hội, mà là biến đổi xã hội. Cái quý giá mà Mác đưa lại cho xã hội học thế kỷ XX chính là cái nhìn biện chứng về xã hội, là phương pháp biện chứng trong nghiên cứu xã hội. Theo Lênin: "Cái mà Mác và Ăngghen gọi là phương pháp biện chứng chẳng qua chỉ là phương pháp khoa học trong xã hội học, phương pháp coi xã hội là một cơ thể sống đang phát triển không ngừng". Đó cũng chính là lý do vì sao Mác có vị trí đặc biệt trong xã hội học.
Với học thuyết hình thái kinh tế xã hội, Mác đã chứng minh rằng lịch sử phát triển của xã hội trên toàn thế giới là lịch sử thay thế kế tiếp nhau của các hình thái kinh tế xã hội. Mác luận rằng lịch sử xã hội loài người trải qua 5 phương thức sản xuất tương ứng với 5 hình thái kinh tế xã hội và 5 thời đại lịch sử: Cộng sản nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản chủ nghĩa, và Cộng sản chủ nghĩa. Quan điểm của Mác mở ra bước ngoặt có tính chất cách mạng trong nhận thức của con người về phân chia các giai đoạn lịch sử trong xã hội.
Đã có những cách tiếp cận lý thuyết khác nhau trong việc mô tả, giải thích nguồn gốc, nguyên nhân và dự báo khoa học về xu hướng tất yếu của biến đổi xã hội.
Auguste Comte, nhà xã hội học người Pháp đã dựa vào trình độ phát triển của tri thức loài người để phân chia xã hội thành các giai đoạn phát triển khác nhau: giai đoạn thần học, giai đoạn siêu hình, giai đoạn thực chứng. Theo ông, sự phát triển xã hội qua 3 giai trên diễn ra theo phương thức tiến hóa dần dần không phải bằng con đường đấu tranh xã hội với các bước nhảy vọt. Mọi giải quyết về sự biến đổi đều được thực hiện bằng khoa học trí tuệ. Như vậy, Comte cho rằng trí tuệ, hệ thống văn hóa đạo đức quy định sự phát triển của hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội. Quan niệm như vậy của Comte bị phê phán là duy tâm khi giải thích sự biến đổi và phát triển của xã hội.
Emile Durkheim phân chia lịch sử xã hội thành 2 loại: xã hội truyền thống và xã hội hiện đại tương ứng với nó là 2 hình thức đoàn kết: đoàn kết cơ giới và đoàn kết hữu cơ.
Đoàn kết cơ giới là kiểu đoàn kết xã hội dựa trên sự thuần nhất đơn điệu của hệ thống giá trị và niềm tin.
Đoàn kết hữu cơ là kiểu đoàn kết xã hội dựa trên sự phong phú đa dạng của các mối liên hệ, tương tác giữa các cá nhân và các bộ phận cấu thành nên xã hội.
Theo ông, xã hội truyền thống chủ yếu dựa vào đoàn kết cơ học, còn xã hội hiện đại tồn tại và phát triển trên cơ sở đoàn kết hữu cơ. Sự biến đổi từ xã hội này sang xã hội khác bắt nguồn từ những thay đổi có tính quy luật thể hiện qua các sự kiện xã hội vật chất và phi vật chất.
Các quan niệm, hướng tiếp cận trên đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Do đó cần có quan niệm đúng đắn và đầy đủ về nguồn gốc, nguyên nhân và xu hướng của biến đổi xã hội. Học thuyết hình thái kinh tế xã hội của Mác mang tính khoa học, toàn diện và đầy đủ nhất về vấn đề trên. Chủ nghĩa Mác cho rằng quy luật cơ bản nhất của biến đổi xã hội là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Sự thống nhất, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất làm nên phương thức sản xuất.
Quy luật phát triển lịch sử mà Mác chỉ ra có tầm quan trọng to lớn đối với xã hội học hiện đại. Trong các nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam, xã hội học Mác được coi là cơ sở lý luận và phương pháp luận để phát triển ngành xã hội học mácxít.
Với những đóng góp to lớn như vậy, chúng ta có thể thấy được công lao to lớn của Mác đối với bộ môn khoa học - Xã hội học.

(Bài trình bày tại Hội thảo khoa học Kỷ niệm lần thứ 185 năm ngày sinh Các Mác, Trường ĐHSPHN - 2003)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.