27 tháng 6, 2011

GIA ĐÌNH VIỆT NAM-TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Gia đình Việt Nam hiện nay - Từ góc nhìn văn hóa

Nguyễn Lê Hiểu Mai


Gia đình là một cộng đồng khá đặc thù có thiết chế, chuẩn mực mà các thành viên của nó gắn bó với nhau chủ yếu trong sự đảm bảo của các quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và nhiều khi ở một danh nghĩa đặc biệt nào đó (trường hợp con nuôi, cháu nuôi…), bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của mỗi thành viên và cả cộng đồng và đáp ứng yêu cầu tái sản xuất con người, với các chức năng cơ bản: chức năng sinh sản, chức năng kinh tế, chức năng giáo dục, chức năng tâm lí, tình cảm, chức năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Về các quan hệ, gia đình có nhiều mối quan hệ phản ánh những quan hệ của xã hội mà kiểu gia đình đó tồn tại, như quan hệ huyết thống và phi huyết thống, quan hệ văn hóa, quan hệ kinh tế, quan hệ giáo dục, quan hệ tổ chức…
Có nhiều ý kiến cho rằng khái niệm gia đình chủ yếu quan trọng đối với phương đông nói chung và Việt Nam nói riêng, như thế có lẽ chưa được thỏa đáng lắm. Ở một số thời điểm, hoặc một phương diện nào đó, người phương Tây cũng rất coi trọng gia đình, chẳng thế mà rất nhiều công trình triết học, trong đó có triết học Marx, đã từng bàn về gia đình với tư cách là một đối tượng nghiên cứu độc lập. Trong văn học, những bi kịch gia đình cũng đã được đề cập rất sớm trong văn học phương Tây như bi kịch Oe dipe, và cũng đã có nhiều tác phẩm viết về khát vọng hay nỗi đau gia đình, bi kịch gia đình như Eugénie Grandet của Honoré de Balzac, Không gia đìnhcủa Hector Malot… Có chăng, cái khác của phương Tây với phương đông, nhất là Việt Nam, là quan niệm về cấu trúc, ứng xử trong gia đình truyền thống mà thôi.
Việt Nam là một quốc gia khởi thủy từ văn minh, văn hóa lúa nước, trong truyền thống, gia đình luôn là hạt nhân cơ bản của đời sống, trước hết xuất phát từ nhu cầu tổ chức sản xuất. Sự phân công lao động trong gia đình truyền thống Việt Nam, với đặc thù của nền nông nghiệp lúa nước, là hết sức chặt chẽ và khoa học. Mỗi người được phân công một nhiệm vụ nào đó trong chuỗi sản xuất phù hợp với lứa tuổi, sức lực, điều kiện thời tiết… Ví dụ, đàn bà gặt, đàn ông bó và vận chuyển lúa, trẻ con trông em, chăn trâu đầu bờ trong lúc trâu chờ kéo xe (hoặc mò cua cá, cải thiện), người già trong nhà, bếp núc, phơi phóng… Có thể nói câu ca dao “trên đồng cạn, đưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” đã phản ánh khá chân thực và sinh động mô thức đời sống, sự phân công lao động trong gia đình Việt Nam. Ngay cả đến thời hiện đại, tổ chức lao động trong gia đình cũng vẫn theo mô thức này: “Hôm qua anh đến chơi nhà/ Thấy mẹ dệt vải, thấy cha đi bừa/ Thấy nàng mải miết xe tơ/ Thấy cháu i tờ ngồi học bi bô…”. Gia đình có vị trí trọng yếu trong tổ chức đời sống của người Việt, và đương nhiên nó trở thành một nét văn hóa, một phạm trù văn hóa của người Việt. Vậy nên yếu tố gia đình xuất hiện khá dày đặc trong lịch sử người Việt, thể hiện thành một chủ đề quan trọng trong các thành tựu văn hóa, văn học dân gian, đặc biệt trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, kiểu “công cha như núi Thái Sơn…”, “Anh em như thể tay chân”, “Nước mất nhà tan”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Đi làng bênh họ, đi họ bênh anh em” hoặc mô hình tứ đại đồng đường đã một thời là lí tưởng, ước mơ của nhiều người, và rất được tôn vinh …. Trong những khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa, có một điểm khá quan trọng là sự hình thành cộng đồng và thói quen ứng xử trong cộng đồng ấy. Suốt ngàn năm Bắc thuộc và cả về sau, nhà cầm quyền Trung Quốc, với tham vọng bá chủ của tư tưởng tự thị Đại Hán, luôn tìm cách xâm phạm bằng áp đặt hoặc cố gắng tạo ra những chồng lấn về lãnh thổ, văn hóa, kinh tế để thực hiện ý đồ phá hoại hoặc đồng hóa lâu dài, người Việt luôn luôn tìm cách chống lại những nỗ lực đồng hóa ấy. Trong lúc tiếp thu những điểm khả thủ của văn hóa Trung Hoa, người Việt luôn luôn có ý thức bài trừ, tẩy chay những điểm không phù hợp hoặc chống lại truyền thống dân tộc. It nhất người Việt cũng tạo được một quân bình nào đó để bảo vệ truyền thống, và ở đây, vai trò của gia đình cũng được thể hiện. Câu ca dao “mồng một tết cha/ mồng hai tết mẹ/ mồng ba tết thầy” có thể coi là phản ứng bảo vệ giá trị gia đình trước trật tự “quân - sư - phụ” của Nho giáo, mặc dù đạo lí tôn sư trọng đạo vẫn được người Việt thể hiện theo cách của mình: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; “không thầy đố mày làm nên”…
Vậy nhưng, từ góc nhìn văn hóa và cả trên thực tế, gia đình truyền thống Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rạn vỡ, trên cả thực tế của thiết chế này và trong cả chiều sâu của quan niệm, của triết lí về gia đình, văn hóa gia đình (mặc dù hàng năm chúng ta vẫn cấp không biết cơ man nào là danh hiệu gia đình văn hóa, mà thực tình, đây là một khái niệm khá tù mù). Thực ra điều mà chúng tôi đang nhắc đến đây cũng chẳng mới mẻ gì. Ngay từ tiền bán thế kỉ XX, những vấn đề của gia đình đã được nhắc đến trong bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội - các sáng tác văn học. Các tác phẩm thời kì này nhắc đến gia đình, hoặc cố gắng phá bỏ nó để đáp ứng nhu cầu hạnh phúc, cá nhân, quyền con người (trường hợp của nhóm Tự lực văn đoàn), hoặc dự báo những rạn vỡ đáng tiếc (trường hợp sáng tác của Trương Tửu, Vũ Trọng Phụng...). Từ sau cách mạng tháng Tám 1945 đến thời điểm thống nhất đất nước, vấn đề gia đình dường như tạm được quên đi, để tập trung cho những tính toán, những lo toan khác. Nhưng ngay từ những thập niên tám mươi của thế kỉ trước, đề tài này đã trở lại một cách khắc khoải trong văn học vớiMùa lá rụng trong vườn  Đám cưới không có giấy giá thúcủa Ma Văn Kháng, Thời xa vắngcủa Lê Lựu,Tướng về hưu, Không có vua…của Nguyễn Huy Thiệp, và ngày càng được nhắc nhiều hơn trong văn học, trong các công trình nghiên cứu văn hóa, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các mạng xã hội… dưới dạng các bài viết phân tích, bình luận hoặc những thông tin phản ánh sự suy thoái, xuống cấp của quan hệ gia đình như con giết cha, anh giết em, vợ giết chồng, tranh chấp đất đai, tài sản, li hôn, bạo hành gia đình…
Cũng đã có nhiều ý kiến phân tích, luận giải những biểu hiện của thực trạng trên. Tuy nhiên, phân tích, luận giải một cách thực sự có ý nghĩa, trách nhiệm và toàn diện vấn đề này là không hề dễ do tính chất phức tạp nhiều khi đến bất thường, tréo ngoe của các quan hệ gia đình và xã hội, bản chất con người và sự bấp bênh của các giá trị trong những bước đi gập ghềnh, lo lắng của lịch sử. Người viết bài này chỉ dám đưa ra những nhận định chắc chắn còn nhiều thiếu sót, đầy chủ quan, cảm tính và nhiều khi còn cực đoan nữa.
Chúng ta đang sống trong một đời sống mà giá trị đồng tiền trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Một phần rất lớn các sự vụ được nhắc trên báo chí về các xung đột gia đình, có liên quan đến tiền bạc, lợi nhuận. Trong một bài viết gần đây chúng tôi có nói rằng tiền bạc, lợi nhuận chính là điểm yếu của đạo đức, khi đặt nó trong quan hệ gia đình Việt Nam hiện đại, đương đại, ta càng thấy điều đó được khẳng định rõ hơn. Quả thật rất ít người đủ can đảm từ chối những cám dỗ của lợi nhuận, tiền bạc để bảo vệ những giá trị truyền thống (điều này nhiều khi đúng với cả những người thực thi một chủ trương, một dự án, đề án trong lĩnh vực văn hóa về bảo tồn giá trị truyền thống). Khi quyền lực đồng tiền được đẩy lên tối thượng thì việc hướng đến những giá trị truyền thống, đến nguồn cội và gia đình đương nhiên đứng trước nguy cơ bị xem nhẹ, thậm chí bị phớt lờ. Cha con, anh em, vẫn có thể kiện nhau ra tòa, hoặc nói chuyện đến cùng bằng dao búa chỉ vì một miếng đất, một căn hộ. Điều đó thậm chí xảy ra ngay cả trong giới trí thức, những người hoạt động văn hóa. Bên cạnh những chia rẽ do tranh chấp ấy là sự phai nhạt tình cảm do bận bịu với những mong muốn được thoát nghèo hoặc làm giàu. Đã có những người bội phản chồng (vợ) chỉ nhằm bước một nấc cao hơn trên bậc thang danh vọng, địa vị hoặc đầy thêm các tài khoản trong nước ngoài nước. Những người này nếu không dẫn đến li hôn thì thường cũng sống trong bi kịch của sự thiếu hụt niềm tin. Ngoài ra cần phải kể đến một lực lượng vô cùng đông đảo những người sẵn sàng thoát li tổ ấm gia đình để đi tìm miền đất hứa, tuy nhiên hành động này chỉ thực hiện kèm theo sự hỗ trợ đắc lực của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhu cầu phân bố lao động và quá trình đô thị hóa, quá trình con người bị đẩy khỏi dung môi kinh tế truyền thống, đẩy khỏi quê hương bởi thực trạng ruộng đất dần bị thu hẹp vì nhiều lí do. Cách nay vài chục năm, ở quê tôi, mô hình sản xuất “trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” vẫn thể hiện một cách sinh động và ấm áp mỗi ngày; và vào ban đêm, dưới ánh đèn dầu (sau này có điện thắp sáng), các gia đình vẫn quây quần chăm lo cái “xưởng” sản xuất thủ công truyền thống (đan nón, rổ, rá, nong, nia, cót…) với các thành viên phụ trách từng khâu đoạn trong một mô hình phân công lao động khá chặt chẽ. Nhưng ngày nay, thanh niên, đàn ông, tóm lại là lực lượng lao động chính đã bỏ nhà bỏ quê với bao truyền thống tốt đẹp, đi đến vắng làng, dưới hình thức xuất khẩu lao động, hoặc mòn mỏi với công việc lấy mủ cao su, cuốc cỏ cà phê hay khắc khoải trong các xưởng may mặc, dày da xuất khẩu, có kẻ dăm bảy năm mới về nhà, và gia đình, quê hương đối với nhiều người chỉ còn là một vệt mờ trong kí ức, chỉ trở lại trong ba ngày tết xa xứ (trong số những người đi ra, đã có kẻ trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội, có kẻ bỏ mạng nơi đất khách quê người).
Quá trình đô thị hóa cũng góp phần quan trọng đẩy con người tồn tại trong cùng một gia đình ra xa nhau hơn. Nếu trước đây (và ngày nay còn phổ biến ở các vùng nông thôn), không gian sinh hoạt gia đình chủ yếu trải theo chiều rộng, trên một mặt bằng, mọi hoạt động diễn ra khá tập trung và dẫu có sự ngăn cách nào đấy cũng chỉ là tương đối trong một số thời điểm cụ thể của ngày, thì với quá trình đô thị hóa, với sự chật hẹp của đất đai, không gian sinh hoạt gia đình chuyển dần theo chiều cao của kết cấu nhà tầng hiện đại, trong đó chiếc cầu thang và những cánh cửa hẹp đã trở thành vật cản cơ bản hạn chế khả năng, cường độ, tần số giao tiếp, chia sẻ giữa các thành viên. Cùng với sự phát triển của kinh tế là chế độ sinh hoạt độc lập. Nhiều gia đình đô thị ngày nay có phòng riêng cho từng cá thể, nhất là những gia đình bậc trên về kinh tế và có chủ trương giáo dục ý thức tự lập, độc lập cho con cái. Có những trường hợp, ngay từ khi bước vào lớp đầu tiên của bậc tiểu học, bố mẹ đã cho “ra riêng” bất chấp việc các em có thể làm những việc không phù hợp với tâm lí lứa tuổi hay trái với thuần phong mĩ tục, bất chấp các em có thể gặp nguy hiểm trong trường hợp bất ngờ đau bệnh, tai nạn… Cũng trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, con người bắt đầu có những biểu hiện ứng xử phi truyền thống đối với gia đình bắt đầu từ ý thức về nguồn cội. Trong không gian sinh hoạt gia đình trải theo chiều rộng trước đây, với vị trí phổ biến của bàn thờ, các thành viên trong gia đình hàng ngày muốn hay không vẫn tiếp xúc, bằng hành động dọn dẹp, trang trí, hoặc có khi chỉ ngang qua (trong mấy bước chân từ nhà trên xuống nhà dưới) không gian thờ cúng, và mỗi lần như thế, một ý niệm về tổ tiên, về gia đình lại được nhắc nhở, một nếp nhăn về tổ tiên, về gia đình lại lưu lại trong tiềm thức. Trong kết cấu nhà tầng hiện nay, gian thờ thường đặt ở nơi cao nhất bằng một phòng biệt lập với các cánh cửa năm thì mười họa mới được mở nhân dịp lễ tết, dĩ nhiên con người (nhất là những người trẻ) sẽ dần trở nên xa lạ với không gian này - thứ không gian, với họ, không còn là thiêng nữa - để đến lúc họ sẽ mất hết hoàn toàn ý niệm về truyền thống tổ tiên, gia đình. Thêm một nguyên nhân khiến gia đình truyền thống Việt Nam với những giá trị tốt đẹp của nó bị mai một. Những điều vừa nói góp phần quan trọng giải thích vì sao sự bảo lưu truyền thống trong các gia đình ở đô thị thường thấp thua so với các gia đình ở nông thôn.
Một trong những điểm dễ thấy của xã hội hiện đại là mở ra nhiều kênh làm ăn kinh tế cho mọi cá thể. Nếu trước nay, mỗi cá nhân chỉ biết đến một số lượng ít ỏi công việc của mình theo sự phân công của Nhà nước, thì ngày nay, ngoài lĩnh vực công việc cụ thể của mình, người ta có điều kiện để tham gia các hoạt động làm ăn khác, và những áp lực công việc đương nhiên sẽ làm giảm đi một cách rất đáng kể về thời gian và tâm, lực của cá nhân dành cho gia đình. Ngoài ra, sự sản sinh nhiều trò vui chơi, giải trí, nhiều tụ điểm hưởng thụ cũng khiến người ta dần thờ ơ với gia đình hơn. Thay vì hết giờ làm việc, trở về chăm lo cho gia đình thì rất nhiều cả những người “xây nhà” và những người “xây tổ ấm” đều dành thời gian cho sân chơi thể thao hoặc tiệc tùng ở các quán nhậu. Và một số ngôi nhà được xây cất nhiều khi sang trọng, đẹp đẽ trở nên phí phạm vì nó chỉ còn giá trị như chỗ nghỉ trọ qua đêm. Những việc khác diễn ra trong không gian ấy họ không biết đến, và ở đó con cái có thể làm bất cứ việc gì. Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, bình đẳng giới - một trong những điểm ưu việt của xã hội hiện đại, trong đó có Việt Nam, đã cất nhắc không ít phụ nữ lên địa vị trọng yếu và giải phóng họ khỏi nhiều ràng buộc của truyền thống. Trong bộ phận “nữ lưu” ấy, có không ít người vì hăng say và bận bịu với các mối quan hệ công sở, đối tác, cũng thường xuyên vắng nhà bởi những chuyến du lịch, công cán dài ngày, hoặc đi sớm về muộn. Họ cũng dành thời gian, tâm huyết cho tiệc tùng, sân chơi thể thao, siêu thị, sàn nhảy… Trong trường hợp này, họ đã đẩy công việc “xây tổ ấm” vốn là thiên chức của họ theo quan niệm truyền thống, cho đàn ông, những kẻ chỉ làm công việc nặng về “cơ bắp” là “xây nhà”. Và gia đình ấy có thể sẽ được đảm bảo nếu các thành viên còn lại chưa đến nỗi bất hạnh có người đàn ông trách nhiệm, nhưng chắc chắn sẽ khó mà hoàn thiện một cách đúng nghĩa. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất cứ lúc nào thì vai trò người phụ nữ trong gia đình cũng hết sức quan trọng, nhất là việc nuôi dạy con cái, và họ cần đáp ứng được niềm tin và trách nhiệm mà truyền thống đã gửi gắm, trong những câu như: “Mồ côi cha ăn cơm với cá/ mồ côi mẹ lót lá mà nằm”, “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”… Xét đến cùng, trong quan hệ gia đình, nếu người lớn là người định hướng tổ chức các quan hệ hiện tại trong phạm vi tư tưởng của họ, thì những người quan trọng góp phần giữ lửa truyền thống chính là thế hệ kế tiếp - nhất là với thực trạng khá phổ biến là gia đình Việt Nam hiện tại đang nhìn thấy sự trỗi dậy và thống trị của gia đình hạt nhân. Và họ cần được giáo dục, định hướng ngay từ nhỏ, bởi các bậc phụ huynh.
Sự bất cập, mâu thuẫn trong ý thức hệ cũng là một trong những nguyên nhân đặt gia đình người Việt vào nguy cơ bị biến dạng, hoặc tan rã. Điểm phức tạp của xã hội Việt nam là trong chỉ một thế kỉ đã lần lượt chứng kiến và tiếp nhận nhiều hệ tư tưởng khác nhau: tư tưởng bản địa, tư tưởng Nho giáo (dẫu là cuối mùa), tư tưởng Tư sản phương Tây và tư tưởng vô sản. Không có một tư tưởng nào có thể tồn tại một cách độc tôn tự nhiên, phi cưỡng bức. Sự thật là như vậy. Sự thật là trong bấy nhiêu năm, khi ngấm ngầm, khi công khai, những cuộc tranh đấu giữa các tư tưởng khác nhau chưa bao giờ dứt, chính vì thế, việc tiếp nhận các tư tưởng dù là nội sinh hay ngoại nhập đối với người Việt đều diễn ra không trọn vẹn và thấu đáo: hoặc chưa tiếp thu được một cách sâu sắc, thấu đáo thì đã bị gián đoạn, hoặc tiếp thu một cách vội vàng, giáo điều theo kiểu lấy được, và trong hành trang tinh thần của người Việt, tư tưởng mà họ có là thứ ông chẵng bà chuộc, đầu ngô mình sở… Và lịch sử Việt Nam lại hết sức phức tạp (điều này quy định những đặc điểm vừa nêu của tư tưởng), cứ quãng một thế hệ lại xảy ra một khúc quanh, sự thống nhất tư tưởng, tâm lí, tình cảm không dễ có. Chính điều này làm nảy sinh cái gọi là khoảng cách thế hệ, ngoài xã hội đã vậy, trong gia đình cũng vậy. Những người còn mang ảnh hưởng trực tiếp của Nho giáo sẽ mâu thuẫn với những người ảnh hưởng tư tưởng phương Tây hồi đầu thế kỉ, tiếp đó là sự mâu thuẫn tư tưởng tư sản với tư tưởng vô sản, và ngày nay là khoảng cách giữa thế hệ từng sống trong chiến tranh và thế hệ hậu chiến, trước Đổi mới và Đổi mới. Với cách nghĩ khác nhau như vậy, không dễ gì đạt đến một thống nhất, đồng thuận về mặt tư tưởng. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến tổ chức gia đình. Con cái đi ngược lại mong muốn của các bậc làm cha làm mẹ là điều không hiếm gặp trong gia đình Việt Nam hiện đại… Nhất là trong giai đoạn này, khi mà những người trẻ và phụ nữ rất có ý thức về quyền dân chủ của họ - cũng là thứ dân chủ được tiếp nhận một cách vội vàng, vồ vập không có sự chuẩn bị bằng một quá trình lịch sử - tư tưởng, để trở thành một phản ứng cực đoan so với sự thiếu hụt dân chủ trong một giai đoạn nhất định. Thứ dân chủ ấy không có chiều sâu của những suy nghiệm triết học và triệt để thiếu chiều sâu nhân văn. Điều này khiến việc đấu tranh để đi đến hòa giải, thống nhất trong gia đình bị biến thành những cuộc cãi vã phi chuẩn mực và đạo đức, khiến hình ảnh gia đình trở nên méo mó so với truyền thống.
Có một điều khá bất nhẫn, nhưng không thể không nhắc đến, đấy là khả năng tồn tại của gia đình truyền thống trong tương quan với việc quản lí xã hội. Đã có một thời, do yêu cầu nhiệm vụ của các cuộc, các lĩnh vực cách mạng xã hội, do yêu cầu giải quyết những nhiệm vụ trước mắt, và do thứ tâm lí mà GS. Nguyễn Đình Chú, trong một bài viết trên một tạp chí khoa học xã hội và nhân văn gần đây, gọi là “tự cao vô sản”,  chúng ta đã nhân danh đấu tranh bài trừ những yếu tố lạc hậu, những tàn dư tinh thần của xã hội cũ mà vô tình tạo ra phong trào ứng xử thô bạo với truyền thống. Việc đốt phá đình chùa, miếu mạo, tàn dư của xã hội cũ xét đến cùng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí của con người trước những giá trị truyền thống, trong đó có những thức nhận hay ám ảnh đầy kì thị về gia đình, tổ tiên. Đừng tưởng tư tưởng phong kiến, với những điển phạm của nó, không góp phần giữ gìn truyền thống gia đình. Chúng ta có thể nhầm lẫn giữa nhà thờ với đền miếu, chúng ta có thể nhầm lẫn tín ngưỡng, văn hóa thờ phụng tổ tiên với hành động mê tín dị đoan. Có một thời người ta đã ngại thờ cúng, và điều đó xâm hại phần nào đến phong tục, lễ nghi đối với tổ tiên, với tiền nhân, và nó gián tiếp hoặc nhiều khi trực tiếp, là nguyên nhân khiến người ta đôi khi nhạt nhẽo với gia đình, nhất là trong tình trạng dân trí thấp.
Trở lên, chúng tôi có bàn đôi điều về gia đình Việt Nam hiện đại trong tương quan với truyền thống từ góc nhìn văn hóa. Chúng tôi không hề có ý định phủ nhận những giá trị đương đại - một nội dung quan trọng đảm bảo cho sự tồn tại của văn hóa nói riêng và xã hội nói chung, trong đó có gia đình. Nhưng có một thực tế là đời sống đương đại đang có nhiều tác động đến gia đình, khiến tổ chức này đang mất dần những yếu tố truyền thống vốn là cái lâu nay vẫn đảm bảo cho sự tồn tại của nó. Không ai có thể bằng một việc làm, một tiếng nói cụ thể để níu giữ hoặc loại bỏ một yếu tố thuộc về văn hóa, và câu chuyện về gia đình vẫn phải bàn dài dài. Nhưng điều cơ bản nhất, để đảm bảo những giá trị của gia đình, những khả năng của nó trong việc cố kết con người trong một tình cảm cao đẹp, theo chúng tôi là sự nhận thức một cách đầy đủ giá trị của nó theo tiêu chí nhân văn - yếu tố quan trọng nhất cho sự tồn tại của mọi giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.